“TRIỆU NGƯỜI QUEN CÓ MẤY NGƯỜI THÂN...”

Thứ ba - 06/06/2017 00:05

(NCTG) “Và một người đã ra đi mãi mãi, bỏ lại thế gian này những mùa Xuân Berlin...”.

Tác giả và anh Thành Klaus tại Potsdam, tháng 4-1987 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tác giả và anh Thành Klaus tại Potsdam, tháng 4-1987 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Một nén hương lòng muộn màng gửi anh Thành Klaus

Khi lìa trần có mấy người đưa...” (1)

Quả là một sự thật hiển nhiên. Suốt cả thời gian khi đứng trong nghĩa trang, lòng tôi luôn vang lên câu hát đó. 

Là một trong những nghĩa trang ở ngay trung tâm, cách tháp vô tuyến truyền hình Berlin chưa đến cây số, mà đây ảm đạm u tịch vô cùng. Là một thế giới khác với những gì của cuộc sống náo nhiệt nhộn nhịp ngoài kia. Nghĩa là cách cái bờ rào mà mộ chí ra đến sát tận chân tường.

Lần nào đi qua, mùa nào cũng vậy chả cứ mùa đông ảm đạm hay mùa thu mênh mông lá vàng... nức nở mà xuân, hạ gì tôi cũng bùi ngùi mỗi khi đọc tên họ những người đã khuất trên bia mộ. “Họ là ai?”, “Họ đã sống cuộc đời thế nào?”, “Cái chết của họ ra sao?”, “Còn ai nhớ đến họ không?”... và nhiều hơn cả có lẽ là câu hỏi “Có kiếp sau không?”. 

Một sự thật mà tôi luôn nghĩ đến là cuộc đời này đã từng giờ từng phút mang đến nhiều con người và cũng từng giờ từng phút họ rời khỏi cuộc đời này như chưa từng có mặt. Cái chỗ mình đứng đây cũng đã từng bao người, bao thế hệ bước chân qua và bao con người, bao thế hệ không có mình cũng sẽ lặp lại vậy, cho dù ta vẫn biết rằng “Làm gì có hai lần tắm trên một dòng sông”. 

Và một sự tình cờ là nghĩa trang này cách không xa nơi cách đây đúng ba mươi năm tôi gặp anh và quen anh. Đó là một trong những xí nghiệp may lớn nhất nằm ở trung tâm trên con đường chính của Berlin, thủ đô CHDC Đức hay còn gọi là Đông Đức ngày xưa. Và cũng là thủ đô bây giờ của CHLB Đức

Anh là một người bạn thân thiết của chúng tôi, những công nhân Nhà máy May ngày đó. Một người tốt như anh, tốt vô điều kiện với những người bạn Việt Nam quả là hiếm. Và chính điều ấy đã khiến anh gặp không ít khó khăn với nhà máy. Bởi có biết bao những điều rích rắc giữa quan hệ ngoại giao hai nước, dù là anh em huynh đệ cùng phe. Nhưng anh vẫn tốt với chúng tôi vô điều kiện và vô vụ lợi.

Với những anh em công nhân mới sang còn bỡ ngỡ với cuộc sống nước ngoài thì anh chính là người anh, người bạn chỉ dẫn đủ điều cho cuộc sống mới xa nhà ở Châu Âu này. Có những điều khi ta đã quen, đã trưởng thành, thậm chí đã thành công “đầy mình” thì trở nên rất bình thường. Nhưng khi ấy các anh chị em còn trẻ trung, bỡ ngỡ, ngây ngô, lần đầu sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, con người phong tục tập quán khác hoàn toàn... thì tình cảm và những giúp đỡ chân tình, những dìu dắt của một người đi trước dù rất nhỏ nhặt cũng quý báu vô cùng.

Giá trị của một việc làm, một ơn nghĩa... thường ta phải trả nó trở lại thời điểm lịch sử của nó mới đánh giá hết giá trị. Còn không... “Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi...”.
 
*

Không bao giờ tôi quên được lần đầu tiên gặp anh. Đó là một đêm cuối tháng 4-1987 trên phi trường Schönefeld. Trời lạnh, bọn chúng tôi còn cầm cập vì thời tiết vào Xuân của Berlin còn quá lạnh so với chúng tôi, những người bay thẳng từ Sài Gòn sang đây. Nhất là những anh em trong đội còn chưa quen với thời tiết Châu Âu ngay được. Bay một chặng đường dài ơi là dài.

Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái, sự bơ vơ, sự ngẩn ngơ, lo lắng... còn đang như cơn sốt trong lòng thì ra đón chúng tôi đêm ấy chỉ có anh và ban lãnh đạo nhà máy (nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ngủ quên vì sáng hôm sau khi đến họ đến đội chúng tôi lấy quà thì thấy nói vậy. Ngày ấy hoa quả từ nhà qua như xoài, chôm chôm quý lắm!).
 
Anh nói tiếng Việt cực chuẩn vì đã từng là Tùy viên Văn hóa tại Đại sứ quán Đông Đức nhiều năm ở Hà Nội, quãng thời gian để lại cho anh vô vàn kỷ niệm tuyệt vời thời trai trẻ, và đó cũng chính là nơi khơi nguồn tình yêu Việt Nam nơi anh. Thử tưởng tượng, thời điểm đêm lạnh mệt mỏi đó mà thấy nhà máy nồng nhiệt ra đón, có người phiên dịch còn nói tiếng Việt với những cử chỉ ân cần quen thuộc thì hạnh phúc biết nhường nào. 
 
Và khi đến khu tập thể chúng tôi trên mỗi giường đều có một con gấu bông, biểu tượng của Berlin, và một bình hoa nho nhỏ, trong tủ lạnh có gà, hành, có gạo... Trời ơi. Không bao giờ tôi và nhiều người nữa có thể quên được ân tình đó. Không phải nhà máy nào công nhân Việt cũng được quan tâm từng chuyện nhỏ nhặt như vậy. 
 
Có lẽ vì là đàn bà nên tôi đánh giá cao những chi tiết tưởng vụn vặt mà thực ra vô cùng có ý nghĩa trong một quan hệ. Có thể sẽ có nhiều người cho rằng về phía Đức họ phải thế. Tôi không đồng tình bởi cũng một việc làm, một lời nói có thể mang đến cho ta nhiều hơn hiệu quả nó mong muốn nếu có tình cảm và sự quan tâm chân tình trong đó (2). 

Nhờ có anh và những lời khuyên của anh như một cố vấn về phong tục tập quán Việt Nam mà nhà máy tôi đã thông cảm và có quan tâm đặc biệt đến rất nhiều công nhân Việt mới. Sau này, trong vòng một tháng đội của tôi còn nhiều đoàn từ Quảng Ninh, Hà Nam Ninh và Nghệ An sang nữa, nâng con số lên 350 người. Thời gian cuối là 420 người khi thêm 70 người nữa từ tỉnh khác lên sáp nhập vào. Và nhà máy tôi trở thành nơi có số lượng công nhân Việt lớn thứ nhì ở Berlin trong ngành Công nghiệp Nhẹ của CHDC Đức.
 
Những ngày đầu, khỏi nói anh chị em mình mừng như thế nào khi thấy người giúp đỡ mình của nhà máy lại nói được tiếng Việt và am hiểu Việt Nam, thông cảm với vô vàn những thói quen Việt không phù hợp với cuộc sống của một nước công nghiệp như Đức. Suốt ngày “anh Thành ơi, anh Thành à”, có việc gì cũng nhờ anh. Có anh nên sự chu đáo của nhà máy thật là không thể kể xiết.

Không chỉ là việc từ sân bay về đến phòng ký túc xá chúng tôi mở tủ lạnh ra là có gà để ăn (mà không phải là gà non đâu nhé, gà già đúng như sở thích của mình), có gạo, có rau, trên mỗi bàn có một lọ hoa nho nhỏ và trên mỗi gối có một chú gấu bông... mà còn biết bao những cử chỉ nhỏ nhặt khác nữa. Nhờ nhà máy can thiệp, cửa hàng thực phẩm nơi chúng tôi ở có thêm gà, thêm gạo, bữa ăn ở căng-tin nhà máy có thêm những món chúng tôi muốn ăn, trong dây chuyền làm việc các đồng nghiệp Đức hiểu thêm những thói quen “khó hiểu” của người Việt...
 
Nhà máy đã chọn được một chuyên gia về Việt Nam để đón tiếp lượng công nhân lớn sang ồ ạt như vậy. Không có những tư vấn từ kinh nghiệm của anh chắc hẳn nhà máy đã gặp khó khăn nhiều và chính công nhân mới lần đầu sang nước ngoài sẽ còn bao điều bỡ ngỡ. 

Và chính ba năm tuy là ngắn ngủi này đã để lại dấu ấn tốt đẹp sâu đậm trong lòng rất nhiều người. Điều đó không ít chính là nhờ sự giúp đỡ gián tiếp của anh. Sau này, khi trưởng thành hơn các em đều nói rằng ba năm ấy ở nước Đức là một kỷ niệm về tuổi trẻ, về thời gian khó phai mờ trong cuộc đời mỗi người, dù ít nhiều, nông sâu, đậm nhạt... có khác nhau.
 
*

Là một trong những người khá thân với anh có lẽ về sự đồng điệu trong tâm hồn chăng, chứ thực ra tôi ít “nhờ vả” anh nhất. Tôi có biết bao kỷ niệm với anh. Dù ảnh chỉ còn giữ đúng một cái kỷ niệm ngày anh chở mấy đứa chúng tôi đi Potsdam chơi, thăm lâu đài Sans Souci và Cecilienhof.

Mỗi khi chuyện trò anh luôn để hồn mình lạc về những tháng ngày xa xưa. Tuổi trẻ của anh để ở Việt nam. Hà Nội là thành phố anh yêu và là nơi tôi sinh ra lớn lên. Chúng tôi cùng có chung kỷ niệm của một Hà Nội xưa cũ. Dù anh hơn tôi cả hai chục tuổi. Hẳn một thế hệ. Nhưng những điều tâm đắc thì đâu có quản gì tuổi tác. Như là một bạn vong niên của anh, anh dạy tôi trong nghề dịch khá nhiều. Kiến thức uyên bác của anh qua những lần trò chuyện cũng được tôi thâu nhận được phần nào. 
 
Là người dí dỏm nên mỗi cuộc trò chuyện với anh, tôi luôn được nghe kể về những trải nghiệm, những khúc quanh của đời anh mà chắc anh cũng chẳng dễ gì thổ lộ. Đời anh rất thăng trầm và mắc không ít “sai lầm”, anh nói vậy. Anh kể về đời mình một cách cay đắng nhưng không kém phần hài hước. Từ một cán bộ ngoại giao, anh trở về làm một thường dân, phụ trách chúng tôi trong một nhà máy với tư cách là một nhân viên lo việc hành chính sự vụ, chăm lo cho chúng tôi.

Nhưng anh hạnh phúc về công việc này, anh được có chúng tôi hàng ngày và anh được nói tiếng Việt hàng ngày. Có nghĩa là Việt Nam vẫn bên anh. 

Hiếm có tình yêu với người Việt Nam nào vô vụ lợi và lâu dài, chung thủy đến vậy. Dù anh bị chơi xấu, bị lợi dụng không phải ít và không phải anh không biết. Một người từng trải như anh, đời đánh cho “lên bờ xuống ruộng” rồi lại hơn chúng tôi ít nhất là vài thập niên tuổi tác thì sao không “đọc vị” được cơ chứ?! Nhưng anh là người tốt và tốt “mù quáng” bởi anh yêu Việt Nam. Mà đã là tình yêu thì ai mà nói được khôn hay dại. Một tình yêu thật không bao giờ tính toán! Cái sự tốt của anh nó hồn nhiên đến mức tiếp tay cho nhiều người khi họ lợi dụng anh để làm những việc đáng lẽ không nên làm. 

Nhà anh ở ngoại ô vẫn như một tụ điểm mà hầu như lúc nào cũng ồn ào đông đúc, nhà anh trong trung tâm vẫn cho các em đến ở, thậm chí đến mức lôi “giai gái” loạn lên làm anh bực cả mình không chịu nổi phải mời đi, hoặc trở thành nơi cho mấy chị trung niên mượn đưa bồ về ngủ khi chồng sang chơi?! Vẫn em nào ới cái là lại xe ôtô chở đi ta bà, không được lời cám ơn... vân vân và vân vân. 

Giờ đây anh đã mất, anh về đâu trong vũ trụ này? Một người như anh hẳn “Công - Tội” khó lòng mà rạch ròi. Mà mấy ai trong cõi đời này rạch ròi được. Riêng tôi nghĩ về anh luôn với hình ảnh nụ cười hóm hỉnh và phúc hậu, những câu chuyện cười dí dỏm, những việc làm với lòng tốt vô bờ bến với mọi người và tình yêu Hà Nội của anh. 

Chỉ còn hai tháng nữa là kỷ niệm ba mươi năm ngày sang Đức của đội May chúng tôi, vậy mà anh đã không chờ được. Nhưng tôi cũng đã từng tự hỏi mình liệu nếu anh còn sống sẽ có ai nhớ đến anh không trong một ngày kỷ niệm tưng bừng như vâỵ?
 
*

Vừa bảnh mắt ra đã thấy chuông réo rắt của gã đồng nghiệp cũ bạn thân. 

- Thu ơi, anh Thành đội mình mất rồi đó. Mà tôi bắt buộc phải đi làm Thu ạ. 

Sửng sốt nhưng nhất thời còn ngái ngủ tôi chưa nghĩ ra được Thành nào - dù đội tôi có hơn 400 công nhân tổng cộng nhưng nam thì chỉ có chưa đến ba chục mống. Mà trong trí nhớ tôi thì không có ai tên Thành. 
 
Nhưng xoẹt trong trí nhớ như tia chớp khi gã đồng nghiệp nói “anh Thành Klaus đó”. Bao nhiêu kỷ niệm như ùa về trong tôi. Mới đấy đã ba chục năm trôi qua, dù trong hai lăm năm cuối tôi chỉ gặp anh có ba lần, và lần nào cũng vội. Lần cuối cùng cũng phải mười lăm năm rồi. Anh cùng vợ mình ghé văn phòng nơi tôi làm việc thăm. Nhưng tôi và gã bạn tôi vẫn nhắc đến anh luôn mỗi khi chúng tôi gặp nhau, cũng như nhắc đến những kỷ niệm ngày đầu chúng tôi biết anh và biết nhau. Cả hai chúng tôi đều yêu quý và nể trọng anh dù mỗi đứa theo cách của mình.
 
Đứng giữa nghĩa trang mà lòng tôi như lạc về những tháng năm xưa, ba mươi năm trước. Nơi đây, cách nhà máy cũ của chúng tôi chưa đến nửa cây số. Tôi nhớ đến anh. Nhớ đến tấm lòng và trái tim nhân hậu của anh với chúng tôi. 
 
Tiếng đàn ghi-ta do người quả phụ khóc chồng lần cuối cùng, chị muốn hát lần cuối cho chồng nghe những bài anh yêu thích, rồi những nỉ non về thói đời bạc bẽo... khiến tôi thương anh hơn. Anh hãy bỏ qua hết đi cho thanh thản, anh Thành ơi. Chúng tôi và chính anh cũng thích tên Thành này hơn và toàn gọi anh bằng tên này. 

Đặt bó hoa và nắm đất xuống mộ, chào anh lần cuối và hứa với anh tôi sẽ đến thăm anh mỗi khi có thể, tôi chầm chậm ra khỏi nghĩa trang bằng trái tim nặng trĩu. Trời mưa lất phất. Đã nhú vàng vài nụ hoa Nghênh xuân trên những hàng rào xa gần. Berlin vào Xuân đấy. 

Và một người đã ra đi mãi mãi, bỏ lại thế gian này những mùa Xuân Berlin...
 
*

Đến đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang hôm ấy chỉ có tôi là người duy nhất của nhà máy cũ, nơi có hơn bốn trăm người Việt được anh trong một đoạn đời lúc sinh thời của mình đã yêu quý và giúp đỡ ân tình.

Hai tháng sau, họp đội May kỷ niệm ba mươi năm ngày sang Đức. Không một lời nhắc nhở đến anh, không một ai còn nhớ đến anh giữa muôn vàn hồ hởi, muôn vàn hàn huyên, trùng phùng. Chỉ một em gái bé nhỏ ngày ấy đã về Việt Nam hai mươi bảy năm là còn nhớ đến anh. Trong một tin riêng, em đã nhắc đến anh khi hỏi tôi. 

Có phải chăng lòng tốt người đời dễ bị quên lãng, còn chỉ một mảy may bất như ý thì được nhớ rất lâu và rất sâu, bỏ qua mọi điều tốt trước đó? Nhưng xét cho cùng, điều này cũng thường thôi. Rất người bởi cuộc sống còn biết bao điều bận tâm, cần quan tâm hơn. 
 
... Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa...” (3)

Ghi chú:

(1), (3) “Bài không tên số bốn” của Vũ Thành An.

(2) Sau này khi nước Đức thống nhất, rất nhiều người đã quên/ cố quên /muốn quên đi sự tử tế của Đông Đức ngày đó, chỉ nhìn thấy những điều bất cập trong Hiệp định ký kết. Điều này không sai nhưng mọi thứ không chỉ toàn bất cập.

Tôi thì không và không muốn quên điều đó. Bởi theo tôi con người ta phải khách quan, đừng vì thời cuộc mà xoay chuyển. Ở bất cứ hội thảo, diễn đàn hay báo cáo nào tôi cũng nói rất rõ quan điểm của tôi về Hợp tác Lao động: cái tổng thể, cái chi tiết, cái khách quan, cái chủ quan, cái được và cái không được...

Hoài Thu, từ Berlin - Tháng 5-2017


 
 Từ khóa: Đông Đức, Thành Klaus
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn