CHIẾN THẮNG MANG TÊN BẤT HẠNH

Thứ ba - 08/12/2015 01:22

(NCTG) “Sự tụt hậu trong các lĩnh vực khoa học và sáng tạo của người Hồi giáo là một vấn đề còn lớn hơn chủ nghĩa khủng bố. Nó có thể là kết quả của một tư tưởng áp đặt lên xã hội Hồi giáo hàng trăm năm nay, trói chặt ý chí tự do và tinh thần phản biện của họ, bóp chết mọi triết lý và sáng tạo”.

Người Hồi giáo ở đâu trong thế giới khoa học, kỹ thuật từ nhiều thế kỷ nay? - Minh họa: Internet

Người Hồi giáo ở đâu trong thế giới khoa học, kỹ thuật từ nhiều thế kỷ nay? - Minh họa: Internet

Vài lời phi lộ: Bài viết đầu tiên của tôi liên quan đến đạo Hồi là một cảm xúc cá nhân của người ngoại đạo, với chút hiểu biết về Phật giáo. Nó là một sự nhận xét trong ngẫu hứng, hoàn toàn chủ quan. Một vài bạn đã trách tôi là không nên trích dẫn những câu mang tính bạo lực như thế trước khi tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như bối cảnh ra đời của kinh “Qur’an”.

Với tinh thần học hỏi và không ngừng tìm hiểu, tôi khuyến khích mọi người, nếu có thể, mua về cho mình một quyển kinh “Qur’an” - đọc, nghiên cứu, và tự rút ra kết luận của riêng mình. Các bạn tin tôi, tôi cám ơn - nhưng tôi sẽ cám ơn hơn nữa nếu mọi người chúng ta không chỉ nghe và tin theo, mà còn kiểm chứng những gì mình đã nghe và thấy từ bất cứ người nào.

Dựa vào một số phản hồi của bạn đọc, tôi có cảm giác là các bạn cho rằng những điều bạo lực ghi trong “Qur’an” là nguồn gốc của nạn khủng bố cực đoan trong thế giới Hồi giáo. Đây là một kết luận tôi không hề mong muốn. Kinh “Qur’an” dù có những đoạn bạo lực nhưng nó không phải là nguồn gốc của bạo lực. Hãy thử nghĩ xem, nếu theo lối suy nghĩ như thế thì các sách báo, phim ảnh nhan nhản bạo lực như ta vẫn thấy hiện tại đã đưa xã hội loạn đến mức nào.

Vì thế, tôi thấy cần thiết nên có bài viết thứ hai, hy vọng sẽ giải thích được chút nào những vấn đề mà thế giới Hồi giáo hiện đang phải đối diện. Tôi không nhắm vào chủ nghĩa khủng bố, mà muôn đả động tới một vấn đề lớn hơn ít được mọi người chú ý tới: đó là sự tụt hậu trong các lĩnh vực khoa học và sáng tạo của người Hồi giáo. Sự tụt hậu này có thể là kết quả của một tư tưởng áp đặt lên xã hội Hồi giáo hàng trăm năm nay, trói chặt ý chí tự do và tinh thần phản biện của họ, bóp chết mọi triết lý và sáng tạo.

Xã hội Phương Tây đã phát triển vì tinh thần rộng mở và khoan dung, tôi mong chúng ta ít nhiều cũng giữ một tinh thần như vậy khi nhìn về người Hồi giáo, nhất là trong giai đoạn căng thẳng hiện nay. Họ, ở một góc độ nào đó, cũng là những nạn nhân của một loại tư tưởng áp đặt đầy ngoan cố và hẹp hòi. Là những người ít nhiều gì cũng có một chút hiểu biết về chủ nghĩa và chế độ Cộng sản, tôi mong tất cả có thể nhận ra một vài điểm tương đồng giữa chúng ta và họ.

 
*

Tháng 11 vừa qua tôi có dịp đi thăm Trung tâm Không gian NASA tại thành phố Houston (Mỹ). Nhìn mô hình thu nhỏ của Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station) được trưng bày ở đó, tôi bỗng nhớ lại bài viết của tác giả Scott Gilmore đăng trên tờ “Maclean’s” ngày 14-1 năm nay - tức là đúng một tuần sau vụ khủng bố “Charlie Hebdo” tại Paris. Bài báo mở đầu như thế này (lược dịch):

Ngày 7-1, những tay súng nhân danh đạo Hồi chạy ào vô văn phòng của “Charlie Hebdo”, hét lớn “Nhà tiên tri sẽ được trả thù!”. Thật tình cờ, ngay cái giây phút mà họ nã đạn vào các nhà báo thì ở nơi cao vời vợi ngoài Trái đất, Trạm Không gian Quốc tế đang lẳng lặng di chuyển ngay trên thành phố Paris.

Hãy suy nghĩ một chút về điều này.

Giây phút những kẻ khủng bố thực hiện hành vi man rợ của thời kỳ sơ khai trong danh nghĩa trả thù cho một nhà tiên tri sống cách đây 1.400 năm, thì ngay trên đầu họ, lơ lửng trong không gian là một minh chứng hùng hồn cho khả năng của loài người vượt thoát khỏi u mê bằng lý lẽ và hy vọng.

Có tất cả hai mươi lăm quốc gia trên thế giới hợp sức cùng nhau xây dựng nên trạm không gian này. Họ từng là kẻ thù của nhau, đánh sống đánh chết qua nhiều thế kỷ vì Thượng đế và vàng; họ từng là kẻ thù của nhau trong cuộc Chiến Tranh Lạnh ở thế kỷ trước; họ bao gồm những quốc gia lớn và nhỏ. Nhưng không một quốc gia nào đến từ thế giới Hồi giáo
”.

Từ vàng son, đến lụn bại trong cống hiến

Với những ai quan tâm đến lịch sử, nhất là lịch sử của Hồi giáo, thì không khỏi chạnh lòng. Từng có một thời kỳ vàng son khoảng 500 năm từ thế kỷ 8 đến 13, thế giới Hồi giáo đã cống hiến cho nhân loại bao nhiêu công trình nghiên cứu và phát minh quan trọng trong khoa học, y học và toán học - mà trong cùng thời gian này, Phương Tây vẫn còn đắm chìm trong tăm tối.

Nhưng từ thế kỷ 14 trở đi, các cống hiến khoa học của người Hồi bắt đầu thưa dần dần và cuối cùng trở nên câm lặng. Để rồi qua thế kỷ 20, và 21 này, nhiều người dân trên thế giới khi nghe nói về các nước Hồi giáo thì đều có một cảm tưởng chung: đây là một thế giới lạc hậu, nghèo nàn và là nơi sản sinh khủng bố.

Cứ hỏi một người nào đó về một đóng góp quan trọng trong khoa học hoặc kỹ thuật đến từ thế giới Hồi giáo trong thế kỷ này hoặc thế kỷ trước, khả năng cao là họ không thể trả lời được.

Pervez Amirali Hoodbhoy - nhà vật lý hạt nhân (nuclear physicist) người Pakistan - đã đưa ra những con số khiến người đọc phải suy nghĩ:

- Có tất cả 57 quốc gia thuộc khối Hồi giáo OIC (Organisation of Islamic Cooperation). Từ khối này, trong số một ngàn người, chỉ có 8,5 khoa học gia, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật (so với toàn bộ thế giới thì con số này là 40,7, và với những quốc gia phát triển thuộc khối OECD (Mỹ, Canada, Pháp, Đức, v.v…) nó là 139,3).

- Tổng số các bài viết về khoa học mà 46 quốc gia Hồi giáo đóng góp cho thế giới chiếm khoảng 1,17%. Nhưng riêng đất nước Ấn Độ thì đã đóng góp 1,66%; với Tây Ban Nha thì con số này là 1,48%.

- Con số những bằng sáng chế đến từ các quốc gia Hồi giáo cũng rất nhỏ. Theo một thống kê, Pakistan chỉ có trên dưới 10 bằng sáng chế trong suốt 43 năm qua.

Với dân số khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới, nhưng người Hồi giáo chỉ có được ba giải Nobel dành cho khoa học (Abdus Salam - Vật lý học năm 1979, Ahmed Zewail - Hóa học năm 1999 và Aziz Sancar - Hóa học 2015).

Tuy nhiên, Abdus Salam không được hoan nghênh tại quê hương Pakistan vì ông là người Ahmadi - vốn bị người Hồi chính thống kỳ thị là ngoại đạo. Khi ông chết, mộ bị người ta phá hoại và xóa đi chữ Muslim (người Hồi giáo). Ahmed Zewail (sinh ở Ai Cập) và Aziz Sancar (sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ) phần lớn thời gian nghiên cứu đều trải qua ở Mỹ.

Vì sao nên nỗi?

Câu hỏi không thể tránh được là: hơn 700 năm qua kể từ thế kỷ 14, chuyện gì đã xảy ra với thế giới Hồi giáo? Tại sao từ một vầng thái dương sáng chói trên bầu trời khoa học, thế giới Hồi giáo giờ đây chỉ còn leo lét như ánh sáng phát ra từ một ngọn nến?

Thật không dễ dàng trả lời.

Không ít người đưa ra các giả thuyết khác nhau. Một giả thuyết cho rằng sự thịnh suy của một nền văn minh là chuyện bình thường - nền văn minh Hồi giáo đã từng có một thời kỳ rực rỡ, bây giờ suy tàn là điều tự nhiên.

Một giả thuyết khác liên quan nhiều đến kinh tế, và thường được dùng để giải thích tại sao có quá ít giải Nobel đến từ các quốc gia thuộc khối Hồi giáo: những nghiên cứu khoa học sáng giá nhất thường chỉ có thể được thực hiện ở một môi trường với sự đầu tư dồi dào cho nghiên cứu, và ở điểm này thì các nước Hồi giáo không phải là những quốc gia duy nhất thiếu khả năng tạo ra môi trường ấy.

Giả thuyết thứ ba, và cũng là trọng tâm của bài viết, liên quan đến cách nhìn của người Hồi giáo về Allah, Đấng Thượng Đế tối cao của mình.

Để tìm hiểu giả thuyết này, chúng ta hãy cùng nhau đi ngược dòng lịch sử một chút, trở về thế kỷ thứ 8 khi xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai trường phái thần học Asharites và Mutazilites - có thể gọi nôm na là cuộc tranh chấp giữa tín ngưỡng (faith) và lý lẽ (reason).

Allah có phải là hiện thân của lý lẽ?

Để nói một cách tường tận và đầy đủ cuộc tranh chấp giữa hai trường phái thì giới hạn của bài viết này không thể đáp ứng được, nên tôi sẽ cố gắng thu hẹp ở một vài điểm chính.

Mutazilites là trường phái thần học đầu tiên của đạo Hồi, được thành lập vào thế kỷ 8. Các nhà thần học của trường phái này tin tưởng là để có thể phân biệt được thiện ác và đúng sai, con người cần đến lý lẽ (reason).

Allah - đấng Thượng Đế tối cao - là hiện thân của Lý lẽ và Công bằng: ngài sẽ tưởng thưởng người làm điều thiện và trừng phạt kẻ gây tội ác. Allah còn là hiện thân của điều Thiện: Abd al-Jabbar ibn Ahmad - nhà thần học nổi tiếng nhất của Mutazilites đã từng nói: “Thượng Đế không bao giờ phạm lỗi và mọi hành động của Ngài đều là đúng”.

Và để hỗ trợ cho sự công bằng, lý lẽ của Allah, con người cần được trang bị ý chí tự do (free will) trong mọi hành động của mình. Có nghĩa là anh làm điều tốt hay xấu thì cuối cùng anh phải chịu trách nhiệm về chúng, vì anh đã tự ý làm như vậy. Allah sẽ thưởng nếu anh làm điều tốt, và trừng phạt nếu anh làm ngược lại.

Trường phái Asharites được thành lập như là một đối nghịch với hầu hết mọi nguyên tắc được Mutazilites bảo vệ. Một trong những điểm căn bản của Asharites là bác bỏ việc con người dùng lý lẽ để phân biệt thiện ác và đúng sai. Các nhà thần học của trường phái này tin là vì khả năng con người có giới hạn, lý lẽ của họ không thể nào nhận biết được hết đúng sai - vì thế, tốt nhất là nên đi theo chỉ dẫn của Thượng đế (Allah).

Bản chất của một hành động nào đó, như vậy, không có đúng hay sai - nó chỉ đúng hay sai khi Allah quyết định.

Ví dụ, hành động giết người là sai trái vì Allah chỉ định nó là sai trái. Nhưng nếu Allah chỉ định hành động giết người là đúng đắn thì nó chính là đúng đắn. Tất cả đều theo ý muốn của Allah.

Với đường lối suy nghĩ như thế, Asharites công nhận ở Allah một ý chí tự do tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Allah, vì vậy, không là hiện thân của lý lẽ, cho dù Allah có thể có lý lẽ và công bằng. Allah cũng không phải là hiện thân của điều Thiện, vì Allah đứng trên cả thiện và ác. Như vậy, Allah có thể làm bất cứ điều gì mà ngài muốn và con người sẽ chấp nhận như thế.

Vì ý chí tự do là một đặc quyền của Allah, Asharites tin là con người không được sở hữu nó. Loài thấp hèn này là ai mà đòi chia sẻ quyền lực với Thượng Đế?

Xin ghi nhớ câu “Allah sở hữu ý chí tự do tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì”. Chúng ta sẽ cần nó ở phần thứ tiếp tới.

Chiến thắng mang tên Bất hạnh

Mặc dù trường phái Mutazilites chiếm được thượng phong trong thời gian đầu, nhưng dần dần họ trở nên yếu thế và đến khoảng thế kỷ 15 thì hoàn toàn bị đánh bại. Các nhà thần học của trường phái Asharites thống trị thế giới Hồi giáo, và càng lúc càng đi đến chỗ cực đoan.

Một trong các ví dụ điển hình là nhà thần học Al-Ghazali, nổi tiếng với sự phủ nhận luật nguyên nhân và hệ quả (law of cause and effect) - theo luật này thì mọi việc trong vũ trụ đều xảy ra theo một quy luật của tự nhiên, ví dụ như bạn trồng một hạt cải xuống đất thì hạt cải ấy sẽ nở mầm và lớn lên thành cây cải, không thể nào thành một thứ cây khác được.

Đây là định luật bất di bất dịch không thay đổi bất kể nó ở trong thời điểm nào, quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Trong “The Incoherence of the Philosophers”, Al-Ghazali đã viết như sau (lược dịch):

Trong cách nhìn của chúng tôi, mối liên hệ giữa cái mà ta tin là nguyên nhân và hệ quả là không cần thiết… Lấy ví dụ của hai sự việc, như giải tỏa cơn khát và uống nước; no bụng và ăn uống; sự cháy và đụng vào lửa… hoặc bất kỳ các sự việc nào mà trông có vẻ liên hệ với nhau... Chúng liên hệ là vì ước muốn của Thượng Đế, vốn dĩ đã có trước khi chúng tồn tại.

Nếu việc này xảy ra sau việc kia, đó là vì Thượng Đế đã khiến chúng như vậy, chứ không phải là vì mối liên hệ ấy là cần thiết và không thể thay đổi. (Thượng Đế) hoàn toàn có quyền năng khiến một người no bụng mà không cần ăn uống, hoặc chết khi chưa bị cắt đầu, hoặc một người vẫn sống ngay cả khi đầu đã bị cắt
…”.

Với cách nhìn như vậy, Asharites cho rằng những quy luật thuộc về tự nhiên là đi trái ngược với Allah. Nên nhớ “Allah sở hữu ý chí tự do tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì”, cho nên mỗi giây mỗi phút, bất kể sự việc gì xảy ra trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều do sự can thiệp và ý muốn của Allah mà không theo một quy luật chính thống nào khác.

Hãy tưởng tượng một cuộc hỏi đáp như sau:

Câu hỏi: Mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn về hướng Tây - điều này rõ ràng phải là theo một quy luật tự nhiên vì hàng ngày nó vẫn xảy ra như thế, đúng không?

Asharites: Không đúng. Hàng ngày mặt trời mọc ở Đông và lặn ở Tây vì đây là ý muốn của Allah. Nếu ngày mai Allah muốn sự việc xảy ra khác đi thì nó sẽ xảy ra khác đi.

Câu hỏi: Vậy nếu Allah muốn ngày mai mặt trời mọc ở hướng Nam và lặn hướng Bắc thì ngày mai nhất định mặt trời sẽ mọc ở Nam và lặn ở Bắc?

Asharites: Đúng vậy.

Và như thế, với chiến thắng về tư tưởng của trường phái Asharites - Allah là quyền uy tuyệt đối và không bị ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm nào - những tranh luận về thiện ác, đúng sai dùng lý lẽ của con người, và các quy luật tự nhiên, hầu như đã không còn chỗ đứng.

Khả năng suy nghĩ độc lập và tự phản biện, từ đó, bắt đầu chết dần mòn. Allah và những lời trong kinh “Qur’an” (được cho là lời truyền dạy của Allah) chi phối gần như tất cả mọi mặt của cuộc sống. Các luật Sharia được thiết lập dựa trên “Qur’an”, trở thành luật pháp chính thống trong đời sống của người Hồi giáo.

Cần lắm một cuộc cải tổ!

Nhà thơ Syrian Ali Ahmad Said Esber (bút danh Adonis) - ứng cử viên giải Nobel Văn học 2005 - ngậm ngùi: “Nếu tôi nhìn những người Ả Rập, với tất cả tài nguyên và năng lực mà họ có được, và so sánh với những thành tựu của họ trong thế kỷ vừa qua với những thành tựu của những kẻ khác trong cùng thời điểm, tôi phải nói rằng người Ả Rập chúng tôi đang ở trong giai đoạn tuyệt chủng, với ý nghĩa là chúng tôi không còn tồn tại trong lãnh vực sáng tạo của thế giới”.

Nhà tư tưởng người Tunisian Abdelwahab Meddeb cũng có ý nghĩ tương tự. Ông bảo mọi người hãy cứ tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa những đại diện của các dân tộc trên thế giới như Âu châu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập. “Mỗi đại diện sẽ được hỏi là dân tộc (hoặc nền văn minh) của họ có thể cống hiến gì cho hiện tại và tương lai của nhân loại?

Khối Ả Rập Hồi giáo có thể cống hiến những gì? Không gì cả, trừ Sufism (một nhánh Mật tông của đạo Hồi)… Trừ phi họ đi theo một đường lối mới, còn không thì người ta có thể giả định rằng nền văn minh Ả Rập, vốn đang bị giam cầm trong tín ngưỡng của Hồi giáo, sẽ biến mất như những nền văn minh vĩ đại trước đây
”.

Sự lạc hậu và bế tắc trong lãnh vực khoa học và sáng tạo đã tạo thành nỗi tuyệt vọng, và trong tuyệt vọng, một vài quái thai đã được sinh ra, như cái gọi là “khoa học mang tính Hồi giáo” (Islamic Science) - gần giống kiểu “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Pervez Amirali Hoodbhoy cho biết, một số nhà khoa học người Hồi đã theo những lời trong kinh “Qur’an” và cố gắng tính ra nhiệt độ của địa ngục. Nếu dùng công cụ Google để tìm kiếm từ khóa “Quranic Sciences” (khoa học của “Qur’an”), đừng bất ngờ khi bạn thấy hàng chục trang web với những lập luận cố gắng kết hợp với những hiện tượng, phát hiện khoa học của thời đại hiện nay với những lời dạy của Allah từ 1.400 trước.

Farrukh Saleem - nhà phân tích chính trị người Pakistani - trong bài viết “Tại sao người Do Thái thật hùng mạnh trong khi người Hồi lại quá yếu?” đã không nén được sự giận dữ:

Trên thế giới chỉ có 14 triệu người Do Thái; 7 triệu ở châu Mỹ, 5 triệu ở Châu Á, hai triệu ở Châu Âu và 100.000 ở châu Phi. Cứ mỗi người Do Thái thì có đến 100 người Hồi. Vậy mà, người Do Thái mạnh hơn gấp trăm lần tất cả người Hồi cộng lại. Có bao giờ tự hỏi tại sao không?…

Đây chỉ là một vài trong số những người Do Thái mà trí tuệ của họ đã đem lại bao nhiêu là lợi ích cho nhân loại: Benjamin Rubin cống hiến chiếc kim tiêm vaccine. Jonas Salk phát triển vaccine đầu tiên chống bệnh bại liệt. Alert Sabin triển khai vaccine sống cho bại liệt. Gertrude Elion cho chúng ta thuốc chống ung thư máu. Baruch Blumberg phát triển vaccine chống Hepatitis B. Paul Ehrlich tìm ra cách chữa trị syphilis. Elie Metchnikoff đoạt giải Nobel cho nghiên cứu về các loại bệnh lây truyền…

Trong hơn 105 năm qua, 14 triệu người Do Thái lãnh về 180 giải Nobel trong khi chỉ có 3 giải Nobel thuộc về 1,4 tỷ người Hồi (ngoài giải Nobel Hòa bình)...

Những nhà doanh nghiệp Do Thái lừng danh trêng thế giới gồm có Ralph Lauren (Polo), Levis Strauss (Levi's Jeans), Howard Schultz (Starbuck's) , Sergey Brin (Google), Michael Dell (Dell Computers), Larry Ellison (Oracle), Donna Karan (DKNY), Irv Robbins (Baskins & Robbins) and Bill Rosenberg (Dunkin Donuts).

Bạn có biết là Harrison Ford, George Burns, Tony Curtis, Charles Bronson, Sandra Bullock, Barbra Streisand, Billy Crystal, Woody Allen, Paul Newman, Peter Sellers, Dustin Hoffman, Michael Douglas, Ben Kingsley, Kirk Douglas, William Shatner, Jerry Lewis và Peter Falk đều là người Do Thái?…

Vậy tại sao người Do Thái hùng mạnh như thế?

Trả lời: Do giáo dục!

Số lượng các tờ nhật báo cho mỗi 1.000 người và số lượng các tựa sách xuất bản cho mỗi một triệu người là hai chỉ số nói lên sự hấp thụ kiến thức của một xã hội. Ở Pakistan, có tất cả 23 tờ nhật báo cho mỗi 1.000 người dân trong khi ở Singapore chỉ số đó là 360. Ở Anh, cứ mỗi một triệu người thì có 2.000 tựa sách trong khi ở Ai Cập con số này là 20.

Tỷ lệ xuất khẩu kỹ thuật thuộc hàng công nghệ cao là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá mức độ áp dụng kiến thức của một xã hội. Ở Pakistan, tỷ lệ xuất khẩu loại kỹ thuật này là 1%. Tình trạng cũng gần như thế với các nước Saudi Arabia, Kuwait, Morocco và Algeria (tất cả đều ở khoảng 0.3%) trong khi tại Singapore chỉ số này là 58%.

Tại sao người Hồi yếu như vậy?

Tại vì chúng ta không tạo ra kiến thức.

Tại sao người Hồi yếu như vậy?

Tại vì chúng ta không hấp thụ kiến thức.

Tại sao người Hồi yếu như vậy?

Tại vì chúng ta không áp dụng kiến thức.

Tại sao người Hồi yếu như vậy?

Trả lời: Thiếu giáo dục!

Thế mà điều duy nhất mà chúng ta làm là hét vào tai Allah mỗi ngày và trách móc kẻ khác vì những thất bại của mình
”.

Vai trò của giáo dục

Hầu hết những người ưu tư với vận mệnh của Hồi giáo đều đồng ý ở một điểm: người Hồi cần thúc đẩy giáo dục. Dĩ nhiên, giáo dục không phải là cây đũa thần có thể giải quyết mọi vấn đề, nhưng giáo dục sẽ là mấu chốt quan trọng trong việc đưa thế giới Hồi giáo trở lại thời kỳ vàng son trong khoa học và sáng tạo, hoặc ít nhất, cũng giúp thế giới Hồi giáo đuổi kịp với Phương Tây trong lãnh vực này.

Giáo dục cũng sẽ giúp nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Hồi, và từ đó, hy vọng đẩy ra rìa những tư tưởng cực đoan. Malala Yousafzai (Giải Nobel Hòa bình 2014) đã từng nói: “Súng đạn chỉ có thể giết kẻ khủng bố, nhưng với giáo dục ta có thể tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố”.

Nhưng giáo dục không vẫn chưa đủ, mà song song phải là một sự cải tổ triệt để, một thay đổi lớn về cách nhìn. Turki al-Hamad - nhà văn Saudi, một người ủng hộ cải cách - đã từng nói (lược dịch): “Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, chúng ta vẫn thường nghe người ta bảo: hãy hấp thụ những tinh túy tốt đẹp (của Phương Tây) mà bỏ qua những cái xấu của họ. Bạn chẳng thể làm vậy được.

Hãy nhìn những sản phẩm của nhân loại hiện nay: chiếc xe hơi, chiếc máy computer, v.v… - đây là kết quả của một triết lý, một cách nhìn. Nếu bạn chọn lấy một sản phẩm mà không đoái hoài gì đến kẻ tạo ra nó - bạn có vấn đề. Không thể như vậy được. Kết quả là tuy có trong tay một sản phẩm mới nhưng đường lối suy nghĩ của chúng ta vẫn dậm chân ở bao thế kỷ trước. Chúng ta đang tiến về phía trước nhưng mắt thì vẫn không rời quá khứ
”.

Chúng ta vẫn thường nghe câu nói, “Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự hư hỏng tuyệt đối”. Với thế giới Hồi giáo, tôi nghĩ có thể đây là một bi kịch. Allah có quyền lực tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, nhưng kẻ phải hứng chịu sự hư hỏng tuyệt đối không phải là ngài mà là những người tin theo ngài.

Allah và những lời dạy trong “Qur’an” có mặt từng giây từng phút trong đời sống của người Hồi, can thiệp vào tất cả những việc lớn bé xảy ra trên thế giới. Không một định luật khoa học hay luật pháp thế tục nào có thể thay thế ngài - ngài là định luật tối cao và duy nhất.

Turki al-Hamad có thể đã suy nghĩ, là đã đến lúc chúng ta cho Allah nghỉ ngơi và giảm bớt gánh nặng cho ngài - can thiệp liên tục từ hơn cả ngàn năm nay, ngài chắc hẳn rất mệt. Nhưng dĩ nhiên, dù nếu có suy nghĩ như thế thì ông khó có thể nói thẳng ra điều này.

Hải Lý, từ Canada


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn