Có đôi khi thấy thương thật thương những thói quen ăn uống của một thời khốn khó.
Hôm nọ bịnh, miệng nhạt nhếch ăn gì cũng không thấy ngon, thế rồi chợt nhớ ra món bột mì nhứt khuấy. Không có bột mì nhứt nên thay bằng bột sắn dây. Bắc chảo lên bếp, cho vào ít dầu, hành tím xắt lát bỏ vô phi vàng, cho bột sắn dây đã hoà tan trong nước lạnh vào khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại trong veo. Dùng đũa dích từng miếng bột chấm vào nước mắm ngon dầm ớt cay xè. Vừa ăn vừa hít hà ngon lành.
Có lúc ngồi nhìn bàn tiệc ê hề thức ăn lại ước gì đổi cả cái bàn ấy để lấy mấy con cá bánh đường muối và bó rau lang cùng mấy quả trứng vịt. Cá bánh đường là một loài cá biển màu hồng thịt trắng, dai và rất ngọt, lúc được mùa bán không hết người ta xẻ chéo cá rồi ướp muối hột xếp vào lu. Cá ăn muối mình cứng lại. Khi nào biển động không có cá mang ra bán, cá mua về ngâm trong nước cho phai bớt muối rồi chiên lên ăn hao cơm vô cùng.
Lâu lâu lại lên cơn thèm cơm chan tóp mỡ. Mà ở xứ này mua mỡ khó thiệt, lùng sục mấy chợ không có phải xách xe chạy ra Kadewe, cả đi về mất gần 50 phút. Trả 4 Euro mua về một miếng mỡ, hì hụi xắt hạt lựu thắng ra được lưng chén tóp mỡ, rồi trộn tóp mỡ với cơm, chan lên ít nước mắm cay ăn như ăn sơn hào hải vị vậy đó. Ăn xong có cảm giác cực kỳ thoả mãn.
Thời bao cấp tem phiếu mình còn bé lắm, không nhớ được gì nhiều, trong Nam đời sống cũng đỡ hơn, hơn nữa khi đó ba má giỏi xoay sở nên cũng không quá khổ nhưng mà không có dồi dào thịt cá như bây giờ. Sau này đọc sách và xem phim thấy bao cấp ngoài Bắc cực quá chừng. Người ta bảo miếng ăn là miếng tồi tàn mà khổ đến nỗi vì miếng ăn một ông tiến sĩ đẹp trai con nhà gia giáo phải quỵ lụy xin cưới một cô mậu dịch viên mập ú, lắm lời để có miếng thịt.
Lâu lâu nhớ các món ăn xưa thì thấy thương vậy đó, nhưng nghĩ đến các giá trị tinh thần và vật chất của thời đó là rùng mình. Hôm Tết người ta
dựng lại các hoạt cảnh thời đó, rồi nhắc nhở những kỷ niệm trong bồi hồi, như luyến nhớ thời xa xưa. Mình xem chả thấy xúc động gì chỉ thấy rờn rợn, chế độ tem phiếu là cả một sai lầm, cơ chế khốn nạn có gì đáng trân trọng đâu nhỉ?
Ngày Tết há không phải chỉ nên dành để nhớ về những điều đẹp đẽ đã mất đi? Hay có thể là do mình dốt quá không hiểu được hết ý nghĩa của nó?