Quanh chuyện ấu dâm: NƠI NÀO CŨNG NHƯ NHAU?

Thứ ba - 14/03/2017 02:51

(NCTG) “Tình trạng tội phạm ấu dâm thì chẳng quốc gia nào trên thế giới có thể tránh khỏi. Nhưng luật pháp, và thái độ của xã hội đối với tội ấu dâm thì chẳng phải nơi nào cũng như nhau”.

Quanh chuyện ấu dâm: NƠI NÀO CŨNG NHƯ NHAU?

Có một loại ngụy biện (được gọi là ngụy biện đánh đồng) rất hay được đưa ra theo hướng bênh vực bênh vực chính quyền khi bàn về những vấn nạn như tham nhũng, nghèo đói và vi phạm nhân quyền - đó là ngụy biện “ở đâu cũng có…”.

Loại ngụy biện này một lần nữa lại được dùng để bào chữa cho những nghi can tội ấu dâm đã và đang làm sôi sục dư luận trong thời gian gần đây. Đại diện cho loại ngụy biện lần này là kiểu lý luận: “Hãy nhìn Mỹ kìa, tội phạm ấu dâm đầy ra đó. Việt Nam coi thế mà cũng còn ít, các mẹ chớ có cuống lên!”.

Nếu lấy Mỹ ra bàn, chúng ta hãy bàn tới cùng, nhé các bạn!

A. TỪ KHÍA CẠNH LUẬT PHÁP

Không phủ nhận Mỹ có tội phạm ấu dâm (tuy mức độ nhiều hay ít giữa các quốc gia và xã hội rất khó để mà đánh giá vì nhiều yếu tố khách quan), nhưng đây là một trong những quốc gia có luật và thi hành luật bảo vệ trẻ em nghiêm ngặt nhất thế giới. Chỉ để đối phó với tình trạng bạo hành và bạo hành tính dục đối với trẻ em, đã có bốn đạo luật chính:

1. Adam Walsh Child Protection and Safety Act (Đạo Luật Adam Walsh - Bảo Vệ và Sự An Toàn của Trẻ Em)

Đạo luật này được Tổng thống George W. Bush ký thành luật năm 2006 (được đặt tên sau khi cậu bé Adam Walsh, bang Florida, bị bắt cóc trong một khu mua sắm và sau đó người ta phát hiện ra thi thể của cậu). Một trong những điểm nhấn của đạo luật này là sự thành lập của bảng danh bạ quốc gia các tội phạm tính dục (national sex offender registry) cho công chúng. Các tội phạm tính dục dù mãn án và quay về sống trong xã hội, nhưng hình ảnh, tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ, nơi làm việc, v.v… của họ sẽ bị lưu trong bảng danh bạ này.

Đạo luật Adam Walsh chia các tội phạm tính dục thành ba dạng 1, 2 và 3, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội ác. Dạng 1 là tội nhẹ nhất - các tội phạm ở dạng này mỗi năm phải thông báo với cảnh sát về nơi ăn chốn ở của họ, và phải trình diện cảnh sát liên tục trong vòng 15 năm. Dạng 2 - mỗi 6 tháng phải thông báo và 25 năm trình diện; dạng 3 - mỗi 3 tháng và trình diện cả đời.

2. Jessica’s Law (Đạo Luật Jessica)

Đạo luật này được hình thành sau khi cô bé Jessica Lunsford bị một kẻ với tiền án tội tính dục bắt cóc, hãm hiếp và giết chết năm 2005. Luật Jessica bắt buộc những kẻ phạm tội ấu dâm với trẻ em dưới 12 tuổi phải chịu ít nhất 25 năm tù giam nếu phạm tội lần đầu, và án chung thân nếu tái phạm. Ngoài ra, một số kẻ phạm tội phải đeo trên mình thiết bị GPS, bị theo dõi đến trọn đời.

3. Megan’s Law (Đạo Luật Megan)

Đạo luật Megan được đưa ra sau khi cô bé Megan Kanka, 7 tuổi, bị một kẻ với tiền án tội tính dục sống gần đó, hãm hiếp và giết chết. Kẻ giết Megan từng bị kết án tội tính dục hai lần, nhưng hàng xóm chung quanh không ai hay biết gì về quá khứ của anh ta. Tiếp theo đạo luật Adam Walsh, đạo luật Megan tiến thêm một bước nữa, bắt buộc những kẻ với tiền án phạm tội tính dục phải đăng ký vào kho dữ liệu của tiểu bang, và bắt buộc các cộng đồng phải thông báo cho người dân về sự hiện diện của những kẻ với tiền án này để họ có thể đề phòng.

4. Chelsea’s Law (Đạo Luật Chelsea)

Đạo luật Chelsea được Thống đốc Arnold Schwarzenegger, bang California, ký thành luật năm 2010. Đạo luật này ra đời sau khi Chelsea King bị giết chết bởi một kẻ phạm tội tính dục mới vừa được thả ra. Đạo luật Chelsea bắt buộc một số kẻ phạm tội tính dục nguy hiểm phải bị giam trọn đời, không có cơ hội tại ngoại.

Một điều đáng nói là chưa cần phải tấn công thể xác và bạo hành tính dục trẻ em, việc sở hữu (lưu truyền, vận chuyển, mua bán, v.v…) những hình và phim ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ em (child pornography) cũng đã đủ để cấu thành tội phạm tính dục. Bản án cho những tội phạm ở dạng này rất nặng, thường là từ 5 năm trở lên.

B. TỪ KHÍA CẠNH XÃ HỘI

Trong các loại tội phạm, tội ấu dâm bị xã hội Mỹ nhìn nhận với con mắt kinh tởm nhất. Nạn nhân trẻ em là những nạn nhân hầu như không có cách nào để tự bảo vệ mình, về mặt thể lực lẫn tâm trí, nên những hành động tính dục nhắm vào trẻ em thể hiện tất cả sự bẩn thỉu, hèn hạ và tàn ác trong tâm hồn một con người.

Trên nguyên tắc, luật pháp Mỹ không cho phép sự kỳ thị một kẻ phạm tội đã mãn án, nhưng trong thực tế, những kẻ phạm tội tính dục, nhất là tội ấu dâm, gặp không ít những trở ngại khi quay về với xã hội. Họ rất khó tìm được việc làm (và đừng nói gì đến việc làm liên quan đến trẻ em), rất khó tìm được nơi trọ, phải chịu sự soi mói và kỳ thị của những người chung quanh cho đến suốt đời.

Chuyện một kẻ bị kết tội ấu dâm, thi hành án, trở về với xã hội và được đón tiếp, tung hô như một người hùng, gần như là chuyện không tưởng trong xã hội Mỹ.

Đúng, tình trạng tội phạm ấu dâm thì chẳng quốc gia nào trên thế giới có thể tránh khỏi. Nhưng luật pháp, và thái độ của xã hội đối với tội ấu dâm thì chẳng phải nơi nào cũng như nhau.

Thật thấy tội nghiệp cho những chiếc loa rè, tối ngày cứ mãi “ở đâu cũng có…”.

Hải Lý, từ Canada


 
 Từ khóa: ấu dâm
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn