NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ

Thứ tư - 18/11/2020 14:56

(NCTG) “Người Việt xấu xí trong cái cộng đồng người Việt ở Mỹ như này thiếu gì. Tôi chỉ buồn vì tất cả những thứ đó xảy ra, cũng là do kiến thức và nhận thức của từng phần tử trong cái cộng đồng đó mà thôi, nhưng phải thú thật, cái con số này, lại không hề nhỏ” - góc nhìn của tác giả Phạm Thanh Giao từ Hoa Kỳ.

Minh họa: immica.org

Minh họa: immica.org

Trước hết, tôi xin quý bạn, những độc giả của tôi, đọc xong, hãy cố kiềm chế mình, xin đừng buông những lời còm phiếm nhã. Mỗi người trong chúng ta trong cuộc đời, nhiều hay ít, không thể quả quyết là “tôi chưa bao giờ ăn gian của ai cái gì”.

Tôi có quen biết với một số cụ “Việt Kiều” lớn tuổi ở California. Họ qua Mỹ cũng có mấy mươi năm rồi nhưng chưa hề bao giờ đi làm bất kỳ công việc gì để phải đóng thuế và cũng chưa bao giờ đóng góp bất cứ gì cho cái xã hội mà họ tạm cư đã hơn nửa đời người này cả. Hầu hết họ là những người ít học, an phận, ù lỳ, và không muốn cầu tiến.

Họ kéo cả gia đình vượt biên qua Thái, Mã Lai, Singapore hay Nam Dương bằng đường biển, rồi sau đó được bảo lãnh qua Mỹ trong thời điểm cuối thập niên 70 và thập niên 80 thế kỷ trước. Họ qua Mỹ theo đủ thứ dạng, trong đó dạng đi tỵ nạn chính trị là ít hơn cả, nhưng họ được nhập cư vào Mỹ khá dễ dàng vì việc thanh lọc hồi đó không quá khó, nhiều khi chẳng có ai bảo lãnh mà vẫn đi được.

Dạo đầu khi mới qua Mỹ, cả gia đình họ được hưởng đủ thứ trợ cấp từ chính phủ, trong đó có cả tiền ăn, tiền học ở trường cho con cái. Nhiều cặp vợ chồng cứ thế, đeo bám theo con nhỏ mà “lớn lên” dần với chúng. Đến khi đứa con bé nhất được 18 tuổi, thì nhiều người trong số họ đã chập chững bước vào tuổi “ăn tiền già”. Thế là cả cuộc đời họ ở Mỹ, thực ra là ở quanh quẩn những vùng đông người Việt ở tiểu bang Califonia, họ chỉ “đeo bám” vào khe hở tạo ra bởi lòng thương xót của xã hội mà sống.

Đến khi họ bước vào cái ngưỡng cửa của tuổi 80, thì bên cạnh tiền già, Medicare, Medical, tem phiếu thực phẩm, nhiều người trong số họ còn được hưởng tiền chính phủ trợ cấp, giúp trả tiền nhà mướn hàng tháng (Housing Section 8). Tóm lại, họ được “chính phủ” bảo bọc cho, như nuôi con mọn, từ ngày qua Mỹ cho đến khi mãn đời, kéo dài có đến cả… nửa thế kỷ.

Thực ra, ai cũng biết đây là những khoản tiền trích ra từ tiền thuế của những công dân khác ở Mỹ đóng góp, chứ chính phủ làm gì có tiền mà nuôi ai. Bên cạnh tất cả những thứ trợ cấp đó, ở California còn có một chương trình khác mang tên Calfresh hoặc SNAP (Supplement Nutrition Assistance Program) vì chính quyền tiểu bang lo ngại, sợ rằng những người này không đủ dinh dưỡng vì đói khát.

Khi có cơ hội, tôi hay đến thăm hỏi, hầu chuyện và giúp đỡ lặt vặt cho các cụ.

Tôi: “Cụ ơi, những thứ đồ hộp này đã hết hạn có đến mấy năm rồi. Để cháu dọn dẹp liệng bỏ bớt đi nhé. Không dùng được nữa đâu, độc chết”. Mặc dù tôi biết là những dãy đủ thứ các loại đồ ăn khô và đồ hộp được xếp thứ tự hàng hàng lớp lớp kia, có lẽ đã được chất vào kệ từ 5-6 năm trước và chưa hề được đụng đến, kể từ khi chúng được khuân về đây.

Cụ ông: “Cậu cứ để kệ đấy cho tôi”.

Tôi: “Nhiều đồ ăn quá. Hai cụ có biết ăn mấy thứ đồ hộp này đâu. Lấy về làm gì?”.

Cụ bà: “Mình không lấy, cũng có đứa khác nó lấy, cậu ạ”.

Khi dọn dẹp tủ bếp, tôi vô tình mò vào được cái tủ thuốc dã chiến của hai cụ. Thuốc đủ loại, nhiều cơ man không biết là bao nhiêu thứ, nhìn vào hoa cả mắt, nhiều y như những kệ thuốc ở những tiệm thuốc Tây. Có những lọ thuốc chưa hề được mở ra nhưng đã hết hạn mấy năm rồi, vì thuốc men thường không để được lâu. Lại có nhiều lọ thuốc cùng tên, cùng loại, cùng cỡ thuốc, được mở ra xài và còn lại một ít, cũng đã hết hạn từ rất lâu. Tôi khám phá ra trên nhãn dán bên ngoài lọ, tất cả đều do một ông bác sĩ cho thuốc và đến từ một tiệm thuốc Tây cung cấp ở trong vùng.
 
mh1

Tôi hớ hênh buột miệng: “Cụ ơi, thuốc ở đâu mà nhiều thế này. Trời ạ, nhiều thứ hết hạn lâu lắm rồi. Mắt hai cụ lại kèm nhèm, lấy uống bậy thì chết. Cháu lựa ra rồi bỏ bớt những lọ thuốc quá hạn và dở dang này đi nhé. Nguy hiểm chết người chứ chẳng chơi đâu”.

Ông cụ đang lim dim coi một chương trình talk show tiếng Việt trên Youtube được ai đó cài sẵn, ngồi bật dậy, nói lớn: “Đừng đụng vào. Cậu cứ để nguyên đó cho tôi”.

Tôi: “Sao cụ không lấy đủ xài thôi. Lấy nhiều quá uống không hết, phí phạm lắm, còn nhiều người cần đến những thứ thuốc này mà không có cụ ạ”.

Ông cụ có lẽ đã bực mình nhưng vẫn ráng: “Cậu ăn nói sao kỳ cục. Thuốc men ở Mỹ này mà ai lại không có. Mỹ chứ có phải Việt Nam đâu mà cậu lại nói thế. Nó ê hề cả ra đấy, lấy về vất đi cũng chẳng hết”.

Tôi cố nhẫn nhịn giải thích: “Không đâu cụ ạ. Cứ coi những người như vợ chồng cháu đây này. Không bảo hiểm. Không Medicare “chính phủ” cấp vì chưa đến tuổi “ăn tiền già”. Đến khi cần, phải mua 30 viên thuốc uống cũng không làm sao mua nổi. Thuốc men bây giờ mắc lắm cụ ạ. Một lọ thuốc trị Cholestorol hay giảm mỡ như này có lẽ phải hơn trăm bạc đấy cụ”.

Ông cụ nhởn nhơ trả lời gọn ơ: “Cậu cần, thì cứ ghé đây lấy”.

Tôi cố dằn lòng: “Cụ ạ, cháu nói thật đấy. Càng ngày, tiền thuế bọn trẻ, con cháu mình đi làm lại càng phải đóng nhiều hơn lên. Chính phủ thì cứ xài thả ga, mượn nợ tiêu xài, đè lên đầu lên cổ và chúng nó sẽ phải nai lưng ra trả sau này. Cụ không thấy cái ảnh hưởng nó tai hại đến con đến cháu chúng ta mai này ghê gớm đến cỡ nào đâu, tội cho chúng nó cụ ạ. Chẳng lẽ cụ lại không lo cho tương lai của chúng nó?”.

Ông cụ không dằn được nữa, gắt gỏng: “Đời tôi tôi lo. Đời chúng nó chúng nó lo. Tôi chẳng lo cho đời của đứa nào cả. Mượn gì đến cậu. Cậu đến thăm chơi thì chúng tôi cảm ơn nhưng đến mà phiền hà quá thì lại… không vui!”.

Tôi nín lặng không nói thêm gì, bởi những điều như này, tôi đã tận mắt chứng kiến suốt mấy chục năm nay rồi và cũng chẳng hề thấy có gì thay đổi.

Người Việt xấu xí trong cái cộng đồng người Việt ở Mỹ như này thiếu gì. Tôi chỉ buồn vì tất cả những thứ đó xảy ra, cũng là do kiến thức và nhận thức của từng phần tử trong cái cộng đồng đó mà thôi, nhưng phải thú thật, cái con số này, lại không hề nhỏ.

Thật đúng là, cho dù có đưa sách đến tận tay nhưng họ không muốn đọc, thì cũng chẳng làm sao hơn được. KIẾN THỨC PHẢI TÌM TÒI MỚI CÓ LÀ THẾ.

Phạm Thanh Giao, từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: người Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn