BỐN MƯƠI NĂM “GIẤC MƠ MỸ”

Thứ bảy - 23/01/2021 15:39

(NCTG) “Năm bầu cử này càng cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự bền dai của nền dân chủ Mỹ, qua cơn bão chính trị chưa từng có, bảo vệ bằng linh hồn của nước Mỹ, qua những người Mỹ thực thụ, trên khung nhà nước pháp quyền”.

Tác giả, 40 năm trước khi rời quê hương - Ảnh tư liệu

Tác giả, 40 năm trước khi rời quê hương - Ảnh tư liệu

Cùng thời gian này, đúng 40 năm trước, tôi đang trên đường vượt biển tìm tự do, để được đến Mỹ. Nước Mỹ là giấc mơ cho tự do, cho cuộc sống, và là hoài bão cứu cánh của cuộc đời tôi thời đó. Trước đó vài ngày, Ronald Reagan lên nhậm chức Tổng thống bên trời Mỹ.

Sáu lần vượt biên không lọt. Hai lần bị bắt rồi tù. Những lúc nằm trên bãi đước bùn chờ thời nhiều đêm, muỗi bu cắn. Nhiều tháng ngày loanh quanh không nhà vì an ninh. Điểm xuất của tôi là Sa Đéc, dọc nhánh sông Cửu Long ra biển. Sau vài đêm ẩn náu trong nhà dân, thuyền nhỏ chở chúng tôi, ẩn nhờ bóng đêm, ra thuyền lớn, đậu ngoài khơi. Vầng trăng khuyết ẩn hiện sau bóng mây nhìn theo tiễn biệt.

Sau khi đủ người, thuyền lớn trực chỉ về hướng Nam mờ mịt. Hai ngày đầu say sóng. Lênh đênh trên biển nhiều ngày. Đồ ăn nước uống phải tiết kiệm vì không biết bao giờ sẽ đến, và đến đâu. Nhiều thuyền đi trước, hết thức ăn, phải ăn nhau. Phập phồng lo hải tặc Thái, những câu chuyện cướp bóc, hiếp dâm, đàn ông bị đẩy xuống biển, và con nít bị sát hại. Thuyền nhỏ nhưng chứa khoảng 170 người, phụ nữ, con nít, đàn ông. Có người đòi trực chỉ đi Úc để khỏi vào trại tỵ nạn, tránh hải tặc. Nhưng dầu chạy có hạn, và bản thân tài công cũng chưa từng tới. 

30-1-1981, chúng tôi vui hẳn lên vì thấy một hòn đảo mờ mờ xa xa, và thấy tàu Hải quân Mã Lai màu trắng chạy đến. Nhìn lại thì thấy một tàu khác đang theo mình. Tiếng súng bắn. Những người trên thuyền phía sau giơ tay lên. Hóa ra họ là hải tặc. Hải quân Mã cho chúng tôi biết tàu hải tặc đã bám theo chúng tôi. Trong kẽ tóc, chúng tôi có thể thuộc về con số 200.000 người tỵ nạn xấu số, không bao giờ đến được bến bờ.
 
Tác giả cùng gia đình tại Mỹ
Tác giả cùng gia đình tại Mỹ

Hải quân Mã Lai đưa chúng tôi đến Pulau Tangah. Trại đóng sau một tháng. Chúng tôi được chuyển bằng xe buýt sang trại Pulau Bidong. Trên đường đi, lần đầu tiên tôi thấy lại thế giới văn minh, những bãi xe đậu. Trong trại tỵ nạn Bidong, tôi không chịu đi nước khác, cho dù bạn bè đã đi trước. Chỉ Mỹ thôi. Tôi tin là nước Mỹ là ngọn đèn hải đăng tự do tôi phải tới.

Khi được đến Mỹ, cơ hội Mỹ như trái cây trĩu nặng, nhưng phải với cao mới có trái tốt để chia. Tôi không đủ lực để hái, tiếng Anh lõm bõm, và tay thì trắng. Trình độ lớp Sáu, 19 tuổi, bỏ học nhiều năm. Nhưng nước Mỹ bao dung chu cấp cho tôi trong hai năm miệt mài, xây cái thang qua trung học. Rồi cử nhân, đi làm, rồi thạc sĩ. Khó, nhưng lòng quyết tâm và nhân từ rộng lượng của xã hội Mỹ, đã cho tôi cuộc đời mới, tái sinh. Vững vàng đủ để giúp mẹ và các anh chị còn kẹt lại, và nhập cư, cho tôi một gia đình đầy đủ, và thời gian trả lại ơn nghĩa cộng đồng, và nghĩa vụ công dân cho đất nước Mỹ.

35 năm sau, 2016 - Nước Mỹ tiếp tục là ân sủng, con trai đầu chớm 16 tuổi của một thuyền nhân Việt Nam được chọn là một trong 100 người ảnh hưởng nhất Quận Cam, được Hướng Đạo Hoa Kỳ cử đại diện gặp chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ, lãnh đạo Quốc hội, Tối cao Pháp viện, và các Bộ trưởng. Dan và Ivy không chỉ được nuôi nấng bởi chúng tôi, mà bởi cả cộng đồng Mỹ và Việt: Hướng đạo, Thiếu sinh Hải quân, Oxford Academy, AUHSD, bạn bè, và thân thuộc.

40 năm sau - 2021, những cơ hội giống xưa trước mắt. Con trai đam mê khởi nghiệp, tạo cơ hội cho người khác. Con gái miệt mài xây dựng nền tảng tương lai. Các cháu học được bài học đầy tinh thần Mỹ: Cùng nắm tay nhau, cùng giang tay ra, cùng nâng đỡ nhau, và cùng thành công với nhau.
 
Sự vươn lên của người di dân tại nước Mỹ nhân hậu
Sự vươn lên của người di dân tại nước Mỹ nhân hậu

Câu chuyện của tôi là câu chuyện của nhiều trăm ngàn người Việt tỵ nạn, may mắn được nhập cư tại nước Mỹ nhân hậu.

Qua thiên niên kỷ thứ hai, nước Mỹ vẫn zig-zag đi về tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Mỗi một thể chế Tổng thống bốn năm, đều đặn, lại vớt lên những người bị trễ nhịp. Đất nước có lúc lao chao, rồi lại vững chèo đi tiếp. Con thuyền Hiến pháp cố điều chỉnh cho một mẫu hạm tự do chuyên chở 320 triệu dân, nhiều triệu ý kiến, tư tưởng, và hành động, hướng vào tương lai tốt đẹp hơn, cho tất cả.

Chưa từng có một đất nước nào trong lịch sử nhân loại, gây ảnh hưởng tốt, và giúp đỡ các nước khác như Mỹ. Từ hai trận Thế chiến, các nước thua cuộc được nắm bàn tay kéo lên, để trở thành các nước đồng minh tin tưởng. Cũng nhờ thế, nước Mỹ tiếp tục được nâng lên. Con dân Mỹ tiếp tục được nhìn bằng con mắt ước mong của thế giới. Bài học cho một nhận hai, là kinh nghiệm Mỹ, là tinh thần sống.

Tổng thống Ronald Reagan thường ví nước Mỹ như thành phố ánh sáng trên đồi cho tất cả (the shining city on the hill”). Ông nói: “Trong tâm trí tôi, đó là một thành phố cao lớn, kiêu hãnh được xây dựng trên những tảng đá vững chắc hơn cả đại dương, lộng gió, được Chúa ban phước, và đông đúc với mọi loại người sống hòa thuận và hòa bình; một thành phố với những bến cảng tự do hoạt động nhộn nhịp với thương mại và sự sáng tạo.

Và nếu phải có những bức tường thành, những bức tường đó có những cánh cửa và những cánh cửa rộng mở cho bất cứ ai có ý chí và trái tim đến được đây
”.

Năm bầu cử này càng cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự bền dai của nền dân chủ Mỹ, qua cơn bão chính trị chưa từng có, bảo vệ bằng linh hồn của nước Mỹ, qua những người Mỹ thực thụ, trên khung nhà nước pháp quyền.

Bốn mươi năm sau, ngọn đèn hải đăng của thế giới tự do vẫn tiếp tục sáng, vẫn tiếp tục là niềm hy vọng, cho lẽ phải, cho cuộc sống, cho chúng tôi, và cho nhân loại.

Lương Tạ, từ California (Hoa Kỳ)


 
 Từ khóa: Hoa Kỳ
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn