VINAPHUNU: HOẠT ĐỘNG ĐỂ NÂNG CAO TRI THỨC, VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP

Thứ ba - 19/11/2013 16:35

(NCTG) “Để Berlin ngày nay được nhìn nhận như là một thủ đô quốc tế lớn, độ lượng và cởi mở với thế giờ, là một thủ đô “đáng sống” - chúng tôi rất biết ơn những tổ chức như của các bạn” (Thị trưởng Berlin Klaus Wowerei).


VINAPHUNU trong một sinh hoạt văn hóa: gặp gỡ và giao lưu với các tác giả bộ phim hợp tác Brazil - Việt Nam “Xe tải của bố” được chọn để trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin 2013


Lời Tòa soạn: Với chủ đề “Phát huy vai trò và tiềm năng của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển cộng đồng và đất nước”, Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài (tổ chức lần đầu tiên) đã khai mạc ngày hôm nay, 19-11, và kéo dài tới 23-11-2013 tại Hà Nội.

Được biết, đã có hơn 200 đại biểu đại diện cho các hội, đoàn và tổ chức của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài tham dự Hội nghị và một số đã có tham luận trao đổi xung quanh các chuyên đề: chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết nối nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước.

Trong số đó, rất đáng chú ý là tham luận của chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm VINAPHUNU (Berlin, CHLB Đức). Trong hơn hai thập niên qua, trên tư cách người khởi thảo và trực tiếp điều hành một đề án cho phụ nữ Việt Nam tại Berlin, chị Hoài Thu đã có rất nhiều công lao và đóng góp để tạo dựng và phát triển một tổ chức của người Việt tại vùng Trung Âu, mà hoạt động được đặt trên nền tảng văn hóa và hội nhập ở mức độ hết sức cao.

Đăng tải bản tham luận của chị Hoài Thu trong chuyên đề “Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài”, NCTG muốn giới thiệu một mô hình hoạt động rất hữu hiệu, đầy ý nghĩa và đáng trân trọng, mà các hội, đoàn Việt Nam ở nước ngoài có thể tham khảo và học hỏi. Tựa đề do NCTG tạm đặt (BBT).



Chị Hoài Thu phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Bích Ngọc

I/ Giới thiệu:

Nằm trong Câu lạc bộ Văn hóa Á Đông ASIATICUS e. V. do một nhóm những nhà Hán học Đức khởi xướng vào năm 1990, VINAPHUNU được thành lập năm 1991 với sự tài trợ, ủng hộ liên tục và hữu hiệu của Chính quyền Tiểu Bang Berlin - Bộ Phụ nữ - cho đến hiện tại. VINAPHUNU là tổ chức của phụ nữ Việt Nam và dành cho phụ nữ Việt Nam ở Berlin. Là một tổ chức phi chính phủ của Berlin nhưng tầm ảnh hưởng của nó không chỉ bó gọn trong Berlin mà trên cả nước Đức.

Sự ra đời của VINAPHUNU vào thời điểm thống nhất hai nước Đức như là một nhu cầu tất yếu bởi nó đáp ứng được đúng yêu cầu nguyện vọng của người Việt ở nước Đức trong thời điểm đó. Tất cả đều bỡ ngỡ bơ vơ trước những đổi thay về chính trị, xã hội... của nước Đức (kể cả người dân CHDC Đức).

II/ Hoạt động:

Cần nhấn mạnh là tất cả các hoạt động của VINAPHUNU đều miễn phí!

1/ Tư vấn luật pháp:

Ngay khi mới thành lập, VINAPHUNU đã cộng tác với văn phòng luật sư Tiến sĩ Arzinger & Đối tác, là những luật sư giỏi, chuyên ngành, có kinh nghiệm để giải quyết giúp đỡ kịp thời các vấn đề liên quan đến pháp luật trong từng thời điểm như giấy phép cư trú, hôn nhân, đoàn tụ gia đình, ly dị... Đồng thời, nâng cao kiến thức về Luật cho phụ nữ Việt Nam và gia đình của họ qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, hội thảo...

2/ Tư vấn xã hội:

Là sự kết nối giữa tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như Y tế, Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo ngành nghề... giúp đỡ phụ nữ Việt Nam từ khám bệnh, đi luật sư, liên hệ với nhà trường, công sở, tòa án, công ty, xin việc làm, nhà ở... đến giải quyết các mắc mớ hôn nhân gia đình, giáo dục con cái... Tư vấn xã hội được thực hiện một cách rất linh hoạt, uyển chuyển và kịp thời, có chuyên môn, nghiệp vụ cao.

3/ Lớp học tiếng Đức:

Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Đức là cửa ngõ đầu tiên để tiếp cận với một nền văn hóa mới, xã hội mới nên ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập, VINAPHUNU đã mở những lớp học tiếng Đức với sự tham gia của các giáo viên tiếng Đức lâu năm, có kinh nghiệm để giúp đỡ các phụ nữ thuộc hiện hợp tác lao động, đoàn tụ gia đình, tị nạn... rồi thanh thiếu niên, trẻ em tuy sinh trưởng bên này nhưng rất cần sự giúp đỡ bởi gia đình bận làm ăn mưu sinh hoặc thiếu nguồn gốc về văn hóa châu Âu. Liên tục từ những ngày đầu tiên đến giờ, dù đối tượng có thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng lớp học vẫn được duy trì.

4/ Lớp học tiếng Việt:

Từ giữa những thập niên 90 khi trẻ em Việt Nam bắt đầu ở lứa tuổi đến trường thì nhu cầu về tiếng Việt phát sinh mạnh mẽ. VINAPHUNU là tổ chức đầu tiên tại Đức đã mở nhiều lớp tiếng Việt liên tục trong suốt gần hai chục năm qua. Các cháu không chỉ học tiếng Việt mà thông qua đó còn có dịp tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống của người Việt.

Lớp tiếng Việt có đội múa sinh hoạt lành mạnh, đi biểu diễn khắp nơi trong các hoạt động văn hóa và chính trị xã hội của Berlin. Những hoạt động đó đã đóng góp rất nhiều cho thành công của các cháu sau này, giúp các cháu tự tin, mạnh mẽ, kiên nhẫn, chăm chỉ và có thẩm mỹ văn hóa lành mạnh. Hiện tại, nhiều cháu đã là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư và có ngành nghề ổn định ở khắp nơi: Anh, Bắc Anh, Singapore, Mỹ, Trung Quốc...

5/ Lớp nữ công gia chánh:

Để gìn giữ truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, VINAPHUNU ngay từ khi đề đạt dự án đã rất chú trọng đến những lớp nữ công gia chánh. Qua việc trau dồi những kỹ năng này, cuộc sống gia đình phụ nữ Việt Nam được đầm ấm hơn, con cái được chăm sóc, quan tâm hơn, được sống trong không khí truyền thống Việt Nam.

Không những vâỵ, VINAPHUNU thường xuyên kết hợp với các Quận có những lớp dạy cho phụ nữ Đức ẩm thực Việt Nam, để tạo cơ hội giao lưu Đức -Việt và quảng bá văn hóa Việt Nam.

6/ Các hoạt động hội nhập:

Để mở mang và nâng cao kiến thức của phụ nữ, từ những ngày đầu VINAPHUNU đã hào hứng tham gia các hoạt động chính trị văn hóa xã hội của Berlin thông qua các quầy thông tin, tham luận, tổ chức hội thảo về những đề tài thời sự, v.v…

Không những thế, VINAPHUNU còn thường xuyên tổ chức tham quan bảo tàng, phòng tranh, triển lãm (S. Dalí, M. Chagal, Van Gogh...), đi xem các bộ phim mới hay tham gia những sự kiện văn hóa lớn thường niên của Berlin (Liên hoan phim Quốc tế Berlin Berlinale, Đại Vũ hội Hóa trang, v.v…), tham quan những danh lam thắng cảnh của Berlin và nước Đức, cũng như tìm hiểu lịch sử, văn hóa của nước Đức.

Ngoài ra, hàng năm VINAPHUNU còn tổ chức những chuyến du lịch lớn trong nước cũng như nước ngoài cho phụ nữ và gia đình của họ, không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để tìm hiểu và nâng cao kiến thức của chính mình.

7/ Tụ điểm:

VINAPHUNU là câu lạc bộ dành cho phụ nữ Việt Nam và của phụ nữ Việt Nam cùng gia đình họ. Đến VINAPHUNU ta sẽ gặp một không khí đầm ấm ba miền Trung Nam Bắc, không có sự dị biệt giữa các văn hóa và vùng miền, để mỗi một người phụ nữ hay bất cứ khách thăm nào đều cảm thấy như họ được trở về nhà, về gia đình mình ấm áp, vui vẻ, sẻ chia... Và trên hết ở đây là sự đoàn kết, chân tình với phương châm “Giúp đỡ lẫn nhau để tự giúp mình”.

Không chỉ vậy, VINAPHUNU còn là một điạ điểm giao lưu phụ nữ Đức và Việt cùng các dịp lớn như lễ, hội, Tết hay thường xuyên như gặp mặt, khai mạc triển lãm...

8/ Thường xuyên giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè Đức và quốc tế:

- VINAPHUNU là tổ chức Việt Nam hiếm hoi từ khi mới thành lập đã luôn tham gia tất cả các hoạt động của Berlin, từ cấp Quận cho đến Thành phố, với mục đích để phụ nữ Việt Nam tham gia vào đời sống chính trị văn hóa xã hội của Berlin, đồng thời là đại diện của phụ nữ Việt Nam tại Berlin thông qua những dịp đó.

Có thể kể ở đây một số hoạt động tiêu biểu: “Ngày Chống Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc”, “Ngày các nước vùng sông Mekong”, “Tuần lễ Châu Á Thái Bình Dương”, biểu tình “Chống chiến tranh ở Iraq”, biểu tình “Chống buôn bán bóc lột tình dục trẻ em ở Nam Mỹ”...

- Từ hơn 20 năm nay, trong các dịp Tết Nguyên đán cũng như các dịp lễ lớn, VINAPHUNU bao giờ cũng tổ chức triển lãm với những đề tài rất phong phú (tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Đèn lồng Hội An, sơn mài Việt Nam, tranh hoạ sĩ Việt Nam, ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam, nhạc cụ dân tộc của Việt Nam...), hoặc biểu diễn và giới thiệu các loại hình nghệ thuật Việt Nam như chèo, tuồng, cải lương, quan họ, hầu bóng, đàn bầu, đàn tranh, múa sạp...

Hàng năm, vào dịp Tết, lượng khách mời là 250-300 người, còn những đại lễ như kỷ niệm 10, 15, 20 năm thành lập VINAPHUNU là 700-800 khách. VINAPHUNU tạo một bầu không khí cởi mở, chan hòa để giới thiệu văn hóa Việt cũng như sự hòa nhập văn hóa từ cả hai phía, Đức và Việt.

- VINAPHUNU là một tụ điểm phụ nữ Đức - Việt ở Berlin với những lần gặp mặt thường lệ và những khóa dạy nấu ăn (bếp Việt) cộng tác với các Quận, các trường học.

- Tà áo dài Việt Nam luôn được phụ nữ VINAPHUNU trân trọng và thể hiện trong những dịp lễ lớn, như khách mời của Tổng thống Liên Bang, khách mời của Thị trưởng Berlin... hay trong Đại Vũ hội Hóa trang Berlin, cùng những sự kiện chính trị văn hóa lớn của Berlin và cả ở nước ngoài.

9/ Du lịch:

Để mở mang kiến thức cho phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Berlin cũng như trên nước Đức, năm nào VINAPHUNU cũng tổ chức những chuyến du lịch gần xa trên nước Đức và châu Âu, Á để tìm hiểu văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, phong tục tập quán của những vùng đất ấy. Đỉnh cao là chuyến Xuyên Việt - từ biển lên rừng, từ Nam ra Bắc 2000 km - vào năm 2010, một kỷ niệm khó phai mờ trong lòng tất cả các thành viên gồm hơn hai chục người cả Đức và Việt.

Trong chuyến Xuyên Việt, Đoàn đã được Hội Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài, TBT báo “Phụ nữ Việt Nam”, bà Nguyễn Thục Hạnh, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tướng Lê Mã Lương tiếp đón nồng nhiệt.

10/ Công tác từ thiện:

Thông qua quan hệ với báo “Phụ nữ Việt Nam”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cá nhân, hội đoàn, tổ chức phi chính phủ như Kinderhilfe Hyvong. SODI e.V., Welthungerhilfe e.V, v.v…, VINAPHUNU đã hỗ trợ đồng bào bão lụt miền Trung, quần áo ấm cho trẻ em nghèo miền núi, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo thất học Việt Nam, làng SOS Việt Nam, trẻ em nghèo Việt Nam – Lào - Camphuchia, Quỹ Khuyến học cho trẻ em nghèo ở Đông Hà, Quảng Trị, Quỹ Trái tim cho em, các cháu học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)...

Không chỉ vậy, VINAPHUNU còn quyên góp giúp dân Đông Phi bị nạn đói, nạn nhân động biển cuả Thái Lan, động đất ở Nhật Bản, trường học trẻ em nữ nghèo ở Bodhgaya (Ấn Độ)...

11/ Quan hệ:

VINAPHUNU duy trì mối quan hệ thường xuyên và mật thiết với nhiều hội đoàn, tổ chức phi chính phủ của Đức, của quốc tế (PETA, WWF, Ấn Độ, Hungary...), cũng với Việt Nam như báo “Phụ nữ Việt Nam” và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Đông Hà, Trường dành cho học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu...

III/ Thành tích:

- VINAPHUNU có một thư viện tiếng Việt lớn vào bậc nhất tại Đức với 10.000 ấn bản, phân loại chuyên nghiệp, phong phú và luôn được cập nhật hóa, đáp ứng nhu cầu và nâng cao kiến thức của phụ nữ Việt Nam để làm hành trang tốt cho sự hội nhập.

- Thông qua sinh hoạt tại VINAPHUNU, chị em phụ nữ có thêm hiểu biết, độc lập, tự tin, thành công trong đời sống và công việc, đóng vai trò lớn không chỉ trong gia đình mình mà còn góp phần trong cuộc sống kinh tế của Berlin.

VINAPHUNU là khách mời của Tổng thống Đức ở lâu đài Bellevue, của Thị trưởng Đức ở Tòa Thị chính Đỏ, được Chủ tịch Quốc hội đến thăm, được Thị trưởng và các Bộ trưởng bang Berlin viết bài cho Giai phẩm Kỷ niệm 10 năm, 20 năm thành lập. Được biết đến như là một tổ chức phụ nữ Việt Nam rất thành công ở Berlin nói riêng và CHLB Đức nói chung.

VINAPHUNU được truyền thông Việt ngữ - không chỉ của Đức, mà còn của Châu Âu, Mỹ và ở Việt Nam - tuyên dương nhiều qua nhiều bài viết phóng sự và phỏng vấn trên báo chí.

VINAPHUNU được nhìn nhận và đánh giá cao trong không chỉ cộng đồng Việt mà còn trong xã hội Đức. Nhiều thanh thiếu niên, học sinh của các gia đình là thành viên VINAPHUNU đạt kết quả tốt, học tập và làm việc ở khắp nơi, nghề nghiệp ổn định, nhiều cháu trở thành kỹ sư, bác sĩ. tiến sĩ, thạc sĩ... Đặc biệt cháu Trương Thùy Vân là Thủ khoa Tú tài Berlin 2013.

1999: Danh hiệu “Người Phụ nữ Berlin xuất sắc” do Tiểu bang Berlin trao tặng cho Chủ nhiệm VINAPHUNU, chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu.

2001: Chị Hoài Thu tiếp tục được Tổng thống tưởng thưởng Huân hiệu Huân chương Công trạng của CHLB Đức.

2004: Xinh Co. (Đội múa của các thiếu nữ VINAPHUNU) đoạt Giải Nhất (Thanh Thiếu niên và Thiếu nhi) tại Đại Vũ hội Hóa trang Berlin, một sự kiện đa văn hóa lớn thường niên của thủ đô Berlin.

2008: Aymi Tran (thành viên VINAPHUNU) đoạt Giải Nhất “Thiết kế mẫu quảng cáo trên báo in” ủng hộ WWF Việt Nam và Đông Nam Á, góp phần bảo vệ động vật hoang dã.

IV/ Kinh nghiệm chia sẻ:

Vận động để mọi người tham gia hoạt động là điều khó khăn nhất bởi cuộc sống nước ngoài rất chật vật và vô cùng bận rộn với đủ mọi thứ áp lực:

Vô cùng quan trọng là việc học tiếng Đức, cửa ngõ đầu tiên để tiếp cận với một nền văn hóa mới. Tiếng bản địa hết sức cần thiết cho mọi quan hệ của cuộc sống: với chủ, với đồng nghiệp, với chính quyền, công sở, với trường học của con.... hiểu con cái hơn, hiểu hệ thống giáo dục Đức còn giúp đỡ con khi cần thiết... và chính cho sự tự hào của con sau này. Bỏ tâm lý dựa dẫm, mặc cảm...

Vận động tham gia các hoạt động hội nhập để năng cao kiến thức và sự tự tin bởi có rất nhiều phụ nữ do hoàn cảnh không được đào tạo, học hành nhiều nhưng khi động viên thì đã xóa bỏ được những e dè, nhút nhát, phát huy những thế mạnh, sở trường trở thành những phụ nữ mạnh mẽ, tự tin và thành công, làm chủ đời mình. Từ thụ động họ trở thành chủ động. Mang phong cách của VINAPHUNU - tự tin và hiểu biết -, dần dần họ đã khởi xướng và đóng góp cho nhiều hội đoàn thành lập sau này.

Học tiếng Việt là phải do gia đình ý thức được. Vận động chỉ ra cho cha mẹ rằng khi con cái thạo hai thứ tiếng như tiếng mẹ đẻ thì sẽ có nhiều cơ hội trên thị trường lao động hơn nhiều, chưa kể không quên cội nguồn, gia đình tổ tiên, ông bà cha mẹ. CLB kết hợp chặt chẽ với bố mẹ và cô giáo. Cô giáo phải là nhà sư phạm để có phương pháp sư phạm tạo được niềm yêu thích nơi trẻ con học tiếng. Không nên cho rằng cứ biết nói tiếng Việt là biết dạy tiếng Việt.

Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam là phải bắt nguồn từ gia đình, không chỉ nói mà phải sống, cách thưa gửi, chào hỏi, xưng hô... phải được uốn nắn kịp thời cho phù hợp. Các lớp tiếng Việt không chỉ thuần túy dạy tiếng không mà còn dạy cả phong tục tập quán của văn hóa Việt.

Vận động tham gia sinh hoạt CLB với rất nhiều hoạt động phong phú, phải phù hợp với nguyện vọng mong muốn, phải để các thành viên thấy rằng họ tham gia vui vẻ tự nguyện, những hoạt động ấy mang lại lợi ích cho họ: sử dụng thư viện sách báo phim ảnh... cập nhật, bạn bè chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm, con cái được sinh hoạt lành mạnh, học hành tốt hơn, ngoan hơn, phụ nữ thành công trong cuộc sống và công việc... Và CLB là của chính họ và thành công CLB chính là do chính những người phụ nữ ấy tạo nên.

*

Sau cùng tôi muốn được nhắc lại rằng nếu không có sự ủng hộ cũng như tài trợ hữu hiệu và liên tục của Chính quyền Tiểu Bang Berlin trong suốt gần một phần tư thế kỷ qua, không có sự nhiệt tình, chân thành và tự nguyện tham gia và giúp đỡ của biết bao thành viên, bằng hữu thì khó lòng mà có được một VINAPHUNU vững mạnh và thành công như ngày hôm nay.

Để kết thúc tôi xin được trích dẫn câu nói của Ngài Thị trưởng Berlin Klaus Wowerei khi viết lời mở đầu cho cuốn Kỷ yếu nhân dịp thành lập 20 năm (tháng 9-2011) của VINAPHUNU: “Để Berlin ngày nay được nhìn nhận như là một thủ đô quốc tế lớn, độ lượng và cởi mở với thế giờ, là một thủ đô “đáng sống” - chúng tôi rất biết ơn những tổ chức như của các bạn”.

Loos Nguyễn Thị Hoài Thu - VINAPHUNU - Berlin, CHLB Đức


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn