CON CÁI LÀ NGƯỜI THẦY TỐT NHẤT

Chủ nhật - 01/06/2014 11:00

(NCTG) “Các bậc làm cha mẹ không khác gì nhau ở phần bản năng yêu thương máu thịt của chính mình. Điều khiến họ trở nên khác biệt chính là kỹ năng làm cha mẹ của từng người - điều không đương nhiên xảy đến bằng bất kỳ cơ chế nào. Học làm cha mẹ chính vì thế là quá trình không ngưng nghỉ một khi đã bắt đầu”.


Tự nhiên làm quen với khách du lịch khi mới hơn một tuổi - Ảnh do tác giả cung cấp


Tôi - cũng như tất thảy các bà mẹ khác có lẽ sẽ không bao giờ quên được cảm giác hạnh phúc và hồi hộp khi nghe nhịp tim con đập rộn trong bụng mình, không bao giờ quên cảm giác nhột nhạt lần đầu tiên con biết máy đạp, dù rằng, mỗi ngày con một lớn, mỗi ngày, những kỷ niệm về con một chất đầy trong ký ức tôi. Những ký ức được lưu giữ bằng cơ chế phản xạ tự nhiên ấy chính là bản năng làm mẹ.

Các bậc làm cha mẹ không khác gì nhau ở phần bản năng yêu thương máu thịt của chính mình. Điều khiến họ trở nên khác biệt chính là kỹ năng làm cha mẹ của từng người - điều không đương nhiên xảy đến bằng bất kỳ cơ chế nào. Để có thứ kỹ năng phức hợp từ nhiều yếu tố ấy, chúng ta không có cách nào khác là phải học làm cha mẹ, bắt đầu từ khi bản năng gọi lên niềm xúc động về sự hiện diện của sinh linh bé bỏng ta hoài mang, cho đến khi sinh linh ấy thành người, lớn lên, già đi theo vòng đời tự nhiên. Học làm cha mẹ chính vì thế là quá trình không ngưng nghỉ một khi đã bắt đầu.

Bài học đầu tiên cho các bậc cha mẹ có lẽ là khả năng linh hoạt và thích ứng với đời sống mới bận bịu quay cuồng với tã, bỉm, sữa và trăm thứ việc không tên khác xoay xung quanh cái vũ trụ nhỏ - con cái. Từ hồi có thêm đứa con thứ hai, tôi luôn luôn trong tình trạng làm một lúc vài ba việc, thành ra giờ mà chỉ làm có mỗi một việc thì không thể tập trung được vì mải nghĩ xem nên làm thêm việc gì để chân tay đỡ thừa thãi. Từ một người vốn chậm chạp, tôi trở nên năng động và nhanh nhẹn đến không ngờ sau khi có con. Sự thật khó ngờ ấy là lý do khiến tôi tin rằng, nuôi con chính là một quá trình học hỏi, khám phá và hoàn thiện bản thân.

Cho đến giờ, nhiều bậc cha mẹ vẫn ỷ lại vào thứ bản năng thô sơ mà tạo hóa ban cho không chỉ con người để lãnh nhận lấy vai trò làm cha mẹ vốn vô cùng nặng nhọc. Giữa một thế giới hiện đại, ức triệu thông tin vụt qua ta từng khoảnh khắc như hiện nay, bản năng chắc chắn không đủ để chúng ta bảo vệ và hướng dẫn con cái. Đối với sự nghiệp trồng người, tình yêu là điều quan trọng nhất nhưng không phải là tất cả, bởi lẽ, ngay cả việc yêu một đứa trẻ đang mở mắt tập nhìn thế giới, ta cũng phải học cách yêu sao cho đúng.

Vai trò của bản năng làm cha mẹ trong giáo dục hiện nay có lẽ chỉ nên dừng lại ở khía cạnh vận dụng nó để cảm biết thiên hướng xúc cảm, tư duy của con cái, để nương theo đó mà dẫn dắt con đi đúng đường. Bằng bản năng làm cha mẹ và tình yêu con sẵn có, chúng ta nhìn vào con cái và biết chúng cần gì, muốn gì cho đường đời tít tắp trước mặt chúng - con đường ta thường không bao giờ dõi được đến cùng theo lẽ tự nhiên.
    
Chồng tôi thường thắc mắc với tôi rằng, tại sao để lái xe máy - một phương tiện giao thông điều khiển dễ như trở bàn tay, chúng ta phải học và thi lấy bằng, trong khi đó, nuôi dạy con cái - một sinh thể phức tạp gấp bội lần thì không cần phải học? Và chúng tôi đồng ý với nhau rằng, chúng tôi đã học hành nghiêm chỉnh để thi lấy bằng lái xe thì đương nhiên chúng tôi cũng sẽ học hỏi ra trò để đảm nhận vai trò làm cha mẹ. Người thầy đầu tiên cho những bài học vỡ lòng của chúng tôi không ai khác chính là hai đứa trẻ trong trắng, thông minh và nhạy cảm “của nhà trồng được”.

Một lần, con búp bê của cô con gái nhỏ bị thằng em trai giật mất tóc vứt đi đâu không rõ, đến lúc phát hiện ra, nó cuống lên khóc lóc hỏi mẹ: Mommy, tóc của em búp bê đâu rồi, huhu! Trong lúc tôi đang thần người nghĩ cách trả lời và dáo dác đi tìm tóc cho búp bê thì con gái đột nhiên im bặt, gật gù bảo mẹ: A, con biết rồi, chắc sáng nay em búp bê cạo đầu giống như Daddy. Tôi phá lên cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của con và cảm thấy mình may mắn làm sao khi được làm mẹ của những đứa con sáng ý. Con cứ hỏi rồi tự tìm câu trả lời thú vị và bất ngờ theo cách riêng của con chứ không cần chờ mẹ loay hoay toát mồ hôi tìm hộ câu trả lời tẻ ngắt theo suy nghĩ của mẹ.

Hôm đó, cô con gái nhỏ đã dạy tôi rằng, nếu tôi thực sự muốn giúp con, cách tốt nhất là tập nhìn thế giới bằng đôi mắt ngây thơ, tập nghĩ bằng trí óc non nớt, tập cảm bằng sự hồn nhiên của con trẻ. Chính bọn trẻ đã hào phóng mở cánh cửa thế giới thần tiên của chúng mời bố mẹ bước vào và sống lại những ngày ấu thơ đã một đi không trở lại. Để bước vào thế giới của con trẻ, chúng ta buộc phải bỏ hết những muộn phiền, lắt léo, mệt mỏi của đời sống người lớn ở bên ngoài. Con trẻ đã rộng lòng như vậy, lẽ nào chúng ta lại bỏ qua cơ hội để tự thanh lọc mình - một cơ hội không dễ gì có được trong thế giới gấp gáp, vội vã này.

Từ khi có con, xem cách chúng ứng xử với thế giới xung quanh, tôi cảm thấy rõ rằng không phải tôi đang dạy dỗ con mà chính chúng đang hoàn thiện tôi, khiến tôi phải học lại từ đầu mọi điều tôi tưởng mình đã từng biết qua. Thậm chí, bọn trẻ còn khiến tôi biến thành một con người mới. Bản tính tự nhiên của con trẻ dường như có khả năng truyền cảm lớn đến độ, nó lây nhiễm sang cả tôi từ bao giờ tôi không hay biết. Hai đứa bé nhà tôi là những đứa trẻ thích hoạt động và giao lưu. Cả hai đứa đều dạn dĩ và ưa bắt chuyện với mọi người, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể màu da. Lạ lùng là cả hai đứa đều không trải qua giai đoạn “biết lạ”, cứ như thể chúng đã quen biết cả thế giới loài người trước cả khi sinh ra. Đi chơi cùng hai con, tôi thường chỉ việc đứng cười trừ vì đã có hai đứa nhóc nhanh mồm nhanh miệng.

Đi cùng con một quãng ngắn từ nhà đến trường, từ trường đến công viên mỗi ngày, tôi học thêm được nhiều điều hay. Một hôm, trên đường đưa con đi học, chúng tôi gặp một cái xe cứu hoả đang dừng bên đường. Các chú lính cứu hỏa cao lớn cười rất tươi chào và nói chuyện với ba mẹ con. Hai chị em phấn khởi lắm, hỏi han các chú tíu tít, dù thằng cu bé thì chỉ biết hỏi có mỗi hai câu: “How are you?” (Các chú khỏe không?) và “What are you doing?” (Các chú đang làm gì đấy ạ?). Nó thấy chị biết hỏi nhiều thứ quá thì sợ thua thiệt nên cuống quýt hỏi đi hỏi lại có mỗi hai câu đấy. Các chú lính cứu hỏa được bữa cười no, còn tôi, tôi bắt đầu học cách nói chuyện tự nhiên hơn với những người xung quanh, vì tôi biết nhiều hơn hai câu thằng cu con biết, lẽ nào tôi kém nó?

Tôi vốn là một người sống kín đáo, thích giữ mọi điều ở dạng ý nghĩ cá nhân và không mấy khi biết cách cởi lòng mình trước người khác. Tôi thường e dè với mọi người xung quanh và thích giữ khoảng cách cần thiết trong mọi mối quan hệ. Sau hôm ấy, cu Muống đã dạy tôi biết giao tiếp tự nhiên với đồng loại mình, dù có thể họ không chung tiếng nói, màu da, không chung ti tỉ thứ mà tôi thậm chí không biết đến sự tồn tại của chúng. Một người - dù hoàn toàn xa lạ cũng xứng đáng nhận được một cử chỉ giao tiếp nào đó của đồng loại. Vì bài học sơ đẳng mà bọn trẻ con đã dạy tôi bằng chính khả năng giao tiếp tự nhiên của chúng, tôi tự thấy mình mỉm cười, gật đầu, nói những câu chào hỏi thông thường thường xuyên hơn trên phố, với những người tôi không hề quen biết.

Ngay cả những việc nhỏ nhặt tôi tưởng mình đã học mòn suốt mấy chục năm đời mình như việc nói cảm ơn, xin lỗi, việc bày tỏ tình cảm nồng nhiệt và hồn hậu, tôi cũng nhìn vào con mà học lại. Tôi vốn cứng đầu và không mấy khi chịu nói xin lỗi, có thể một phần do bản tính của tôi, một phần do thói quen văn hóa của người Việt. Thay vì nói xin lỗi, tôi thường làm việc gì đó để tạ lỗi, vì đã quen nghĩ rằng: hành động quan trọng hơn lời nói. Thực ra, lời nói cũng quan trọng và có chỗ đứng riêng của nó trong mọi mối quan hệ chứ không phải chỉ nép mình trong một vế so sánh bất lợi với hành động. Đấy là chưa kể tới chuyện, nếu cứ làm mà không nói năng, không tìm cách thể hiện mình bằng con đường giản dị nhất là lời nói thì rất nhiều khả năng, việc làm ấy bị hiểu nhầm hoặc không được biết đến với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Một lần, tôi - vì cáu giận đã nói hơi cao giọng với cô con gái. Nhìn thấy con bé khóc mếu vì sợ hãi, tôi biết mình sai, vội ôm lấy con nhưng nó đẩy tôi ra, vừa mếu vừa nhìn tôi nghiêm nghị nói: Mommy, Mommy phải nói xin lỗi con. Mommy nói to làm con sợ! Tôi - theo bản tính ngoan cố giải thích rằng: Đấy là vì con hư, con làm mẹ giận. Tôi không nhận ra rằng con gái tôi còn ngoan cố hơn cả tôi, nó nằng nặc: Không, Mommy làm con sợ, Mommy đã sai, Mommy phải xin lỗi. Tôi (lúc đó vẫn chưa nhận ra vấn đề) bèn nói qua quýt: OK, mẹ xin lỗi. Nó vẫn vùng vằng: Không được, mẹ phải nói một cách nghiêm chỉnh cơ! Mẹ nói lại đi! Đến lúc này, tôi nhận ra tôi vẫn thường nói với các con những câu tương tự mà không tự xem lại chính mình. Tôi cúi xuống, nhìn vào mắt đứa con gái nhỏ và thành khẩn nói: Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã nói to làm con sợ. Mẹ hư, mẹ không nên như thế! Con tha lỗi cho mẹ nhé! Lúc nụ cười nở trên môi cô con gái cũng là khi tôi nhận ra rằng, thói xấu cố hữu (thường xuyên cố tình bỏ qua lời xin lỗi) của tôi đã buộc phải rời bỏ “trụ sở” kiên cố là tôi. Ngược đời thay, chính con gái tôi lại là người dạy tôi làm điều đó.

Một lần khác, con gái bị thằng cu em đang mọc răng, lên cơn ngứa răng ngứa lợi cắn cho một cái đau điếng vào tay, con bé khóc thét lên gọi mẹ. Tôi nhìn thấy vết răng đỏ lừ trên tay con gái, xót quá liền quay sang “thủ phạm” đét cho một cái vào mông. Dù cú đánh của tôi không khiến thằng bé đau (vì mông nó có nguyên cái bỉm to tướng bảo vệ) nhưng chắc vì sợ hãi, thằng bé oà lên khóc. Con chị thấy thằng em khóc bèn thút thít bảo: Sao Mommy lại đánh em, em đau? Mommy xin lỗi em đi… Tôi chống chế: Vì em cắn con, mẹ phải làm thế để em chừa không được cắn con nữa! Nó vẫn nước mắt ngắn dài năn nỉ mẹ: Mẹ xin lỗi em đi mẹ, con hết đau rồi, em vẫn đau đấy! Nghe đứa con gái mới hơn ba tuổi đầu nói như thế, tôi tự lấy làm xấu hổ cho mình. Tôi xin lỗi cả hai đứa rồi cảm ơn bọn nhóc, vì nhờ chúng mà tôi thấm thía thêm về cái gọi là tình yêu vô điều kiện. Đó là thứ tình yêu thường hằng không suy suyển, dù người ta yêu có thể làm ta đau đớn, thất vọng một đôi lần.  

Bây giờ, tôi đã biết nói cảm ơn, xin lỗi không chút ngượng nghịu. Có những câu cảm ơn tôi nói với bọn trẻ con rồi chỉ ước chúng đã đủ lớn để nghe tôi chia sẻ thêm chút nữa về niềm hạnh phúc được làm mẹ. Dĩ nhiên, hai đứa nhóc ham chơi không đủ kiên nhẫn để nghe tôi nói hết câu cảm ơn ngắn ngủi, chứ chưa nói đến chuyện muốn nghe thêm và hiểu thêm những ý nghĩ sâu xa rắc rối trong đầu người mẹ cả nghĩ của chúng. Tôi đành giữ những ý nghĩ dài dòng lại cho riêng mình và chỉ đơn giản nói: cảm ơn con. Khi con gái giúp tôi dán nhãn hộp cơm trưa cho buổi đầu tiên đi học, tôi đã nói cảm ơn con. Cô con gái mới ba tuổi đầu chắc không hiểu vì sao tôi đã nhìn nó trìu mến hồi lâu như thế, vì nó không biết rằng, tôi nói cảm ơn không phải vì nó biết giúp mẹ, mà vì nó đã cho tôi cơ hội được sống lại những giây phút nao nức của mùa tựu trường thuở bé thơ.

Một ngày, khi đang đứng thõng vai xếp hàng làm giấy tờ ở một cơ quan hành chính, tự nhiên ở đâu chạy đến một anh chàng người Mỹ vồ vập hỏi tôi: “Này chị, có phải hôm qua chị đi chơi ở công viên King không?”. Vốn không thích nói chuyện với người lạ, tôi định xua tay bảo không thì anh kia tua luôn một chặp: “Chị có hai đứa con, một trai một gái đúng không? Tôi nhìn chị là nhận ra ngay. Đúng là trái đất tròn!”. Tôi không còn cách nào khác nên gật gật, cười lấy lệ, đang sốt ruột sợ không xong việc kịp giờ đón con. Anh kia vẫn không tha, tiếp tục nói chuyện rổn rảng. May cái là đoạn tiếp theo, anh ấy chỉ nhiệt tình bày tỏ ngưỡng mộ với Cà Kiu Rau Muống, kiểu: “Bọn trẻ nhà chị kháu quá, đáng yêu quá...”. Thế là tâm trạng tôi tốt hẳn lên, cả hàng người dài dằng dặc đứng xếp hàng ra tận cửa không khiến tôi thấy nản nữa, vì người đàn ông lạ kia nhắc tôi nghĩ tới con.

Chiều hôm đó, đang ba chân bốn cẳng chạy đi đón con cho kịp giờ, chạy qua một đám học sinh trung học, tôi nghe giọng một cô bé nói với theo: “Cô ơi, con của cô đáng yêu lắm!”. Tôi chỉ kịp quay đầu nói cảm ơn, nhưng nụ cười lẽ ra dành cho cô bé ấy cứ ở lại trên môi tôi suốt dọc đường đi. Bao nhiêu tất tả trong ngày tan biến hết, vì tôi lại được một người dưng nhắc nghĩ về con. Làm mẹ là thứ hạnh phúc thường hằng mà có những phút giây, những nhọc nhằn của đời sống khiến ta xao lãng. Cảm ơn các con đã trao cho mẹ thứ hạnh phúc thường hằng quý giá! Hôm đó cũng như rất nhiều hôm khác, tôi đã thầm nói cảm ơn con vì biết rằng, chúng không đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể một câu chuyện dài về lời cảm ơn tôi trân trọng dành cho lũ trẻ.

Mỗi ngày, chúng tôi đang học thêm những bài học mới về nghề nghiệp quan trọng nhất trong đời: làm cha mẹ. Thời đại thông tin khiến việc học hành trở nên dễ dàng nhưng cũng dễ khiến chúng ta bị nhiễu loạn. Vì lẽ đó, tôi vẫn tin rằng, con cái là người thầy tốt nhất của cha mẹ. Chúng dạy ta biết kiên nhẫn, bao dung bằng những ngỗ nghịch trẻ thơ, dạy ta biết giữ lời hứa bằng những đòi hỏi chính đáng, dạy ta biết sống khoẻ mạnh bằng sự non nớt cần che chở, dạy ta biết sống linh hoạt và năng động bằng vô số nhu cầu cần được đáp ứng cùng một lúc, dạy ta biết cứng cỏi và nói lên suy nghĩ của mình bằng những sợ hãi và đòi hỏi được bảo vệ. Tình yêu sẽ dẫn đường cho cha mẹ học tiếp những bài học quý giá từ con cái trong hành trình tính bằng tháng năm cuộc đời bên nhau, có nhau (*).

(*) Trích tự truyện “Làm dâu nước Mỹ” (NXB Phụ nữ ấn hành, 2014).

Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn