“VƯỢT CẠN” Ở PHÁP, MỘT VÀI CHIA SẺ

Thứ năm - 13/07/2017 08:25

(NCTG) “Mình sinh mà không có chuẩn bị, tìm hiểu gì nhiều. May mà sinh con bên Pháp”.

Minh họa: gendiagnosztika.hu

Minh họa: gendiagnosztika.hu

Mình chưa từng sinh con ở Việt Nam, cũng không có diễm phúc được đưa ai đi sinh con, nên chỉ dựa vào các bài “nhật ký vượt cạn” của bạn bè để so sánh chuyện “lâm bồn” ở ta và “Tây”, cùng đôi ba “trải nghiệm thực tế”. Ai đã từng sinh con ở cả hai nơi cho xin ý kiến bổ sung nhé.

Những thứ mình thấy khác:

1. Đẻ không đau (thấy ai cũng kêu đau đẻ khủng khiếp lắm!):

Bên này có bầu ở tháng thứ bảy thì có một cuộc kiểm tra bắt buộc xem có bị dị ứng với thuốc giảm đau không, và kiểm tra xem lưng có vấn đề gì không, vì nếu dùng thuốc thì sẽ tiêm vào lưng? Đồng thời phát tài liệu giới thiệu về gây tê màng cứng khi sinh.

Mình phải ký vào, chứng tỏ là đã hiểu hết rồi (mình hồi ấy cũng chả thèm đọc, vì nó nhiều chữ quá, chỉ biết mang máng rồi... ký đại, vì mệt chết đi rồi, tin bác sĩ là chính). Được dặn là khi sinh tiêm vào cho không bị đau đẻ (tất nhiên là do mình lựa chọn là tiêm hay không).

Mình tò mò muốn biết là đau đẻ như thế nào, nên cứ lần lữa không chịu tiêm, dù mới vào viện đã được “gạ gẫm” tiêm rồi.Thấy cô đỡ (cô ấy trẻ lắm, gọi bà đỡ cứ thấy không hợp) bảo là có người vào viện là tiêm luôn. Cuối cùng khi mở 6cm thì mình đau quá đồng ý tiêm.

Thấy bảo là muộn quá thì tiêm không được nữa. Mình có cô bạn thân thiết sinh ở bên Ý vì sự tắc trách của bác sĩ mà không được tiêm thuốc giảm đau, cô ấy thề là không bao giờ sinh nữa.

Với người sinh lần đầu, trung bình 1h mở được thêm 1cm, tức là nếu không tiêm thuốc thì mình sẽ vật vã thêm 4h nữa, chắc ngất xỉu giữa đường. Mình được tiêm thuốc, ngủ một giấc rồi được gọi dậy sinh, còn rặn đẻ thất bại nên bác sĩ lôi luôn con ra, thế mà sinh xong cũng còn ngất luôn nữa là...

2. Một mình một phòng đẻ:

Sau khi vỡ ối, mình được đưa vào phòng chờ sinh. Bệnh viện bên này được cái không có tí nào cái mùi bệnh viện hết (mùi thuốc sát trùng ấy), trắng tinh sạch coong (sạch hơn nhà mình luôn).

Chồng mình thì bên cạnh mình từ lúc vào viện, tới lúc sinh xong, nên tất nhiên là vào phòng chờ sinh với mình. Chồng mình là người cắt rốn cho con mình nữa. Trong ấy còn có một cái ghế tựa ngủ được cho các ông chồng ngồi ủng hộ tinh thần vợ, và ngủ nếu vợ ngủ.

Cái giường mình sinh có một cái nút gọi cô đỡ, mình chỉ cần nhấn nút là cô ấy xuất hiện. Không thì cô ấy ngồi ở đâu đó, theo dõi máy tính tình hình của mình. Vì cô ấy nối cho mình một cái ống vào bụng đo tim thai, một cái khác đo cơn co, nên nếu mình đau là cô ấy biết hết.

Vì thế khi mình chưa chịu tiêm thuốc tê là cô ấy chốc chốc lại chạy vào hỏi mình có đau không, có muốn tiêm thuốc không? Khổ thân cô ấy, lẽ ra nếu mình chịu tiêm ngay từ đầu, thì cô ấy đỡ phải chạy ra chạy vào rồi.

3. Không phải mặc đồ bệnh viện:

Mình không phải mặc mấy cái bộ đi sinh xấu xí nhất trái đất, mà được mặc đồ của bản thân. Mình mặc cái váy rộng rãi, thoải mái của mình, và mặc nó đến tận hôm sau mới thay.

4. Được đi dạo công viên chờ sinh:

Mình vào viện khi mở 2cm, được cô đỡ cho phép đi dạo ngoài công viên 1h (vì cạnh bệnh viện có công viên) cho em bé đi vào đúng vị trí, dễ sinh hơn. Hai vợ chồng mình vào công viên đi dạo lòng vòng, đến khi thấy cơn đau dày quá thì mới quay lại bệnh viện. Khi vào là mở 4cm, vỡ ối luôn, vừa khéo!

5. Không ăn:

Mình thấy một số bạn tả là được cho ăn. Mình đến bệnh viện khi chưa kịp ăn sáng, nên có hỏi cô đỡ là có được ăn gì đó không? Cô đỡ bảo không, chỉ được uống nước, cùng lắm là nước quả, nhưng là nước quả trong (ví dụ nước cam thì phải loại không có lẫn tép cam trong đó). Tận 6h tối mình mới sinh, sinh xong mới được cho ăn.

6. Không bị tách khỏi con:

Con mình sinh ra được đưa luôn cho bố mẹ. Không tắm táp gì hết. Chỉ lau sạch nước ối là xong. Và sau đó luôn luôn ở với bố mẹ. Chắc chắn em bé đang ở nhà mình là do mình sinh ra, không bao giờ có chuyện lẫn lộn với con ai hết.

Hai mẹ con mình sau đó ngủ nghê thỏa thích, sáng ngày tiếp theo bà đỡ mới đến tắm cho con mình, còn mình thì tự đi tắm.

7. Ăn uống sau sinh bình thường:

Mình ở trong viện 5 ngày. Ở bao nhiêu là tùy cân nặng em bé. Sau khi sinh em bé sẽ giảm cân, và tăng cân lại. Khi nào em bé tăng cân lại thì hai mẹ con được xuất viện. Con mình đến ngày thứ năm thì tăng cân lại. Trong 5 ngày ấy thì bệnh viện cho ăn ngày ba bữa. Họ hỏi mình muốn ăn gì thì sẽ đáp ứng.

Mình đòi ăn cá và ăn thêm hoa quả, thế là họ cho mình ăn thêm cá và hoa quả. Họ có sữa chua hoặc pho mát, trà hoặc cà phê, mình cũng có quyền chọn theo ý mình. Nói chung không có khái niệm ăn kiêng gì cả.

8. Được dạy chăm sóc con trong bệnh viện:

Mình chọn phòng riêng, có một cái giường nâng lên hạ xuống cho mình, một cái nôi để cạnh cho con mình, và có cả một cái ghế mở ra thành giường cho chồng mình nằm với hai mẹ con trong viện, có phòng tắm, nhà vệ sinh riêng, hàng ngày có người vào lau dọn phòng như ở khách sạn ấy. Nếu chọn phòng hai người thì bảo hiểm trả hết, nhưng một mình một phòng như mình thì phải trả thêm tiền.

Sáng đầu tiên bà đỡ đến vệ sinh cho con mình: tắm, thay tã, vệ sinh rốn... Mình mệt nên chồng mình là người đứng xem để học tắm cho con. Từ hôm thứ hai thì bà đỡ đứng quan sát bọn mình làm. Chồng mình là người xem nên chồng mình thạo hơn mình, mình sau được chồng dạy.

À, mà bên này ngay từ đầu khi chưa rụng rốn họ đã nhúng cả em bé xuống nước rồi. Nên sau này bọn mình cứ nhúng cả con vào chậu nước, không cần phải tránh rốn đâu, nên tắm cho con dễ èo.

Nói chung, sau 5 ngày trong viện thì hai đứa trở thành chuyên gia tắm cho trẻ em.

9. Bác sĩ không bao giờ quát:

Sau khi mình sinh xong, cô đỡ còn khen mình là “bà bầu dễ chịu”, vì mình không la hét, đòi hỏi gì cả. Thậm chí có một cô đỡ thực tập (trẻ măng), do lần đầu tiên đâm kim ven (để truyền thuốc) nên đâm sai làm tay mình sưng vù, không cử động được cổ tay luôn, nhưng mình cũng không trách móc gì. Mình thì bảo thôi, ai cũng có lần đầu, phải thế sau này mới thạo được. Chồng mình thì bảo thôi, vì cô bé xinh quá.

Mình chưa bao giờ bị bác sĩ, y tá bên này quát mắng, cau mày. Họ luôn ân cần với mình. Trả lời mọi câu hỏi của mình (mình thì loại hay hỏi). Và lặp đi lặp lại nhiều lần vì mình tiếng Pháp kém.

10. Chỉ có chồng và chồng:

Thực ra là vì nhà mình chỉ có chồng với mình. Nhưng mình nghĩ có bố mẹ thì cũng thế thôi, vì chỉ chồng được phép vào khu chờ sinh. Mà bệnh viện lo hết: ăn uống, chăm sóc em bé, thậm chí cả tã lót của em bé cũng được bệnh viện chuẩn bị sẵn... nên ông bà có sang thì cũng chơi chơi thôi (tất nhiên khi về nhà thì khác).

Sau khi mình sinh xong thì bạn bè thân thiết cũng vào, ngắm em bé, rồi buôn dưa lê dưa bở với mình. Cũng không có vụ kiêng khem ra tháng mới đến thăm.

11. Tất cả đều được bảo hiểm trả tiền hết:

Mình sinh ở bệnh viện tư, nên mình phải trả thêm một ít tiền. Nhưng mình được mọi người bảo là sinh bệnh viện công còn tốt hơn bệnh viện tư, và không mất xu nào hết. 

Vì sao mình lại chọn bệnh viện tư? Là vì không biết thôi, nên mình thấy cái nào thì đăng ký đại cái đấy, chứ chẳng lựa chọn gì sất.

Tất nhiên càng không có chuyện phong bì lót tay ê-kíp đỡ đẻ rồi.

Nói chung là mình sinh mà không có chuẩn bị, tìm hiểu gì nhiều. May mà sinh con bên Pháp.
 
Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)

* Bạn từng sinh nở và có những trải nghiệm tại bệnh viện ở nước ngoài? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: sinh nở
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn