Sửa đổi Hiến pháp và các luật định theo hướng bê-tông hóa quyền lực và nhằm vào những mục tiêu đảng phái và tập đoàn lợi ích được coi như một “thông lệ” từ 6 năm nay, khi Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) của Chủ tịch Orbán Viktor lên nắm quyền. Trong dịp này, ông Orbán đã
công khai nói ra dụng ý đó vào sáng 2-10, khi ông đi bỏ phiếu và cuộc trưng cầu mới bắt đầu được vài tiếng.
Sửa đổi Hiến pháp để đưa việc tiếp nhận người tỵ nạn vào thẩm quyền của Quốc hội Hungary cũng là mong muốn của đảng cực hữu JOBBIK, và điều này đã được họ đề xuất trước đây, nhưng chưa được FIDESZ ủng hộ. JOBBIK vừa tuyên bố sẽ đệ lại đề xuất này, sau khi Thủ tướng Orbán Viktor “
đã bại trận vì không chiến thắng được cái tôi” và phải từ chức, theo chỉ trích của đảng này.
Trong thực tế, liên minh cầm quyền cánh hữu ở Hungary đã nhiều lần sửa đổi luật để thắt chặt những quy định ngoại kiều, nhằm vào cái đích là người tỵ nạn. Giữa tháng 9 năm ngoái, luật mới rất hà khắc cho phép tuyên án tù và trục xuất những ai vượt hoặc làm hư hại hàng rào ngăn biên giới, thậm chí có thể gán tội danh “khủng bố” cho những đối tượng bị coi là “bất tuân” trước cảnh sát Hung.
Việc Hungary coi Serbia là “
quốc gia an toàn đối với người tỵ nạn” và căn cứ vào đó để có thể gửi trả lại bất cứ ai nhập cảnh Hung từ Serbia, cũng là một thủ thuật pháp lý mà hầu như không có ở bất cứ nước Châu Âu nào. Báo chí ngoại quốc đã không ít lần phê phán việc ra luật và áp dụng luật mang tính rất trấn áp ở Hung với người tỵ nạn Hồi giáo, cho dù nước này chỉ có chưa tới 0,1% người theo đạo Hồi.
Một ngày sau cuộc trưng cầu, chưa rõ Hiến pháp Hung sẽ được đề xuất và sửa đổi cụ thể như thế nào. Thủ tướng Orbán Viktor cho hay, “
kết quả tuyệt vời” của cuộc trưng cầu đặt vào tay chính phủ “
một vũ khí đủ mạnh ở Brussels”, để tranh đấu cho quyền tự quyết của dân Hung. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thực thi ý nguyện của cử tri, “
vì tương lai nước Hung và con cháu chúng ta”, theo lời người đứng đầu nội các Hung.