(NCTG) “Chúng ta nhìn sang thiên hạ với những khó khăn của họ, và thổi phồng lên, để biến cái thực tại khốn khổ mà mình đang phải chịu đựng trở nên nhỏ nhoi hơn. Chúng ta thương cảm họ hết mình để che đi cái đáng thương gấp ngàn lần của mình”.
Cảm giác bất an bao trùm Châu Âu - Ảnh: Internet
Những ngày này, sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris, người Pháp nói riêng, người Châu Âu nói chung có lẽ đều mang cảm giác bất an.
Ai nấy cẩn thận hơn khi đến những chỗ đông người, những trung tâm giải trí, bến tàu điện ngầm, bến tàu, chợ...
Cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Các khu vực công cộng như siêu thị, trường họ,... mọi người đều bị yêu cầu kiểm tra túi xách trước khi vào.
Ai cũng hiểu đó là vì an toàn của bản thân, và hợp tác vui vẻ với cảnh sát.
Tuy nhiên, cảm giác ngột ngạt, mất tự do là điều ai cũng cảm thấy.
Mọi người không còn thoải mái đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì mình muốn như trước nữa. Họ phải cân nhắc mỗi khi làm một điều gì đó.
Tự nhiên, mình nhận ra, tự do hóa ra không chỉ là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, tự do lập hội... Tự do đơn giản và gần gũi hơn nhiều. Tự do chính là cảm giác an toàn. Bạn càng tự do, bạn càng cảm thấy an toàn, bạn càng thoải mái, bạn càng tự tin.
Mình nhớ cảm giác đáng sợ nhất chính là khi đọc được tin Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng, có thể có khủng bố hóa học và khủng bố sinh
học ở Pháp.
Mình quả thực sợ hãi hai hình thức khủng bố này hơn nhiều lần so với vũ khí thông thường. Vì nó vô hình, và nó lởn vởn đe dọa những thứ thiết yếu nhất mà con người không thể tồn tại nếu không có chúng: đấy là nước, là đồ ăn, là dưỡng khí chúng ta hít thở.
Để đối phó vũ khí thông thường, chúng ta vẫn có thể đi lại với sự cẩn thận nhất định, với sự bảo vệ, che chở của lực lượng cảnh sát. Người dân Châu Âu dù lo lắng nhưng biết rằng, với sự hiện diện của cảnh sát, họ được an toàn hơn, hoặc ít ra là chính phủ đang nỗ lực hết sức mình để bảo vệ họ.
Nhưng với vũ khí hóa học, sinh học có thể đầu độc mọi nguồn nước, đồ ăn và không khí thì quả là cảm giác bất an sẽ rất khủng khiếp.
Rồi mình lại so sánh, lại thấy rằng, người Việt chúng ta, gia đình, bạn bè chúng ta đang sống trong sợ hãi đến mức nào. Tuy nguy cơ khủng bố theo kiểu ở Phương Tây thì ít, nhưng cảm giác bất an thường trực thì còn tệ hơn.
Có thể chúng ta không bị những kẻ điên xả súng vào đầu, hay không phải nghe lời đe dọa từ các tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng chúng ta ra đường là sợ tai nạn giao thông, nhìn hội choai choai còn không dám, nhìn thấy công an thì nghĩ ngay là mình làm gì sai rồi...
Nhiều khi chúng ta ăn không dám ăn, uống không dám uống, không chỉ ngoài đường mà cả ở nhà cũng lo lắng không yên... Rồi Facebook là thế giới ảo mà nói gì, làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau không yên...
Tệ hơn nữa là tất cả những nguy cơ ấy chúng ta thấy, nhưng chúng ta bất lực, không biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu, phải kêu ai? Chúng ta chỉ biết chịu đựng và loay hoay trong cái năng lực hạn hẹp của mỗi cá nhân lẻ tẻ một cách tội nghiệp.
Mà tất cả những ai có đầu óc một chút đều biết tỏng rằng, với những gì chúng ta đang vùng vẫy, chúng ta đang chẳng cải thiện được điều gì cả. Bởi gì chúng ta vẫn chưa đụng vào cốt lõi của nguyên nhân gây ra những điều này.
Vẫn chưa hết, chúng ta còn có biểu hiện chấp nhận sự việc, coi nó là sự đã rồi.
Và sau đó, chúng ta nhìn sang thiên hạ với những khó khăn của họ, và thổi phồng lên, để biến cái thực tại khốn khổ mà mình đang phải chịu đựng trở nên nhỏ nhoi hơn. Chúng ta thương cảm họ hết mình để che đi cái đáng thương gấp ngàn lần của mình.
Rồi cuối cùng, chúng ta tự hào vì mình “an toàn” hơn họ...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...