PHẠT TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ?

Chủ nhật - 08/03/2015 18:20

(NCTG) “Người lớn chúng ta đôi khi phạt trẻ con mà không hề biết phạt để làm gì. Nhiều khi, đơn giản đó chỉ là cách để họ thể hiện quyền hành của mình…”.


Minh họa: Internet


Việc tìm ra một hình thức phạt thật hợp lý cho những gì bọn trẻ làm không đúng hoặc sai (trong mắt người lớn) quả không phải một việc đơn giản. Chẳng thế người ta vẫn cứ bàn đi bàn lại và thật không ngoa khi có người coi nó là một nhánh nghiên cứu khoa học.

Có lẽ nên thay từ “phạt” bằng một khái niệm bao gồm những “hệ quả có tính logic” cho việc làm bị coi là sai trái của trẻ thì hơn. Để cố gắng làm sao sau hình phạt này trẻ sẽ không mắc lỗi lần thứ hai nữa. Một hình phạt chỉ thực sự hợp lý khi nó liên quan trực tiếp đến thái độ không mong chờ của đứa trẻ, và không được phép “hạ thấp” đứa trẻ, cả về thể xác cũng như về mặt tinh thần.

Muốn làm được vậy, các bậc phụ huynh (người lớn) phải có khả năng phân biệt và cân nhắc xem hình phạt có xứng đáng với việc bé đã làm, bằng cách đặt ra những câu hỏi, đại loại như:

- Bạn có biết chắc rằng, đứa trẻ là “thủ phạm” của hành vi đó không?

- Bạn có chắc rằng, đứa trẻ đã biết về nội quy hay quy định mà nó đã vi phạm đó?

- Bạn có biết hay có bao giờ mảy may suy nghĩ, rằng chính đứa trẻ không thể hành động khác như nó đã làm không?

- Bạn đã nắm rõ mọi yếu tố liên quan đến vi phạm này? Liệu còn chuyện gì phải làm rõ không?

- Trước khi bị phạt, bạn có cho đứa trẻ cơ hội để nó bày tỏ thái độ về những điều nó đã làm, hay về những lời khiển trách nó hay chưa?

- Có bao giờ bạn cho đứa trẻ một cơ hội tự sửa sai lầm của mình trước khi quyết định phạt nó chưa?

Là bố mẹ, nhìn chung không ai không thương yêu con mình. Nhưng nên nhớ rằng người lớn chúng ta đôi khi phạt trẻ con mà không hề biết phạt để làm gì. Nhiều khi, đơn giản đó chỉ là cách để họ thể hiện quyền hành của mình, nhiều khi chỉ là một sự làm người khác đau và mình thì hả giận.

Vâng, và người khác đó nhiều khi lại chính là những đứa con nhỏ đáng yêu của mình. Những đứa trẻ còn quá nhỏ và chưa biết thế nào là danh dự, là làm phiền lòng mẹ cha, thầy cô mà đơn giản là chỉ vì bé đang mò mẫm tìm hiểu thế giới xung quanh của chính mình và bé không may bị vấp ngã mà thôi.

Hãy nâng bé dậy, chỉ cho bé chỗ bị “ngã” và đừng “phạt” bé, hỡi những người lớn có trái tim to! Hãy để ánh mắt các bé luôn là ánh mắt trong sáng, vui tươi không tì vết của nỗi sợ hãi.

Nhan Frey, từ Baden-Württemberg (CHLB Đức)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn