Tác giả - ứng viên Hội đồng Quận Trung Tâm dưới các biển vận động tranh cử - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cử tri trên toàn quốc Ba Lan, bốn năm một lần, có cơ hội bỏ phiếu kín để bầu ban đại diện tại địa phương. Tùy theo dân số và mật độ cư dân mỗi vùng mà trước mỗi kỳ bỏ phiếu, Ủy ban Bầu cử Quốc gia lại hoạch định số ghế đại diện cho người dân ở mỗi cấp.
Lấy thủ đô Warszawa làm thí dụ. Bởi tính chất và mật độ dân, Warszawa có Hội đồng Tự quản cấp Quận, cấp Thành phố và cấp Tỉnh, đồng thời có một người giữ chức Thị trưởng.
Thủ đô Warszawa với dân số gần 1,73 triệu cư dân người sống tại 18 quận. Dân mỗi quận được chọn đại diện của mình vào Hội đồng Thành phố. Hội đồng Thành phố Warszawa với khoảng sáu mươi ghế có nhiệm vụ hỗ trợ các công việc hành chính, tài chính để đáp ứng nhu cầu dân sinh xuất hiện ở cấp Quận. Hội đồng Thành phố cũng có thể chủ động cải thiện các khía cạnh cuộc sống của thành phố.
Ở cấp Quận, công việc của đại biểu Hội đồng Quận gần gũi và cụ thể hơn với người dân nên các quận (dzielnica) ở những thành phố lớn được chia làm nhiều địa hạt (okręg). Một trong các quận của Warszawa là Quận Trung Tâm, quận này được chia thành 5 địa hạt, mỗi địa hạt được chọn 5 người làm đại diện, tổng cộng Hội đồng Quận Trung tâm có 25 ghế.
Người dân tìm chọn đại diện của mình vào Hội đồng Quận/Thành phố để các hội đồng này thực hiện nhu cầu an sinh tại không gian công cộng (cây xanh, đèn đường, giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích và người dân…), trên nguyên tắc ưu tiên những giá trị nhân bản, tập trung hỗ trợ những nhóm người yếu thế, ít may mắn trên tinh thần đoàn kết (ủng hộ và chăm sóc người cao tuổi, người nghèo trong vùng…).
Mỗi ghế đại diện trong Hội đồng Quận và Thành phố đều do cử tri trực tiếp định đoạt bằng lá phiếu. Các hội đồng được dùng tiền thuế từ dân để chi trả cho hoạt động của mình. Đây là những cơ quan cá thể, hoạt động theo Luật Sinh hoạt đại chúng và đưa ra các quyết định được đúc kết từ kết quả hội ý với người dân qua trao đổi minh bạch, đối thoại công bằng để hướng tới những giải pháp dung hòa trên tinh thần độc lập.
Vì vậy mà Hội đồng Quận và Thành phố còn được gọi là “Hội đồng Tự quản” hoặc “Ban Tự quản”.
Bầu người đại diện cấp địa phương để “tự quản” là một trong những cách thể hiện tinh thần dân chủ hiệu quả và trực tiếp nhất. Các đảng phái có mặt trong Quốc hội rất lưu tâm tới bầu cử địa phương, nhưng cũng chính địa phương lại là nơi chỗ đứng của các đảng phái bị đe dọa nhiều nhất bởi sự năng động tự nhiên của những nhóm „dân tự quản” trong xã hội dân chủ. Chỉ trong Quận Trung Tâm Warszawa, đảng PSL bị ít nhất hai nhóm phi đảng phái “vượt mặt” trong khi ở Quốc hội, đảng này chiếm vị trí thứ ba, đủ sức “dìm” rất nhiều đảng khác…
Trong cuộc bầu cử năm nay, có bảy người gốc Việt tranh cử tại Ba Lan thì có một người tranh ghế Hội đồng Tỉnh là ông Ngô Văn Vỵ, hai người tranh ghế Hội đồng Thành phố là các ông Ngô Văn Tưởng và Trương Anh Tuấn, bốn người tranh ghế Hội đồng Quận là ông Lã Đức Trung (quận Ochota), ông Nguyễn Tuấn Sơn/Sơn Kleiner (quận Wlochy), các cô Phan Viên Nga (quận Ochota) và
Tôn Vân Anh (quận Trung Tâm).
Hiện Ban Kiểm phiếu tại Ba Lan đang gặp sự cố kỹ thuật nên chưa ngã ngũ về số phiếu dành cho các ứng viên gốc Việt trong phép thử đầu tiên của người Việt trên chính trường Ba Lan, vốn được nhiều người hồi hộp theo dõi và cổ vũ.