NÊN “NHẬP GIA TÙY TỤC”!

Thứ sáu - 05/12/2014 11:49

(NCTG) Đó là quan điểm của chị Hoa Dessoulavy-Śliwińska (Lê Thanh Hoa), một luật sư gốc Việt hiện đang hành nghề tại các nước EU, hiện đang nhận hỗ trợ, tư vấn miễn phí về mặt pháp luật cho những cá nhân và doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng trong “nghi án thịt chó” mới đây ở Ba Lan.


Nhiều người Việt chưa biết rõ thông tin và lo lắng về ảnh hưởng của “nghi án thịt chó”, nên tin, bài về vụ này đã được in ra để cung cấp cho những ai không có điều kiện đọc trên mạng - Ảnh: FB Tôn Tích Thuận
 
Trong những ngày qua, sự việc Cơ quan Biên phòng Ba Lan trong khi kiểm tra một số cửa hàng thực phẩm Châu Á đã “phát hiện” một lượng thịt mà họ “nghi vấn” là thịt chó và có những phát ngôn vội vã, thiếu căn cứ trên truyền thông là chủ đề được quan tâm tới nhất trong cộng đồng Việt ở xứ sở Đông Âu này.

“Nghi án thịt chó” đã từng xảy ra ở Ba Lan mười năm trước, và gây thiệt hại rất đáng kể cho nhiều người Việt kinh doanh nhà hàng, thực phẩm, đồng thời ảnh hưởng lớn đến hình ảnh cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan. Tuy nhiên, trong dịp này, phản ứng của bà con Việt là khá mạnh mẽ và đa dạng.

Để tìm hiểu tình hình, NCTG đã có một cuộc trao đổi ngắn với chị Hoa Dessoulavy-Śliwińska (Lê Thanh Hoa), luật sư chuyên về luật hình sự, luật thương mại, thuế và các vấn đề thương hiệu tại Ba Lan và EU.
 

Luật sư Hoa Dessoulavy-Śliwińska - Ảnh do nhân vật cung cấp

Xin chị cho một đánh giá chung là theo những tin tức báo chí đã đưa thì bên chính quyền Ba Lan có vi phạm gì trong quá trình tiến hành điều tra và phát ngôn hay không?

- Chính quyền Ba Lan - cụ thể là Công an Biên phòng Ba Lan đã vi phạm trong phát ngôn về nguồn gốc thịt mà họ phát hiện là không được bảo quản theo đúng quy định, bởi lẽ họ chưa có bất cứ một thông tin gì về kiểm nghiệm cho thấy đó là thuộc loại thịt gì (chó, dê, gà…).

Trả lời thắc mắc của một số bà con, Công an Biên phòng cũng là cơ quan chính quyền nhà nước nên cho dù đang tiến hành kiểm tra giấy tờ cư trú, họ cũng có quyền “xem xét” các việc khác nếu việc đó có ảnh hưởng đến công cộng. Tuy nhiên, họ không có quyền thu hồi những “đống thịt” đó như họ đã thực hiện.

Lẽ ra, họ chỉ có quyền thông báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ Viện Kiểm tra Dịch tễ (sanepid) về vấn đề này.

Để cho rõ, xin chị cho biết thêm, việc ăn thịt chó ở Ba Lan có bị cấm không, hay chỉ bị “lên án” vì những tập tục, truyền thống của nước này?

Ăn thịt chó ở Ba Lan là một hành vi bị lên án chứ không bị cấm. Nhưng nếu bán thịt chó tại các nơi công cộng (bar, nhà hàng...) thì sẽ bị phạt vì thịt chó không nằm trong danh sách các loại thịt được Viện Kiểm tra Dịch tễ cho phép kinh doanh (do chó là loài cấm thịt tại nước này).

Trong trường hợp đó, thịt chó sẽ bị coi là thịt “không có nguồn gốc” và sẽ bị tịch thu để tiêu hủy, và người sở hữu thịt chó sẽ bị phạt tiền.

Dù gì đi nữa thì theo một số thông tin sơ bộ, cuộc sống và sự mưu sinh của một số bà con trong cộng đồng bên đó cũng bị ảnh hưởng bởi sự việc xảy ra? Theo chị, hình thức xử lý của cộng đồng có thể và nên là như thế nào?

- Cho đến ngày hôm nay thì tất cả số lượng thịt bị thu hồi đã được kiểm tra và Viện dịch tễ thông báo là không có thịt chó trong đó. Tuy nhiên những khối lượng thịt không có nguồn gốc hợp pháp đã bị tiêu hủy.

Từ ba, bốn hôm nay, bà con cộng đồng đã phản ứng mạnh mẽ về việc làm sai nguyên tắc và phát ngôn thiếu trách nhiệm của Công an Biên phòng Warsaw. Chị Tôn Vân Anh và Tổ chức Phát ngôn Tự do cùng một số bạn hữu, nhà hoạt động đã viết Thư ngỏ lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ - thư đã được cả người Ba Lan ký ủng hộ.

Tất cả mọi vấn đề về trách nhiệm, thẩm quyền, phạm lỗi hay không của Công an Biên phòng Warsaw trong vụ việc này vẫn đang được xem xét. Là luật sư hành nghề tại Ba Lan tôi có thể kết luận rằng Công an Biên phòng Warszawa đã phạm lỗi “phát ngôn bừa bãi”.

Là người thông thạo pháp luật EU, chị có thể chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm của chị trên khía cạnh pháp luật về kinh doanh của bà con ở Châu Âu, sao cho phù hợp với pháp luật sở tại?

- Đây là vấn đề muôn thuở của người Việt chúng ta sống trên các nước Châu Âu. Phải thành thực mà nói là một số bà con vẫn còn giữ thói quen làm ăn cẩu thả, không giữ vệ sinh, coi thường dư luận và pháp luật của nước sở tại. Điều đó thường dẫn đến hậu quả xấu không thể lường trước được, ví dụ như vụ việc “thịt chó” vừa qua.

Người Ba Lan nói riêng và người Châu Âu nói chung thực ra không phải là những dân tộc xấu tính và hung hãn. Họ rất tôn trọng luật pháp và nền văn hóa văn minh mà tổ tiên của họ đã xây dựng từ bao đời nay. Khi họ nhìn thấy sự bề bộn, bẩn thỉu, lôi thôi của chúng ta thì họ sợ hãi quá và “bị phát điên” lên.

Hơn nữa, ngôn ngữ bất đồng, phong tục lạ lẫm thì không có chỗ cho sự thông cảm và giải thích với nhau. Tuy nhiên “con sâu làm rầu nồi canh”, những bà con không có lỗi và cũng không dính dáng vào chuyện này đã phải chịu thiệt hại lớn về kinh doanh.

Các quán bar, nhà hàng đã bị mất 30%-40% khách từ ngày thứ Bảy (hôm 29-11) đến bây giờ. Các trẻ em Việt Nam bị khinh miệt và trêu trọc tại các trường học… Đó là một tổn thất lớn về kinh tế, và ảnh hưởng đến lòng tự hào dân tộc của cộng đồng.

Tất cả chúng ta nên nhớ câu châm ngôn của người Ý từ thời hoàng kim của họ: “Si fueris Romae, Romano vivito more” (Khi đến La Mã thì nên sống như người La Mã). Người Việt ta cũng có câu: “Nhập gia tùy tục”. Làm được như thế, cuộc sống của chúng ta tại Châu Âu sẽ bình an và hạnh phúc.

Xin cám ơn chị!

(*) Luật sư Hoa Dessoulavy-Śliwińska tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Florida (Mỹ), sau đó đã hoàn tất lớp đào tạo Luật sư chuyên nghiệp của Học viện Tư pháp (Hà Nội). Hiện tại, chị là nghiên cứu viên PhD tại Khoa Luật Dân sự Quốc tế Cá nhân tại Đại học Tổng hợp Warsaw (Ba Lan).

Trần Lê thực hiện


 
 Từ khóa: thịt chó
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn