Nước Nga: TRĂM NĂM TRƯỚC VÀ BÂY GIỜ

Thứ sáu - 03/03/2017 05:42

(NCTG) “Có cần thiết phải làm cuộc cách mạng “chấn động địa cầu”, dẫn đến bao nhiêu chiến tranh và đàn áp đẫm máu để có kết cục như thế này trong ngày hôm nay, sau 100 năm?”.

Nga hoàng Nikolai Đệ nhị (bên phải, ngoài cùng) thoái vị - Ảnh tư liệu

Nga hoàng Nikolai Đệ nhị (bên phải, ngoài cùng) thoái vị - Ảnh tư liệu

Có lẽ cũng ít người nhớ, hôm nay, ngày 2-3-2017, là kỷ niệm 100 năm ngày Sa hoàng cuối cùng của Đế quốc Nga - Nikolai Đệ nhị thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt của một đế chế rộng lớn thứ ba trong lịch sử nhân loại (sau đế quốc Mông Cổ và đế quốc Anh) trải dài từ Ba Lan va Phần Lan qua ba lục địa cho đến tận Alaska của Châu Mỹ.

Cuộc cách mạng dân chủ tư sản (hay còn gọi là đảo chính) tháng 2-1917 dẫn đến sự thoái vị của Nga hoàng, đã lập ra một thể chế tự do nhất ở Châu Âu vào thời bấy giờ. Nhưng chính quyền tư sản lâm thời chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn ngủi, cho đến khi người Bolshevik làm cuộc cách mạng (đảo chính) tháng 10 (theo lịch Nga cũ) cùng năm.

Cách mạng tháng 10 “chấn động địa cầu”, lập nên nhà nước Xô-viết, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nước Nga và nhân loại trong thế kỷ 20. Một giai đoạn lịch sử được một số người gọi là vĩ đại và oai hùng, một số khác (đông hơn nhiều) thì gọi là đẫm máu và bi thương trong lịch sử nước Nga.

Chính quyền Xô-viết (Liên Xô) lập ra trên phần lớn lãnh thổ do Đế quốc Nga để lại, đã thống trị đất nước bằng bàn tay sắt, dự phần gây bùng nổ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, tạo được sự thống trị lên 1/2 Châu Âu và hơn 1/3 dân số thế giới, cầm đầu khối cộng sản đối đầu với Mỹ và Phương Tây gần 1/2 thế kỷ cho đến khi sụp đổ vào năm 1991 và bị phân rã ra làm 15 nước.
 
“Chiếu” thoái vị của Nikolai Đệ nhị, Sa hoàng của Nga, Ba Lan và nhà cai trị vĩ đại của Phần Lan - Ảnh tư liệu
“Chiếu” thoái vị của Nikolai Đệ nhị, Sa hoàng của Nga, Ba Lan và nhà cai trị vĩ đại của Phần Lan - Ảnh tư liệu

Liên bang Nga ngày nay là nhà nước thừa kế của Liên xô và Đế quốc Nga cua Sa hoàng. Chúng ta hay thử nhìn xem, 100 năm qua, sau khi lật đổ Sa hoàng, cuối cùng nước Nga đã được những gì:

1- Diện tich vào năm 1914 là 21,8 triệu km2, năm 2016 là 17,2 triệu km2 - giảm 21%.

2- Dân số vào năm 1914 là 178 triệu, năm 2016 là 146 triệu - giảm 17%.

3- Tổng sản lượng quốc gia GDP vào năm 1913 là 16,4 tỷ rúp vàng, đứng thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Đức và Anh). Năm 2016 là 1,4  ngàn tỷ USD, đứng thứ 14 thế giới.

4- Thu nhập đầu người vào năm 1913 là 1.480 USD, bằng 28% thu nhập của người Mỹ và 31% thu nhập của người Anh. Năm 2016 là 7.700 USD, bằng 13% của người Mỹ và 17% của người Anh.

5- Các chỉ số khác về cuộc sống, sức khỏe, tuổi thọ, giáo dục... 100 năm sau, khoảng cách giữa Nga và các cường quốc hàng đầu thế giới vẫn giữ nguyên như 100 năm trước đây hoặc ngày càng xa dần.

Trong khi người Nga giết Sa hoàng của mình, làm hai cuộc cách mạng trong nước và vô số cuộc cách mạng ở nước ngoài, đối thủ truyền kiếp của họ, Đế quốc Anh, mặc dù mất hết thuộc địa nước ngoài, đã không phải trải qua bât cứ một cuộc cách mạng nào từ năm 1642, vẫn điềm nhiên phát triển thịnh vượng với nữ hoàng trị vì trên ngai vàng.

Vậy có cần thiết phải làm cuộc cách mạng “chấn động địa cầu”, dẫn đến bao nhiêu chiến tranh và đàn áp đẫm máu để có kết cục như thế này trong ngày hôm nay, sau 100 năm?

Hoàng Đàm, từ Kiev (Ukraine)


 
 Từ khóa: Cách mạng tháng 10
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn