Minh họa: Internet
Đầu dây bên kia là cơ quan duy nhất của nhà nước Việt Nam đại diện và bảo vệ quyền lợi cho mình, một người Việt đang sống ở nước ngoài.
Điện thoại reng rồi, 1-2-3-4 hồi chuông.
- Anh… (
tạm gọi là anh Y): Xin chào (nói bằng tiếng nước ngoài).
- Vâng, chào anh ạ (
mình cứ nói luôn tiếng Việt cho nhanh).
- Chào chị, có chuyện gì thế?
- Vâng, em tên là M. Xin lỗi em muốn hỏi về giấy tờ của em một chút ạ. Em đã nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận ABC từ tháng Hai năm nay, và cũng biết giấy chứng nhận này phải được cơ quan hữu quan trong nước cấp, sau đó gửi sang đây, nên ít nhất mất trên sáu tháng như các anh đã giải thích khi nhận hồ sơ.
- Vâng, thế thì sao hả chị?
- Dạ, anh ạ, em tình cờ hôm trước xem được trên Internet, trang nhà của Văn phòng Chính phủ, và đã thấy có Công báo số 0011 với nội dung là quyết định về việc cấp giấy chứng nhận có tên em đã được cấp thẩm quyền ký từ một tháng rưỡi trước. Vì vậy em muốn hỏi khi nào thì em nhận được giấy chứng nhận ấy ở bên này ạ?
- À, à... xin hỏi chị tên gì?
- Dạ, Nguyễn Thị M. ạ.
- Chị đợi một chút nhé…
Anh Y. không nói với mình nữa, và mình cũng thả lỏng hít một hơi dài, hết căng thẳng rồi giờ khấp khởi chờ đợi, có lẽ anh ấy đang đi tìm giấy tờ cho mình đây.
Rồi tự nhiên mình nghe rất rõ:
- Anh Y. (
giọng rất dõng dạc, y như mấy bạn phục vụ nghe khách đặt món xong thì quay vào nói với đầu bếp chuẩn bị thịt rau): Nguyễn Thị M., hỏi về giấy chứng nhận ABC
- Anh (
tạm gọi là anh X.): … (
nói gì mình không nghe được).
- Y.: Nhưng NÓ nói có thấy quyết định rồi, lại còn nói cả số quyết định ra cơ.
- X.: …
- Y.: NÓ nói nó xem được trên trang web Văn phòng Chính Phủ
(Mình định nói leo vào: “
Anh ơi, thật ra chả phải em tình cờ đâu, vì sốt ruột nên em nhờ không biết bao nhiêu bạn bè ở quê nhà hỏi dò bao nhiêu nơi mới tìm ra được manh mối và có được số quyết định để tra trên Internet đấy. Internet muôn năm anh nhỉ?”).
- X.: …
- Y.: Có lẽ NÓ xem được thật anh ạ, vì thấy nói được cả số quyết định nữa.
- X.: …
- Y.: Nguyễn Thị M. Anh nghe tên NÓ bao giờ chưa? NÓ gọi đến đây nhiều lần chưa?
Chưa nghe à, mới lần đầu à?
- X.: …
Ngay sau đó, điện thoại với mình được nối lại
- A-lô! (
không phải giọng anh Y, chắc là anh X)
- Dạ vâng ạ.
- Thế này chị ạ, tôi đã nghe rồi, giấy chứng nhận của chị chưa có ở đây.
- Thế ạ? Em đã xem được rồi mà anh, hay em gửi fax cho anh nhé. Quyết định số…
- (
Anh X. cắt ngang): Thôi, chị không cẩn phải nói số quyết định, chị đã xem được thì chúng tôi tin là nó có như vậy, nhưng chúng tôi chưa nhận được.
- Anh ơi, nhưng quyết định ấy được ký từ cách đây hơn một tháng rưỡi. Và được đăng trên Công báo như thế, nghĩa là có hiệu lực, và ngay cả dân thường cũng nhìn thấy được, em cứ nghĩ các cơ quan liên quan phải nhận được rồi chứ ạ.
- Không chị ạ, văn bản có đường đi của văn bản, mà chị biết rồi đấy, đi từ trong nước sang đến đây, đâu phải ngày một, ngày hai là tới…
- Thế ạ? Anh cho em hỏi, thông thường thì mất bao lâu kể từ khi được ký để văn bản đến đây ạ? Quyết định có ghi rõ ngày bắt đầu có hiệu lực cách đây một tháng rưỡi, và em sợ nếu không nhận được sớm mà em làm gì trái với nội dung trong giấy chứng nhận ấy thì sẽ gặp rắc rối…
- Cái đấy thì chị không phải lo, chừng nào chị chưa nhận được thì chị vẫn có thể sinh sống hoạt động như trước đến giờ. Còn khi nào văn bản đến tay chúng tôi thì không biết. Chị đã xem thấy như thế thì có thể nhanh thôi, có khi sắp rồi, mà cũng có khi một tháng, cũng có thể sau nữa, nhưng chắc không lâu đâu. Chị cứ yên tâm, chúng tôi giữ của chị làm gì. Khi nào có chúng tôi sẽ thông báo cho đương sự lên giải quyết thôi. Chị không cần phải lo lắng gì cả, thế chị nhé, chào chị…
- (
Nói với theo vội vàng khi điên thoại đang bị ngắt): Vâng, mong nhận được thông báo của các anh ạ…
Rồi, thế là kết thúc một cuộc điện thoại. Thôi không bàn về giấy tờ nữa nhé, vì mình gọi là gọi thôi, cũng khấp khởi hy vọng lắm nhưng vẫn biết kết quả sẽ không như mong đợi đâu. Chuyện giấy tờ trên “công đường” không thể đơn giản, cho dù để được nó mình phải nộp khoản phí cũng không nhỏ.
Chỉ có một điều khiến mình buồn cười quá. Vì đang nghĩ sao Bộ Ngoại giao không dạy cán bộ của mình một chi tiết sơ đẳng nhất: chờ hoặc giữ máy khi có người dân cần trao đổi? Hay là KHÔNG CẦN phải làm thế, đằng nào thì cũng là “quan” rồi, còn dân thì thây kệ, “mặc bay”?