Nghe bản audio ở đây.
Phát biểu trước báo giới sau khi bỏ phiếu tại một trường tiểu học ở Quận 12, Budapest, ông nói: “
Chúng tôi tự hào vì Hungary là nước đầu tiên trưng cầu dân ý trong vấn đề này, và đáng tiếc là nước duy nhất”.
Thủ tướng Hung cũng tái xác nhận rằng nếu con số cử tri ủng hộ việc tiếp nhận người tỵ nạn nhiều hơn thì ông sẽ từ chức. Tuy nhiên, khả năng này hầu như là không có thể, theo các nhà bình luận.
Quan trọng hơn, theo chỉ trích của các đảng đối lập và nhiều tổ chức dân sự, là cuộc trưng cầu này được coi là nhằm vào một vấn đề không có thực, và hoàn toàn không có hậu quả pháp lý đối với Liên Âu.
Để trả lời câu hỏi này, ông Orbán nói rằng, chỉ cần những lá phiếu phản đối tỵ nạn chiếm đa số thì bất kể việc cuộc trưng cầu có hiệu lực hay không, nội các ông cũng sẽ suy nghĩ về hậu quả pháp lý của sự việc.
Ngay cả việc sửa đổi Hiến pháp cũng đã được nêu ra trong những ngày qua từ giới cầm quyền. Hiện tại, điều được công luận quan tâm nhất là
con số cử tri đi bỏ phiếu có vượt mức 50% hay không, để trưng cầu có hiệu lực.
Nhằm đạt được mục đích không giấu giếm là “dằn mặt Brussels”, chính quyền Hung từ nhiều tháng qua đã tiêu tốn chừng 15 tỷ Ft cho việc tổ chức trưng cầu dân ý, mà một phần không nhỏ được dùng cho chiến dịch tuyên truyền.
Trong đó, ngoài việc bài xích thậm tệ người tỵ nạn - mà họ gọi là “
nhập cư bất hợp pháp” -, chính quyền Hung còn “dọa” rằng những địa phương nào không cương quyết bài bác kế hoạch của EU, về sau sẽ phải nhận dân tỵ nạn.
Hoặc giả, nguồn trợ cấp cho người Tzigane sẽ bị cắt giảm hoặc bị bãi bỏ nếu Hung tiếp nhận dân tỵ nạn. Kết quả của sự tuyên truyền được coi là vô độ ấy là xã hội Hung bị chia rẽ, và tỷ lệ bài ngoại, bài tỵ nạn lên cao hơn bao giờ hết...
Update: Theo những số liệu được công bố, cho tới 17h30 chiều nay, chỉ có 39,88% cử tri đi bỏ phiếu, và số phiếu hợp lệ chắc chắn còn ít hơn. Gần như có thể khẳng định là cuộc trưng cầu dân ý sẽ vô hiệu lực, cho dù tỷ lệ phản đối tỵ nạn được dự đoán rất cao.
Các thăm dò cho thấy, tỷ lệ chung cuộc có thể chừng 45-46%, và đây là thất vọng lớn đối với đảng cầm quyền FIDESZ, tuy rằng bộ máy tuyên truyền của đảng này đã chuẩn bị cho tình huống này, và vẫn sẽ coi như đây là một thắng lợi.
Dầu sao đi nữa, Thủ tướng Orbán Viktor cũng sẽ phải nghĩ lại, xem trong thời gian tới, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử 2018, có nên đặt trọng tâm của đường lối chính trị vào việc bài xích người tỵ nạn hay không.
Nhất là khi cư dân thủ đô và các đô thị lớn có vẻ không “cắn câu” những thủ đoạn tuyên truyền của liên minh cầm quyền, như các số liệu của kỳ trưng cầu dân ý này cho thấy.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.