CÂU CHUYỆN BIỂN ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN TRUNG QUỐC

Chủ nhật - 08/06/2014 02:01

(NCTG) “Còn bao nhiêu đứa trẻ lớn xác như cậu bị đầu độc bởi những ý nghĩ hủ lậu - sản phẩm của nền văn hóa vẫn tự dương tự đắc với bề dày lịch sử của mình? Có bao nhiêu người Trung Quốc biết cất lên tiếng nói lương tri trong cái khối lặng im cố kết hơn một tỷ người ấy?”.


Mời khán giả đến nghe

Cuối năm học, bà giáo dạy lớp kỹ năng thuyết trình yêu cầu sinh viên thực hiện một khảo sát nho nhỏ cho cuộc thuyết trình cuối cùng đúng vào dịp Biển Đông dậy sóng, thế nên, thay vì chọn làm việc theo nhóm, tôi quyết định “độc lập tác chiến”, phần vì muốn được toàn quyền với vấn đề tôi chọn, phần vì không muốn tiết lộ đề tài nhạy cảm mà tôi “nung nấu” trước buổi thuyết trình.

Lúc bấy giờ, Trung Quốc đã hạ giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam được vài tuần nhưng trong lúc người Việt sục sôi trên các diễn đàn và các mạng xã hội thì dường như, dân Mỹ - những người vẫn được cho là rất quan tâm đến các vấn đề chính trị nói chung lại hầu như không quan tâm, mặc dù trên báo “New York Times” (Thời báo New York) đã đăng tải một số bài viết về chủ đề này.

Điều đó khiến tôi - một người Việt xa xứ vừa tò mò, vừa sốt ruột muốn tìm hiểu lý do khiến một sự kiện lớn như thế trong lịch sử đương đại Việt Nam lại không mấy được để tâm. Để thỏa chí tò mò và thỏa lòng nôn nóng kêu gọi sự chú ý của mọi người trong phạm vi có thể, tôi quyết định tìm hiểu phản ứng của dư luận quốc tế trước vấn đề Biển Đông trong cái điều tra xã hội học nho nhỏ của mình.

Trước khi đưa ra bảng hỏi, tôi đã xác định mấy mục đích cơ bản cho cuộc điều tra như sau: 1/. Thăm dò sự chú ý của dư luận quốc tế tại Mỹ về vấn đề chủ quyền biển đảo ở Việt Nam; 2/. Xác định ưu thế của các nguồn tin và 3/. Xác định dư luận đang đứng về phía nào. Với ba mục tiêu trên, tôi đưa ra ba câu hỏi chính trong bảng hỏi:

1. Ban có biết gì về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông không?

2. Nếu có, bạn đã lấy thông tin từ nguồn nào? (Báo chí, radio, TV hoặc các nguồn khác trên mạng Internet như FB, blog hoặc nghe trực tiếp từ bạn bè, người thân?). Bạn biết đến vấn đề tranh chấp vùng lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu hay do sự kiện mới xảy ra?

3. Bạn nghĩ gì về những hành động trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay?

Sau một ngày lê la vài nơi chốn, cười nói nhiều hơn thường lệ, tôi đã phỏng vấn được 24 người, trong đó có 14 người Mỹ và 10 người còn lại đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Trung Quốc, Cambodia, Sri Lanka, El Salvador, Mexico, Brazil…). Các đối tượng được phỏng vấn hầu hết là những người có trình độ, thường xuyên cập nhật tin tức thời sự. Theo kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát “mỏi chân mỏi miệng” trong vòng một ngày của tôi thì:

- Có 8 người hoàn toàn không biết gì về vấn đề này (30%) và tôi hoàn toàn không có cơ hội để phỏng vấn sâu.

- Trong số 16 người còn lại, chỉ có duy nhất 1 người biết tin này từ FB (vì có bạn là người Việt), còn lại đều lấy tin từ những nguồn chính thống như: báo “New York Times”, “Wall Street Journal”, Đài Phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR), báo chí Trung Quốc… Chỉ có 3 người mới biết đến những tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc do sự kiện này, còn lại 13 người đã biết đến lịch sử lâu dài của vấn đề.
 
- Chỉ có 4 người (đều là người Mỹ) dám bày tỏ ý kiến (rằng họ ủng hộ cách ứng xử của Việt Nam hiện nay: kiên quyết giữ lập trường và kêu gọi sự ủng hộ của các nước khác trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lấn của Trung Quốc), 12 người còn lại từ chối trả lời (với lý do: chưa đủ thông tin để nhận định).

Với những kết quả trên, tôi tạm kết luận rằng:

1. Vấn đề Biển Đông dù đang nóng ở Việt Nam nhưng với thế giới, nó cũng chỉ là một sự kiện vừa phải, không quá thu hút sự chú ý của dư luận nếu không muốn nói là nằm khá xa mối quan tâm chung của dư luận.

2. Qua việc xác định nguồn tin, có thể thấy để nhân rộng sự quan tâm của dư luận, cách tốt nhất vẫn phải là để báo chí nước ngoài tham gia trực tiếp. Mạng xã hội cứ rầm rầm rộ rộ nhưng thực chất khả năng lan truyền quốc tế rất kém (nếu không muốn nói là hầu như bằng 0). Tinh thần sục sôi của người Việt Nam trên các diễn đàn và mạng xã hội chỉ gây bão trong chén trà chứ không ảnh hưởng gì đến dư luận quốc tế.

3. Ngạc nhiên là dù người Mỹ/ người sống ở Mỹ thường rất thẳng thắn và có chính kiến trong mọi vấn đề nhưng qua điều tra nhỏ của tôi, họ tỏ ra rất dè dặt trước thông tin về những diễn biến ở Biển Đông. Điều đó chứng tỏ rằng nguồn thông tin mà họ có chưa đủ khả năng thuyết phục họ đứng về phía Việt Nam. Mặc dù tôi đã bất chấp lý thuyết, đặt câu hỏi phỏng vấn sâu theo kiểu mớm cung (đưa ý kiến cá nhân vào câu hỏi) nhưng ba phần tư số người được hỏi vấn từ chối đưa ra ý kiến riêng.
 
Nội dung cuộc thuyết trình được tôi gửi email cho bà giáo (theo yêu cầu của bà) trước giờ lên lớp đúng một giờ đồng hồ (và như tôi dự đoán, bà đã không kịp xem). Đặt ra câu hỏi về mối quan tâm của dư luận quốc tế trước vấn đề Biển Đông, tôi không cho rằng mình đi quá giới hạn nhạy cảm trong một lớp học có rất nhiều sinh viên quốc tế (trong đó người Trung Quốc chiếm số lượng lớn), tuy nhiên, tôi vẫn hồi hộp chờ đợi để biết phản ứng của các bạn Trung Quốc trong lớp.


Một nhóm thuyết trình

Hôm đó, trái với lệ thường, bà giáo cho các nhóm thuyết trình theo kiểu “triển lãm” - tức là các nhóm thuyết trình sẽ dán poster lên một góc lớp và thuyết trình cùng lúc cho các nhóm khán giả luân phiên nhau. Mỗi nhóm thuyết trình sẽ phải thuyết trình ít nhất hai lần cho các nhóm khán giả khác nhau. Ngày hôm đó có ba nhóm tham gia thuyết trình (trong đó chỉ có tôi làm việc độc lập).

Trong khi hai nhóm còn lại xúm xít với nhau để chuẩn bị poster, tôi đứng một mình loay hoay với cái poster làm vội, không biết làm cách nào để treo lên cho cao. Một anh bạn người Nhật thấy thế bèn chạy tới giúp tôi, khi nhìn vào những dòng chữ trên poster, anh thảng thốt kêu lên: “Bạn có chắc là bài thuyết trình này phù hợp ở lớp này không? Có rất nhiều người Trung Quốc ở đây đấy!”.

Câu nói của anh đủ để mấy bạn người Trung Quốc gần đó nghe thấy, và ngay lập tức tôi nhận được sự chú ý đặc biệt. Tôi mỉm cười, tự trấn an mình và cố tình nói to để các bạn người Trung Quốc ngồi gần nghe thấy: “Sao bạn lại nghĩ nó không phù hợp? Đây là một vấn đề thời sự, và tôi không bàn về người Trung Quốc, tôi chỉ đề cập đến hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc thôi!”.

Anh bạn người Nhật nhìn tôi ái ngại, cười bảo: “Tôi lo cho bạn, nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ ủng hộ bạn, cố lên!”. Nói rồi anh giúp tôi treo tấm poster lên bảng, trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Cả lớp đồng loạt ồ lên rất lớn, khiến tôi có phần bối rối. Thấy sự thái quá trong cảm xúc của mọi người, tôi đâm ra ngại, bèn chạy đến chỗ bà giáo để hỏi một câu cho đúng phép tắc, rằng theo bà, tôi có thể trình bày vấn đề này ở đây được không?

Bà giáo (vốn rất kỳ vọng vào những bài thuyết trình của tôi) nhướng mắt kinh ngạc rồi quay ra trước lớp nói to: “Tôi tin đây là một bài thuyết trình thú vị, vì nó là vấn đề thời sự. Nó nhạy cảm quá ư? Không hề gì, vì các bạn đang ở nước Mỹ - đất nước tự do, các bạn có thể nói bất kỳ điều gì các bạn muốn!”. Nghe thấy thế, tôi yên chí quay lại trước tấm poster của mình mỉm cười chờ khán giả đến nghe.
 
Bà giáo cho phép mọi người chọn nghe hai chủ đề mà các bạn thích trong ba chủ đề được thuyết trình cùng lúc, thế là trước con mắt ngạc nhiên và thất vọng của tôi, ngay trong lần thuyết trình đầu tiên, các bạn Trung Quốc lũ lượt kéo nhau chạy sang nghe hai nhóm còn lại chứ không dám đứng ở chủ đề của tôi. Có vài bạn chậm chân bị bà giáo “dẫn độ” ngay vào bài thuyết trình của tôi buộc phải nghe.

Lần thuyết trình thứ hai, các nhóm khán giả được đảo theo vòng, nhưng các bạn Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối tham gia chủ đề tôi thuyết trình bằng cách đứng cố thủ trước hai nhóm còn lại. Bà giáo chắc thấy rõ vẻ mặt ngạc nhiên và thất vọng của tôi, cũng như nghe thấy mấy bạn sinh viên khác xì xào về cách cư xử lạ lùng của nhóm sinh viên Trung Quốc bèn ra tay xử lý.

Bà bảo tôi nghỉ ngơi mấy phút rồi dồn các khán giả chờ nghe tôi thuyết trình sang hai nhóm còn lại. Bà tuyên bố, sau khi hai nhóm kia thuyết trình xong, tôi sẽ thuyết trình riêng cho cả lớp cùng nghe, vì bài thuyết trình của tôi đáng được quan tâm.

Đến nước này thì các bạn Trung Quốc không còn cách nào khác, đành phải nghe tôi nói. Trong khi các bạn khác hỏi han rất nhiều về tình hình hiện nay ở Việt Nam, thì các bạn Trung Quốc chỉ im lặng, ngó lơ, không rõ vì giận dữ, vì xấu hổ hay vì sao. Tôi trực tiếp hỏi mấy bạn người Trung Quốc rằng họ có câu hỏi gì không nhưng tất cả đều lắc đầu uể oải.

Họ - những trí thức trẻ theo đuổi nhiều chuyên ngành khác nhau từ Trung Quốc đến Mỹ để học hành nhưng ở ngay giữa đất nước tự do này mà họ còn không muốn nhìn thẳng vào sự thật, huống chi… Trước khi đi thuyết trình, tôi đã tự thử đặt mình vào vai trò của họ, và tôi đã nhầm khi nghĩ rằng, chắc họ sẽ tò mò muốn nghe quan điểm của một người Việt về vấn đề này, chắc tôi sẽ nhận được vô số câu hỏi từ họ. Nhưng không, họ chỉ im lặng.

Họ khiến tôi nghĩ nhiều hơn về người Trung Quốc. Họ là ai và họ phản ứng như thế nào trước hành động của các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay? Trong lớp học mùa vừa rồi, tôi để ý đến một cậu người Trung Quốc vì cung cách nói năng kỳ quặc của cậu ta. Sau vài lần nghe cậu ta thuyết trình, tôi biết chắc rằng cậu ấy có vấn đề về tâm lý. Cậu ta luôn từ chối xưng tên với cả lớp, dù bà giáo nhiều lần yêu cầu.

Có bận, bà giáo gần như nổi cáu, bảo: “Đây là lớp học của tôi, cậu phải theo luật của tôi. Xưng tên thì có gì mà cậu phải ngại?”. Thế là cậu ta lấy bừa một cái tên tiếng Anh cho có lệ. Cậu ta nói năng như một đứa trẻ và hầu như không quan tâm xem người ta muốn nghe hay không. Mỗi lần cậu thuyết trình là một lần bà giáo phải tìm mọi cách cắt ngang, thậm chí đuổi xuống vì cậu ta cứ thao thao bất tuyệt mãi, mặc kệ phản ứng của mọi người.


Hai bạn người Trung Quốc bất đắc dĩ phải nghe, bộ dạng rất thiểu não

Trong một lần tự giới thiệu về bản thân, cậu ta bảo chỉ có một mơ ước là được gặp Big Bird (một nhân vật trong chương trình thiếu nhi “Sesame street”). Đó là lý do cậu ta muốn đi Mỹ, còn một lý do khác là cha mẹ cậu ta cho rằng, con người cậu ta khí âm lấn át khí dương nên cần phải đến California - xứ sở của nắng ấm để phục hồi dương khí. Nghe đến đó, tôi chỉ thấy tội nghiệp cho cậu… Một người như cậu lẽ ra nên được cha mẹ chăm sóc chứ không phải bị đẩy đi sang một xứ sở khác một thân một mình với cái lý do nực cười đến vậy.

Còn bao nhiêu đứa trẻ lớn xác như cậu bị đầu độc bởi những ý nghĩ hủ lậu - sản phẩm của nền văn hóa vẫn tự dương tự đắc với bề dày lịch sử của mình? Có bao nhiêu người Trung Quốc biết cất lên tiếng nói lương tri trong cái khối lặng im cố kết hơn một tỷ người ấy?

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn