TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 TỚI NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Thứ sáu - 06/03/2020 23:34

(NCTG) “Tâm lý cộng đồng ở Hungary, có lẽ cũng tương đồng với bà con ở các quốc gia khác ở Trung Âu: cảm giác lo âu thậm chí hoảng sợ, nhiều khi bất lực và không biết phải đối diện với khả năng dịch bệnh bùng phát ra sao, là khá bao trùm”.

Một số cửa hiệu của người Việt phải ghi dòng chữ để khách hàng khỏi nhầm với người Hoa - Ảnh: alfahir.hu

Một số cửa hiệu của người Việt phải ghi dòng chữ để khách hàng khỏi nhầm với người Hoa - Ảnh: alfahir.hu

Lời Tòa soạn: Trong suốt 2 tháng qua có lẽ những từ khóa như “dịch viêm đường hô hấp cấp”, “virus Corona” hay “Covid-19” là những từ khóa được tìm kiếm và quan tâm nhất trên phạm vi toàn cầu.

Dù dịch bệnh khởi nguồn từ Trung Quốc hay nói rộng ra là Châu Á, nhưng căn cứ những thông tin cập nhật hàng giờ, có thể thấy được sự nghiêm trọng của đợt dịch bệnh này và những tác động của nó tới rất nhiều ngành kinh tế và đời sống của người dân tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Hiện đang có khoảng gần 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, vậy dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động như thế nào tới tâm lý, đời sống của bà con, đặc biệt là tại những quốc gia có đông người Việt sinh sống, kinh doanh các ngành dịch vụ? Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới bà con đến đâu?

Sau đây là phần trao đổi của BTV kênh VTV4 và TBT báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) về những vấn đề có liên quan. Một số nội dung của cuộc trò chuyện đã được phát trên chương trình “Góc nhìn” với đề tài “Tác động của dịch Covid-19 tới người Việt ở nước ngoài”, được phát trên kênh truyền hình VTV4 hôm 6-3-2020 vừa qua.
 
Một cảnh trong buổi tọa đàm - Ảnh chụp màn hình
Một cảnh trong buổi tọa đàm - Ảnh chụp màn hình

- Có thể thấy diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp và đáng lo ngại. Chắc hẳn bà con kiều bào dù không sinh sống tại Việt Nam nhưng ai cũng có gia đình, họ hàng tại quê nhà nên không thể bàng quan trước những thông tin như vậy. Tâm lý của cộng đồng mình bên Hungary trước dịch bệnh này như thế nào thưa anh?

Vâng, đối với đa số bà con thì câu chuyện không chỉ là vấn đề an toàn của gia đình, thân nhân và họ hàng, mà chính bà con cũng thường xuyên có mối quan hệ công việc hay thăm hỏi với trong nước, vẫn về thăm nhà có thể là hàng năm, nên đại dịch Covid-19 cũng là mối nguy hiểm đối với chính họ.

Tâm lý cộng đồng ở Hungary, có lẽ cũng tương đồng với bà con ở các quốc gia khác ở Trung Âu: cho dù trên lãnh thổ nước Hung hiện chưa có ai bị nhiễm, nhưng cảm giác lo âu thậm chí hoảng sợ, nhiều khi bất lực và không biết phải đối diện với khả năng dịch bệnh bùng phát ra sao, là khá bao trùm.

Bên cạnh đó, việc dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, công việc và tâm lý của bà con Việt bên này, mà xin được nhắc tới ở phần sau, có lẽ cũng đặt cộng đồng vào một tình huống chưa từng có, và vì thế chưa có tiền lệ trong việc xử lý, ít nhất là trong vòng ba thập niên nay.

Đáng nói là cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia gia nhập khối những nước có người nhiễm Covid-19. Như số liệu mới nhất mà tôi được đọc, trên toàn thế giới, tại gần 80 nước, đã có hơn 90 ngàn bệnh nhân bị nhiễm, con số tử vong vượt 3.100, nhất là Ý trong một ngày có tới 27 ca tử vong.

Việc các nước lớn như Ý, Đức, Pháp... ở Châu Âu cũng đang phải thay nhau vật lộn với đại dịch, và các quốc gia láng giềng với Hungary cũng lần lượt xuất hiện Covid-19, càng khiến bà con có tâm lý hoảng hốt, thấp thỏm chờ đợi xem nơi mình ở khi nào bị “toang”, như cách gọi dân dã hiện tại (*).

- Anh đã quan tâm, theo dõi những thông tin về dịch bệnh Covid-19 như thế nào thời gian qua?

Cá nhân tôi ngày nào cũng xem tương đối kỹ những tin tức về dịch bệnh ở trong nước, và đối chiếu với những gì truyền thông Hungary đăng tải. Phải nói là thời gian đầu, Covid-19 dường như được báo chí bên này coi là chuyện xa vời khi ít nhắc tới, thì những tuần gần đây đã xuất hiện rất đậm đặc.

Điều khác biệt mà tôi có để ý, là cùng nói về thực tế dịch bệnh, cùng nói về mối nguy hiểm và khả năng lan tràn, “vỡ trận” của dịch Covid-19, v.v..., nhưng nhìn chung truyền thông tại Hungary tạo cảm giác yên lòng, khoa học và ít cảm tính, và do đó tạo ảnh hưởng tốt hơn đến tâm lý của người dân.

Tất nhiên, các mạng xã hội trong đó có Facebook cũng là nơi truyền tải rất nhiều thông tin trong vụ này, mà một phần không nhỏ mang tính vàng thau lẫn lộn cần gạn lọc. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ rằng, chính sự tồn tại của mạng xã hội cũng khiến các nguồn tin chính thống phải cập nhật và “chuẩn” hơn.

- Có thể thấy Internet, mạng xã hội cũng là một trong những kênh thông tin chủ đạo để bà con kiều bào cập nhật tình hình dịch bệnh, nhưng đây cũng là khởi nguồn của nhiều tin giả, tin không qua kiểm chứng khiến dư luận hoang mang. Anh có gặp trường hợp như vậy? Bà con người Việt mình tại Hungary có bị tác động bởi những fake news đó không thưa anh?

Cần nói rằng tin giả và không được kiểm chứng là sự việc đi kèm như “hình với bóng” với sự kiện Covid-19, từ nguồn gốc của dịch bệnh, thông tin dịch bệnh tới những “thuyết âm mưu” - điều rất dễ gặp trong hoàn cảnh thế giới đang gặp phải một loại virus có nhiều nét kỳ bí và khó lý giải như thế này.

Những tin “vịt” ấy ảnh hưởng tới bà con trong nước như thế nào, thì cũng có tác động tới cộng đồng ngoài nước như thế. Nhưng cạnh đó, ngay từ đầu, chúng tôi bên này cũng phải đối phó với những nguồn tin thất thiệt trên mạng mà báo chí sở tại luôn cảnh báo và có cả trang mạng riêng để vạch trần.

Ngay chính quyền Hungary và mới đây, Ủy ban Châu Âu cũng đã phải có những biện pháp riêng và mạnh mẽ để phòng ngừa nạn tin giả. Người Việt ở Hung và cả người bản địa đã từng hoảng hốt trước tin nhiều bệnh nhân Hung bị thiệt mạng bởi virus Covid-19, tới khi chính quyền phải cải chính ngay.

- Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, anh có nhận xét gì về sự ứng phó của Việt Nam với dịch bệnh này?

Khi theo dõi những thông tin liên quan tới sự ứng phó của Việt Nam trước dịch bệnh, cá nhân tôi luôn có suy nghĩ, một đất nước còn nghèo mà ngành Y tế còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, thuốc men, lại nằm ngay cạnh quốc gia là tâm bệnh, thì mọi khó khăn biết tới chừng nào!

Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy ngành Y tế cùng các ban ngành khác ở Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả và vượt khả năng của mình. Cần phải nói rằng Covid-19 là sự kiện chưa có tiền lệ, nên đã khiến nhiều nước phát triển hơn Việt Nam cũng điêu đứng.

Có dịp trao đổi với nhiều bạn bè cũng là bác sĩ ở Việt Nam, cá nhân tôi khâm phục trình độ và tinh thần hy sinh của họ - những điều mà ngày thường chúng ta có thể ít để ý, nhưng những kết quả khả quan đạt được - khi quyết tâm chính trị không thôi thì chưa đủ - đã cho thấy những nỗ lực lớn lao của họ.

Cũng cần nói thêm là trong đại dịch Covid-19 này, theo truyền thông trong nước, công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại một số địa điểm hiện đang là tâm bệnh đã tỏ ra hiệu quả. Việc có chuyến bay riêng đón công dân từ Vũ Hán hồi hương, là nỗ lực lớn mà không phải nước nào cũng làm được.

Bên cạnh đó, việc đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hàn Quốc mở đường dây nóng 24/24h, hoặc bệnh nhân Việt nhiễm Covid-19 bị giữ lại Hàn Quốc được Bộ Ngoại giao đề nghị chữa bệnh đều là những chỉ dấu tích cực trong bảo hộ công dân, một lĩnh vực vẫn bị cho là nhiều khi chưa được làm tốt.

- Có thể thấy du lịch là ngành kinh tế đầu tiên chịu hậu quả của dịch Covid-19, không chỉ tại một số nước châu Á mà còn ảnh hưởng tới tận các nước bên kia bán cầu. Vậy tình hình kinh doanh buôn bán của bà con ta tại Hungary và một số nước Châu Âu mà anh vừa ghé qua thì sao thưa anh?

Đối với các đồng nghiệp làm về du lịch thì ảnh hưởng hết sức rõ ràng: số khách hủy tour, hủy hợp đồng - kể cả trong các lộ trình thật ra không thuộc những vùng tâm bệnh - tăng vọt. Đây không phải chuyện riêng ai: thống kê cho thấy cả nền du lịch Ý đã sụp đổ trong vài ngày, hàng vạn công ty phá sản.

Về công việc kinh doanh nói chung, thời gian đầu của bệnh dịch tại nhiều nước Châu Âu đều nảy sinh tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, diễn ra dưới nhiều mức độ và nhiều dạng khác nhau với sắc dân Châu Á. Người Việt bị đánh đồng với người Hoa, bị xa lánh, dè bỉu, có lúc phải chịu cư xử thô bạo.

Các cửa hàng, cửa hiệu trong các khu thương mại hoặc ngoài phố của người Việt bị “tẩy chay”, khách vào thưa thớt, khiến nhiều hiệu phải trương bảng “Chúng tôi là người Việt”. Chính truyền thông bản địa cũng cho rằng nỗi sợ hãi khiến trỗi dậy những bản năng xấu xa, tiêu cực trong con người.

- Theo anh thì với sự nhạy bén, chịu khó của người Việt mình thì bà con ta sẽ có những cách thích nghi như thế nào trong công việc kinh doanh hiện nay?

Về sự nhạy bén thì người dân Việt có lẽ đi đầu trên thế giới! Trong khi các hiệu thuốc và cửa hiệu tại Hungary đồng loạt trương biển “hết khẩu trang và nước tẩy trùng khô” chẳng hạn, thì bà con vẫn kiếm được ra nguồn hàng, trước để cho nhu cầu cá nhân, sau để gửi về nước phục vụ gia đình.

Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và đồ nhu yếu phẩm thì cũng chính trong dịp này, có điều kiện cung cấp với số lượng lớn cho chính bà con và người tiêu dùng Hungary trong cơn số mua hàng dự trữ, diễn ra ở nước này trong những ngày vừa qua. Đáng để ý là các mặt hàng không tăng giá đáng kể.

Tất nhiên, do dịch vẫn còn kéo dài, và việc Covid-19 “xâm nhập” lãnh thổ Hungary chỉ là vấn đề thời gian theo giới chức y tế nước này, nên về ngắn hạn và trung hạn, đại dịch đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng: nhiều người bảo tác hại còn hơn kỳ khủng hoảng tài chính trước đây!

- Một tác động khác của dịch Covid-19, đó là có hay không sự kỳ thị người Châu Á, sự xa lánh và ngần ngại tiếp xúc với người Châu Á do sợ lây lan dịch bệnh này? Đây không chỉ là vấn đề ảnh hưởng tới bà con kiều bào mà còn là mối quan tâm của nhiều người dân trong nước có ý định sang Châu Âu hay ra nước ngoài du lịch thời gian này. Tại Hungary hay một số nước khác thì sao thưa anh?

Như đã nói ở trên, trong các hành trình gần đây ở nhiều nước Châu Âu và có dịp trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam, đa phần ai cũng nói về hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử, hoặc ở mức nhẹ hơn là cách đối xử bất lịch sự, có phần thô bạo xảy ra với nhiều người Việt trong thời gian qua.

Đây là một điểm mới, và giữa chúng tôi cũng xảy ra tranh luận: đó đã phải là sự kỳ thị chưa, hay đơn thuần là cảm giác đề phòng, cảnh giác trước một bệnh dịch hàm chứa nhiều bí ẩn? Tôi nghĩ, ranh giới nhiều khi rất mỏng manh, và điều đó thể hiện ngay trong một “sự cố” chúng tôi đã vừa gặp phải.

Chúng tôi đã đặt chỗ từ trước tại một nhà hàng rất nổi tiếng ở Đức, đề nghị chỗ tốt để xem được chương trình văn nghệ. Rốt cục, chúng tôi được được thu xếp trong một phòng kín, ở rất xa và hoàn toàn ngăn cách với sự kiện, cùng với vài đoàn Châu Á khác, trong khi chỗ trong nhà hàng còn rất nhiều.

Như vậy có phải là sự phân biệt đối xử? Nhà hàng hoàn toàn không hỏi han về “xuất xứ” chúng tôi, cũng không nói bất cứ gì liên quan tới Covid-19, thái độ của họ cũng hòa nhã thôi. Nhưng “sự cố” này, mà tôi chưa gặp bao giờ trong nhiều năm làm việc, vẫn gợi nên cảm giác không thoải mái trong mùa dịch...

- Thưa anh, câu chuyện của bà con tại Ba Lan, Nga và Czech tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, vitamin tăng sức đề kháng... cho tỉnh Vĩnh Phúc và bộ đội biên phòng, người dân vùng biên giới đã cho anh những cảm nhận như thế nào về tình cảm và tấm lòng của những người Việt xa xứ với quê hương, đồng bào mình?

Cần phải nói rằng không chỉ trong đại dịch này, mà vào bất cứ khi nào - lúc cần hỗ trợ đồng bào trong nước khi gặp thiên tai, địch họa, bà con ngoài này luôn thể hiện tình cảm rất sâu nặng, trên tinh thần “bầu bí thương nhau”, trong khi chính đời sống của bà con cũng còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ.

Tôi nghĩ rằng, cái đó chính là một biểu hiện rất tự nhiên của lòng yêu quê hương, đất nước, thông qua cảm xúc yêu gia đình, người thân, và rộng hơn là bạn bè, đồng bào, “người trong một nước”. Bất kể chính kiến và quan điểm có thể khác biệt, nhưng đại đa số người xa quê đều có tâm cảm như thế.

Và tấm lòng ấy, thông thường không nhất thiết được thể hiện và chúng ta có thể nhận ra hàng ngày. Nó thường được bộc lộ rõ ràng nhất khi đất nước gặp những vận nạn khó khăn, cần sự chung tay, đồng cảm và lòng nhân hậu. Và tôi nghĩ rằng, dịch bệnh Covid-19 này cũng là một dịp như thế...

Cuối cùng, có lẽ tất cả chúng ta đều mong mỏi dịch bệnh sớm được đẩy lùi và từ giờ tới đó, những tổn thất được giảm thiểu. Hàng ngày, phải đọc những thống kê về các nạn nhân, dù là người Việt hay nước ngoài, đều rất đau lòng, và tôi thầm mong có một phép màu để vượt qua đại dịch này...

(*) Vào thời điểm chương trình được ghi hình, Hungary vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm Coronavirus nào.

(**) Có thể xem toàn bộ chương trình trên kênh VTV4 tại đây.​

NCTG


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn