“CHÁU CÓ NÓI TIẾNG VIỆT KHÔNG EM?”

Thứ tư - 09/05/2018 15:36

(NCTG) “Nói tiếng quê hương, tiếng mẹ đẻ, tức là phát huy món quà truyền nối của cha mẹ ông bà. Ngoài việc càng nói nhiều thứ tiếng càng nhanh nhẹn đầu óc, hiểu thêm nhiều nền văn hóa, thì nói tiếng mẹ đẻ còn là việc giữ lửa tâm hồn đất tổ trong tâm hồn mình”.

Tác giả (giữa) cùng các bạn trẻ ở một hội thảo công nghệ tại Silicon Valley - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tác giả (giữa) cùng các bạn trẻ ở một hội thảo công nghệ tại Silicon Valley - Ảnh do nhân vật cung cấp

Một người bạn trước khi gọi điện cho con gái tôi đã cẩn thận hỏi lại tôi như thế.

Hơn một năm trước nếu ai hỏi tôi vậy tôi sẽ rất ngạc nhiên. 

Bởi quanh tôi con cái các bạn dù sinh ở nước nào, nói tiếng nước nào, đều nói rất thạo tiếng Việt. Con gái tôi luôn nói tiếng Việt với mẹ, luôn cố gắng viết và nói tiếng Việt. Mỗi khi gặp người Việt cháu đều vui khi nghe tiếng Việt.

Chồng tôi khuyến khích cháu luôn nói tiếng Anh vì nước Mỹ là nơi cháu học hành, làm việc và giao lưu bạn bè. Còn tôi cho rằng môi trường Anh ngữ có rồi, chẳng cần luyện nhiều vẫn nói đủ để làm việc, sống hạnh phúc tại đây. Còn nói tiếng Việt không có môi trường, nên khi nói với mẹ là khi nên nói bằng tiếng Việt.

Bây giờ ai hỏi câu trên tôi không quá ngạc nhiên.

Vì tôi gặp rất nhiều cháu không nói được tiếng Việt. Kể cả những cháu sinh ở Việt Nam và từng học cấp phổ thông cơ sở ở Việt Nam. 

Và người bạn tôi chắc cũng gặp quá nhiều cháu không hề biết nói tiếng Việt.

Tại sao người gốc Việt cần nói tiếng Việt?

Vì tiếng Việt là cái kết nối người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Vì nói thêm một thứ tiếng, nhất là tiếng mẹ đẻ, thì sẽ giàu có tâm hồn, dễ dàng giao tiếp, thành công hơn trong cuộc sống. (Và nhỡ trong mơ có gặp ông bà cụ kỵ còn có thể chuyện trò với nhau. Và tiếng Việt đẹp, sao không nói?!)

Nói tiếng quê hương, tiếng mẹ đẻ, tức là phát huy món quà truyền nối của cha mẹ ông bà. Ngoài việc càng nói nhiều thứ tiếng càng nhanh nhẹn đầu óc, hiểu thêm nhiều nền văn hóa, thì nói tiếng mẹ đẻ còn là việc giữ lửa tâm hồn đất tổ trong tâm hồn mình.
 
Cả chủ tọa lẫn khách mời đều nói tiếng Việt, dù tất cả đều rất thạo tiếng Anh - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cả chủ tọa lẫn khách mời đều nói tiếng Việt, dù tất cả đều rất thạo tiếng Anh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tiếng mẹ đẻ là tiếng quê hương, nơi mình sinh ra, và cũng là tiếng người mẹ đẻ ra mình nói.

Khi mẹ cha ốm đau, được nghe tiếng con nói bằng tiếng mẹ đẻ thì sẽ khỏe ra.

Mẹ tôi là người gốc Việt, tiếng mẹ đẻ của mẹ là tiếng Việt. Nhưng tiếng mẹ hát, mẹ nói khi còn bé là tiếng Thái Lan. Tôi rất buồn vì những ngày mẹ tôi ốm nặng, mẹ tôi hát bằng tiếng Thái, nơi mẹ tôi sinh ra và ở đó đến năm mẹ 24 tuổi, trước khi theo ba tôi về Việt Nam.

Tôi không biết nói tiếng Thái vì thế không thể hỏi han hay hát cùng mẹ bằng thứ tiếng gần gũi với mẹ. Điều đó làm tôi day dứt mãi không thôi. Tôi thương mẹ vì những phút cuối trên cõi đời, mẹ không được nghe bằng thứ tiếng gần gũi với mẹ nhất, trong vô thức mẹ nói.

Yêu mẹ thế, sao tôi không học tiếng Thái để nói chuyện bằng tiếng lòng với mẹ?!

Hoàng Thị Vinh, từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: tiếng Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn