Kiều bào Việt: CÂU CHUYỆN CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG

Thứ hai - 24/10/2016 09:28

Các cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài rất sẵn lòng chung tay hướng về người dân vùng lũ ở quê nhà, nhưng câu chuyện về phương thức ủng hộ và hoạt động cứu trợ như thế nào cho thật hiệu quả và thiết thực cũng là vấn đề mà bà con rất quan tâm. Chuyên mục “Câu chuyện cộng đồng” hôm 24-10 của Kênh truyền hình VTV4 đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ban nhạc “Blue Sky” (Hungary) trong đêm nhạc từ thiện “Miền Trung yêu thương” - Ảnh: Facebook

Ban nhạc “Blue Sky” (Hungary) trong đêm nhạc từ thiện “Miền Trung yêu thương” - Ảnh: Facebook

Xem bản tin ở đây.

- Cảm ơn anh đã nhận lời trả lời phỏng vấn của VTV4. Đích thân anh vừa có chuyến công tác tại một số nước Châu Âu có đông kiều bào sinh sống, vậy từ thực tế những gì anh ghi nhận thì các phong trào ủng hộ của bà con hướng về miền Trung đã được triển khai như thế nào?


Tại những quốc gia vùng Đông - Trung Âu mà tôi có dịp đi qua, tôi thấy bà con đã rất chủ động trong việc tổ chức quyên góp, cứu trợ đồng bào miền Trung, nhất là trong thời đại thông tin, bà con kinh doanh tại các địa bàn khác nhau đã có thể lên mạng đọc báo chí, hoặc các mạng xã hội, để tự cập nhật cho mình những tin tức cần thiết nhất.

Nếu như thời trước, thường phải chờ các cơ quan đại diện hoặc Hội, Đoàn cao nhất tổ chức, vận động thì từ những năm gần đây, trong nhiều trường hợp, bà con nhiều nơi đã tự đề xuất từ các hội cơ sở, hoặc các nhóm cá nhân, bạn bè, hội đồng hương, v.v... Kết quả theo tôi nghĩ là hoạt động diễn ra phong phú hơn, nhanh chóng và kịp thời hơn.

Cần phải nói, nếu như trước đây sự ủng hộ diễn ra một cách tương đối thụ động - tức là các Hội, Đoàn đứng ra vận động, và sau đó tiền thu được chuyển về nước chỉ qua một vài kênh chính thống, thì hiện tại bà con thường cũng có những kênh cá nhân khác nhau để thực hiện hiệu quả hơn, chính xác hơn và đúng mục đích hơn công việc cứu trợ.

- Trong hoạt động cứu trợ cho bà con vùng lũ thì chắc hẳn rất nhiều phương án đã được bà con kiều bào đưa ra, vậy anh có thể chia sẻ những thông tin về vấn đề này?

Tại Hungary, chỉ trong một ngày 18-10, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary, bà con đã quyên góp được gần 10 ngàn Euro. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các hội cơ sở và nhóm cá nhân như Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Ban nhạc “Blue Sky”, các nhóm từ thiện và thiện nguyện... cũng đã tổ chức kêu gọi ủng hộ một cách có hiệu quả.

Đáng chú ý là trong nhiều trường hợp, như đã nói ở trên, hoạt động cứu trợ được diễn ra một cách ý thức, khi các nhóm quyên góp tự xác định “đầu ra” theo mong muốn của mình, thông qua những kênh cá nhân. Những trao đổi về việc “cho cá hay cho cần câu”, hỗ trợ lâu dài hay ủng hộ thực phẩm, vật dụng tức thời cũng đã được đưa ra bàn thảo.

Có thể kể tới việc ở Ba Lan, một nhóm các bạn hữu vận động ủng hộ cho dự án làm nhà chống lũ cho bà con miền Trung. Tại Cộng hòa Czech, một phần quyên góp được trao cho các nhóm từ thiện dân sự được tin cậy ở trong nước, chẳng hạn “Cơm có thịt”. Nhìn chung, nhiều mối quan hệ cá nhân đã được huy động trong quá trình cứu trợ.

- Theo anh bà con mong muốn như thế nào về việc xử lý những hỗ trợ của mình khi gửi về Việt Nam?

Cần phải nói là bà con kiều bào - trên tinh thần “một miếng khi đói...”, “thương người như thể thương thân”... - không bao giờ do dự trước những khó khăn, tai họa, hoặc nỗi đau của đồng bào trong nước. Không chỉ trong những dịp bão lũ, mà trong những đợt vận động hỗ trợ vì người nghèo tháng 10 hàng năm, bà con cũng rất sẵn lòng.

Mong muốn của bà con chỉ là, làm sao để những đóng góp từ ngoài này được trao tận tay người cần một cách nhanh chóng và đầy đủ, không bị ăn chặn, tơ hào, cắt xén giữa chừng, như những câu chuyện mà báo chí trong nước thường xuyên đưa tin. Chính vì vậy, niềm tin trong vấn đề này, là vấn đề cốt yếu, có thể gọi là sống còn.

Bà con cũng ý thức được rằng những đóng góp của mình, thật ra là rất nhỏ bé so với khó khăn mà đồng bào miền Trung hay phải gặp. Thiên tai có thể phòng chống và khắc phục ở một mức nào đó, nhưng yếu tố con người theo hướng tiêu cực mới là cái đáng lo ngại và cần xử lý. Mong chính quyền có những quyết sách phù hợp và quyết liệt hơn nữa cho lợi ích người dân.

(*) Bản tin đã phát trên VTV4.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: miền Trung, cứu trợ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn