(NCTG) Từ khi những chiếc thuyền tỵ nạn từ Syria vượt biển, Châu Âu hỏi nhau cứu/không cứu dân nhập cư cho đến khi xác bé Aylan Kurdi ba tuổi dạt vào bờ Thổ Nhĩ Kỳ và mới đây khủng bố ở Paris... ý kiến trên báo chí và mạng xã hội Facebook (FB) rất nhiều.
Khủng hoảng tỵ nạn là điểm nóng ở Châu Âu năm 2014 - Ảnh: www.trt.net.tr
Trong số đó, “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) là trang mạng cập nhật nhiều bài có tính thời sự “nóng hổi vừa thổi vừa ăn” và bài vở, thông tin khi được chia sẻ (share) lên FB, thì thu hút được nhiều ý kiến trao đổi và bình luận (comment).
Từ nhiều nơi trên thế giới, sắc sảo tuy có vẻ còn rất trẻ, những bài viết trên trang NCTG không mang tính định hướng một chiều của báo chí Việt Nam trong nước, cũng không hoàn hảo đến vô cảm của những cây bút chuyên nghiệp. Đó là ưu điểm (riêng) lớn nhất của trang này.
Khuyết điểm (chung) lớn nhất của “nghề” cầm bút (tài tử hay chuyên môn) là điều mà khoa báo chí ở Mỹ gọi là “gatekeeping”. “Gatekeeping” xảy ra nhiều nhất là trong ngành báo chí và chép sử: “cánh cửa” ngăn cản ngòi bút không viết hết sự thật, vì ba giới hạn:
- trang giấy có hạn,
- hiểu biết có hạn,
- khách quan có hạn.
Trong bài “Khủng bố tại Pháp và quyền lực của truyền thông” đăng trên NCTG hôm 23-11-2015, tác giả Ngô Thúy Vân hỏi: “Tại sao truyền thông lại có thể dùng quyền “tự do viết” của mình để hạn chế quyền “được biết” của chúng ta?”.
Thật sự, truyền thông có tự do không? KHÔNG!
Họ chính là nạn nhân bị ba giới hạn “gatekeeping” dần mẻ nào mẻ nấy nhão nhoẹt, lồm cồm ngồi dậy thở phù phù viết bài “phục vụ độc giả”. Tích tắc, nạn nhân nhão nhoẹt trở thành thủ phạm tươi rói.
Còn người đọc có tự do không? Tùy bạn! Một bài viết do một tác giả, nhưng người đọc hàng ngàn. Người đọc chỉ tìm tòi những gì liên quan tới điều đang quan tâm, còn lại là... rác. Cũng như đồ trân ngoạn, đáng quý của người này lại có thể là rác rưởi của người kia.
Chuyện khủng bố ư?
Người Tây Tạng (Tibet), người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) chết ròng rã, khủng bố là Trung Quốc. Không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.
Không xa Việt Nam lắm, có những tộc người không có nơi để trở về. Ở Miến Điện (Myanmar), 140.000 người Rohingya bị tước quốc tịch vì tội theo đạo Hồi, nhà cửa bị phe Phật giáo đốt. Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Latma) sang tận nơi khuyên can cũng không xong. “Người hùng” Aung Sang Suu Kyu im lặng.
Thôi thì tìm cái sống trong cái chết: lao đầu ra vịnh Bengal vịnh Thái Lan. Từ tháng 1 tới tháng 3-2015, 25.000 người lênh đênh. Indonesia, Malaysia, Thái từ chối cho lên bờ, chỉ cấp lương thực rồi đẩy ra biển. Việt Nam làm thinh. Phi lúc nhận lúc không.
Họ đâu cả rồi? Lác đác tin chết đuối. Vậy thôi. Không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.
Tại một mảnh đất rất xa, ngày 3-1-2015, nhóm “Thánh chiến” khủng bố Hồi giáo (Muslim) Boko Haram tấn công Baga (Nigeria), xả súng giết hơn 2.000 dân làng vì “tội” theo Ki-tô giáo nhưng nạn nhân có cả người Hồi giáo. Báo chí Tây phương tránh nói tới. Không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.
Ngày 22-6-2009, Tổng thống Nicolas Sarkozy phát biểu trước Quốc hội Pháp không chấp nhận khăn burqa, coi đó như vật “giam cầm trói buộc phụ nữ Hồi giáo”. Tổng thống Sarkozy có thể cấm burqa vì an ninh nước Pháp nhưng burqa có giam cầm trói buộc phụ nữ Hồi giáo hay không, chỉ họ trả lời.
Người ngoài cuộc nhiều lắm nên biết sơ về lịch sử khăn choàng trước khi phê bình Sarkozy chứ không phê bình khăn quàng là biệt sắc của một dân tộc khác.
Đó là lý do tại sao tôi viết bài “Từ trái nho đến áo choàng”. Không nói ra thì lùng bùng, nói ra thì lúng túng bởi ba giới hạn của “gatekeeping”, con công lại bảo bồ nông, đuôi con thằn lằn lại bảo đầu con cá sấu nên sự thật không chạm vào chéo áo khôn ngoan của người đọc.
Lần nữa, thâm tạ tất tần tật ý kiến về bài viết. Ngoại trừ “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. Tự hỏi có phải vì “sợi chỉ” này, ba triệu người Việt, Lào và Cam Bốt (Cambodia) đã chết trong chiến tranh trước 30-4-1975? Cái chết quá lớn nên không ai dám tự hào biết hết?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...