TRÒ CHƠI CỦA MẸ

Thứ ba - 28/06/2016 02:40

(NCTG) “Ơ kìa, sao tự dưng nước mắt lại rơi, lạ thế. Mẹ muốn để dành nó đến ngày con về cơ mà...”.

Poster Giải thưởng Văn học Di dân Đài Loan lần thứ 2

Poster Giải thưởng Văn học Di dân Đài Loan lần thứ 2

Lời Toàn soạn: Chân dung và tâm tư của người mẹ mong chờ con nơi phương xa trở về nhà là nội dung một sáng tác cảm động của Phạm Hùng Hiệp đoạt Giải Bình phẩm (Jury Award - tương đương giải nhì) trong cuộc thi mang tên Giải thưởng Văn học Di dân Đài Loan (Taiwan Literature Award for Migrants) lần thứ 2 năm 2015.

Với nền công nghiệp phát triển nhưng lại gặp vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động do chịu hệ quả của tình trạng dân số già hóa, Đài Loan có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động nhập cư. Tính đến năm 2011, trên toàn Đài Loan, có khoảng 420.000 lao động là người nước ngoài, trong đó chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á như Indonesia (38%), Việt Nam (23%), Phillipines (19%) hay Thái Lan (18%). 

Giải thưởng Văn học Di dân Đài Loan dành riêng cho người nhập cư bao gồm công nhân, lao động phổ thông, cô dâu kết hôn với người bản địa và sinh viên du học là người có quốc tịch Đông Nam Á đang hoặc đã từng sinh sống tại Đài Loan. Cuộc thi do nhà báo Trương Chính, cựu Tổng biên tập báo “Bốn Phương”, một tờ báo tiếng Việt tại Đài Loan cùng một số đồng nghiệp sáng lập từ năm 2014. 

Tác giả Phạm Hùng Hiệp là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học Văn Hóa Trung Hoa, Đài Bắc, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Ngoài chuyên môn nghiên cứu, anh còn thường xuyên sáng tác văn học (thơ, truyện ngắn) và cộng tác với các b
áo trong và ngoài nước. (NCTG)
 
Tác giả Phạm Hùng Hiệp (ngoài cùng bên trái) và Nhà báo Trương Chính (thứ ba từ phải sang) cùng một số đồng nghiệp, nhà văn, nghệ sĩ Hongkong tại thư viện cá nhân do nhà báo Trương Chính thành lập tại Đài Bắc dành riêng cho người nhập cư - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả Phạm Hùng Hiệp (ngoài cùng bên trái) cùng một số đồng nghiệp, nhà văn, nghệ sĩ Hongkong tại thư viện cá nhân do nhà báo Trương Chính (thứ ba từ phải sang) thành lập tại Đài Bắc dành riêng cho người nhập cư - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mẹ sung sướng, chơi trò đếm ngược
Mỗi khi con gọi, báo ngày về
Mười lăm năm, thoáng giấc ngủ mê
Đã ba lần, mẹ chơi đếm ngược

Còn 7 ngày 6h 35 phút nữa, mẹ sẽ lại được gặp con, vợ con và cu Tít…

7 ngày 6h 34 phút…
7 ngày 6h 33 phút

7ngày 6h 32 phút
…………………………………………………15 năm 3 tháng.

15 năm 3 tháng trước.
“Con phải đi, con không đi mẹ cắn lưỡi tự tử chết ngay tại đây. Đây là cơ hội lớn, có phải ai cũng được nhà nước cho tiền đi học đâu. Con phải đi”.
Con thương mẹ ở nhà một mình, nhất quyết không đi. Mẹ phải nói cứng, vờ khóc, ép con. Rồi mẹ khóc thật. Lúc tiễn con ra sân bay. Nước mắt của tự hào. Bao nhiêu năm, con luôn học giỏi nhất.

Vèo một cái. Hai năm sau. Con về. Mẹ được chơi đếm ngược 1 tháng.
1 tháng, thời gian như ngừng trôi. Con thay đổi nhiều, cứng cáp, khoẻ mạnh, đã biết tự thổi cơm, đã biết mặc quần áo đẹp, đã biết nịnh. Mẹ lại khóc, vẫn là nước mắt tự hào.

7 năm trôi qua.
Lần ấy, mẹ chỉ chơi đếm ngược được 5 ngày. Cũng chẳng khác 1 tháng là bao. Con đã thực sự trưởng thành, dẫn theo vợ về ra mắt. Mẹ lại khóc. Vẫn là nước mắt tự hào. Dù không được tự tay sắp trầu cau đi xin hỏi vợ cho con.

4 năm sau.
Mẹ chơi đếm ngược đến ngày thứ 6 thì đột ngột con về. Bảo là sắp xếp kịp nên về sớm cho mẹ vui. Mẹ vui lắm, lần đầu được gặp cháu nội. Nước mắt tự hào của mẹ lại rơi, dù cu Tít không biết nói tiếng Việt, dạy mãi không phát âm đúng được tiếng “Bà ơi”.

15 năm con đi.
Mẹ chỉ khóc thêm 3 lần ấy. Mẹ còn nhiều việc phải làm, phải lo. Mẹ ngồi đan. Hồi trước, mẹ đan để kiếm tiền nuôi con. Giờ không phải lo chuyện miếng cơm. Mẹ vẫn đan. Có người bảo mẹ đan sự cô đơn. Mẹ không đồng ý với người ta.

Ngày mùng 8 tháng 3, con quên gọi điện về chúc mừng mẹ. Nhà không hoa. Mẹ không buồn. Ảnh con, ảnh vợ con, ảnh cu Tít. Treo khắp nhà. Mỗi bức ảnh là một bông hoa. Hoa của mẹ có hồn. Đẹp hơn những hoa vô hồn của người khác.

Con gửi tiền về xây nhà. Rộng hơn. To hơn.
Trống vắng.
Nhưng mẹ không thấy cô đơn.
Mẹ còn nhiều việc phải làm, phải lo.

Có người khuyên mẹ đi bước nữa.
Có người thương, nguyện đón mẹ về.
Mẹ không đồng ý.

Con muốn đón mẹ sang.
Vợ con cũng mong mẹ sang.
Mẹ không đồng ý.

Mẹ còn nhiều việc phải làm, phải lo...
Mẹ còn phải chờ một người...

Ơ kìa, sao tự dưng nước mắt lại rơi, lạ thế. Mẹ muốn để dành nó đến ngày con về cơ mà...
Ừ, Mẹ sắp được gặp con rồi
...
còn 7 ngày 6h 1 phút.
còn 7 ngày 6h 0 phút....
còn 7 ngày 6h 59 phút...
còn... ngày... phút...

Phạm Hùng Hiệp


 
 Từ khóa: mẹ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn