Chùm thơ Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng: “TRƯỜNG SA NÍU LẠI, BƯỚC ĐI KHÔNG RỜI”

Thứ ba - 30/05/2017 15:12

(NCTG) “Tấm bia thắm chữ vàng son - Những người nằm xuống như còn trối trăng - Thân dù gửi lại biển xanh - Vong linh còn mãi đứng canh đất trời”.

Nơi đảo xa - Song Tử Tây

Nơi đảo xa - Song Tử Tây

Lời Tòa soạn: Nhà văn, nhà thơ, TS. Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1953), nguyên giảng viên văn học Nga tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, là một gương mặt quen biết với cộng đồng Việt tại Liên bang Nga, quê hương thứ hai mà ông đã sinh sống, làm việc, rong ruổi và bươn chải “gần ba chục năm vắt qua hai thế kỷ” (theo lời ông).

Là tác giả của gần hai mươi tác phẩm gồm đủ các thể loại (thơ, truyện ngắn, ký sự, chuyên luận về văn chương), Nguyễn Huy Hoàng cũng được biết đến trong làng văn Việt Nam như một cây bút có “tâm, tài và tình” trong mảng đề tài về nước Nga, đời sống của cộng đồng người Việt ở Nga và nỗi hoài nhớ quê hương của một người con xa xứ.

Thời gian qua, cùng nhiều đại biểu trong và ngoài nước, ông đã có mặt trong chuyến thăm Trường Sa kéo dài 10 ngày vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2017, do Bộ Ngoại giao và Quân chủng Hải quân Việt Nam phối hợp tổ chức. Trân trọng giới thiệu tới độc giả hai bài thơ do tác giả sáng tác trong chuyến đi đáng nhớ và nhiều cảm xúc ấy (NCTG).

 
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng bên cột mốc chủ quyền do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dựng năm 1956 - đảo Song Tử Tây
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng bên cột mốc chủ quyền do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dựng năm 1956 - đảo Song Tử Tây

VỚI TRƯỜNG SA
 
Ngỡ như vùng đất thanh bình
Đảo xanh, sóng biển biếc xanh vỗ bờ
Con đường cát mịn nên thơ
Mái chùa cong dưới nắng trưa dãi dầu
Cỏ dưới chân, gió trên đầu
San hô bạc trắng một màu thời gian
Ngỡ như sóng biển, mưa ngàn
Về đây với cả giang san thanh bình.
 
Không! Trong biển cả yên lành
Bá quyền bóng dáng rập rình đâu đây
Mưu mô, tráo trở, đổi thay
Tay kia hữu hảo, tay này gươm đao
Lưỡi bò chín đoạn vơ vào
Biển Đông như thể là ao của nhà
Ai hay mặt biển bao la
Ngầm bao con sóng gian tà bủa vây.
 
Mưu toan chiếm mảnh đất này
Biết chăng máu nhuộm, sử dày ngàn năm
Mồ chôn Vạn Kiếp, Chi Lăng
Phơi thây cọc nhọn, Bạch Đằng, Đống Đa
Một vùng quần đảo Trường Sa
Bình yên. Nhưng cũng sẽ là bão giông
Vững vàng phên dậu phía Đông
Trùng trùng dựng một rừng chông Bạch Đằng.
 
Cổ kim, bao cuộc xâm lăng
Tấm gương tày liếp vẫn vằng vặc soi!

 
Với dịch giả Giáp Văn Chung tại đảo Sinh Tồn
Với dịch giả Giáp Văn Chung tại đảo Sinh Tồn

CHƯA VỀ ĐÃ NHỚ TRƯỜNG SA

Chưa về đã nhớ đảo xa
Gốc bàng vuông, tán phong ba xanh rờn
Nếp nhà nhỏ giữa trùng dương
Tiếng gà gáy nắng trưa, hồn làng quê
Chia tay không nỡ ra về
Trường Sa níu lại, bước đi không rời.
 
Mái chùa lộng gió biển khơi
Tiếng chuông vọng một góc trời nước non
Tấm bia thắm chữ vàng son
Những người nằm xuống như còn trối trăng
Thân dù gửi lại biển xanh
Vong linh còn mãi đứng canh đất trời.
 
Nhớ người lính tuổi đôi mươi
Yêu ai, chưa dám một lời rằng thương
Thao trường, nhận giọng đồng hương
Cầm bàn tay sạm, vui buồn sẻ chia
Mồ hôi đẫm dưới nắng hè
Miệng cười. Nước mắt đỏ hoe lưng tròng…
 
Cầu trời cho trận mưa giông
Dịu đi cái khát khắp vùng đảo xa
Cầu trời đừng nổi phong ba
Cho thuyền chở nước cập bờ bình yên
Mỗi chiều đón thủy triều lên
Gửi lòng về với đất liền xa xa.
 
Chưa về đã nhớ Trường Sa
Đảo chìm, đảo nổi, đá pha cát bồi
Neo mình biển thẳm trùng khơi
Vững chân bám trụ đất trời cha ông
Lời thề vang giữa biển Đông
Nghe như tiếng vọng Diên Hồng tiền nhân.
 
Dùng dằng không nỡ rời chân
Lòng ta gần lắm, rất gần Trường Sa
Một mai về với quê nhà
Mặt trời lên, nhớ đảo xa, xa vời…

Nguyễn Huy Hoàng, từ Liên bang Nga


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn