Thứ Sáu ngày 13, Paris hoa lệ bỗng trở nên đen tối vì những tiếng nổ kinh hoàng cướp đi hàng trăm sinh mạng vô tội.
Chỉ trong vòng 10 tháng, Paris, kinh thành của ánh sáng, tự do và tình yêu, đã hai lần bị khủng bố. Cả hai lần những kẻ khủng bố đều tuyên bố nhân danh Allah, nhân danh Đấng tối cao ra tay giết người.
Châu Âu, Phương Tây và cả thế giới, sẵn đã có những ý kiến khác nhau, trái chiều, khi nhận định về vai trò của người Hồi giáo và đạo Hồi trước nạn khủng bố, sẽ càng trở nên chia rẽ hơn khi chứng kiến những vụ khủng bố mới đây tại Paris.
Suy nghĩ thấu đáo và logic không cho phép kết tội đạo Hồi trong những phong trào và hành động khủng bố. Nhưng chúng ta cần tìm hiểu lý do tại sao không ít luồng ý kiến kết tội đạo Hồi gieo rắc chủ nghĩa khủng bố.
Các tín đồ Hồi giáo thường không công nhận những kẻ khủng bố là người theo đạo Hồi chân chính, mà đều cho rằng chúng là những kẻ cực đoan. Nhưng một sự thật đáng buồn là phần lớn những tên khủng bố ngày nay đều hãnh diện xưng danh mình là người Hồi giáo, và hãnh diện nhân danh Đấng tối cao để giết người.
Với số lượng gần hai tỷ người theo Hồi giáo trên toàn thế giới, tỷ lệ các nhánh, dòng Hồi giáo cực đoan, cho dù với con số tranh cãi giao động từ 1-2% đến 15-20%, e rằng số lượng cực đoan, sẵn sàng giết người - “tử vì đạo” - là không hề nhỏ, đủ để gây mất bình ổn cho an ninh toàn cầu?!
Các thành phần cực đoan coi khủng bố là “Thánh Chiến” (Jihad), con đường vinh quang để thể hiện sự trung thành với Allah. Chết vì “Thánh Chiến” sẽ được lên “Thiên đàng Hồi giáo” và sẽ được thưởng các thiếu nữ đồng trinh!
Truyền thông với tin tức nóng từng giây khi cập nhật thông tin về các vụ khủng bố, vô hình chung đã trở thành công cụ để các nhóm khủng bố đưa ra tuyên bố, gieo rắc sợ hãi lên toàn thể dân chúng, nhằm biểu dương sức mạnh, gây sức ép lên các chính phủ và các tổ chức xã hội, chính trị.
Điều này giải thích lý do tại sao người Hồi giáo hay buộc tội các phương tiện truyền thông đại chúng góp phần tạo dựng định kiến, cho rằng các phong trào và hành động khủng bố hiện tại mang tính “Hồi giáo”.
Họ đặt câu hỏi, tại sao truyền thông lại không gọi các tay súng khủng bố và hành động khủng bố của người Ireland hay xứ Basque mang tính “Cơ-đốc” hay “Thiên Chúa giáo”?
Câu trả lời có lẽ đơn giản là bởi những tên khủng bố này không tuyên bố nhân danh Chúa hay tuyên bố tử vì “Cơ-đốc” hay “Thiên Chúa giáo”, và truyền thông chỉ mô tả lại những gì đang diễn ra.
Truyền thông Phương Tây còn bị kết tội bàng quan, đưa tin sơ sài vì có những vụ khủng bố tương tự như vậy, thậm chí còn tệ hại hơn nhiều, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở các nước Trung Đông hay Bắc Phi, thì chúng ta ít được biết đến.
Sự thật là nhà báo Phương Tây cho dù có dám đánh cược mạng sống của mình, cũng rất khó tiệm cận để đến đưa tin từ những quốc gia này. Những cái chết đau đớn của nhiều ký giả, như James Folley, Steven Sotloff... hẳn nói lên nhiều điều, rằng để đưa thông tin trung thực đến với độc giả, các nhà báo đã phải trả giá bằng máu, bằng mạng sống của mình.
Lẽ dĩ nhiên, khó có thể mong chờ gì nhiều vào báo chí của các nước Trung Đông hay Bắc Phi vì ở những nơi đó, tự do báo chí là quá xa xỉ. Liệu chúng ta có thể hy vọng tổng thống Syria Bashar Assad cho báo chí thông tin về các vụ khủng bố đẫm máu mà chính ông ta ra lệnh giết chết dân thường?!
Chỉ kết tội truyền thông và từ chối liên quan đến những kẻ khủng bố sẽ chẳng có tác dụng làm trong sạch hình ảnh của người Hồi giáo trong con mắt của thế giới, vì suy cho cùng truyền thông chỉ tường trình lại những gì được tuyên bố bởi những kẻ nhân danh Đấng tối cao khi ra tay giết người, khi hãnh diện tuyên bố tham gia “Thánh Chiến tử vì đạo”!
Sẽ hữu dụng hơn khi người Hồi giáo, mà cụ thể là các giáo sĩ Hồi giáo chân chính, mạnh mẽ đấu tranh bằng nhiều hình thức với những kẻ định hướng kiến tạo đức tin, lập những nhánh, dòng Hồi giáo cực đoan, diễn giải kinh “Qur'an” theo chiều hướng mâu thuẫn với giáo lý của đạo Hồi.
Kinh “Qur'an” như chúng ta biết, có những đoạn phản ảnh những biến cố, những tình huống trong đời của Đấng tiên tri Muhammad từ những năm của thế kỷ thứ 7. Ông đã có thời gian phải lăn lộn trong giang hồ, buộc phải đánh nhau với cướp, với những kẻ ngoại đạo để đảm bảo mạng sống của mình, khi theo đoàn lái thương băng qua sa mạc buôn bán kiếm sống.
Chính vì vậy để diễn giải đúng kinh “Qur'an”, cần bám chặt vào những biến cố và tình huống trong đời của Muhammad. Nhưng nhằm phục vụ nhu cầu riêng của mình, các giáo sĩ của nhiều nhánh, dòng Hồi giáo lại diễn giải theo những tôn chỉ riêng của họ, mà thường là cực đoan và bạo lực.
Các giáo sĩ và các nhánh, dòng Hồi giáo cực đoan còn luôn nỗ lực ủng hộ nhà nước thần quyền thay vì nhà nước thế tục.
Xin đưa ra một vài ví dụ về những diễn giải kinh “Qur'an” của những dòng Hồi giáo cực đoan nhằm phục vụ và biện minh cho những hành động khủng bố của mình.
- “
Hãy giết ngay kẻ nào nhục mạ ta”:
Ngày 14-2-1989, Giáo chủ Khomeini của Iran tuyên án tử hình nhà văn Anh gốc Ấn, Salman Rushdie, tác giả cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của Quỷ Sa Tăng” (The Satanic Verses) có nội dung phỉ báng Đấng tiên tri, treo giải thưởng 3 triệu đô-la cho ai giết được nhà văn này.
Trong khi cả thế giới Phương Tây lên án, thì thế giới đạo Hồi nhìn chung cho rằng diễn giải của Khomeini là hợp với tiêu chuẩn của đạo Hồi, vì lời tiên tri Muhammad như thế này: “
Nếu có kẻ nào nhục mạ ta mà tín đồ nghe thấy thì hãy giết nó ngay lập tức” (If anyone insults me, then any Muslim who hears him must kill him immediately).
Tới tận tháng 9-1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình đối với Salman Rushdie.
Không may mắn như Salman Rushdie, các họa sĩ của tạp chí
“Charlie Hebdo” bị những kẻ tự xưng Đạo Hồi tuyên án tử hình tại chỗ và xả súng bắn chết ngay tại phòng làm việc, vì “dám nhạo báng” Đấng tiên tri bằng những bức hí họa đậm đặc chất Charlie, rất Pháp, ngay trên đất Pháp!
- Giết người ngoại đạo:
Tất cả các tổ chức khủng bố từ nhỏ đến lớn đều tuyên bố là mình là những tín đồ chính thống. Các tổ chức này coi thường mạng người vô tội, vì chúng càng giết được nhiều người chúng càng reo rắc được nỗi sợ hãi.
Kinh khủng nhất là chúng coi những ai ngoại đạo là kẻ thù tất yếu, có nghĩa là tất cả những ai không theo đạo Hồi đều có thể bị giết: “
Ta sẽ gieo kinh hoàng nơi trái tim của những kẻ ngoại đạo. Các con hãy chặt đầu chúng và hãy cắt rời tất cả các đầu ngón tay của chúng” (I will cast terrors into their hearts of those who disbelieve. Therefore strike off their heads and strike off every fingertips of them - “Qur'an” 8: 12).
Giáo lý Hồi giáo xưa kia coi hành động tự sát là một trọng tội, kẻ tự sát sẽ bị trừng phạt bằng lửa hỏa ngục. Ngày nay, hành động đánh bom tự sát được các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan diễn giải là “tử vì đạo”, là “Thánh Chiến”, nên người đánh bom cảm tử được coi là “Thánh tử vì đạo”.
“
Không phải các ngươi đã giết chúng, mà đấng Allah đã giết chúng. Không phải các ngươi đập tan kẻ thù mà Allah mới là đấng đập tan chúng” (You did not slay but it was God who slew them.You did not smite the enemy but it was God who smote - “Qur'an” 8:17).
“Thánh Chiến”, “tử vì đạo” chính là logic được các lực lượng cực đoan dùng để diễn giải cho vụ 9-11, các vụ đánh bom tự sát như ở cuộc đua marathon tại Boston...