KÝ ỨC VÀ Ý NGHĨA NHÂN BẢN CỦA MỘT CUỘC CÁCH MẠNG

Thứ bảy - 22/10/2011 23:29

55 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cuộc cách mạng 1956 - được đánh giá như một trong những cuộc cách mạng anh dũng, lãng mạn và tinh khôi nhất của thế kỷ XX - vẫn rất sống động trong lòng người dân Hungary.


Ngọn lửa cách mạng được thắp lên vào tối 22-10-2011 tại Quảng trường Kossuth, nơi tại vị Nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: index.hu

Những hoạt động kỷ niệm trọng thể sự kiện 1956 đã diễn ra trước ngày 23-10 tại nhiều nơi trên toàn quốc. Ðáng để ý là những chương trình nhìn lại lịch sử, ôn lại những sự thật, những góc khuất chưa được biết đến của 1956, trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chẳng hạn, từ 19-10 đến 21-10-2011, Ðài Phát thanh Hungary - một trong những địa điểm quan trọng của biến cố 1956 - mời giới học sinh trung học đến Ðài tìm hiểu kho lưu trữ và những hồ sơ chưa được công bố về 1956, để thế hệ trẻ cảm nhận và sống qua được cảm giác bi tráng của cuộc cách mạng.

Bảo tàng Phát thanh và Truyền hình thì có triển lãm ảnh đặc biệt "14 ngày - 56 tấm ảnh", ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của 1956, đặc biệt là về những chàng trai nhiệt thành và tin tưởng vào chính nghĩa của mình, đã can trường tay không bảo vệ cuộc cách mạng trước tiếng gầm rú của chiến xa Liên Xô.

Những hoạt động này khiến ký ức 1956  mang ý nghĩa sâu xa trong lịch sử đất nước này và vẫn trở thành một phần của thực tại, khi Hungary đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, và chính trường thì tan nát bởi những đụng độ chính trị mang tính đảng phái.

Bởi lẽ, với Hungary, cách mạng 1956 khởi đầu cho phong trào phản kháng và đối lập dân chủ, âm ỉ trong vòng gần 3 thập niên, để thai nghén cho biến chuyển thay đổi thể chế năm 1989, hoàn toàn ôn hòa, không đổ máu và đầy tình nhân ái.

Một mốc lớn trong quá trình đó là vào đầu năm 1989, sau nhiều thập niên bị coi là "bạo loạn phản cách mạng", sự kiện 1956 đã được chính một bộ phận cải tổ trong Ðảng Cộng sản Hungary thừa nhận là "một cuộc khởi nghĩa nhân dân". Kể từ đó, chính thể cộng sản tại Hungary đã hoàn toàn đánh mất tính “hợp thức” và chỉ còn con đường duy nhất là phải sụp đổ.

Cũng cần nhắc đến một sự kiện mang tính biểu tượng: lễ tái mai táng thủ tướng Nagy Imre vào ngày 16-6-1989 tại Budapest với sự tham dự của hàng trăm ngàn người dân cùng đại diện tất cả các đảng phái, các tổ chức chính trị, xã hội, đã là bước quyết định để Hungary chuyển mình theo con đường dân chủ, trên tinh thần hóa giải mọi oan khiên, đặt quyền lợi đất nước và nhân dân làm trọng.

Giới nghiên cứu còn cho rằng, tính nhân bản của 1956 đã khiến Hungary có những đóng góp lớn cho sự thống nhất nước Ðức và mái nhà chung Châu Âu, khi nước này, vào mùa hạ 1989, đã dỡ bỏ Bức màn sắt ngăn cách Đông Tây và mở biên giới để người tị nạn Đông Đức tràn sang Phương Tây, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Không phải ngẫu nhiên mà nền Ðệ tam Cộng hòa Hungary đã lựa chọn ngày tuyên bố ra đời vào đúng 23-10-1989, kỷ niệm 33 năm ngày cách mạng 1956 bùng nổ. Hơn thế nữa, Quốc hội mới của Cộng hòa Hungary, trong phiên họp đầu tiên vào tháng 5-1990, đã phê chuẩn một đạo luật để vinh danh khởi nghĩa 1956 như “một cuộc cách mạng và cuộc đấu tranh đòi độc lập” của nhân dân Hungary.

Tuy nhiên, 1956 không chỉ dừng lại như một ký ức trong quá khứ. Tinh thần tự do và dân chủ của 1956 vẫn được diễn giải và vận dụng trong hiện tại, như nỗ lực tranh đấu của người dân, của các tổ chức dân sự trước sự độc đoán, lạm quyền của chính phủ và giới chính khách.

Vào dịp 23-10 năm nay, để thể hiện sự bất bình trước những quyết sách bị coi là phi dân chủ và độc tài của liên minh cầm quyền, các nhóm dân sự đang chuẩn bị cho một cuộc đại tuần hành và biểu tình được coi là lớn nhất trong hơn 20 năm qua và theo những người chủ trương, đó cũng là cách để nuôi dưỡng tinh thần yêu chuộng tự do của cách mạng 1956...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn