Đêm qua, khi đứng xếp hàng để chuẩn bị lên máy bay, tôi chợt quay lại nhìn nơi mình vừa đi qua và nhận ra đó chính là cái nơi mà hơn 20 năm trước tôi đã rời khỏi Châu Á đến Mỹ. Hơn hai thập niên, cảnh vật thay đổi, sân bay đó đã thay đổi và chính tôi cũng đã thay đổi, nhưng có một điều gì đó đánh thật mạnh vào tiềm thức của tôi, mang tôi trở về một vùng ký ức mà tôi rất muốn quên đi.
Lần cuối cùng tôi đặt chân đến mảnh đất đó là với thân phận một đứa trẻ thuộc đoàn người di dân bị đối xử bằng sự miệt thị tận cùng của những kẻ tự cho mình cái quyền đối xử người khác bằng thái độ như vậy. Tinh thần dân tộc trong 10 năm đầu cuộc đời đã khiến tôi mang trong mình một nỗi căm phẫn đối với đất nước này và tất cả người dân tại đó suốt nhiều năm. Nỗi căm phẫn đó lớn đến mức cho mãi đến tận những năm gần đây và vì lý do công việc, mà tôi mới đặt chân đến đây thêm một lần nữa.
Tôi nhìn hình ảnh người phụ nữ phản chiếu trong gương với tấm passport mới, một thân phận mới và một sự tự tin được hun đúc vì được làm công dân của một cường quốc trong nhiều năm. Thế nhưng, bỏ qua lớp ngoài lấp lánh ấy, tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ ngày xưa - không cao lớn hơn được bao nhiêu cho dù hưởng ké “
bơ thừa sữa cặn” nhiều năm - với ánh mắt chứa đầy sự bất mãn cùng cực và cả sự bất lực.
Nhưng, có lẽ đây là lúc mà tôi nên buông bỏ sự chấp niệm nhiều năm về những gì đã từng xảy ra, cũng như buông bỏ những suy nghĩ căm ghét đối với đất nước đó. Đã có một thời gian đủ dài làm việc về vấn đề xã hội và nhân quyền, tôi có lẽ nên thật sự tập sống với tinh thần “
tôi không có kẻ thù, không có hận thù” của Lưu Hiểu Ba chăng?
Cùng trong một đêm, trước khi đáp chuyến bay về nhà, tôi đã ngồi trò chuyện một lúc với một nhóm du khách lớn tuổi người Trung Quốc vì tôi bị làm phiên dịch bất đắc dĩ cho họ. Với cái vốn tiếng Hoa nát như tấm của mình, tôi cũng dắt họ đến được cái cổng lên máy bay mà họ cần. (Họ có vẻ không hiểu lắm vì sao một người Việt như tôi lại đang sống ở Đài Loan, nhưng tôi hy vọng họ hiểu được là người Đài Loan không ai nói tiếng Hoa tồi tệ như tôi cả).
Nhìn những ông bà cụ đến từ một vùng khá hẻo lánh của Trung Quốc, tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ khi vất vả cả đời và được đi du lịch ra khỏi đất nước mình lần đầu, tôi không thể có bất kỳ cảm giác khó chịu gì với họ được cho dù họ vẫn ồn ào, vẫn chộn rộn cả một góc sân bay. Tôi không biết là do vì tôi hiểu được họ nói gì nên tôi không khó chịu nữa, hay vì tôi thật sự cảm thấy mình không có quyền phán xét người khác.
Tôi vốn luôn tự nhắc nhở bản thân,
mình là một con người may mắn, một người nhận được nhiều quyền lợi trong một thế giới trên dưới 7 tỷ người này. Có lẽ khi nhận ra được mình có nhiều đặc quyền đến thế nào, may mắn đến thế nào, thì một người sẽ bớt phán xét người khác và cũng dễ dàng tha thứ cho những ai đã gây tổn thương tới mình hơn.