Tùy bút của Vũ Thương Giang: HƯƠNG VỊ PHỞ HÀ NỘI GIỮA TRỜI TÂY

Thứ bảy - 22/03/2014 23:16

(NCTG) “Chưa ăn chỉ nhìn qua thôi đã thấy thèm bởi màu xanh tươi của hành, màu đỏ của ớt, màu vàng của thịt gà, màu trắng của bánh phở… - tất cả hòa phối nhịp nhàng để tạo nên một bát phở hấp dẫn, bắt mắt…”.


Bát phở Việt, món ẩm thực “quốc hồn quốc túy” – Minh họa: Internet


Không có cái may mắn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù chỉ là kẻ ngụ cư giờ lại xa xứ, nhưng tôi yêu Hà Nội qua những góc nhìn rất đời thường, từ những con đường vàng rực hoa cơm nguội, những góc phố ngào ngạt hương hoa sữa về đêm và hình ảnh Tháp Rùa cổ kính nghiêng mình in bóng xuống mặt nước Hồ Gươm trong xanh…

Đặc biệt, hơn hai mươi năm xa quê sống nơi xứ lạnh, điều khiến tôi muốn trải lòng mình khi nhớ về thủ đô yêu dấu chính là hương vị phở Hà Nội rất đỗi gần gũi thân quen, mà mang “quốc hồn quốc túy” của dân tộc Việt.

Ngày xưa nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… đã miêu tả về những tô phở của đất Hà thành thật tinh tế, hấp dẫn khiến người đọc thèm ứa nước miếng. Bây giờ ngẫm lại mới thấy quả không sai, cho dù, nói đến phở đâu chỉ riêng ở Hà Nội mới có...

Đúng vậy, cả ba miền Bắc Trung Nam đều có món phở thân quen, nhưng mỗi địa phương lại có một cách chế biến, nêm, bớt gia vị khác nhau. Không được đi tất cả các vùng miền trong cả nước để thưởng thức phở của từng nơi, tôi đành nếm phở bằng… mắt, nghĩa là tìm hiểu qua các bài viết và giới thiệu mà thôi.

Tuy nhiên, phở Hà Nội thì tôi đã được thưởng thức từ hơn hai chục năm, trước khi tha hương. Để rồi mỗi lần về Việt Nam, tôi lại tìm đến những quán phở nổi tiếng trên các con phố Lý Quốc Sư, Bát Đàn hay Lò Đúc ở Hà Nội để ăn bù cho bõ nhớ…

Chính vì phở là món ăn rất ngon và hấp dẫn nhiều người nên phở cũng xuất ngoại theo chân người Việt ở khắp năm châu bốn bể. Báo chí từng nhắc tới, ở Mỹ khi nói đến phở Việt người ta biết ngay đến quán Phở 87 ở Los Angeles. Rồi Phở 24 cũng được ra nước ngoài, ở Pháp có Phở của ca sĩ Giao Linh, ở Sydney - Úc có quán Phở Hà Nội, ở Hàn Quốc có Phở Hòa…

Còn ở đất nước Ukraine, nơi tôi đang cư ngụ, tôi tin chắc bát phở trong Nhà hàng Hương Việt của vợ chồng anh chị Khải - Nguyệt đã thành một thương hiệu nổi tiếng, không riêng với bà con Kharkov mà tất cả những ai đã một lần ghé vào đây thưởng thức có lẽ đều khó mà quên được hương vị đặc biệt của bát phở do bàn tay chế biến tài hoa của một cặp nghệ nhân đất Hà thành.

Hai vợ chồng chủ quán, anh chị Khải - Nguyệt là người Hà Nội gốc nên rất sành ăn và khó tính trong chuyện nấu nướng.Chị Nguyệt vốn khéo tay, nhanh nhẹn, đảm đang và tháo vát nên sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở thành phố Zhitomir (cách thủ đô Kiev hơn 100km), chị đã về Kharkov tạo dựng cho mình một thương hiệu đặc biệt: Phở Khải - Nguyệt! Trước hết là để mưu sinh, sau nữa là thỏa mãn sở thích nấu ăn của mình.

Có điều lạ là khi bước vào kinh doanh ai cũng phải tính đến lợi nhuận, ấy vậy mà vợ chồng anh chị thì ngược lại, uy tín và chất lượng được lên hàng đầu! Bởi thế, quán phở của anh chị luôn là địa chỉ số một cho những vị khách sành ăn tìm đến thưởng thức. Nhiều bà con ở những thành phố khác đã “nghiện” Phở Khải - Nguyệt: cách xa năm, sáu trăm cây số, mỗi khi đi lấy hàng bao giờ họ cũng tranh thủ ghé vào quán ăn tô phở nóng cho bõ thèm.

Kể cũng lạ! Hiếm có món nào mà cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông ăn mãi vẫn thấy ngon, thấy hấp dẫn như món phở do chính tay chị Nguyệt nấu. Nhất là vào những ngày đông lạnh giá, tự nhiên có cảm giác bụng đói cồn cào khi nghĩ tới tô phở nóng hôi hổi bốc hơi nghi ngút,,hương tỏa thơm nức mùi thảo quả, quế, hồi, gừng…

Ngập trong đó là những sợi bánh phở trắng tinh, dẻo, giòn thơm mùi gạo. Thêm vài lát thịt gà quê trắng viền da vàng óng, béo ngậy (nếu là tô phở gà) hoặc mấy miếng thịt bò thái mỏng mầu nâu hồng (nếu là tô phở bò). Thấp thoáng mấy cọng rau thơm xanh mướt,bên cạnh là bông hoa đỏ rực được cắt tỉa từ ớt cay (có khi là một vài lát ớt đỏ ), mấy cổ hành hoa trắng chẻ qua nhúng tái…

Chưa ăn chỉ nhìn qua thôi đã thấy thèm bởi màu xanh tươi của hành, màu đỏ của ớt, màu vàng của thịt gà, màu trắng của bánh phở… - tất cả hòa phối nhịp nhàng để tạo nên một bát phở hấp dẫn, bắt mắt, cộng với thái độ phục vụ chu đáo, nụ cười thân thiện niềm nở thường trực trên môi chị Nguyệt. Thực khách dù khó tính đến mấy cũng không thể cầm lòng trước món ăn thỏa mãn cả khứu giác, thị giác lẫn vị giác như tô phở trong nhà hàng của gia đình anh chị Khải - Nguyệt!

Sau này, cũng có rất nhiều quán phở đua nhau mọc lên ở Kharkov nhưng lượng khách tìm đến nhà hàng của anh chị không hề giảm, ngược lại, ai đã từng ăn phở ở đây thì dù có đi quán khác rồi cuối cùng họ vẫn quay trở lại.Người chưa thưởng thức bao giờ, nhưng nghe danh Phở Khải - Nguyệt cũng phải cố tìm đến ăn thử một lần cho thỏa. Và theo nhiều người nhận xét thì có mấy quán mở liền kề nhưng ngon nhất vẫn là Phở Khải - Nguyệt!

Gia đình anh chị có mỗi một cô con gái đã học xong đại học và có công việc ổn định, bản thân kinh tế gia đình tương đối dư dả, nhưng anh chị chưa có ý định giải nghệ dù nhiều lúc thực sự cảm thấy mệt mỏi. Không giống ở nhiều nơi khác, các bà chủ phó mặc cho người làm, chị Nguyệt vốn cẩn thận,chu đáo,sạch sẽ nên muốn tự tay chế biến cho khách mới yên tâm. Cũng chính vì vậy mà bao nhiêu năm nay, phở của anh chị vẫn giữ nguyên chất lượng như ngày đầu, đậm đà hương vị thơm ngon của ẩm thực Hà thành.

Mặc dù xa quê, nhiều khi gặp không ít khó khăn trong việc “sưu tầm” đủ loại gia vị nấu phở, nhưng anh chị vẫn nhất quyết tìm cho bằng đủ vì muốn giữ cho được nét đặc trưng của Phở Hà Nội để níu chân các thực khách sành ăn. Gia đình chị không muốn vì lợi nhuận mà mất đi giá trị thực món ăn nổi tiếng của Hà thành đã được tôn vinh trong văn hóa ẩm thực, được du khách trong và ngoài nước biết đến sau tà áo dài truyền thống.

Nỗ lực và tâm huyết ấy của anh chị Khải - Nguyệt, trong thời buổi kinh tế thị trường khắc nghiệt như bây giờ, quả là không có nhiều và đáng tôn trọng!

Vũ Thương Giang, từ Kiev


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn