VỀ MẸ, MÙA BÁO HIẾU

Chủ nhật - 30/08/2015 01:47

(NCTG) “Tình yêu của người mẹ dành cho con bao giờ cũng lớn hơn cả phần mình. Mẹ đau hơn khi con bị ngã đau, mẹ buồn hơn khi con khóc, mẹ mắng phạt con không khóc mà mẹ khóc...”.

Hai bài mẹ của tôi

Hai bài mẹ của tôi

Ngày cứ trôi. Hết ngày mưa lại ngày nắng về. Giật mình đã bước qua gần hết nửa đời người. Tự hỏi nửa đời này đã báo hiếu được gì cho cha mẹ?

“Rồi mai mình cũng già”. Đó là tựa đề một bài hát mà nốt nhạc cuối chỉ nằm ở cuối câu hát còn dư âm của nó thì còn đến vài ngày sau.

Từ thời điểm nào ta nhìn thấy cha mẹ đã già? Từ lúc nào ta thấy cuộc sống của ta không có chỗ hoặc rất ít ỏi hình bóng của cha mẹ, thay vào đó là những lo toan cơm áo gạo tiền, con trẻ, những mối quan hệ công việc, cuộc sống, bạn bè?

Kể từ lúc biết suy nghĩ, ta vẫn canh cánh bên lòng sẽ đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha đấy chứ, nhưng phần lớn nó luôn được đóng khung trang trọng trong bản kế hoạch trong óc chứ ít khi nằm trong danh sách việc cần làm ngay, trừ những thời điểm định kỳ như lễ, tết hay cấp kỳ như lúc cha mẹ ốm đau...

Đời tôi thật may mắn có hai người mẹ yêu thương tôi và gieo cho tôi những hạt mầm đầu tiên về tình yêu vô tận của người mẹ đối với con cái mình. Chỉ đến khi thực sự làm mẹ tôi mới kinh nghiệm được tình yêu của người mẹ dành cho con bao giờ cũng lớn hơn cả phần mình. Mẹ đau hơn khi con bị ngã đau, mẹ buồn hơn khi con khóc, mẹ mắng phạt con không khóc mà mẹ khóc...

Tôi nhớ những ngày đầu làm mẹ, tôi thật là ấu trĩ đến độ cứ bế chặt con đang bị sốt nóng suốt đêm chứ nhất quyết không để ai bế con giúp chỉ bởi những ý nghĩ ngu ngơ biết đâu khi mình ngủ con lại sốt cao hơn mà không để ý là mình đã làm những người thân chỉ muốn giúp mình phải buồn.

Mẹ có thể làm mọi thứ cho con bởi vì trái tim mẹ bảo vậy, tôi tin chắc mẹ nào cũng làm thế cả. Cho dù mình có yêu mẹ đến đâu cũng không bao giờ bằng tình yêu của mẹ dành cho mình. “Nước mắt chảy xuôi” là thế. Làm mẹ rồi thấy thấm lắm.

Mẹ tôi và mẹ chồng tôi là những người mẹ bình thường như hết thảy người mẹ khác trên đời này. Đương nhiên họ không phải là hình tượng khuôn mẫu bà mẹ Việt Nam xuất hiện màn ảnh vài thập kỷ qua vẫn chiếu nhan nhản khắp các mặt phim.

Đó là những cụ bà già yếu, hom hem, nằm trên giường ho dốc từng cơn như bạo bệnh, còn không thì cũng phải bà mẹ nào đó lam lũ, lấm lem, khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt đượm buồn nhìn mông lung phía xa xa... Hình như chúng ta cứ quan niệm, mẹ phải nghèo lắm, khổ lắm mới đáng được ca ngợi thì phải.

Đúng là có một thời các cụ, các bà, các mẹ của chúng ta đã từng vất vả, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không thì cũng tần tảo chắt bóp, xoay xở cho bữa cơm gia đình “có chất” và cuối tuần được “ăn tươi”... Phần lớn mẹ nào cũng khổ cả, nhưng mà thời đó thì ai cũng như ai như thế thôi.

Mẹ của tôi cũng như hàng triệu triệu người mẹ khác đã vất vả một đời bươn chải “khéo làm thì no, khéo co thì ấm” nuôi các con trưởng thành.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết, mẹ tôi ngồi gói bánh chưng từ sáng đến đêm cho nhà tôi và cả những nhà hàng xóm xung quanh, nhà các cô, bác cùng làm ở nhà máy vớI mẹ cũng ở gần quanh đấy. Lúc mẹ về thế nào tôi cũng được vài cái bánh chưng nhỏ xinh “chiến lợi phẩm” - tôi chỉ biết vô tư mà xơi chứ nào có nghĩ đến cái lưng của mẹ đã mỏi nhừ tử cả ngày.

Tôi nhớ những lần đi Bách hóa Tổng hợp, lúc về muốn con được ăn kem là mẹ tôi phải đứng vào hàng dài người xếp hàng thì ít mà chen lấn, xô đẩy thì nhiều.

Tôi nhớ cảm giác chờ mẹ mua kem thường rất lâu, lâu lắm, và hình ảnh tôi không thể nào quên là lúc mẹ cầm mấy que kem trên tay nhìn tôi cười mãn nguyện trong khi mái tóc của mẹ đã bị xổ tung ra phất phơ bay trong gió bỏ lại sau lưng hàng đoàn người vẫn tiếp tục chen lấn khốn khổ vì mua kem - chắc là cũng khá nhiều bà mẹ, ông bố trong số đó.

Chẳng bù bây giờ, thích ăn kem hả con. A lê... Kem có mặt trong vòng 10 phút! Gọi điện thoại mang tới nhé, khỏi chần chen chúc. Còn muốn thưởng thức tại quán hả, có ngay kem ngon BR (Baskin & Robbins Ice Cream) ở ngoài đường chỉ cần 5 phút đi bộ là tới.

Tôi cũng nhớ vườn rau tăng gia của mẹ. Nhớ những buổi chiều muộn, mẹ gánh nước cá từ chỗ làm về tưới rau, làm cỏ, nhớ mùi khói của cỏ đốt ngai ngái nồng nồng và nhớ dáng mẹ nhỏ xíu cắm cúi bên mấy luống rau trong ráng chiều, cứ thấy nao nao như cả tuổi thơ ngốc nghếch vô tư đang ùa về.

Mẹ chồng tôi cũng vất vả hệt như vậy, có khi còn hơn vì bố chồng tôi đi công tác xa nhà biền biệt hết cả thời trung niên, đến lúc về hưu mới quay về nhà. Một tay mẹ vừa chăm các con vừa chăm mẹ chồng, việc nhỏ lớn gì cũng đến tay mà lại phải làm một mình quả là một nỗi vất vả không biết tỏ cùng ai.

Một cơn bão lớn ngày ấy đã thổi bay mái nhà của năm mẹ con bà cháu, chỉ trong phút chốc trong nhà như ngoài sân. Vậy mà mẹ chồng tôi đã xoay xở tận dụng mọi thứ có sẵn cũng như kêu gọi các nguồn lực trợ giúp bên ngoài. Nào gạch ba banh tự đóng, nào vôi tự tôi, chỉ có cát được đồng chí bên cơ quan bố chồng cho một xe ra biển ĐS xúc về, xi măng thì phải mua, còn lại tất tật thợ xây được huy động là anh em bạn bè, con cháu trong nhà...

Ấy vậy mà mẹ tôi cũng làm được ngôi nhà ba gian khang trang vững chãi cho đến khi bố chồng về hoàn thiện nốt. Bây giờ việc xây nhà thì thấy bình thường chứ thời ấy tay không mà xây được nhà có thể coi là công trình vĩ đại của mẹ được rồi.

Ngày chồng tôi đỗ đại học, mẹ chồng tôi cũng phải chia tay với đôi bông tai - của hồi môn của bà ngoại cho - để đóng tiền học anh. Cái đĩa máy vi tính thời đồ đá chồng tôi mua ở trường Bách khoa cho khóa học về IT đầu tiên xuất hiện cách đây dễ đến hơn ba chục năm đã khiến chồng tôi tiêu tốn hết 10 đồng ky cóp mãi của bà.

Giờ đây, chồng tôi vẫn rơm rớm mỗi khi kể lại câu chuyện đó. Vấn đề không phải chỉ là tiền, mà là cách bà đầu tư cho việc học máy tính khi chồng tôi vừa tốt nghiệp đại học thật là sáng suốt, vì sự hiểu biết sớm về máy tính đã sớm mang lại cho anh nhiều thuận lợi cho công việc sau này.

Giờ đây là thời các bà mẹ A-còng @. Làm mẹ giờ đây không còn là sự hy sinh vĩ đại như xưa vì đã có rất nhiều công cụ trợ giúp cho thiên chức làm mẹ. Nhưng mẹ của thời nào cũng vẫn vậy, vẫn yêu con hơn bản thân mình.

Nên chăng chúng ta cũng cần khắc hoạ chân dung bà mẹ Việt Nam một cách khác đi, có thêm những hình tượng khác văn minh hơn, cho phù hợp xu thế thời đại cũng như cho thế hệ trẻ một cái nhìn mới, ít nhất là không rập khuôn các hình mẫu đã có sẵn từ bao đời nay.

Để các em có những tấm gương khác, sáng sủa hơn thế hệ đi trước, và cho các em thấy các bà mẹ Việt Nam cũng đang hoàn thiện mình thep kịp các bà mẹ khác trên thế giới ? Chẳng hạn những bà mẹ dạy con nên người thành đạt, có ích cho xã hội và có tấm lòng nhân văn.

Như mẹ của Giáo sư Ngô Bảo Châu, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, mẹ nuôi của cậu bé Thiện Nhân, v.v..., giản dị hơn nữa là biết bao những bà mẹ âm thầm làm tốt bổn phận của mình, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái hết khả năng để cho con trẻ có một tương lai tốt nhất, những bài học làm người thực tế nhất.

Nhưng thôi, đó là chuyện của những nhà làm công tác xã hội, tuyên truyền. Tôi chỉ muốn nói về những bà mẹ bình thường như hai người mẹ của tôi. Mẹ tôi đến giờ này vẫn còn nghĩ cho tôi. Chắc mẹ sợ tôi ở nhà làm “nhà báo” thì mất điểm trong mắt chồng nên mỗi tháng mẹ bắt tôi phải cho mẹ bớt chút tiền lương hưu của mẹ để “đóng tiền học piano cho thằng Bi chứ mẹ có cho con đâu”.

Tôi nhận mà không dám từ chối vì biếr rằng mỗi phím đàn thằng Bi đánh, mỗi nốt nhạc thằng Bi chơi có niềm vui đong đầy yêu thương của bà ngoại, để con hiểu rằng người ta có thể đón nhận yêu thương này và tìm cách đáp đền lại bằng chính những yêu thương.

Mẹ chồng tôi đã cho tôi bài học đầu tiên về dưỡng dục con cái, mà đó lại là con nuôi, là cháu ruột vợ chồng tôi nhận nuôi từ ngày đầu tiên chúng tôi về làm người một nhà, rằng: “Các con nuôi cháu là quyết định của các con, mẹ không can thiệp. Mẹ chỉ nhắc là nuôi thì dễ, dạy mới khó. Nếu đã nhận nuôi cháu thì hãy nuôi dạy cháu nên người, đừng bao giờ để bị trách cứ”.

Quãng đường nuôi dạy con của người khác, dù vẫn là cùng huyết thống thật, không hề dễ dàng, nhất là khi chúng tôi còn chưa làm bố mẹ bao giờ. Những lúc con trở chứng như ngựa hoang, những lúc dạy con học thuở i tờ, những giai đoạn quan trọng khi con thi chuyển cấp, những va chạm nặng tay chân nặng lời giữa anh và các em... luôn làm tôi căng thẳng, mệt mỏi, nhưng lời dạy của mẹ chồng đã làm tôi biết kiên nhẫn với con và tìm cách để gần con hơn thay vì tạo ra sự khác biệt giữa con nuôi và con ruột.

Ngay cả đề nghị của chồng tôi từ ngày đầu đưa con về nhà “đã cho con mái nhà, thì cho con gọi là ba mẹ để con cũng giống như những đứa trẻ khác” chẳc hẳn cũng xuất phát từ những yêu thương của mẹ chồng đã thấm rọi vào chồng tôi.

Anh chàng bốn tuổi ngông nghênh, tóc hoe hoe vàng chửi bậy như hát lúc chúng tôi mới đón về, chàng trai lì lợm, lóng ngóng, vụng về, thiếu tự tin hồi mới lớn giờ đây đã là thanh niên trưởng thành, có công việc ổn định, tự tin về nghề nghiệp và tự lập được rồi.

Trở về sau chuyến công tác dài ngày, được nghe chàng ấy nói “con sắp về thăm mẹ”, tôi nghe như sóng cuộn trong lòng. Lời tôi nói trong những lúc “lên lớp” con năm xưa giờ đây con đã thấu hiểu. Tôi nhớ những lần con làm sai, khi quở trách, tôi đã bảo:

Mẹ không mong con khôn lớn để đền đáp gì cho ba mẹ, mẹ chỉ mong con trưởng thành để ngày nào đó con về thăm mẹ của con, tự tay biếu mẹ những đồng tiền con tự làm ra để mẹ con vui lòng, để tuổi già cô đơn của mẹ con được an ủi”.

Hôm qua chàng ấy mới trở về từ chuyến đi thăm quê một mình đầu tiên. Nghe chàng ấy kể “ông bà nội vui lắm, ông bà bảo nếu muốn con cứ về đây ở với ông bà, con ở với ông bà hai ngày, ăn với ông bà ba bữa, con ngủ với bà, bà nội mở máy lạnh cả đêm cho con ngủ mát...”, và cả việc anh ấy biết biếu ông bà chút tiền nhỏ để ông bà ăn sáng làm cho tôi thấy được những yêu thương của tôi đã quay trở về bên tôi.

Một việc tôi không thể không nhắc đến là đối với mẹ chàng, cuộc sống giờ đây chỉ còn là sự tồn tại của những chuỗi hành động vô nghĩa, vô thức, nhưng trong lòng bà vẫn còn chút tỉnh táo nhớ về con, nhận ra con. Giữa những lời nói ngu ngơ do não bộ đã chạy sai nhịp điều khiển, người mẹ vẫn biết lo con tốn tiền.

Sâu thẳm trong tiềm thức, mẹ dù mất trí cũng vẫn còn nguyên vẹn trái tim người mẹ. Thương lắm.

Nhìn tấm hình con post lên facebook hai mẹ con có đôi mắt giống hệt nhau tôi không tin nổi vào mắt mình. Cái anh chàng dường như có chút ưa thích hình thức của tôi lại dám dũng cảm khoe hình ảnh người mẹ đáng thương của mình thật vậy sao? Yêu thương ai đó thật lòng là khi can đảm công khai thừa nhận tình cảm của mình với người đó. Một tấm hình con đăng với mẹ, hơn cả tỉ lời nói ngọt ngào.

Cho dù mẹ con không bao giờ biết được có bao nhiêu người sẽ ngắm nhìn (và like nữa chứ) tấm hình này, thì nó mãi mãi là một minh chứng cho tấm lòng biết ơn của con đối với mẹ. Con đã tìm về nguồn cội, tìm về nơi chắp cánh cho con chào đời mà không chối bỏ người mẹ tội nghiệp của con. Mẹ con cuối cùng cũng đã có được ý nghĩa cuộc đời khi có con và nếu có phép màu để mẹ con được hồi phục trở lại, chắc hẳn bà sẽ tự hào về con lắm.

Tôi viết những dòng này, nhân mùa Vu Lan, cũng để nhấn mạnh với chính tôi rằng, cuộc đời tôi may mắn có hai người mẹ tốt. Tôi yêu thương họ hơn những gì tôi có thể nói và tôi biết trong lòng họ tôi cũng luôn độc chiếm những vị trí tốt: con gái út và con dâu trưởng. Tôi cũng muốn quanh năm bốn mùa tôi đều nghĩ đến hai mẹ, và mỗi khi nghĩ về tôi là nụ cười hai mẹ tôi sẽ hé nở trên môi.

Tôi vẫn chưa thấy mình báo hiếu được gì mấy. Người già chỉ lấy niềm vui, hạnh phúc của con cháu làm niềm vui, hạnh phúc của mình, nên tôi tự hứa với lòng mình sẽ sống cả cho niềm hạnh phúc của hai mẹ trong phần còn lại cuộc đời tôi. Tôi cũng tự hứa sẽ không phải chờ đến mùa Vu Lan báo hiếu mới nghĩ về mẹ mà mỗi khi có thể, tôi sẽ ở bên hai mẹ và luôn làm hai mẹ vui lòng.

Chúa ơi, xin hãy ban cho con thời gian ở bên hai mẹ của con và lấp đầy những hạnh phúc còn lại của hai mẹ. Đừng để dành gì hết cho ngày mai, kể cả lòng biết ơn và lời yêu thương dành cho người mình muốn nói, vì đâu biết ngày mai có đến không?

Bài và ảnh: Julia Le, từ TP. HCM


 
 Từ khóa: mẹ tôi, yêu thương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn