TẾT

Thứ hai - 01/02/2016 15:58

(NCTG) “Có lẽ, vì những đứa con xa quê không có điều kiện nên chỉ cố gắng giữ lại những tinh thần Việt Nam nhất trong cái tết cổ truyền, thứ mà người Việt tại quê hương đang dần quên mất, bởi những thứ hình thức bên ngoài. Vì thế cái tết xa xứ nó trở nên thuần khiết hơn?”.

Ký ức tết một thời - Ảnh tư liệu

Ký ức tết một thời - Ảnh tư liệu

Cho một cái tết nữa xa nhà, cho ký ức thơ bé. 

Mình nhớ những cái tết thơ ấu.

Nó có thể là nhiều cái tết thơ ấu của mình quyện vào nhau, đến giờ mình cũng không phân biệt được rạch ròi nó là năm nào, là khi mình bao nhiêu tuổi.

Mình nhớ bà nội mua lá dong trước tết cả tuần, dùng lạt buộc vào cột nhà. Mình cũng chẳng nhớ được vì sao phải làm thế, chỉ nhớ hình ảnh lá dong buộc vào cột nhà mà thôi.

Mình nhớ bà bắt đầu mong ngóng con cái trở về. Bà có mười người con, đa số đi xa, chỉ có tết là chúng tụ tập được về thăm ông bà mà thôi.

Mình nhớ con chó bốn mắt vẫy đuôi tíu tít khi lần lượt các cô các chú cùng con cái họ trở về. Trông họ thật vui vẻ, và những đứa trẻ thành phố thì vô cùng đẹp đẽ. Mình nhớ mình bé tí, đứng trong góc nhìn ngắm mọi người tấp nập, hoặc là nhìn những đôi chân hối hả đi ra đi vào, thấy lòng rộn rã.

Mình nhớ nghe tiếng lợn eng éc đâu đó, và sau đó các chú mang về một xoong thịt lợn to đùng, đặc biệt có lòng và tiết để làm dồi.

Mình nhớ bà ngâm gạo, ngâm đỗ ngoài sân sau.

Mình không nhớ mọi người gói bánh lúc nào, luộc bánh ra sao, chỉ nhớ sáng mai ra đã thấy một dãy bánh chưng đang được ép xếp dọc theo tường nhà. 

Mình nhớ lúc giao thừa, mình theo hai cô út và mấy đứa em sàn sàn tuổi lên đê ngắm pháo, rồi đoán xem pháo đó là pháo nhà ai. Tất nhiên là các cô đoán rồi, chứ bọn trẻ con bọn mình làm sao biết được. Rất hào hứng.

Mình nhớ các cô em ở thành phố hát múa rất chuyên nghiệp. Con bé quê mùa như mình chỉ ngắm nhìn đầy ngưỡng mộ. 

Sau này ông bà mất đi, mình không bao giờ có thể cảm nhận được cái tết nào như thế nữa.

Lạ cái là trong ký ức tết của mình chưa bao giờ có ký ức về manh áo mới, hay những bao lì xì.

Khi mẹ mất, năm đầu tiên mình phải làm cỗ tết, mình thương mẹ hết biết. Dù ba bố con đã giản tiện hết mức có thể, việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, làm cỗ từ 23, rồi đêm 30, rồi sáng mùng Một làm mình mệt phờ râu.

Hồi mẹ còn sống, mình chẳng quan tâm nhà có gì ăn, mình cũng chả nhớ có đòi quần áo mới không, mình chưa bao giờ đòi lì xì, mình chỉ đòi gói bánh chưng. 

Nhà mình gói bánh chưng cho tất cả nhà các cô các chú.

Khi ấy, mẹ chuẩn bị, cô, bố và chú mình gói. Nhà mình gói bánh chưng không khuôn, gói bằng đậu sống, thịt ba chỉ ướp hành (giờ chẳng ai ướp hành vào nhân thịt bánh chưng, nên mình ăn bánh chưng giờ không bao giờ thấy ngon bằng bánh nhà mình).

Mình vẫn nhớ đấy là cuộc đua nho nhỏ giữa các bậc phụ huynh xem ai gói nhanh hơn, ai gói đẹp hơn. Mình sau bao cố gắng vẫn không thể gói bánh được vì tay chân vụng về, nên nhận canh bánh, và luôn vừa canh bánh vừa làm bánh nhãn, coi như là đóng góp nhỏ bé của mình cho dịp tết vậy.

Sau này nhà chỉ còn ba bố con, tết chỉ là mua đào, mua quất, làm đúng các thủ tục cúng tổ tiên.

Mình lúc nào cũng hoài niệm cái tết mà người ra vào tấp nập, cười nói hối hả, mỗi người mỗi việc chuẩn bị tết giống hồi thơ bé, giống hồi ông bà còn sống ở quê. 

Tết với mình khi lớn chỉ là nghĩa vụ.

Đấy là mình còn chưa lập gia đình, chưa phải lo tết cả bên nội lẫn bên ngoại, chưa phải lo lì xì trẻ con, chưa phải lo lì xì các sếp và con cái các sếp.

Vậy mà mình đã mệt rồi.
 
Sắm tết nơi xa quê - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Sắm tết nơi xa quê - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Lạ cái, khi sang cái xứ chỉ có nhúm người Việt túm lại đón tết, mình lại thấy cái không khí xưa xưa tràn về.

Là bọn mình lại tụ tập gói bánh chưng, gói giò, nấu canh măng, làm nem.

Là lâu lắm lại thấy cái không khí quây quần. Tuy không phải ruột thịt nhưng rất đầm ấm.

Tết, xét cho cùng là sum vầy. 

Về nghĩa này, những đứa con xa xứ đều bùi ngùi vì không phải ai cũng có điều kiện về Việt Nam đón tết với gia đình.

Nhưng xét về nhiều mặt khác, xa nhà giúp những đứa con như mình thấm thía cái không khí tết, cái thứ mà đã dần dần mất đi trong mình khi còn ở Việt Nam.

Có lẽ, vì những đứa con xa quê không có điều kiện nên chỉ cố gắng giữ lại những tinh thần Việt Nam nhất trong cái tết cổ truyền, thứ mà người Việt tại quê hương đang dần quên mất, bởi những thứ hình thức bên ngoài. Vì thế cái tết xa xứ nó trở nên thuần khiết hơn?

Cho đến khi nào tết mới trở lại không khí tết như khi mình còn thơ?

Có lẽ chẳng bao giờ...

Vì mình đã là người lớn mất rồi?

Vì toàn bộ xã hội của chúng ta đã không còn như xưa?

Mình chẳng biết nữa...

Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)

* Bạn có cảm xúc thế nào trong những ngày giáp Tết? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: Tết, xa quê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn