ĂN TẾT KÝ ỨC

Thứ năm - 23/01/2014 15:30

(NCTG) “Tết của tôi, giấc mơ về người đàn ông biết gói bánh chưng của tôi, ngôi nhà nhỏ ấm áp tiếng cười và niềm vui trên những bông hoa đào giấy của ba mẹ con tôi…, tôi giữ tất cả trong đáy tim. Rồi năm nào, cứ đến ngày ông Táo về chầu Trời, tôi cũng lại đem ra nhâm nhi ăn Tết”.


Hoa đào vẫn nở ở cách xa quê nửa vòng trái đất, nhưng Tết vẫn ngập ngừng đâu đó rất xa xôi


Từ hôm ông Táo về chầu Trời, tôi nôn nao nhớ Tết. Suốt cả năm sống với trời xanh nắng vàng Cali, tôi chẳng mảy may nghĩ đến lịch âm, cùng lắm thì mỗi lần tròn trăng, tôi chỉ tự nhủ: thế là Rằm! Thế mà từ hôm mẹ tôi bảo bà vừa tiễn ông Táo về Trời, một cách vô thức, không gian sống của tôi đặc quánh duy chỉ một thứ không khí âm lịch.

Tôi không còn sống vội vàng với cái lịch bận rộn của một bà mẹ trẻ, ngày nào cũng phải làm cho xong ít nhất chừng này việc: cho con ăn sáng, chuẩn bị bữa trưa cho con, tiễn con đi học, rồi chợ búa, rồi đến trường, rồi nấu bữa tối, rồi lại cho con ăn ngủ… Điệp khúc dồn dập trong cái thời gian biểu dày đặc dễ khiến người ta mỏi mệt ấy nay được thay bằng một thứ nhịp điệu khác thường, nhịp điệu Tết!

Vẫn ngần ấy việc, vẫn ngần ấy thúc bách, vậy mà khi đếm thời gian những ngày cận Tết bằng âm lịch, con người mỏi mệt của cái lịch biểu hàng ngày bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là một con người tràn trề năng lượng – hào hứng đi chợ Tết, hào hứng sắm sanh hoa cỏ, bánh trái, hào hứng nấu nướng, dọn dẹp.

Thời gian thì vẫn chảy xuôi, thế mà từ hôm ông Táo về Trời, tôi chỉ ngồi đếm ngược trong nỗi mong ngóng Tết. Nào ngờ, đã đủ hoa đào, bánh chưng, bánh giầy, bánh tét, giò chả rồi, đã qua đêm Giao thừa, qua cả mùng 1, mùng 2 rồi, mà Tết vẫn dường như chỉ thấp thoáng ở đâu đó, xa thật xa… Ôi, Tết tha phương, ngỡ đầy đủ cả mà thiếu thốn trăm đường. Nhắm mắt lại mường tượng về những cái Tết đầm ấm xưa xa cho đỡ cồn lòng vậy.

Tết của tôi là nao nức chờ xem chú hàng xóm gói bánh chưng; là hí hửng đợi chú gói cho cái bánh con con làm của riêng; là hào hứng tập toẹ gói cái bánh bé bằng ba ngón tay với đầy đủ nếp nhân, lá lạt; là rón rén thả mấy cái bánh tí teo vào nồi bánh mới đỏ lửa, là hồi hộp đợi chờ xem bánh; là sung sướng bóc cái bánh méo mó tự làm và thấy màu nếp xanh… như thật.

Lũ trẻ con chúng tôi chỉ cần nghe thấy người lớn í ới bảo nhau năm nay gói mấy cân nếp là đã chuẩn bị tinh thần ngồi thiền ở nhà chú hàng xóm xem gói bánh. Ba đứa trẻ con (chị em tôi và con trai chú hàng xóm) ngồi xếp bằng trên chiếu, chăm chú nhìn đôi bàn tay gân guốc của người đàn ông chỉ quen sửa xe, bổ củi đang khéo léo xếp đặt nếp, nhân, tỉ mẩn vun nếp cho gọn, chỉnh lạt cho cân và vuốt từng góc bánh cho vuông thành sắc cạnh.

Có bấy nhiêu đó, mà năm nào chú cũng thôi miên hai chị em tôi ngồi xem say sưa. Có lẽ vì lũ trẻ con chúng tôi nhìn thấy Tết trong bàn tay gói bánh của chú. Với tôi, chú là người đàn ông làm ra Tết. Từ thuở đó, tôi đã thầm thần tượng những người đàn ông biết gói bánh chưng, vì tôi nghĩ: họ biết làm Tết, biết làm nên những đầm ấm, yêu thương. Cũng vì suy nghĩ trẻ con và ngây thơ ấy, trái tim thiếu nữ của tôi đã từng rớt cái độp khi nghe thằng bạn khoe Tết năm nay nó gói bánh chưng cho cả nhà. Từ bữa ấy trở đi, tôi nhìn nó như một người đàn ông thực thụ.

Tết của tôi là líu ríu theo chân mẹ sang nhà cô chú hàng xóm xin cành đào. Cả xóm, chỉ có mỗi nhà chú Hợp thợ xây là có cây đào. Dù nhà chú đã tuốt hết lá khi vừa vào tháng Chạp, những mong đào ủ nụ, ủ lộc nhưng hầu như năm nào cũng thế, đào nhà chú cứ ra gần hết tháng Giêng mới chịu trổ hoa. Dù cây đào nhà chú Hợp đến Tết rồi vẫn khẳng khiu im lìm, nhưng nó vẫn là cây đào.

Thế là cả xóm nhà nào cũng vác dao sang xin chú một cành về chơi xuân. Hai mẹ con cũng ngắm nghía mãi để xin cành nào có thế đào đẹp một chút. Chú Hợp với mẹ cũng đứng bàn chán chê, xem cành nào lắm lộc, cành nào không. Xin được cành đào rồi, mẹ tôi cũng đốt gốc rồi cắm vào bình, đặt lên cái bàn gỗ vuông ở giữa nhà. Rồi để cho có không khí, mẹ cắt những bông hoa năm cánh từ giấy màu thủ công của chị em tôi dán lên nhánh đào. Thế là Tết đã vào nhà.


Tết xa quê

Tết của tôi là đợi mong áo mới. Ngày xưa nghèo, chỉ đến Tết mẹ mới may cho hai chị em hai bộ quần áo mới. Tôi nhớ một năm, mẹ lấy miếng vải nhung xanh mẹ để dành nhờ bác thợ may hàng xóm cắt cho hai chị em hai cái quần mới. Nhưng khổ vải bé quá, bác thợ may phải may quần chắp gối. Năm đó, gần đến giao thừa rồi mà hai chị em vẫn đứng chờ bên máy khâu của bác. Bác thợ may thương hai đứa trẻ con chờ áo mới, dù rất vội nhưng vẫn viền đăng-ten cho hai cái áo hoa thật điệu. Bộ quần nhung xanh chắp gối và áo hoa viền đăng-ten ấy, tôi giữ mãi trong bảo tàng ký ức tôi, vì với tôi, đó là Tết!

Tết của tôi sực nức mùi hương trầm, mùi thuốc pháo và mùi rượu nếp cẩm. Hồi chưa cấm pháo, cứ được nghỉ học là hai chị em lại tót sang nhà bác hàng xóm xem anh Kí bờm làm pháo. Anh Kí còn dạy cho bọn trẻ con quấn pháo sao cho chặt, trút thuốc pháo sao cho khéo. Giấy làm pháo là giấy vở cũ của anh chị em nhà anh Kí. Năm nào anh Kí cũng dõng dạc tuyên bố với đám trẻ con lau nhau rằng, năm nay anh sẽ làm một quả pháo đùng to chưa từng thấy, nổ điếc tai luôn. Bọn trẻ con đứng nghe há hốc mồm thán phục.

Dù đã cấm đốt pháo từ lâu, nhưng mùi thuốc pháo đã trở thành mùi Tết trong ký ức tôi, khó phai nhạt. Hôm trước đi chợ Tết ở San Jose, thấy người ta đốt pháo đì đùng, tôi lại cứ tưởng mình đang đứng trước khoảnh sân nhà hồng xác pháo trong sáng mùng một Tết những năm xưa.

Rượu nếp cẩm là thức uống quen thuộc trong ngày Tết ở nhà tôi. Mẹ tôi thường tự chế rượu nếp cẩm để tiếp khách. Tôi mê màu rượu tím, hương rượu nồng và men rượu ngọt lừ ấy từ bé nên nếu mẹ giao nhiệm vụ trông nhà ngày Tết, cô bé con là tôi sẵn lòng cạn li với khách như bất kỳ một vị gia chủ nhiệt tình nào. Nhớ Tết, tôi rót một ly vang đỏ, soi mắt vào màu rượu huyết dụ sóng sánh để tưởng tượng về màu rượu nếp cẩm tím rượi của mẹ, lòng nôn nao nhớ hương vị ngày xưa.

Tết của tôi là những ngại ngần bước chân sang nhà bố, ngại ngần cất tiếng gọi “Bố ơi” ở ngoài ngõ để đánh tiếng cho ai đó ra mở cổng, ngại ngần câu chào dì, ngại ngần không biết nói năng chi với người đàn ông năm nào chị em tôi cũng gặp mà năm nào cũng thấy lạ lẫm, xa xôi. Tôi nhớ, tôi đã cất Tết của mẹ con tôi vào một góc rồi mới đến nhà bố, vì không muốn những bối rối, ngượng ngập, xa lạ xâm lấn đến cái đầm ấm ngọt ngào của mẹ con tôi. Bố cũng gói bánh chưng, nhưng sao tôi không thấy bố giống người đàn ông biết làm Tết. Nhà bố cũng có hoa đào, nhưng sao tôi không thấy không khí như mấy cánh đào bằng giấy hồng thủ công của mẹ. Có lẽ vì tất cả những thứ ấy là Tết của bố, không phải của tôi, không bao gồm tôi.

Tết của tôi, giấc mơ về người đàn ông biết gói bánh chưng của tôi, ngôi nhà nhỏ ấm áp tiếng cười và niềm vui trên những bông hoa đào giấy của ba mẹ con tôi…, tôi giữ tất cả trong đáy tim. Rồi năm nào, cứ đến ngày ông Táo về chầu Trời, tôi cũng lại đem ra nhâm nhi ăn Tết.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn