ẤU DÂM, CHUYỆN LẠ MÀ QUEN, VÀ CÁCH XỬ LÝ CỦA HOA KỲ

Thứ năm - 23/03/2017 00:55

(NCTG) “Ở Mỹ, tội ấu dâm là một loại tội bị khinh bỉ nhất. Nếu anh vào tù với tội ấu dâm, anh sẽ bị xem là thứ cùng đinh nhất trong giới tội phạm và họ sẽ bắt anh trả giá, ăn miếng trả miếng, y như những gì anh đã làm với nạn nhân của mình. Ðó là luật bất thành văn các tù nhân kháo với nhau trong thế giới ngầm”.

Minh họa: thefederalistpapers.org

Minh họa: thefederalistpapers.org

Ấu dâm là đề tài đang làm nóng công luận và các mạng xã hội Việt Nam những ngày gần đây. Cho dù có thể ít được nhắc đến trong một xã hội còn nặng tính phong kiến Á Đông với nhiều “cấm kỵ” (taboo), nhưng những chia sẻ của nhiều người cho thấy, đó là một vấn nạn không mấy xa lạ và không quá hiếm hoi ở Việt Nam.

Chuyện của mình

Tôi nhớ hồi khoảng 11-12 tuổi, bố mẹ tôi thường bắt tôi đạp xe ra đến những điểm tụ tập giải trí quanh khu vực gần nhà tìm hai người chị lớn mỗi khi họ đi chơi chưa về khi trời tối. Thời ấy chưa có phone tay, thông thường chỉ biết đoán chừng những chỗ người thân hay tụ tập đàn đúm với bạn bè rồi đạp xe tới hỏi tìm chứ không thể nhờ vào kỹ thuật liên lạc tiện lợi như bây giờ. Việc đi tìm hai người chị lớn của mình một cách bất đắc dĩ xảy ra thường xuyên nên tôi quen dần và xem đó là chuyện bình thường cho đến một ngày.

Tối hôm ấy chừng 7-8 giờ, sau khi tìm và hỏi thăm vài nơi thông thường mà không thấy các chị nên tôi đành quay trở về. Trên đường về, tôi đạp xe rẽ vào đường hẻm nối liền quen thuộc, ngõ hẻm chập choạng sáng mờ nhờ ánh đèn từ trong nhà dân cư hắt ra đủ để nhận ra dáng người và xe đi ngược chiều nhưng khó nhận diện rõ khuôn mặt. Tôi đạp chầm chậm giữa làn gió đêm nhè nhẹ, căng mắt nhìn trong màn đêm khi thấy có người đang đạp xe chạy ngược về hướng mình.

Khi cả hai chúng tôi tiến gần hơn, tôi nhận ra đó là một thanh niên. Anh ta đạp xe trờ tới sát bên, lúc ấy tôi thật sự không nghĩ gì, chỉ nghĩ rằng con hẻm nhỏ, hai bên kề sát khi vượt qua nhau âu cũng là bình thường. Trong bóng đêm, tôi vẫn có thể thấy được anh ta nở một nụ cười nhẹ nhìn thẳng mặt tôi, rất gần. Bất chợt, một bàn tay úp ngang ngực, bóp mạnh, buông vội, vụt đi... Tôi thất thần chợt hiểu ra chuyện gì vừa xảy ra với mình. Tôi thắng vội xe để định hồn, anh ta đã biến mất sau màn đêm đồng lõa.

Vừa run vừa sợ, và cả giận dữ, cảm giác bị xâm phạm thật khó tả, uất nghẹn vì không biết tôi nên giận chính mình vì quá ngây thơ vô vô ý tứ hay giận kẻ tồi bại kia. Tôi lao vút chạy thẳng về nhà thật nhanh. Về tới nhà, dẫn xe vô mà chân tôi còn run lẩy bẩy đi không vững. Bố mẹ hỏi có tìm thấy các chị không, tôi im lặng lắc đầu, chạy thẳng lên lầu, trùm mền nằm co rụm, không hề kể ai nghe...

Sau này, mỗi lần bố mẹ bắt tôi đi tìm hai chị là tôi tìm đủ mọi lý do ậm ừ không muốn đi, hoặc nếu bị la rầy thì đi với thái độ không vui. Bố mẹ cứ ngỡ rằng tôi do tuổi đang lớn nên ương ngạnh khó bảo, họ đâu biết rằng đó là nỗi sợ lớn nhất của tôi. Tôi sợ bóng đêm, sợ ma chết một nhưng sợ quỷ sống gấp mười. Mỗi một đoạn phố, con hẻm, khúc cua phải hay trái, tôi đều sợ, sợ khi thấy bóng dáng xe khác vượt qua, từ truớc tiến tới, hay từ phía sau trờ lên.

Có đôi lần, vì sợ quá nên đành không dám đi nữa, chỉ đứng nép một bên ở góc khuất nào đó gần nhà, chờ độ 30 phút sau rồi về dối bố mẹ rằng không tìm được chị. Và cũng từ dạo ấy trở đi, tôi tập cho mình thói quen đạp xe mà cầm lái bằng một tay, tay kia bắt ngang khuỷu tay cầm lái hờ che ngực dù ban ngày hay đêm...

Chuyện của mẹ

Lần ấy tôi về thăm nhà sau ba tháng vào đại học. Nhân dịp cô bạn thân thời trung học cũng về thăm nhà từ tiểu bang xa, chúng tôi lên kế hoạch hẹn gặp nhau hàn huyên tâm sự. Vì thời gian có hạn nên cô ấy rủ tôi qua nhà ngủ để hai đứa có thể trò chuyện suốt đêm. Tôi xin phép mẹ nhưng bà không đồng ý mặc dù nhà bạn và nhà tôi cùng trên một con phố, cách nhau chỉ vài căn. Mẹ đồng ý cho tôi ở chơi đến khuya, nhưng phải về nhà ngủ cho dù tôi có giải thích thế nào đi chăng nữa.

Lúc ấy, tôi giận mẹ lắm vì cả năm chúng tôi mới được gặp nhau một lần, để rồi sau đó sẽ mỗi người mỗi ngả để chạy đua với chữ nghĩa. Ở Mỹ, trên 18 tuổi được xem là tuổi đủ trưởng thành để có quyền tự quyết định. Tôi có thể cãi lời mẹ nếu muốn, nhưng đạo hiếu với phép tắc người Việt khiến tôi không đủ can đảm bước ngang. Cô bạn cũng khuyên không nên cãi lời người lớn. Sáng hôm sau, tôi vẫn còn ấm ức việc tối hôm trước nên ngồi ăn sáng với mẹ mà không nói gì. Mẹ chậm rãi kể chuyện xưa, ra vẻ như không hề liên quan gì đến chuyện của tôi...

Lần ấy mẹ khoảng 14-15 tuổi trước khi lấy bố. Mẹ được bà ngoại cho đi theo người chị họ qua làng bên chơi và ngủ ở nhà chị với chị vài đêm. Ðêm đầu tiên bình thường. Sang đêm thứ hai, trong lúc chợp chờn, mẹ cảm nhận được bàn tay ai đó thò vào bên trong mùng, rờ khẽ dọc theo lưng mẹ. Mẹ rùng mình, luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống. Sợ quá đỗi, mẹ ôm chặt cứng người chị họ suốt đêm không dám ngủ, nằm chờ trời sáng rồi xin phép về nhà.

Từ đó trở đi, mẹ không dám ngủ qua đêm nhà ai, và dù nếu bất đắc dĩ thì phải có chị em thân thiết ngủ chung... Kể xong, mẹ đúc kết lại rằng mẹ không ngại cô bạn tôi, mẹ chỉ ngại những người “cậu”, “chú”, “bác”, “dượng”… ở cùng nhà mà thôi. Lúc ấy nghe chuyện của mẹ xong, vì nghĩ mẹ tôi lo lắng thái quá nên tôi chỉ im lặng...
 
*

Những ngày gần đây, cộng đồng người Việt hải ngoại và trong nước rộ lên hàng loạt thông tin chia sẻ qua Facebook về những hành vi ấu dâm xảy ra trong học đường và xã hội Việt Nam. Nhiều người cho rằng ấu dâm ở đâu cũng có, ở Mỹ còn nhiều hơn. Có lẽ nhận định này là vì người Mỹ công khai con số tội phạm.

Ở Việt Nam hiện thời chưa có con số thống kê chính thức, nạn nhân còn e ngại khai báo hay cáo buộc kẻ thủ phạm vì xấu hổ, sợ hãi, và chưa được bảo vệ đúng mức cần có. Bên cạnh đó, phương pháp điều tra cáo buộc thiếu chuyên nghiệp. Ngược lại, người Mỹ đã có nguyên một hệ thống: giúp khuyến khích khai báo, tầm chuyên nghiệp điều tra cáo buộc để xác định mức độ trung thực, biện pháp chăn chặn tội ác rõ ràng, kế hoạch bảo vệ nạn nhân trong tội hình ấu dâm cũng như bảo đảm quyền tư pháp công minh cho nghi phạm.

Ở Mỹ, tội ấu dâm là một loại tội bị khinh bỉ nhất. Nếu anh giết người, anh vào tù thì các tù nhân kia có thể tạm thời đồng cảm với lý do giết người của anh. Nhưng nếu anh vào tù với tội ấu dâm, anh sẽ bị xem là thứ cùng đinh nhất trong giới tội phạm và họ sẽ bắt anh trả giá, ăn miếng trả miếng, y như những gì anh đã làm với nạn nhân của mình. Ðó là luật bất thành văn các tù nhân kháo với nhau trong thế giới ngầm.

Còn trong phạm vi pháp luật và xã hội thì người Mỹ tạo rất nhiều điều kiện và thông tin để giúp nhận biết và phân biệt về hành vi ấu dâm, biểu hiện bất thường của nạn nhân ấu dâm, nhằm khai báo với chức trách ngăn chặn kẻ thủ phạm, và bảo vệ nạn nhân, đa phần là trẻ em. Tội ấu dâm là tội hình duy nhất mà người Mỹ gọi những kẻ thủ phạm là “thú ăn mồi” (predators).

Bắt đầu từ 4 tuổi, các trẻ em Mỹ được dạy hiểu biết về cơ thể cũng như vùng kín của mình. Chẳng hạn như khi các em được đưa đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ trước khi lật áo lên nghe nhịp tim phổi, vị bác sĩ phải giải thích cho các em biết là thao tác áp máy vào ngực là vì muốn kiểm tra sức khỏe của các em để các em đồng ý và yên tâm, tin tưởng cho phép đụng vào cơ thể của mình. Khi đến phần khám vùng kín, bác sĩ cũng phải giải thích tương tự, và còn phải nói thêm rằng không ai được quyền chạm hay nhìn vùng kín của các em ngoài sự hiện diện của cha mẹ, hay người bảo hộ trong điều kiện đòi hỏi y khoa, để các em hiểu rằng cơ thể của các em là quyền bất khả xâm phạm nếu không có sự đồng ý và tin tưởng của các em. 

Không những thế, trẻ con Mỹ được dạy từ nhỏ câu “No means No”, tạm dịch “Nói Không có nghĩa là Cấm hoặc Ngừng Lại”. Trong trường hợp liên hệ tình dục, “không” mang tính chất yêu cầu ngưng hoặt cấm tiệt ngay các hành động đang diễn ra. Trong tình thế dù có sự đồng ý từ hai bên lúc ban đầu, nhưng khi một trong hai người cảm thấy bất an, không muốn tiến xa hơn và nói tiếng “không”, thì tất cả các hành động sau đó có thể bị xem là cưỡng ép.

Ðây là khoảng xám được đưa ra mổ xẻ rất nhiều khi tranh cãi tại tòa trong các vụ án cáo buộc tình dục, ví dụ như các luật sư hoặc công tố viên sẽ dùng nó để hỏi đại khái như “cô có thật sự nói “không” lúc ấy không?”, “anh có nghe cô ấy nói tiếng “không” chứ?”. Kết quả của vụ án có thể thay đổi tùy ở chữ “không” này đã được nói như thế nào, vì vậy người Mỹ không đùa khi nói về câu nói này cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tuỳ theo độ tuổi, các em sẽ được dạy ở trường về nhận thức giới tính bằng ngôn ngữ và khái niệm thích hợp đúng theo tầm tiếp thu và hiểu biết của các em. Ðồng thời họ khuyến khích cha mẹ luôn trò chuyện với con mình, biến hóa chủ đề nhận thức giới tính, phần kín thân thể thành cuộc đối thoại bình thường thay vì nghiêm trọng hóa hoặc là điều cấm kỵ khiến con em sẽ khó cởi mở hay can đảm khi được hỏi tới. Bên cạnh đó, xã hội Mỹ tạo một môi trường khuyến khích người dân nên quan tâm thay vì thờ ơ khi thấy những điều bất thường xảy ra xung quanh nơi cư ngụ.

Một lần, tôi nhận được email từ trường học của hai con gửi về thông báo rằng hôm đó trường đã có một cuộc “cấm cửa” (lockdown) - nội bất xuất ngoại bất nhập - toàn trường trong vòng vài tiếng đồng hồ. Lý do là có một người dân sống gần khu vực trường đi bộ ngang qua trường học, thấy một người đàn ông ngồi trong xe đậu gần khu vực sân chơi của học sinh. Ông ta ngồi quan sát và (hình như) có dùng máy chụp hình hay viễn vọng kính gì đó rất khả nghi.

Sau đó người đàn ông đó vội lái xe đi khi bị phát hiện. Thế là người này vội gọi báo cảnh sát. Cảnh sát báo cho trường học. Ngay lập tức, trường học áp dụng biện pháp “cấm cửa” khẩn cấp, cảnh sát đến trường làm một cuộc dò xét quanh khu vực để truy lùng người đàn ông khả nghi kia. Giới chức trách, trường học, và người dân hợp tác tương ứng với nhau rất nhịp nhàng và nhanh nhạy cùng đề phòng, cảnh giác và ngăn chặn tội phạm ấu dâm.

Ðối với những thủ phạm tình dục, một khi đã bị kết tội ấu dâm hay hiếp dâm thì coi như suốt đời sẽ phải công khai danh tánh dù ở bất kỳ nơi nào trên nưóc Mỹ. Luật pháp Mỹ bắt buộc tất cả tội phạm tình dục phải đăng ký tên của họ ở nơi cư trú để cư dân biết mà cảnh giác và đề phòng. Trong trang nhà của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có một trang gọi là “Tội Phạm Tình Dục Quốc Gia Công Cộng” (National Sex Offender Public Website). Ở trang mạng này, người dân có thể tìm kiếm tên của bất kỳ tội phạm tình dục nào theo khu vực tiểu bang, thành phố, quận hạt, và địa chỉ cư ngụ.

Ngoài ra, trang mạng còn cung cấp thông tin dữ liệu mang tính chất giáo dục và hướng dẫn cách nhận biết, phòng chống tội ác tình dục, cũng như các con số thống kê nhằm nâng cao sự nhận thức và hiểu biết cho người dân về tội ác này. Không riêng gì tầm cỡ quốc gia, ngay cả các trang mạng cấp chính quyền tiểu bang, thành phố, quận hạt cũng có trang mạng riêng cho danh sách tội phạm ngay trong khu dân cư với cùng mục đích.

Ở phương diện nhân bản, nhiều người có thể cho rằng luật pháp và xã hội Mỹ dường như quá hà khắc đối với tội phạm tình dục khi bắt buộc họ phải công khai tên tuổi suốt đời. Tuy nhiên, để kết án một người phạm tội tình dục, hiếp dâm hay ấu dâm là cả một quá trình điều tra lâu dài chứ không chỉ dựa trên một cáo buộc nhất thời hay duy nhất, nhất là trong trường hợp cáo buộc ấu dâm khi nạn nhân là trẻ em. Khi nhận được cáo buộc, để loại trừ khả năng nghi phạm bị vu cáo oan, một đội ngũ chuyên môn gồm bác sĩ tâm lý, y khoa, cố vấn tâm lý, chuyên viên xã hội sẽ kết hợp với cảnh sát để điều tra từ trường học, thầy cô cho đến gia đình.

Ðội ngũ này sẽ thay phiên tiếp xúc, trò chuyện với nạn nhân, nghi phạm, và cả thân nhân gia đình. Họ cũng tìm hiểu lý lịch, thói quen, biểu hiện, cá tính, môi trường sống của đôi bên để thu thập bằng chứng rõ ràng. Quá trình thẩm vấn, quan sát, và xét nghiệm này có thể kéo dài, nhanh hay chậm tùy từng trường hợp. Mục đích chính duy trì sự cẩn trọng trong quá trình điều tra là để bảo đảm sự công bằng pháp lý cho cả nạn nhân và nghi phạm vì tầm mức ảnh hưởng từ vụ việc cho cả đôi bên sẽ là những vết thẹo theo họ suốt đời.

Mai Vũ, từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: ấu dâm
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn