BÀN TAY LẠNH MÙA GIÁNG SINH

Thứ sáu - 23/12/2016 18:08

(NCTG) Chẳng hiểu tại sao mặc dù đã sống ở Châu Âu hơn hai chục năm mà cứ mỗi lần mùa Giáng sinh đến tôi lại thường cảm thấy buồn.

BÀN TAY LẠNH MÙA GIÁNG SINH

Nhớ lại thời sinh viên, đêm Giáng sinh đầu tiên xa nhà ở trong ký túc xá vắng tanh, các phòng đóng cửa tối om im lìm, lác đác vài sinh viên nước ngoài xa nhà quá chẳng biết đi đâu, trùm chăn nằm khóc nhớ nhà nhớ mẹ. Rồi cũng có năm cố thức thật khuya đi nhà thờ lúc 12 giờ đêm chờ xem lễ thánh Chúa sinh ra đời. Trang nghiêm đấy, lộng lẫy đấy, nhưng lúc ra về rét run bần bật, đường phố vắng tanh không mấy bóng người, ngước nhìn lên các khung cửa sổ sáng đèn ấm áp bên trong mà liên tưởng mình như cô bé bán diêm trong chuyện cổ Andersen

Khi đã quen biết với nhiều bạn người Hung, có lần bạn rủ về nhà dịp Noel ở tỉnh khác, sau khi ăn uống nó say đủ các món và tặng quà ôm nhau chúc tụng, lúc lên giường đi ngủ vẫn có chút cảm giác mình như kiểu “vợ nhặt, con nhặt”, lần sau không nên đến quấy rầy gia đình người ta. 

Trong mấy năm liền, thời kỳ mới đi làm ở khoa Tai - Mũi - Họng trong bệnh viện, bao giờ tôi cũng nhận trực đêm hôm 24-12. Lý do đơn thuần chỉ vì các đồng nghiệp người Hung ai cũng muốn sum họp với gia đình vào buổi tối hôm đó. Tôi người nước ngoài, chẳng vướng mắc gì nên nhiệt tình nhận việc.

Mà trực đêm 24 trong bệnh viện không bao giờ có khái niệm “buồn”! Số là người dân Hung có tục lệ ăn món xúp cá truyền thống (halászlé) vào dịp lễ Giáng sinh. Món xúp đặc biệt này đã có thâm niên cả hàng trăm năm, được nấu bởi nhiều loại cá khác nhau cùng với bột ớt đỏ và hành tây, ớt ngọt, cà chua. Nước xúp có vị đặc sánh của thịt cá được ninh nhừ, xay mịn thơm mùi gia vị và tất nhiên hơi cay. Lúc ăn có cho thêm cá chép cắt khúc nấu chín hay trứng cá. Thực ra món này có thể ăn quanh năm, nhưng theo thống kê, 90% người dân Hung ăn món này vào dịp lễ Giáng sinh và lượng cá tiêu thụ trong một tuần cuối năm bằng một nửa tổng lượng cá tiêu thụ cho cả năm.

Vậy khác với dân Châu Á không thể sống thiếu món cá thường xuyên, người Hung ít ăn cá hơn và họ không biết cách nhằn xương. Chẳng có gì đau khổ hơn là đúng đêm Noel phải vào bệnh viện để cấp cứu vì hóc xương cá: vừa khó chịu, vừa lo lắng lại vừa hơi ngường ngượng. Nắm được tâm lý đó, tôi tha hồ có điều kiện ra oai. Nhớ có lần một anh bệnh nhân to cao hùng hổ, mặt mũi đỏ gay gặp tôi ở hành lang quát ầm lên “y tá, gọi bác sĩ ngay đi, đau quá, đau quá!”. Tôi làm ra vẻ tỉnh bơ: “Bác sĩ đang đứng ngay trước mặt anh đây. Nhưng giờ tôi bận, còn có người hóc xương trước cả anh cơ nên anh ngồi chờ cái đã nhé!”.

Cái việc tìm cho ra cái xương cá bé tẹo cắm vào đâu trong cổ họng không phải lúc nào cũng dễ dàng và chẳng có gì quá hay ho để miêu tả vì bệnh nhân chỉ muốn ói còn bác sĩ phải căng mắt ra nhìn cho thật chính xác. Nhưng cảm giác khi được giải phóng khỏi nó thì chắc rất nhẹ nhàng sung sướng, thậm chí có người còn xin mang cái xương dăm đó gói mang về để làm “kỷ niệm”. Tôi không giữ cái xương nào và cũng chẳng bao giờ quên những đêm Giáng sinh trực ở viện thời đó. 

Sau này khi có gia đình con cái, tôi luôn sử dụng những ngày lễ Giáng sinh để đi nghỉ: nếu không về Việt Nam thì đi nơi nào gần mà thời tiết ấm áp, bét ra cũng chui vào một khu wellness, khách sạn nào đó cho đỡ phải nấu nướng, xa rời cái không khí tấp nập mua mua bán bán ngoài đường phố. Nhưng rồi khi bọn trẻ lớn hơn một chút, mặc dù gia đình mình không theo đạo Thiên Chúa đi chăng nữa cũng không thể bỏ qua các phong tục tập quán nơi mình ở. Chiều theo bọn trẻ tôi cũng phải trang hoàng nhà cửa, làm bánh, mua cây thông, đốt nến, dự buổi Giáng sinh ở trường ở lớp rồi năm nay con gái bé bắt mẹ đi nhà thờ.
 
Dàn đồng ca của các học sinh diễn trong nhà thờ - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dàn đồng ca của các học sinh diễn trong nhà thờ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nó phụng phịu mấy năm nay con hát trong dàn đồng ca, biểu diễn ở nhà thờ gần trường, gia đình bạn nào cũng đi mà chỉ có nhà mình bố bận, mẹ quên nên từ trước tới nay không chịu tới nghe. Quả thật các vị phụ huynh Tây thường quan tâm đến những tiết mục này ngang với việc học. Buổi biểu diễn vào chiều thứ Ba mà cả nhà thờ nhỏ bé chật cứng bố mẹ, ông bà, anh chị em họ hàng, thầy cô giáo. Đúng với tâm lý “con hát mẹ khen hay”, con số các phóng viên nhiếp ảnh, quay phim gia đình khéo nhiều hơn cả số lượng các cháu biểu diễn. Tôi phải nghỉ làm sớm, đến trước giờ để chiếm chỗ ghế tốt, tiện cho việc “tác nghiệp”.

Nhà thờ của quận không có sưởi, lạnh ngang như không khí ngoài trời. Cả người xem lẫn dàn đồng ca đều mặc nguyên cả áo khoác mà vẫn lạnh cóng cả tay. May và ngồi rất xít nhau nên do hơi người cũng dần dần thấy ấm lên. Các cô giáo dạy nhạc rất nhiệt tình chỉ huy, bọn trẻ con say sưa hát và diễn kịch, bố mẹ thay nhau bấm máy và quay video. Ngồi cạnh tôi là một cụ già, một tay còn chống gậy nên bà ấy không mang theo iPhone hay camera, chỉ ngồi nghe chăm chú. Đến bài cuối, khi nhạc organ nhà thờ nổi lên và hòa cùng với bọn trẻ con, cô chỉ huy đề nghị tất cả mọi người cùng hát, tôi cũng cất máy vì thực ra cũng mỏi tay quá rồi.

Nhạc tôi thuộc vì con gái đã chơi bài này nhiều lần ở lớp, lời bài hát may quá có hiện lên màn hình to treo ở một góc nhà thờ như kiểu “karaoke” nên tôi bèn hát theo. Đang mải đọc lời và phát âm cho đúng, tôi bỗng thấy bàn tay ai đó nắm lấy tay mình. Nhìn sang hóa ra bà cụ ngồi bên cạnh. Tay bà gầy guộc nhăn nheo và cũng lạnh toát như tay tôi lúc đó, một giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt bà làm tôi bỗng thấy nhói trong tim. Người Hung có câu tục ngữ “người nào bàn tay lạnh, thường có trái tim ấm”, có lẽ quả là không sai. Bài hát kết thúc, bà quay sang bảo tôi: “Chúc một lễ Giáng sinh thật hạnh phúc!”.

Tôi nắm tay bà thật chặt và cám ơn bà ấy đã dạy cho tôi một ý nghĩa sâu sắc nhân dịp Noel: tình cảm giữa người với người luôn là điều quan trọng nhất!

BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 22-12-2016


 
 Từ khóa: Giáng sinh
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn