(NCTG) Nguyễn Huy Hoàng sinh 1953 tại Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, anh nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga, như anh nói, “tôi đã sống ở Nga gần ba chục năm vắt qua hai thế kỷ”.
Nhà thơ, TS. Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng
Trong khoảng thời gian xa quê hương dằng dặc ấy trên xứ tuyết, anh đã rong ruổi ngang dọc hầu khắp đất nước Nga bao la, tới nhiều thành phố, làng mạc xa xôi, tiếp xúc với đủ loại người từ các văn nghệ sĩ, trí thức, quan chức đến những người dân Nga bình thường và nhân hậu.
Anh đã chứng kiến và cùng trải nghiệm nỗi đau đớn xót xa của những người đã từng sống trên đất Nga thời kỳ hậu Xô-viết thiếu thốn và bất an, bắt trắc và khủng khoảng niềm tin dữ dội. Anh đã đi qua những năm tháng khốn khó ấy với “nỗi đau nhân đôi” vì bi kịch gia đình: cháu Quỳnh Nga, con gái đầu yêu quý của vợ chồng anh đã thất lạc ngay trước ngày tựu trường. Đi tìm con nhiều năm trong nỗi lo lắng, xót xa của người cha, sau này anh đã viết những vần thơ đầy thương cảm và ám ảnh:
Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín
Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
Anh không chỉ gần gũi với thiên nhiên hùng vĩ của nước Nga, am hiểu sâu sắc nền văn hóa Nga rực rỡ bản sắc và giàu truyền thống, yêu say mê nền văn học Nga phong phú và đầy tính nhân văn, mà còn gắn bó máu thịt, hiểu rõ và dự phần vào đời sống muôn màu của cộng đồng người Việt ở Nga, lúc cao điểm lên tới khoảng 200 ngàn người.
Vượt lên nỗi đau riêng, anh đã bền bỉ viết như một nỗi đam mê, đã làm rất nhiều thơ ghi lại những tháng ngày không thể nào quên ấy như “một thời tôi từng có”. Nguyễn Huy Hoàng viết nhiều và viết đều, tới nay anh đã có trên mười sáu tác phẩm được in trong nước gồm các thể loại: thơ, truyện, ký, tiểu luận; anh còn biên soạn cả giáo trình “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX” được dùng giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội và có cả tập chuyên luận về “Thi pháp truyện ngắn Gogol”.
Nhưng, Nguyễn Huy Hoàng trước và trên hết là một nhà thơ với ba mảng chủ đề chính: nước Nga, đời sống của cộng đồng người Việt ở Nga và nỗi hoài nhớ quê hương của một người con xa xứ.
Ở mảng đề tài nào anh cũng có những thành công nhất định, thơ anh dung dị, giàu cảm xúc và nhiều khi đẹp đến nao lòng, đặc biệt khi viết về thiên nhiên Nga - “thoáng rêu phong trên thân bạch dương gầy” -, về những tấm lòng Nga thuần phác và nhân hậu - “Bà mẹ Nga bên bếp lửa ngồi đan/ Mái tóc trắng vương theo làn khói tỏa”-, về nỗi hoài nhớ quê hương đến day dứt, đắng đót cõi lòng - “Nghe hồn ngọn gió ly quê/Len trong lãng đãng bốn bề khói sương”.
Nguyễn Huy Hoàng, như người ta thường nói, thật sự đã trở thành một nhịp cầu nối hai nền văn hóa Việt và Nga. Anh yêu hai đất nước đến quặn thắt:
Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc
Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi
Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực
Tôi tự đặt trái tim rớm máu dưới chân người.
Hình như, ở Nguyễn Huy Hoàng đã hội tụ đủ ba yếu tố cần thiết để làm nên một người thơ, một thi sĩ: tâm, tài và tình.
(*) Nhân dịp nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sang thăm Budapest, báo NCTG và CLB Thơ sẽ tổ chúc buổi giao lưu với nhà thơ về hai chủ đề chính: 1. Thơ và đời; 2. Người Việt trên xứ tuyết, tại Ngôi Nhà Việt (địa chỉ: Édenkert - 1161 Budapest, Rákóczi út 162.) vào hồi 19h30 ngày 12-7-2015. Trân trọng kính mời các bạn yêu văn thơ trong cộng đồng tới dự!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...