GÓI BÁNH CHƯNG

Thứ ba - 26/01/2016 03:02

(NCTG) “Ông xã là người khó tính, không chịu gói bằng khuôn, vì theo ông ấy gói bằng tay mới chặt tay. Và vì hà tiện nên không mua lá dong mà gói bằng lá chuối cho rẻ tiền. Và khi nấu phải nấu bằng nước nóng và không cho đậy nắp nồi, khi cạn nước cũng phải châm bằng nước sôi”.

Bánh chưng đi kèm với những ký ức Tết

Bánh chưng đi kèm với những ký ức Tết

Gia đình tôi là người Huế, như tôi được biết thì ở Huế ngày trước người ta hay gói bánh tét trong dịp Tết, chứ không gói bánh chưng như người Bắc. Nhưng bánh tét ở Huế cũng khác với bánh tét trong miền Nam, hơi ngọt và có nước cốt dừa. Bây giờ thì đời sống đã thay đổi nhiều, tôi chắc bây giờ ở Huế cũng có bánh chưng.

Lúc còn quá nhỏ, tôi không nhớ gì nhiều về những món ăn hay bánh trái trong ngày Tết, sau này lúc đã vào Nha Trang và đã hơi lớn một chút thì mới thấy mẹ tôi bắt đầu gói bánh chưng, theo yêu cầu của cha tôi. Vì theo tôi nhớ thì cha tôi ít thích ăn bánh tét (vì nó ít nhưng như bánh chưng). Tôi chắc bà cũng chỉ học hỏi đâu đó cách nấu bánh chưng, chớ mẹ tôi là con út, lúc còn nhỏ cũng chẳng có ai cho làm gì, việc gì cũng có các dì, các mợ làm hết.

Mẹ tôi chỉ gói bánh chưng bằng tay, không có khuôn, và gói bằng lá chuối. Ở Nha Trang có loại gạo nếp mà theo tôi là rất ngon, ngon hơn nếp ở miền nam chở ra. Không biết khi đó còn nhỏ ít được ăn ở đâu nhiều nên đối với chị em chúng tôi thì bánh mẹ tôi nấu là ngon nhất. Vì có rất nhiều thịt, theo yêu cầu của đám con thiếu thốn, thì mẹ tôi phải cố gắng cho càng nhiều thịt càng tốt, ngay các góc cũng phải có thịt heo, tụi trẻ con này không thích ăn nhiều nếp. Mẹ tôi gói không chặt tay nên bánh hơi mềm, nhưng nhờ vậy mà hột nếp nở tối đa. Sau này tôi hay đến nhà các bạn chơi ngày Tết, được cho ăn bánh chưng, gói rất chặt tay, tôi lại không thích bằng.

Khi sống một mình ở Cần Thơ, năm nào Tết được về nhà thì tôi lại được ăn bánh chưng do mẹ tôi nấu. Có những năm lãnh đạo không cho nghỉ Tết, tôi phải ở lại Cần Thơ thì Tết là những ngày đói khát với tôi. Vì ở nhà trọ không được nấu nướng, tôi phải mua cái bánh tét bán ở chợ để dành ăn vào mùng 1. Tôi ăn cơm chung với bạn, mùng 1 không dám đến vì bạn cũng đang ở trọ trong nhà người ta, sợ đến ngày đó chủ nhà kiêng cử gì đó thì mất công. Bánh tét bán ở chợ thật là bánh chợ, mới mùng 1 mà cắt ra đã thiu ăn không được. Tôi phải nhịn đói từ sáng đến trưa, chiều mới dám mò đến nhà trọ của bạn. Ngoài đường chẳng ai bán hàng quán gì vào ngày đó (không như bây giờ Tết là ngày buôn bán tấp nập).

Năm sau, tức quá tôi quyết định tự nấu bánh chưng, không mua gì nữa cả. Tôi cũng chỉ nhớ lại cách mẹ tôi nấu và mày mò tự gói (đâu có sung sướng như bây giờ tìm trong google là tha hồ bao nhiêu cách gói). Tôi gói tầm bậy tầm bạ, miễn sao nếp không xì ra là được rồi, gói xong tôi giao cho vợ chồng chị bạn nấu. Vậy mà sáng hôm sau đến xem thành quả, tôi thấy ăn cũng ngon. Tôi còn cho chị chủ nhà chỗ bạn tôi ở một cái. Chị ấy khen và dặn sang năm có gói bánh chưng nhớ làm giùm cho chị vài cái.

Có chuyện này mới là nở mũi: ngày đầu tiên đi làm, tôi đem theo nửa cái bánh cho cái anh là ông xã của tôi bây giờ (vì tôi thấy tội, ở có một mình ngày Tết, chớ chưa có ý định dụ dỗ gì cả). Vậy mà tuy là Bắc Kỳ chính hiệu ông ấy cũng khen ngon.

Sau này đã có nhà riêng thì năm nào nhà tôi cũng gói một nồi bánh chưng, nhưng việc gói lại do ông xã phụ trách, tôi chỉ phụ và làm vài việc lặt vặt như là đải đậu, nấu đậu, v.v... Ông xã là người khó tính, không chịu gói bằng khuôn, vì theo ông ấy gói bằng tay mới chặt tay. Và vì hà tiện nên không mua lá dong mà gói bằng lá chuối cho rẻ tiền. Và khi nấu phải nấu bằng nước nóng và không cho đậy nắp nồi, khi cạn nước cũng phải châm bằng nước sôi.
 
02

Các bạn thấy đấy, trong hình là cái nồi nấu bánh chưng không đậy nắp, nhưng bên trên có để cái nồi chứa nước sôi để châm khi nào nước trong nồi bánh cạn bớt. Cái đống củi kế bên cũng là do ông xã đi thu gom trong vườn. Nấu xong vớt bánh ra là phải cho vào nồi nước lạnh rửa bánh, xong rồi đặt bánh giữa hai tấm ván, trên để vài vật nặng để ép bánh. Đây là cách mà mẹ tôi không biết nên sau khi vớt bánh ra, mẹ tôi cứ treo lên cho ráo, nên vì bánh còn nóng, bánh sẽ bị méo mó trông không đẹp.

Sau này có cô em chồng ở Bắc vào, ông xã đâm làm biếng, nên cô em phụ trách gói bánh. Cô gói cũng đẹp và nhanh hơn ông xã tôi. Nói đến đây tôi nhớ cô em mà thương quá vì bây giờ cô đã đi xa rồi, tôi không muốn đưa hình lên, nhưng ông xã muốn tôi cứ đưa lên cũng là một cách để thương nhớ cô trong dịp Tết đến xuân về. (Cả hai con chó trong hình cũng đã rời xa chúng tôi mấy năm rồi).
 
03

Rời nhà lên Củ Chi, chúng tôi vẫn tiếp tục nấu bánh chưng khi Tết đến. Em gái tôi rất thích gói bánh, tuy ăn thì ít nhưng thích làm nhiều cho vui. Em tôi lại gói bằng khuôn cho đẹp, và thích làm bánh to. Và em tôi thích gói bằng lá dong, lá chuối bây giờ lại khó kiếm hơn lá dong. Vì nhà ở Sài Gòn chật hẹp, năm nào em tôi cũng lên nhà tôi nấu bánh chưng. Em tôi thích có nhiều hành trong nhân, còn ông xã tôi lại không thích vì sợ trời nóng mau thiu. Gói bánh xong, lúc cho vào nồi nấu chị em ngồi canh, rất vui. Chỉ cực một cái là phải thức khuya.
 
04

Đây là hình lúc mới nấu, còn đậy nắp nồi, khi nước đã sôi thì ông xã tôi bắt phải giở nắp ra. Nấu như cách này cái bánh lúc vớt ra không bị dính chút xíu mỡ nào ngoài lớp lá.

Mấy đứa chó không chịu đi ngủ cứ thức theo, chờ đến khi nào xong mới thôi.

Và sau đây là thành quả (lấy hình trên Internet vì hồi đó tôi chưa chơi FB nhiều nên cắt bánh ra là ăn không chụp hình làm gì).
 
05

Nấu bánh xong sợ bánh thiu cứ cho hết vào tủ lạnh. Hồi đó khi bánh chưng đã bị nguội và cứng, người ta hay chiên để ăn cho mềm và nóng. Bây giờ đã có lò vi sóng thì cứ lấy bánh ra, lột bỏ lớp lá rồi cho vào hâm lại, là có cái bánh nóng hổi như vừa mới nấu. Vừa ngon vừa tránh phải ăn dầu mỡ nhiều.

Năm nay nhà tôi lại cũng sẽ gói bánh, chúng tôi đã mua một cái nồi mới (ai đời năm nào cũng đi mượn, cực khổ quá) cũng tại cái tính hà tiện mà ra. Đến khi có cái nồi thì cũng đã đến lúc già, không biết còn sức làm cho đến lúc cái nồi hư không nữa? Khi đó thì cũng không có sức mà ăn nhiều, ông bà già sẽ đi mua một cái bánh thôi, cũng là vừa đủ cho cái Tết.

Bài và ảnh: Nguyễn Khoa Thuyền Trang, từ Huế

* Bạn có những ký ức, kỷ niệm với những cái tết thời xưa? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: bánh chưng, bánh tét
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn