“GO TO BOEING” HAY KỸ NĂNG SỐNG

Thứ năm - 03/07/2014 21:01

(NCTG) “Một người bỏ trường đại học giữa chừng vì gia đình khó khăn đã lăn lộn không nề hà bất cứ việc gì. Anh đã tạo cho mình một bản lĩnh mà ném vào bất cứ môi trường nào vẫn sống khỏe”.


Người lao động Việt tại Brunei - Ảnh: K.H. (tienphong.vn)


Cách đây gần hai chục năm, hồi mình đi học ở một nước Hồi giáo, có một tình huống mà chắc chỉ có một không hai trong đời.

Khi gần kết thúc thời gian làm luận án, một hôm tự nhiên có một ông vận quần bò áo phông xuất hiện ở trường, lơ ngơ ngó ngó nghiêng nghiêng chỗ nào cũng nói độc một câu “Việt Nam”. Cuối cùng, anh ta cũng nhờ được mọi người chỉ dẫn và gặp được mấy thằng Việt Nam bọn mình.

Lâu rồi cũng không nhớ tên anh ta nữa. Chỉ nhớ là người thấp, chắc nịnh, trông rất phong trần và ăn nói có sức thuyết phục. Có ba câu chuyện mình kể ở đây để mọi người thấy tính linh hoạt và kỹ năng sống phong phú cúa nhân vật này.

1. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ông anh hứng chí đem luôn mấy hộp thịt ra nhà ăn của trường chiêu đãi anh em sinh viên. Vừa nhìn thấy mấy hộp thịt, mấy anh em mình tóc dựng ngược vì đấy là mấy hộp pate gan lợn với nhãn có con lợn béo tròn, quả này thì về nước sớm rồi vì đạo Hồi cấm thịt lợn và rượu - bị lỗi này thì trong vòng 24 giờ là xách va-li về nước.

Đặc biệt trong trường có các sinh viên khoa đạo Hồi rất cực đoan, lúc nào cũng soi kỹ mọi thứ. Vừa nói cấm thịt lợn, chưa ai kịp phản ứng ông anh đã giả vờ gạt rơi vào lòng và nhoáng cái đã thấy mấy hộp thit quay lại bàn, nhãn đã bị xé hết các chỗ nhạy cảm trước khi mấy ông râu dài lướt tới hỏi han và chỉ vào mấy hộp thịt hỏi là cái gì. Hú vía....

2. Trường mình học có xe buýt chạy ra phố, một tiếng mới có một chuyến (sinh viên Brunei đều đi xe riêng, xe buýt hầu như chỉ phục vụ sinh viên ngoại quốc nên thậm chí nhiều khi hai, ba tiếng mới có một chuyến).

Hôm vừa đến lớp thấy anh bạn Brunei cùng lớp nói tao thấy bạn mày đang vẫy ô tô ngoài đường lạ lắm. Buổi tối về gặp và hỏi anh làm gì mà lại phải ra đường vẫy ô tô vậy? Anh bảo phải ra sân bay lấy hàng mẫu gấp mà bọn em lại đi học không nhờ ai được (có thuê phiên dịch cho lao động Việt Nam tại Brunei nhưng họ bận nên anh phải đợi vài ngày).

Chúng tôi hỏi thế anh có nhờ được không? Nhờ đuợc chứ, một ông tốt bụng giúp cả đi lẫn về luôn. Thế thì anh giỏi thật, tiếng không biết, không biết sân bay ở đâu mà vẫn xong việc. Anh kể là anh ngó ra sau trường thấy có đường cao tốc. Nghĩ có thể bắt xe ra sân bay, bèn vượt rào đi ra đường.

Đường cao tốc xe luôn chạy trên 100km/h làm sao nhờ được đây, anh bèn bẻ cành cây to để thành đống thay cho biển tam giác vàng, tác dụng túc thời, các xe đi chậm hẳn, sau mấy lần vẫy có xe dừng lại hỏi han. Nhưng với một người chỉ biết vài câu tiếng Anh lõm bõm làm sao diễn tả được việc đi nhờ, mà lại đi nhờ ra sân bay nữa thì càng khó! Thế mà anh diễn tả được thì mới thấy là cực siêu: “GO TO BOEING” là từ ngắn gọn, đầy đủ nhất và dễ hiểu nhất với bất cứ ai (có thể hiểu là đi tới nơi có máy bay Boeing, tức là đi sân bay).

Cuối cùng cũng có một người tốt bụng cho anh đi nhờ đến sân bay sau một hồi nói bằng tay và một câu như trên. Rồi không dừng ở đó, người lái xe tốt bụng không chỉ đưa đến sân bay mà còn đợi anh lấy hàng xong và đưa anh trở về ký túc xá (ở Việt Nam sẽ bị coi là hâm, nhưng ở xứ đạo Hồi này mới biết người dân rất hiền hòa, mộ đạo nhưng không cuồng tín).

3. Trong mấy ngày đợi phiên dịch, anh cũng tranh thủ nhảy xe buýt đi vào trung tâm thủ đô để tìm hiểu hàng họ và thị trường. Một chiều thấy anh hớn hở khoe:

- Anh tìm được món hàng này hay lắm, rất được ưa chuộng ở Việt Nam, lại độc nữa.

- Hàng gì thế anh?

Anh lụi cụi lôi ra một túi dài khoảng năm, sáu chục phân, đường kính khoảng mười lăm phân có khóa kéo, nhoáng cái anh đã dựng xong cái lều du lịch có thể chống mưa chống gió, đủ cho bốn, năm người ngủ được.

Anh nói đã đặt cả trăm cái rồi, Bán một nửa đã hòa vốn, còn lại anh giữ lại cho thuê, dạo này dân ta đi du lịch bụi nhiều có cái này tiện lắm, cho thuê khoảng mươi lần là lãi gấp đôi rồi... Coi như đủ tiền cho chuyến đi...

Ôi giời, mình ở đây cả năm rồi, mấy cái siêu thị thỉnh thoảng cũng chạy qua chạy lại có để ý đâu, anh mới sang mấy ngày đã thấy có thể kiếm tiền rồi...

Đấy, một người bỏ trường đại học giữa chừng vì gia đình khó khăn đã lăn lộn không nề hà bất cứ việc gì. Anh đã tạo cho mình một bản lĩnh mà ném vào bất cứ môi trường nào vẫn sống khoẻ. Chuyện có thật 100% đấy các bạn ạ.

Xuân Nghị, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn