Mạng xã hội có những tác dụng rất kỳ cục. Nhớ năm 2007, tôi đang ở Hàn, một nữ sinh cũ chat trên yahoo kể chuyện em yêu một chàng đã hai năm, muốn cưới nhưng mẹ em đi xem bói, thầy này nghe nói rất thiêng khẳng định với mẹ em là em và bạn trai không hợp tuổi, trước sau cũng phải bỏ nhau.
Em phân vân quá, hỏi thì tôi bảo: “
Nếu em không thấy hợp thì thôi, còn nếu quyết lấy thì chỉ việc đi kiếm thầy bói khác về gặp mẹ là xong. Bỏ nhau dễ nhưng bỏ mà lương tâm yên ổn mới khó. Hôn nhân đầy bất trắc, chắc gì em lấy người khác đã vui, khi ấy nghĩ lại lại “giá mà” thì khổ lắm”. Em cân nhắc rồi thông báo là sẽ lấy chàng và mời tôi dự đám cưới. Nhưng tôi luôn lo sẽ có ngày bị trách thì nguy!
Chiều nay cafe với em và một cô bạn cùng lớp, em thông báo đã có hai con và đến giờ vẫn ở với nhau dù em đã thành chị của chàng vì chàng vẫn yêu vợ thương con nhưng chỉ là khi không bận với bạn bè. Em đã vài lần định chia tay nhưng vì chàng có vẻ có cố gắng nên vẫn cố duy trì. May em tháo vát, lại có việc tốt nên gia đình vẫn ổn.
Còn bạn em thì không may mắn như vậy, chồng đẹp trai, nói hay, tràn trề ý tưởng to nhớn nhưng chưa bao giờ thành hiện thực. Mải đuổi theo thành công chàng không có thì giờ để ý đến những thứ lặt vặt như nhà cửa, vợ con. Sau năm năm chịu đựng, em đành chia tay trong hoà thuận vì em bảo chàng cũng tràn trề thiện chí thôi. Do chưa thành công nên chàng vẫn nợ tiền nuôi con, thỉnh thoảng còn vay tiền vợ cũ để đầu tư vào dự án nào đấy với niềm tin khi thành công sẽ trợ giúp con cái nhiều hơn, chỉ có điều thời vận mãi chưa tới.
Thấy tôi có vẻ buồn, cả hai em đều an ủi là các em vẫn ổn và “
chuyện thế này là thường”. Các em vừa gặp lại bạn bè cũ trong Hội trường, rồi Hội lớp và thấy có rất nhiều bạn chung cảnh ngộ. Nhiều bạn còn kịp có gia đình mới nữa và khác với sự e ngại của thế hệ tôi, “tập hai” của các em khá hơn “tập một” nhiều.
Tôi nhớ lại tình trạng các bạn học cũ của mình và nhận ra rất nhiều bạn đã ly hôn. Thậm chí cả lớp đã từng vỗ tay hoan hô gia đình tôi khi tôi là người duy nhất dẫn cả chồng con đến tham dự liên hoan lớp. Mặc dù tâm lý truyền thống vẫn cho rằng ly hôn phụ nữ thiệt thòi hơn nhưng trong những người tôi biết, phụ nữ vẫn là người chủ động ly hôn nhiều hơn nam giới.
Tìm hiểu báo chí mới biết, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo các số liệu thống kê, những năm gần trở lại đây, số lượng và tỷ lệ ly hôn tại nước ta có dấu hiệu tăng đáng kể. Thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ.
Bên cạnh đó, theo
số liệu của ngành tòa án TP. HCM, hiện có khoảng 40% các cuộc kết hôn kết thúc bằng ly hôn (tăng gấp đôi so với năm 1998). Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn, chỉ 8 năm.
Theo ngành tòa án, nguyên nhân chính gây ra những cuộc ly hôn là do không hợp nhau về lối sống, ngoại tình, kinh tế và bạo lực gia đình. Theo thống kê, 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam có yếu tố bạo lực gia đình và trung bình, cứ ba vụ ly hôn thì có một vụ do nguyên nhân ngoại tình.
Cuộc sống hiện đại luôn đề cao tinh thần nam nữ bình đẳng, tuy nhiên trong xã hội hiện nay của chúng ta, đại đa số đàn ông vẫn mang nặng tính gia trưởng, thích áp đặt mọi việc trong gia đình. Chính tư tưởng này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều điều không hoà hợp trong cuộc sống gia đình bởi phụ nữ thời nay đã có ý thức tự tôn và độc lập hơn nhiều. Gia đình nào thiếu sự tôn trọng, san sẻ ý kiến với nhau sẽ luôn căng thẳng và dễ dàng tan vỡ.
Ngoại tình được coi là lý do thứ hai dẫn tới sự đổ vỡ trong hôn nhân. Do văn hóa gia trưởng, nhiều đàn ông vẫn cho việc ra ngoài “ăn vụng” là chuyện bình thường, nhất là những người có chút tiền bạc địa vị. Nhưng phụ nữ thời nay lại không chấp nhận chuyện đó nữa, nhất là khi người đàn ông tưởng đó là quyền của mình, không có thái độ ăn năn hối lỗi.
Lối sống gia trưởng, thói xấu ngoại tình, tư tưởng chèn ép phụ nữ, tính nhậu nhẹt bê tha, thiếu trách nhiệm với gia đình dẫn đến sự bất hòa triền miên, châm ngòi cho bạo lực gia đình làm hôn nhân Việt trở nên kém bền vững. Như vậy, chỉ nhìn lướt qua những con số thống kê trên, có thể thấy tuy trình độ phát triển của Việt Nam còn thua kém nhiều nước khác trên thế giới nhưng tỷ lệ ly hôn thì cũng không hề thua kém.
Hơn nữa, thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ đưa đơn ly hôn cao gấp đôi so với đàn ông, tức là tâm lý e sợ ly hôn ở phụ nữ Việt đã không còn.
Thậm chí nhiều đàn ông Việt cũng đã nhận ra nguy cơ này. Hoạ sĩ Đỗ Hữu Chí, nổi tiếng với chương trình Toa Tàu nhằm phổ cập giáo dục nghê thuật cho công chúng đã viết trên trang Facebook của mình: “
Có một xu hướng xã hội đang diễn ra: những người phụ nữ độc lập, hiểu biết, mạnh mẽ mà mình nhìn thấy được xung quanh, thì hoặc là đang độc thân, hoặc đang là mẹ đơn thân.
Dường như có một vấn đề gì hết sức trầm trọng đối với đàn ông Việt Nam. Hoặc có thể là vấn đề của đàn ông nói chung, nhưng rõ ràng là đối với đàn ông Việt Nam trầm trọng hơn: rằng chỉ cần phụ nữ nâng tầm nhận thức của họ lên một mức độ nhất định, nâng sự hiểu biết và độc lập và can đảm của họ lên một mức độ nhất định, thì họ sẽ rời bỏ người đàn ông. Đàn ông không còn xứng đáng hay phù hợp với họ nữa.
Một lần nữa, đây chỉ là nhận định chủ quan: nếu tất cả chúng ta đều đang tiến hóa hay trưởng thành với tư cách con người, thì rõ ràng phụ nữ Việt Nam đang tiến hóa nhanh hơn (hoặc đã luôn tiến hoá nhanh hơn nhưng ở hiện tại thì đặc biệt rõ) so với đàn ông Việt Nam. Từ ngày lấy vợ, mình luôn nghĩ nếu mình không tiến hóa kịp thì vợ mình sẽ bỏ mình. Bạn nam nào nhột cũng đừng giận. Giận thì không tiến hóa nhanh hơn được đâu”.
Nên nhớ hạnh phúc gia đình giống như vỗ tay, luôn cần có hai người. Hy vọng đàn ông Việt tỉnh ra trước khi rơi vào tình cảnh của đàn ông một số nước Châu Á lân cận, nơi phụ nữ thà làm mẹ đơn thân hoặc kết hôn với người nước ngoài chứ không kết hôn cùng đàn ông nội địa. Mà nghiên cứu cũng cho thấy, đàn ông Châu Á không phải là “
sản phẩm có thể xuất khẩu”, hiếm khi kiếm được vợ nước ngoài!