“NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO” - TẠI SAO?

Thứ sáu - 11/12/2015 20:28

(NCTG) “Cả về chính trị lẫn kinh tế, có nhiều lý do để “Nhà nước Hồi giáo” tồn tại mà chưa bị tiêu diệt. Mọi cách nhìn giản đơn về IS - mô tả đơn thuần tổ chức này như một con ác quỷ không ai có thể làm bạn được - sẽ chẳng giải thích được tại sao IS vẫn tồn tại và còn có phần lớn mạnh hơn”.

Chiến binh IS - Ảnh: AFP

Chiến binh IS - Ảnh: AFP

Vụ khủng bố đẫm máu nhất từ trước đến nay ở thủ đô Paris, trái tim của Châu Âu, làm cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa đạo Hồi và khủng bố trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều tiếng nói phản đối việc gộp khủng bố với đạo Hồi đã vang lên. Đúng là Hồi giáo không có nghĩa là khủng bố. Nhưng tại sao khủng bố lại mượn tên đạo Hồi? Bài viết này nhằm mục đích trả lời câu hỏi đó.

“Nhà nước Hồi giáo” - giấc mơ của những người Hồi giáo cực đoan

Ngay sau khi Nga mở cuộc không kích chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria, những kẻ ủng hộ IS tại Ai Cập đã gài bom làm nổ tung máy bay chở hơn 200 khách du lịch Nga. Rồi cuộc xả súng tại bữa tiệc ở bang California (Mỹ) cũng được xác định là hành động ủng hộ IS. An ninh ở khắp nơi được tăng cường để chống lại các hoạt động trả đũa của những kẻ ủng hộ IS.

Không phải chỉ bây giờ IS mới nhận được sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới. Tổ chức này có một đội quân tình nguyện từ nước ngoài có đến hàng chục ngàn người, đến từ tất cả các châu lục. Theo một số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến tháng 3-2015, có tới 20.000 người đến từ hơn 100 quốc gia tham gia IS.

Ở Đông Nam Á xa xôi với IS, nhưng rất gần với Việt Nam, tháng 7-2014, tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf ở Philippines cũng đã tuyên thệ trung thành với lãnh tụ IS al-Baghdadi và thực hiện các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc ủng hộ IS.

Điều gì đã tạo nên sức hút của IS đối với một bộ phận người Hồi giáo? Đó chính là mục tiêu xây dựng một Nhà nước Hồi giáo toàn thế giới.

Sau khi người sáng lập Hồi giáo Mohammad mất (năm 570), người kế tục ông được gọi là Caliph (người kế tục) và là lãnh tụ tôn giáo cũng như chính trị của toàn cộng đồng Hồi giáo dưới một hình thái nhà nước được gọi là Caliphate.

Caliphate cuối cùng là Đế chế Ottoman được tuyên bố giải thể năm 1924 và nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập.

Sau đó cũng có một số nỗ lực tái lập Caliphate như cuộc họp thượng đỉnh Cairo 1926, song phần lớn các nước Hồi giáo đã tẩy chay, và một vài cuộc biểu tình kêu gọi thành lập Caliphate do các tổ chức Đảng Tự do (Hizb ut-Tahrir) và “Anh em Hồi giáo” tổ chức song không gây được tiếng vang gì.

Chỉ đến khi “Nhà nước Hồi giáo” được thành lập, những người Hồi giáo cực đoan mới thấy đất sống cho giấc mơ cả thế kỷ nay. Đó là lý do tại sao IS có thể quy tụ được người Hồi giáo từ bốn phương như vậy.

Nếu hiểu những người ủng hộ IS là chỉ vì tiền sẽ không đánh giá hết tiềm năng của nó. Sống trong thế giới nhiều bất công, nhiều người Hồi giáo cực đoan thực tin vào sự công bằng mà IS hứa hẹn; họ sẵn sàng hy sinh, tử vì đạo cho “nhà nước” đó.
 
IS thu hút không ít thanh thiếu niên sẵn sàng “tử vì đạo” - Ảnh: Internet
IS thu hút không ít thanh thiếu niên sẵn sàng “tử vì đạo” - Ảnh: Internet

Biện pháp đấu tranh của họ là cực đoan, những ai không đi với tôi là kẻ thù của tôi. Ngay cả những người Hồi giáo không tuyên thệ trung thành với “Nhà nước Hồi giáo” cũng bị coi như kẻ phản bội và vì thế, sẽ bị giết như những kẻ phản bội bằng cách dã man nhất.

Nạn nhân của IS không chỉ là những người không theo đạo Hồi mà cả những người theo đạo Hồi nhưng không theo IS. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ trong vòng 17 ngày từ 5-6 đến 22-6-2015 IS đã giết hơn 1.000 người Iraq và làm bị thương hơn 1.000 người khác. Chắc chắn trong số đó đại đa số là người đạo Hồi.

Không phải không có lý do khi Tổng thống Assad của Syria phát biểu sau vụ tấn công ở Paris rằng bây giờ người Pháp mới phải chịu đựng điều mà người Syria chịu đựng 4 năm nay.

Tại sao IS tồn tại được?

Đầu tiên “Nhà nước Hồi giáo” được tuyên bố thành lập ở Iraq. Chính việc lật đổ Tổng thống Saddam Hussein dẫn tới khoảng trống quyền lực ở Iraq. Nhà nước Iraq thay thế chế độ Saddam chưa phải là nhà nước mạnh, lại bị tham nhũng, tranh giành phe phái làm suy yếu. Đây chính là mảnh đất mầu mỡ cho một “nhà nước” đối lập với nhà nước hiện hành.

Bên cạnh “vũ khí” tư tưởng như đề cập ở trên, “Nhà nước Hồi giáo” còn được thừa hưởng sự bất mãn của lực lượng tướng lĩnh quân đội có kinh nghiệm của Saddam Hussein, những người bị mất vị trí trong chính quyền sau các nỗ lực thanh trừng các phần tử từng là thành viên của đảng Baath của Saddam.

Trong số các tư lệnh của IS, tuyệt đại đa số là tướng lĩnh của Saddam và họ đã tổ chức thành công các chiến dịch tấn công quân chính phủ. Tháng 10-2015 nếu không có sự hỗ trợ của nước ngoài Baghdad có lẽ đã thất thủ.

Nhiều người có ý kiến rất giản đơn rằng chính việc loại bỏ chế độ Saddam tạo mảnh đất sống cho IS. Thực ra không nhất thiết như vậy. Phải một thập niên sau khi Saddam bị lật đổ, “Nhà nước Hồi giáo” mới có thể gây dựng được chỗ đứng ở Iraq.

Trong 10 năm nhiều việc đã xảy ra, chứ không chỉ một việc lật đổ Saddam đã là nguyên nhân của việc ra đời và lớn mạnh của IS.

Để so sánh, trong khi Chính phủ Iraq thanh trừng những người đã từng phục vụ Saddam thì “Nhà nước Hồi giáo” lại sử dụng những công chức của chính phủ Assad ở Syria để vận hành bộ máy nhà nước tại những vùng đất của Syria mà IS kiểm soát. Nếu chính quyền Iraq cũng làm như IS chắc gì đã có IS?!

Không những có tư tưởng, có chuyên gia quân sự, IS còn xây dựng trên thực tế mô hình nhà nước của mình theo luật Sharia. Trên tất cả là Caliph Abu Bakr al-Baghdadi với 2 phó và 12 tỉnh trưởng. Dưới nữa là có các hội đồng về các lĩnh vực tài chính, quân sự, pháp luật…

Bên cạnh bộ máy “hành pháp” này, IS còn có Hội đồng Shura để đảm bảo các quyết định hành pháp phù hợp với luật Sharia. “Nhà nước Hồi giáo” thậm chí còn có cả các chương trình phúc lợi xã hội, chương trình kiểm soát giá, thuế đánh đối với người giàu; và thực hiện “quyền lực mềm” đối với người dân thông qua các dịch vụ xã hội, giảng đạo và tất nhiên cả tuyên truyền.
 
Mặc dù rất tàn bạo trong các hoạt động bạo lực và khủng bố, tại sao IS vẫn tồn tại? - Ảnh: AFP
IS rất tàn bạo trong các hoạt động bạo lực và khủng bố - Ảnh: AFP

Nhận xét về cách tổ chức của IS, chuyên gia an ninh của Anh Frank Gardner cho rằng mặc dù vẫn tàn bạo như trước nhưng IS bắt rễ sâu vào dân chúng và không dễ có thể đánh bại tổ chức này bằng lực lượng kém cỏi của Iraq và Syria.

Bên cạnh đó, chính trị Trung Đông còn rất nhiều phức tạp với cuộc đấu chủ yếu giữa hai dòng Sunni và Shia. Nhiều thế lực thuộc hệ phái Sunni muốn dùng “Nhà nước Hồi giáo” để thanh toán chế độ Assad của thiểu số Shia ở Syria, hay muốn dùng IS để ghìm chân người Kurd ở Iraq. Ngay như Syria cũng không hẳn là không có lợi ích song trùng với IS trong việc chống lại lực lượng đối lập.

Quan hệ giữa các lực lượng chính trị ở đây thực sự là đan xen và không có làn ranh rõ ràng. Câu nói bất hủ “đồng minh là tạm thời, lợi ích là vĩnh viễn” có lẽ thể hiện rõ nhất ở đây. Ai cũng có thể là đồng minh, kể cả quỷ Sa Tăng, một khi có lợi ích chung.

Chính vì thế, IS được cho là được cung cấp không chỉ tiền bạc mà cả vũ khí, hậu cần lẫn thuốc men. Ngay cả việc các chiến binh nước ngoài không phải dễ dàng gì đến được vùng đất IS kiểm soát nếu như không có sự làm ngơ của một số quốc gia láng giềng…

Về mặt kinh tế, IS còn sở hữu những giếng dầu ở những vùng mà tổ chức này kiểm soát, đây cũng là một miếng bánh béo bở cho những ai muốn kinh doanh món hàng luôn khan hiếm này.

Như vậy, cả về chính trị lẫn kinh tế, có nhiều lý do để “Nhà nước Hồi giáo” tồn tại mà chưa bị tiêu diệt. Mọi cách nhìn giản đơn về IS - mô tả đơn thuần tổ chức này như một con ác quỷ không ai có thể làm bạn được - sẽ chẳng giải thích được tại sao IS vẫn tồn tại và còn có phần lớn mạnh hơn.

(*) Tác giả bài viết, TS. Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ Việt Nam tại Iran.

Nguyễn Hồng Thạch


 
 Từ khóa: IS, Nhà nước Hồi giáo
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn