CHUYỆN Ở LONDON

Thứ năm - 07/08/2014 19:06

(NCTG) “Chẳng lẽ đó là cách cư xử của con em chúng ta, chẳng lẽ chúng xấu hổ vì gặp những người đồng hương đáng tuổi cha mẹ hay ông bà chúng trên đất khách quê người? Chúng đã nhận được sự giáo dục như thế nào từ cha mẹ, gia đình chúng? Chúng có biết tới câu tục ngữ “bầu ơi...”?”


“London eye” (Mắt Luân Đôn, còn gọi là Vòng quay Thiên niên kỷ) nhìn từ phía dưới


Tranh thủ cuối tuần, tôi đưa bà xã sang London thăm vợ chồng một anh bạn từ Việt Nam qua thăm con gái đang làm việc cho một nhà băng lớn ở đây. Từ sân bay Lutton, đi bus transfer về Victoria Underground Station (VUS).

Lên xe buýt tôi định gọi điện báo cho anh bạn biết giờ và nơi xuống để bố con anh ra đón, nhưng thật không may, chẳng hiểu sao khi đi các nước khác vẫn gọi được mà sang đến đất Anh, điện thoại ghi không có dịch vụ, chịu không gọi được. Tôi đánh liều hỏi một cô gái ngồi ghế bên cạnh: “Cô có thể cho tôi gọi nhờ một cú phone, số UK không? Tôi chỉ nói một câu thôi”. Cô bé cười, đưa chiếc iPhone cho tôi: “Yes. Please! Ông có thể nói với tôi bằng tiếng Hung cũng được”. Hóa ra cô ta đã đi cùng chúng tôi từ Budapest mà tôi không hay. Tôi liên hệ được với anh bạn, và nói lời cảm ơn cô, người tốt bụng đầu tiên chúng tôi gặp khi vừa đặt chân đến đất nước sương mù.

Đúng là không ai học được chữ ngờ! Hẹn nhau thế, nhưng đến nơi mới biết VUS có tới 5 hay 6 cửa vào ra gì đó, cửa nào người cũng đi nườm nượp như nước chảy, biết gặp nhau ở đâu. Tôi lao xuống bến Underground tìm thấy một trạm điện thoại, đang loay hoay với mấy đồng xu trong tay vì chưa quen mặt tiền, thì một thanh niên đứng gần thấy thế hỏi tôi cần gọi số nào. Tôi đưa mảnh giấy ghi số phone của anh bạn cho anh ta, anh ta rút điện thoại bấm mấy lần, có chuông nhưng ông bạn không nhấc máy, chắc vì ồn quá bạn tôi không nghe chuông reo. Tôi cảm ơn, nói anh cứ đi đi, tôi sẽ tìm cách liên hệ được. Rồi lại rút mấy đồng xu ra định nhét vào máy công cộng.

Bỗng một phụ nữ trạc bốn mươi, mảnh mai và mau mắn, đặt vào tay tôi ba đồng 20 penny, bảo chỉ cần bỏ 3x20 xu thôi là gọi được, không cần cho xu lớn thế. Sao lại có người tử tế thế, tôi vừa kịp cảm ơn thì bà đã bước về phía quầy bán vé. Nhưng hình như chiếc điện thoại công cộng cổ lỗ của nước Anh bảo thủ không hoạt động, gọi mãi không được, chúng tôi đành lao lên mặt phố, sợ bố con anh bạn đến lại đợi trên đó. Nhưng không thấy họ đâu, nỗi thất vọng của chúng tôi mỗi lúc một tăng. Tôi định bắt taxi về địa chỉ nhà anh bạn, nhưng lại sợ bố con anh quanh quẩn tìm chúng tôi ở cái ga khủng này, còn chúng tôi khi về đến nhà anh thì cửa lại im ỉm đóng, nên hai vợ chồng cứ hết xuống đường hầm lại nhao lên mặt đường.

Bỗng chúng tôi mừng như trúng số độc đắc, khi thấy ba thanh niên Á Đông chừng mười bảy, mười tám tuổi; dáng vẻ, mặt mũi thì đúng là dân mình đây rồi. Đến gần, nghe rõ hai cô bé nói tiếng Việt với nhau, tôi nhã nhặn hỏi: “Xin lỗi các cháu có phải người Việt không?”. Rồi sợ họ không nghe rõ, tôi lặp lại câu hỏi bằng tiếng Anh. Nhưng thật ngạc nhiên: hai cô bé vội quay đi, rảo bước sang phía khác. Còn cậu con trai đi sau thì vội vàng nói như phủi bụi: “No, No...” rồi cũng theo hai cô bạn. Tôi đâm nghi ngờ thính lực của mình, không lẽ mình nghe nhầm, hay mấy nhỏ không phải là người Việt. Nhưng bà xã tôi xác nhận: “Em cũng nghe rõ ràng hai đứa nói tiếng Việt với nhau”.

Một cảm giác buồn không thể diễn tả nổi dâng lên trong tôi, át cả đói và mệt, tựa như một nỗi đau đớn vô hình, nỗ hổ thẹn hay nỗi niềm gì đó nghèn nghẹn khó gọi tên. Chẳng lẽ đó là cách cư xử của con em chúng ta, chẳng lẽ chúng xấu hổ vì gặp những người đồng hương đáng tuổi cha mẹ hay ông bà chúng trên đất khách quê người? Chúng đã nhận được sự giáo dục như thế nào từ cha mẹ, gia đình chúng? Chúng có biết tới câu tục ngữ “bầu ơi...”?

Rồi sau hơn một tiếng loanh quanh, nhờ sự giúp đỡ của một cô gái làm trong quầy đổi tiền và hai bố con người gốc Ấn - họ đã cho chúng tôi mượn điện thoại gọi đi gọi lại nhiều lần -, cuối cùng chúng tôi đã liên hệ và tìm được bố con anh bạn.

Những giờ đầu tiên và cả mấy ngày sau ở London chúng tôi đã gặp rất nhiều người tốt bụng, niềm nở. Đặc biệt hôm lên underground quay lại VUS, vợ tôi ngồi chờ tàu trên ghế băng và đặt chiếc túi xách xuống bên cạnh, lúc tàu đến vội vàng đứng dậy để lên tàu, bỏ quên chiếc túi sách trên ghế. Một phụ nữa trạc tuổi ba mươi ngồi cùng chờ chuyến tàu khác chưa tới đã nhanh như chớp, nhấc vội chiếc túi, lao theo ấn vào tay chủ nhân của nó trước khi cánh cửa tàu đóng lại. Thật hú vía, trong túi là hộ chiếu, giấy tờ, tiền nong và cả chìa khóa chiếc xe ôtô tôi gửi ở sân bay Budapest trước khi đi.

Xin cảm ơn người khách chưa kịp rõ mặt, nhưng không thể nào quên ấy!

Bài và ảnh: Giáp Văn Chung, từ Budapest – Ngày 6-8-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn