QUYỀN LỰC ĐỒNG TIỀN

Thứ năm - 17/12/2015 01:40

(NCTG) “Nếu anh Minh là một anh nông dân tham tiền quá nên làm chuyện phạm pháp, thì Tân Hiệp Phát là gì nếu không phải là một gã nhà giàu không biết liêm sỉ, may một chiếc áo giáp sắt bằng tiền bạc và mưu mô?”.

Con ruồi giá 500 triệu đồng, và bản án 18-20 năm tù đối với Võ Văn Minh? - Minh họa: “Pháp luật TP. HCM”

Con ruồi giá 500 triệu đồng, và bản án 18-20 năm tù đối với Võ Văn Minh? - Minh họa: “Pháp luật TP. HCM”

Trước khi Tập Cận Bình sang thăm Mỹ, ở Trung Quốc người ta truyền tai nhau như thế này: “Bill Gates là người giàu nhất và Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Obama rồi sẽ hết nhiệm kỳ và mất hết quyền lực nay mai, còn Gates vẫn giàu cứ giàu”.

Lối suy nghĩ này cùng với việc Tập Cận Bình lên lịch đi đến nơi sản xuất Boeing, rồi gặp những gã khổng lồ của ngành công nghệ Mỹ (Apple, Facebook, IBM, Uber…) trong Diễn đàn Công nghệ Seattle vừa mới đây, trước khi gặp người đứng đầu Nhà Trắng đã thay cho lời giải thích rằng Tập quá lép vế so với vị khách quan trọng nhất của Nhà Trắng gần như cùng thời điểm là Đức Giáo Hoàng, và nó cũng giữ thể diện cho họ Tập.

Ít hay nhiều, ảnh hưởng của đồng tiền trong cuộc ngoại giao và chính trị là có thật!

Bill Gates đã xây dựng một đế chế giúp con người bước vào kỷ nguyên điện toán, từ đó ông trở thành người giàu nhất thế giới. Thế nhưng sức ảnh hưởng của Bill Gates không phải ở đồng tiền, mà là giá trị. Ông mang đến bao điều tốt đẹp cho thế giới, và sau khi trở thành người giàu nhất thì ông không ngừng làm việc từ thiện, đi đến những nơi người ta cần đến ông như chất xúc tác để phát triển… Ai dám nói đồng tiền của Bill Gates là “tiền bẩn”?

Karim Metwaly - một diễn viên kiêm đạo diễn ở New York đang tạo sự chú ý gần đây với những clip ngắn phô bày thực tế trần trụi của cuộc sống - cách đây không lâu có post một clip liên quan đến tiền. Anh lên mạng và tạo mọi hình ảnh để vào vai một chàng trai giàu có với nhà cửa và xe hơi đắt tiền, sau đó anh làm quen, hẹn hò với một vài cô gái trẻ. Anh mời họ đi ăn nhà hàng, tất nhiên mọi cô gái đều đồng ý.

Đến ngày gặp mặt, trước khi đi ăn, anh thú nhận là anh không giàu và cũng không có nhà cửa, xe hơi. Gần như ngay lập tức, hai trong số ba cô gái mà anh hẹn gặp đã quay đi kèm theo một hồi sỉ vả trước khi nghe anh nói tiếp. May mắn, vẫn còn một cô gái “số ba” ngồi lại và tâm sự thẳng thắn và thực tế hơn. Karim lúc đó mới cho cô ấy biết là anh đang làm clip thực tế và “cám ơn cô đã chứng minh rằng không phải cô gái nào cũng là Gold digger (*)”.

Tiền bạc quan trọng, không ai phủ nhận được vai trò của nó trong cuộc sống. Ở một khía cạnh nào đó, nó quyết định số phận chúng ta.

Em Đỗ Đăng Dư nếu được sinh ra trong một gia đình khá giả hơn, có lẽ em không đến mức bị đưa vào trại giam rồi chết một cách tức tưởi. Cho dù em Dư hư thế nào chăng nữa, tôi nghĩ em Dư không đáng phải chết nếu như xung quanh em là những con người có lương tâm và trách nhiệm.

Hơn một năm nay ở Việt Nam, vụ án giữa công ty Tân Hiệp Phát và anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang đã tốn không ít giấy mực của báo giới. Cái lý mà bên Tân Hiệp Phát đưa ra là anh Minh đã tạo bằng chứng giả, bỏ con ruồi vào chai nước ngọt Number 1 để tống tiền họ. Ngày 17-12, phiên tòa xử anh Minh sẽ mở, anh Minh có thể đối mặt với bản án 18-20 năm tù. Với lứa tuổi của anh, chịu án hai chục năm là coi như hết cả cuộc đời.

Tôn trọng pháp luật, tôi không đồng tình với hành động của anh Minh và tôi luôn mong pháp luật thể hiện vai trò răn đe và giữ gìn công lý trong chuyện này.

Nhưng còn nhớ cách đây không lâu, nhà báo Hoàng Khương của báo “Tuổi Trẻ” đã ra tù trong vòng tay chúc mừng của gia đình và bè bạn. Những ai quan tâm đến vụ án này không thể nào quên lý do phóng viên Hoàng Khương rơi vào vòng lao lý. Về bản chất, vụ án Hoàng Khương không khác gì Tân Hiệp Phát.

Nhưng tại sao Hoàng Khương đi tạo hiện trường để viết báo phanh phui tiêu cực nên phải vào tù, trong khi đó, anh Minh tuy là người khởi nguồn nhưng Tân Hiệp Phát mới là đơn vị tạo hiện trường để gài bẫy người tiêu dùng lại là nguyên đơn? Nếu pháp luật công bằng, phải xét xử… cả hai.

Nếu anh Minh là một anh nông dân tham tiền quá nên làm chuyện phạm pháp, thì Tân Hiệp Phát là gì nếu không phải là một gã nhà giàu không biết liêm sỉ, may một chiếc áo giáp sắt bằng tiền bạc và mưu mô?

Tân Hiệp Phát suy cho cùng chỉ là một công ty ăn may và nổi lên vào đúng thời điểm. Hãy nhìn cách công ty này ứng xử với khách hàng để nói về năng lực của họ, để thấy rằng những gì họ sở hữu có thật sự xứng đáng hay không. Hãy nhìn hiện tượng truyền thông để hiểu sâu hơn vấn đề, các báo đài đang “đánh” Tân Hiệp Phát tơi tả, bỗng nhiên khựng lại như những chú nai vàng ngơ ngác đồng loạt tháo lui từ tháng ngày ấy.

Tiền bạc có thể mua được địa vị, quyền lực, thậm chí kể cả luật pháp, nhưng tôi tin “ông Trời có mắt!”. Hãy làm giàu bằng tài năng và đạo đức như Bill Gates để người đời tụng ca, trái lại, những tòa lâu đài được xây dựng bằng thủ đoạn và bất công sớm muộn rồi cũng sẽ sụp đổ trong bi kịch.

Anh Võ Văn Minh phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình theo luật định, đó là điều không thể chối cãi. Tôi chúc anh sau cơn hoạn nạn sẽ làm lại cuộc đời, dù gì trong mắt tôi, anh xứng đáng được tha thứ hơn bội kẻ đã tàn nhẫn bẫy lối anh vào vòng lao lý.

(*) Kiều nữ/kẻ đào mỏ.

Anh Thư, từ Melbourne (Úc)


 
 Từ khóa: Tân Hiệp Phát, con ruồi
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn