CHUYỆN ĂN CHAY (Phần 1)

Thứ hai - 08/08/2016 21:53

(NCTG) “Trước viễn cảnh nạn đói cho đa số cư dân trên toàn thế giới, nhân loại nên nghĩ đến việc ăn chay”.

Ăn món chay đang là một xu hướng được nhiều người hưởng ứng - Minh họa: theorangegroveclinic.co.uk

Ăn món chay đang là một xu hướng được nhiều người hưởng ứng - Minh họa: theorangegroveclinic.co.uk

Theo các nhà nghiên cứu, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên tới con số khoảng 9 tỷ và con người cần tăng lượng thực phẩm lên 70%. Trong khi đó, đất để trồng trọt sẽ giảm đi và nguồn nước cũng cạn bớt. Trước viễn cảnh nạn đói cho đa số cư dân trên toàn thế giới, nhân loại nên nghĩ đến việc ăn chay, vì năng lượng dùng để trồng rau cỏ, trái cây... làm thức ăn cho con người thấp hơn nhiều so với năng lượng dùng nuôi động vật làm thức ăn.

Sau Thỏa thuận Khí hậu mà 171 nước ký kết ở Paris tháng 5-2016, một số quốc gia đã bắt đầu đề cập nghiêm túc việc đánh thuế môi trường đối với các loại thịt. Nhưng vì sao thịt động vật lại có ảnh hưởng đến khí hậu? Bởi vì, theo tờ “Independant” tháng 5 vừa qua cho hay, “việc sản xuất thịt (nhất là thịt bò) là một trong những nguồn chính gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, chiếm đến 18%. Thậm chí cao hơn tất cả các loại xe cộ thải khí trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, việc sản xuất thịt cần cực kỳ nhiều nước, khoảng 43.000 lít nước để chỉ làm ra 1 kg thịt bò”.

Những thập kỷ gần đây, ăn chay đã được nhiều người coi là một xu hướng mới của lối sống hiện đại, văn minh. Vì sao nên ăn chay? Ít nhất có ba lý do:

1. Trong thịt động vật có chứa rất nhiều chất đạm. Do đó, hàng ngày nếu ăn quá nhiều thịt, sự thặng dư chất đạm sẽ góp phần làm tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, thận, tiểu đường, béo phì, loãng xương, ung thư, rối loạn đường ruột… Bệnh tim mạch được coi là “sát thủ số 1” và ung thư là “sát thủ số 2”. Hai căn bệnh này có nguyên nhân chủ yếu từ thói quen ăn uống. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn chay sẽ giúp giảm đến 80% nguy cơ ung thư.

Các loài thịt đều độc hại vì hiện nay kỹ nghệ chăn nuôi đã dùng các loại chất hóa học, bên cạnh đó các loại thịt còn bị nhiễm độc do các độc tố tự tiết ra khi con vật sợ hãi, đau đớn và giận dữ.

2. Khi nhu cầu ăn thịt giảm, người ta sẽ không duy trì những trại chăn nuôi khổng lồ mà chất phế thải đã làm ô nhiễm không khí, nước uống; chất sát trùng, chất hóa học để tẩy rửa đã làm cằn cỗi đất đai, làm thay đổi bầu khí quyển; súc vật ăn mười phần ngũ cốc để sản sinh được một phần thịt đã làm hao tốn thực phẩm lẽ ra là để cho người dân những xứ nghèo được no bụng. Nếu phần lớn nhân loại ăn chay, địa cầu sẽ bớt nóng vì chúng ta sẽ giảm thiểu được nhiều năng lượng từ quá trình nuôi động vật làm thức ăn.

3. Chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm rau đậu đã và đang được khuyến cáo áp dụng bởi hầu hết các cơ quan có thẩm quyền về sức khỏe như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Những công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm rau đậu khiến con người có sức khỏe và ít bệnh tật hơn là chế độ ăn thịt cá.

Nếu xét về đặc điểm cấu trúc cơ thể như răng, đường tiêu hóa, hệ thống thoát mồ hôi…, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng con người là sinh vật ăn rau quả. Ruột ở người rất dài, thức ăn đi qua lâu để hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng. Vì thế, việc tiêu hóa thịt động vật trong thời gian dài dễ gây ra men thối, sản sinh nhiều chất độc, gây nguy hiểm cho đường ruột, có khi dẫn đến ung thư ruột.

Ở phần sau của bài viết, xin điểm qua về một số cách ăn chay thường thấy, cùng cách ăn chay để làm sao vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Vân Lê tổng hợp, từ Brussels (Bỉ)


 
 Từ khóa: sức khỏe, ăn chay
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn