BÁNH CHƯNG ONLINE

Thứ ba - 28/01/2014 03:21

(NCTG) “Mùi bánh chưng ấm áp lan ra khắp nhà. Ngoài kia, tuyết trắng một thảm trời. Nhiệt độ xuống đến 13 độ âm. Tết ùa ra trong veo…”.



Kể ra thì đầu đuôi cũng phải cám ơn các nhà sản xuất bánh chưng theo công nghệ pin.

Không biết thực hư thế nào, mà những cái bánh cứ đẹp một cách nhẫy nhụa. Cộng với lời đồn thổi về sáng kiến vượt ngưỡng lương tâm của họ là cho pin vào luộc để bánh chóng nhừ, mau rền, nõn nường mầu lá, khiến cho kẻ ham sống sợ chết như tôi không dám mua về dù chỉ là để bày trên ban thờ cho đỡ lạnh ba ngày nhớ cố hương.

Vâng, những cái bánh vuông vức, ngầy ngậy mùi lá dong với gạo nếp thơm tần thơm tảo từ trong ký ức xa xưa của những kẻ tha hương. Đơn giản thế thôi.

Nào đâu phải sâu xa ý nghĩa trời tròn đất vuông gì như câu chuyện Lang Liêu xưa kia đã từng ra rả bài tập đọc suốt thủa ấu thơ. Chiêc bánh chưng gói trong đó bao dĩ vãng của những mùa sum họp, của đào phai, pháo nồng và lây phây mưa phùn một mảnh trời đã mang tên ký ức.

Tết đấy, tết của tôi ơi...

Lần đầu tiên tự gói bánh chưng, không ngờ lại... dễ đến vậy. Bị ám ảnh bởi ngày xưa mẹ gói bánh phải dùng khuôn, gấp lá nhiêu khê, tôi chỉ dám mon men ở vòng ngoài. Ấy là chưa kể còn phải mặc định xếp hàng tướt tát như đánh trận để mua đủ mấy ô phiếu Tết theo tiêu chuẩn. Cả một mùa Tết cứ nháo nhào cắm mặt vào mấy quầy mậu dịch.

Bố mẹ không hề biết đến những bơ phờ tem phiếu của cô con gái út khi đó còn rất nhỏ. Chưa hết, nó còn cặm cụi cam lòng rửa lá đãi đỗ, rồi kính cẩn nhìn mẹ nhìn chị trổ tài. Trong ký ức tôi, gói bánh là một nghi thức thiêng liêng đến nỗi, tôi không bao giờ dám tin, mụ già lẩm cẩm vụng về như mình có thể dám làm và làm được.

Hihi, mấy chục năm sau, một chiều tất niên, con bé ngày ấy kinh ngạc nhìn trên YouTube thấy họ gói bánh dễ như gói một món đồ chơi...

Lá dong xuất khẩu sang Đức quả nhiên đẹp, trừ những cái không... đẹp. Chúng vinh dự được đi máy bay nên vẫn xanh rờn, cuộn tròn từng bó, nhìn đã thấy bồng lên những xốn xang rất Tết.

Lạt tre cứng như tre, nghiến răng xoắn vặn đến mấy vòng vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Nếp cái hoa vàng (chẳng biết có đúng cái đúng vàng không), đóng từng bịch 5kg.

Đỗ xanh vỡ hạt còn nguyên vỏ. Nhất định phải còn vỏ, hy vọng các nhà sản xuất vô lương tâm không tẩm ướp hóa chất chống mọt và nhuộm thêm chất lên màu. Chỉ riêng cái vụ đãi xong cái đống vỏ đỗ này đã mất nghiến nửa tiếng đồng hồ.

Lịch kịch cả một ngày trời. Con gái lớn liếc qua, biết ngay Mụ Ô Sin Già lại làm cái món bánh “Thức cả đêm” mỗi năm chỉ có một lần. Con gái bé hoan hỉ ngồi bặm môi xay hạt tiêu. Vì Mụ Ô Sin Già chỉ thích dùng hạt tiêu tự xay, chả biết có ngon hơn, có thơm hơn, nhưng ít nhất đó cũng là niềm vui của chàng Út mỗi khi được mẹ tin tưởng cậy nhờ.

Gạo nếp ngâm rồi, ong óng những hạt trắng nục nạc như nhộng ong vừa lấy ra trong đõ. Lá rờn xanh. Đỗ nhuốm vàng... Mới nhìn đã thấy ùa ra nỗi niềm gì như Tết...

Lão gia cầm lòng không đặng, đột ngột đến phút chót tham gia đùm bánh giúp Ô Sin. Công nhận, lão vốn sở đoản nội trợ như vẫn. Bàn tay lão cũng gói vo như mình, mà cái bánh nào cũng vuông đều tăm tắp. Vừa gói, lão vừa giảng giải rất logic về cách gập lá, đè chân, xoắn lạt... như thật.

Hóa ra lão từng tham gia gói bánh với ông bà từ những năm xa xưa... Thảo nào, mà... vụng về thế. Rõ ghét. Chồng bánh của lão rõ ràng rất có hồn có cốt. Thành vuông cạnh sắc ra dáng lắm.

Đã thế, nhờ lão mà Ô Sin tôi mới dám thử gói bằng bánh có hai tầu lá. Tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc gia. Chứ không à? 10 Euro/kg lá dong so với giá gạo nếp chỉ có 2 Euro...

Lão còn hoan hỉ ra mặt vì đâu chỉ có nhõn hai ông bà già lọm khọm bánh trái. Có cả giọng nói rất mượt và cả một ký ức náo nức được tuôn chảy qua chiếc loa điện thoại. Ấy là Người Đàn Bà Lá Han cùng tham gia vụ bánh online. Chị thức đến nửa đêm hầu chuyện hai thính giả hâm mộ bằng giọng nói và tri thức của một Người Hà Nội.

Mùi bánh chưng ấm áp lan ra khắp nhà. Ngoài kia, tuyết trắng một thảm trời. Nhiệt độ xuống đến 13 độ âm.

Tết ùa ra trong veo. Một đêm bánh trái. Bơ phờ mệt. Một đêm rất không giống mọi đêm...

Mà có ăn được đâu. Sẽ chia cho mỗi nhà một cái gọi là lấy thơm lấy thảo... Chia để cho đi, hay chia để nhận về?

Lại nhớ đến tần tảo chị, cặm cụi bền bỉ mẹ cha, và những cái tết nấp đâu đó trong tâm can chỉ trực trào ra thành giọt...

Lại bắt gặp mình đang dối mình, rằng có nhớ đâu...

Không nhớ, sao rưng rưng?

Không buồn, sao trĩu nặng?

Tết ơi, ta nhớ Ngươi!

Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Ngày 25-1-2014


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn