(NCTG) “Tôi cũng chưa bao giờ thấy chiếc áo tơi nào chỉ nghe và biết theo lời kể của người lớn. Mùa đông ở Huế trong mưa dầm, gió bấc, người nào đi ra đường cũng đội nón lá, khoác chiếc áo tơi, mưa chiều nào xoay áo che theo chiều đó cho khỏi ướt. Miệng ngậm điếu thuốc Cẩm Lệ là sành điệu lắm rồi”.
Chiếc áo tơi với người nông dân Việt - Minh họa: Internet
Nghe câu hát “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng” của nhạc sĩ An Thuyên trong bài hát “Ca dao em và tôi”, tôi thấy tình cảm làm sao, chàng trai và cô gái khoác chiếc áo tơi trong trời mưa, cùng nhau ra đồng làm ruộng.
Rồi lại đọc câu ca dao cũ: “Trời mưa thì mặc trời mưa - Chú Tư đi bừa đã có áo tơi”.
Tôi nhớ lại hồi còn nhỏ, mỗi lần chuẩn bị đi học mà trời chuyển mưa, mẹ tôi lại nhắc: “Nhớ đem theo áo tơi”.
Đó là mẹ tôi nói theo thói quen, chứ thời tôi đã biết đi học thì đâu còn ai dùng áo tơi che mưa nữa. Tôi cũng chưa bao giờ thấy chiếc áo tơi nào chỉ nghe và biết theo lời kể của người lớn. Mùa đông ở Huế trong mưa dầm, gió bấc, người nào đi ra đường cũng đội nón lá, khoác chiếc áo tơi, mưa chiều nào xoay áo che theo chiều đó cho khỏi ướt. Miệng ngậm điếu thuốc Cẩm Lệ là sành điệu lắm rồi.
Với tôi chiếc áo tơi chỉ còn là kỷ niệm, chắc bây giờ chẳng còn ai dùng đến nữa. Nhưng tôi lại tò mò muốn biết rõ hình ảnh vật dụng này như thế nào, vậy là phải tìm trên google thôi. Thôi chết rồi, tôi nhầm to rồi, suýt chút nữa nói tầm bậy tầm bạ, bà con Hà Tĩnh cười cho chết. Chỉ cần gõ “áo tơi” thông tin hiện ra vô số, hình ảnh minh họa cũng đầy đủ. Thì ra bây giờ bà con ở miền Trung, nhất là vùng Hà Tĩnh người ta vẫn dùng và sản xuất áo tơi.
Vậy là nhạc sĩ An Thuyên là người miền Trung đang nói về thời hiện đại, chứ không phải kể chuyện đời xưa. Và với chiếc áo tơi nhỏ xíu vừa đủ cho một người, thì anh và em cùng nhau ra đồng, hai người hai chiếc áo tơi, không phải khoác chung một cái cho tình cảm như tôi đã tưởng tượng.
Người miền Trung nhất là vùng Can Lộc, Hà Tĩnh vẫn dùng áo tơi nhưng chủ yếu là để che nắng, chứ không dùng để che mưa như hồi xưa. Trong cái nắng chói chang và gió Lào thổi rát mặt, rát da, thì áo tơi là vật dụng che nắng tốt nhất, khó có cái gì thay thế tốt hơn. Nên người ta vẫn còn cần đến nó cho dù đã sang thế kỷ 21 được gần 16 năm rồi.
Thấy chiếc áo tơi rồi, tôi lại vận dụng trí nhớ cùi bắp của mình. Thì ra trước đây mình cũng có thấy rồi mà không để ý.
Một con tem New Zealand phát hành năm 1955 (đã hơn 60 năm) kỷ niệm 100 năm sự kiện gì đó, tôi không biết vì trên con tem không ghi gì cả. Người Maori mặc chiếc áo tơi bằng lá, cách thức làm coi bộ cũng giống với áo tơi Việt Nam nhưng ngắn hơn, và kèm theo chiếc váy cũng làm bằng lá. Anh ta chỉ còn thiếu chiếc nón lá đội trên đầu nữa là hoàn hảo.
Thật đáng ngạc nhiên New Zealand xa nước Việt Nam hàng nghìn cây số, mà sao lại có những cách thức sáng tạo những vật dụng dùng trong đời sống hàng ngày giống nhau đến thế.
Bây giờ ở Việt Nam cũng chỉ còn một ít vùng miền còn dùng đến chiếc áo tơi, tôi không biết bên New Zealand xa xôi, người Maori có còn dùng nữa không, hay cũng chỉ là những kỷ niệm xa xưa, chỉ còn xuất hiện trên những con tem mà bản thân chúng cũng đã chuẩn bị bước vào dĩ vãng.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...