Viết từ Praha: BIỂU TÌNH ĐỂ BÀY TỎ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Thứ tư - 11/05/2016 16:18

(NCTG) “Đến trước Đại sự quán Việt tại Praha bày tỏ chính kiến và sự bức xức của mình trước thái độ và phản ứng của chính quyền Việt Nam không chỉ là việc làm cho tôi mà còn là trách nhiệm của tôi với đất nước” (Một bạn trẻ tham gia biểu tình chia sẻ)

Những tiếng nói đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm - Ảnh: FB Nguyen Minh Khoa

Những tiếng nói đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm - Ảnh: FB Nguyen Minh Khoa

Mấy ngày trước khi diễn ra cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Praha. Ngồi trên tàu điện ngầm, cầm cuốn “Schatten im Paradies” (Erich Marie Remarque) và đọc tới đoạn mạng người Do Thái trong trại tập trung được tính bằng tiền một cách lạnh lùng và vô cảm (*), tôi lặng người.

Và tôi đã phải đọc đi đọc lại đoạn này nhiều lần để chắc là mình hiểu đúng. Đọc đến lần thứ x, tôi chợt tự hỏi, giá của một người miền Trung hay một người đàn ông Việt là bao nhiêu? Tôi giá bao nhiêu nhỉ? Giá trị của tôi qui ra tiền bạc sẽ lớn hơn khi tôi không sống ở Việt Nam mà ở Praha?

Cái giá của một người Việt?

Hãy cùng tôi xem xét với phép tính dưới đây:

Tổng giá trị của Formosa - hiện được coi là nghi can chính trong việc hủy hoại môi trường biển ở Việt Nam - là khoảng 10 tỷ USD. Lợi nhuận mà Formosa mang lại cho kinh tế Việt Nam hiện vẫn chưa xác định được. Vậy chúng ta tạm thời cứ cho 10 tỷ USD đó là “phần thưởng” cho Việt Nam.

Thảm họa môi trường bắt đầu từ miền Trung Việt Nam và hiện nay trải dài trên khoảng 200 km bờ biển, không biết sẽ lan nhanh đến đâu? Trên toàn lãnh thổ Việt Nam và lan sang nước láng giềng Trung Quốc? Tạm thời cứ cho là nước và cá “chỉ” bị nhiễm độc trên hơn hai trăm km bờ biển.
 
Cái giá của một ngư dân là bao nhiêu? - Ảnh: HoangSa.Net
Cái giá của một ngư dân là bao nhiêu? - Ảnh: HoangSa.Net

Đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận và phát ngôn chính thức về mức độ thiệt hại và ô nhiễm tới môi trường và kinh tế Việt Nam, nhưng theo một số nguồn tin không chính thức, nếu Formosa ngừng xả ngay lập tức và chính quyền tức thì bắt tay giải quyết hậu quả thì ít nhất cũng phải mất 50 năm.

Dân số miền Trung hiện là 18-19 triệu người. Nếu thiệt hại được khắc phục sau 50 năm thì có nghĩa là tổng số người chịu thiệt hại lên tới 3-4 thế hệ. Nếu lấy tổng số vốn đầu tư của Formosa chia cho tổng số dân miền Trung trong vòng mấy thế hệ thì mỗi người dân trị giá trung bình là bao nhiêu?

Nếu làm một phép tính tương tự với mẫu số là tổng số dân của Việt Nam trong vòng mấy thế hệ thì thương số sẽ là bao nhiêu?

Sợ hãi và lúng túng

Trong thảm họa môi trường hiện tại, chính quyền Việt Nam tỏ ra thiếu minh bạch, trốn tránh trách nhiệm, quanh co không giải quyết hậu quả và giúp đỡ những người bị thiệt hại. Đồng thời, việc họ đàn áp người biểu tình và những tiếng nói phản biện thể hiện sự lúng túng, hay đúng hơn là sự sợ hãi.
 
Thảm họa môi trường lhủng khiếp: cá chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện ở Kỳ An (Hà Tĩnh), gần khu công nghiệp Vũng Áng, vào đầu tháng 4, sau đó lan rộng vào tận vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) - Đồ họa: Nguyễn Phượng (Zing)
Thảm họa môi trường lhủng khiếp: cá chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện ở Kỳ An (Hà Tĩnh), gần khu công nghiệp Vũng Áng, vào đầu tháng 4, sau đó lan rộng vào tận vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) - Đồ họa: Nguyễn Phượng (Zing)

Họ sợ nhận thức của người dân, sợ dân ý thức được rằng sống trong một môi trường trong sạch là điều bình thường, chứ không phải điều ngược lại? Và với nỗ sợ ấy, vô hình chung, họ đánh đồng giá trị của chính bản thân, gia đình bạn bè và cuối cùng là nhân dân với giá “một số đồng đô-la”.

Có bao giờ Ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nghĩ rằng, người thân và bạn hữu của họ, cũng như người dân trong vùng sống bằng nghề biển có giá trị ngang với một người Do Thái trong Thế chiến thứ Hai, như trích đoạn trong tác phẩm nói trên của nhà văn Đức Erich Marie Remarque?

Việc một ai đó hành động không kiểm soát được khi sợ hãi là hoàn toàn có thể hiểu được. Đó là lý do khiến chúng tôi, hôm 9-5, đã không chỉ đến trước Đại sứ quán Praha để bày tỏ sự cảm thông với chính quyền mà còn đề nghị những giải pháp hết sức thiết thực trong việc giải quyết tình hình hiện tại.

Tiếng lòng và bổn phận phải lên tiếng

Chiều ngày 9-5-2016, được sự ủng hộ nhiệt tình của một số bạn bè và bà con người Việt tại Czech, trên cương vị một tổ chức xã hội dân sự, nhóm Văn Lang khởi xướng cuộc biểu tình với chủ đề chính là “Chung tay cứu lấy biển quê hương” trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Praha.
 
Nói lời không với sự thờ ơ, vô cảm - Ảnh: FB Ngo Viet Huong
Nói lời không với sự thờ ơ, vô cảm - Ảnh: FB Ngo Viet Huong

Trước đó, Văn Lang và bạn hữu đã soạn thảo Kiến nghị gửi chính quyền Việt Nam, nhấn mạnh sự nguy cấp của “thảm họa môi trường chưa từng có trong lịch sử Việt Nam”, yêu cầu chính phủ có biện pháp hữu hiệu và minh bạch để điều cha vụ cá chết và hỗ trợ ngư dân trong cơn khủng hoảng.

Tuy đã được thông báo từ trước, song Đại sứ quán Việt Nam đã không cử đại diện ra nhận Kiến nghị và trao đổi về tình hình hiện tại như Ban tổ chức biểu tình mong muốn, do đó Kiến nghị chỉ được gửi qua hòm thư. Một cơ hội đối thoại giữ dân và chính quyền lại đã bị đánh mất một cách đáng tiếc.

So với cuộc biểu tình “Vì Hà Nội xanh” trước Đại sứ quán cách đây một năm thì lượng người tham gia có tăng lên chút đỉnh. Nếu một năm trước, có chừng 50 người thì lần nay là khoảng 70 người kể cả trẻ em (có 61 người ký kiến nghị), trên tổng số trên dưới 60 ngàn người Việt sinh sống tại Czech.

Tuy số người tham gia ít, nhưng không khí của buổi trao kiến nghị rất ý nghĩa và diễn tả hoàn hảo tấm lòng và nhiệt huyết của bà con kiều bào. “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, chỉ có người dân mới hiểu và thông cảm được cho lãnh đạo của mình, để cùng giúp nhau vượt qua hoạn nạn.
 
Kiến nghị đã được đọc cả bằng tiếng Anh và Czech để bạn bè quốc tế hiểu nỗi lòng người Việt xa quê - Ảnh: FB Ngo Viet Huong
Kiến nghị đã được đọc cả bằng tiếng Việt và Czech để bạn bè quốc tế hiểu nỗi lòng người Việt xa quê - Ảnh: FB Ngo Viet Huong

Trách nhiệm của chúng ta là cho chính quyền biết, chúng ta trị giá bao nhiêu. Nếu họ vô trách nhiệm thì đó là trách nhiệm của chúng ta. Nếu không thể hiện chúng ta muốn gì, thì làm sao chúng ta có thể được “phục vụ” đúng cách? Và điều đó đã được thể hiện trong cuộc biểu tình, qua những người Việt sống tại Czech ở nhiều lứa tuổi, thế hệ, nghề nghiệp khác nhau.

“Triệu con tim”

Có bạn đưa cả gia đình tới tham gia dù sinh sống cách thủ đô tới hơn vài trăm cây số. Nhiều người bỏ công, bỏ việc có mặt trong hai tiếng cùng chúng tôi để tiếng nói trách nhiệm của họ và chúng tôi không bị lãng quên. Có những bạn còn rất trẻ - 18, 19 tuổi - cũng cất lời tâm huyết gửi về quê hương cho một “Việt Nam sạch và tự do”.

Một số bạn bè người Czech cũng đến ủng hộ cuộc biểu tình, trao kiến nghị. Một trong số họ đệm guitar cho chúng tôi hát bài “Triệu con tim” (**). Được phóng viên báo Czech hỏi “tại sao anh lại đến tham dự buổi biểu tình với những người Việt này?”, anh đáp: “Sinh viên của tôi mời tôi tới đây. Như Natálie Gorbaněvská đã nói, “vì tự do của các bạn và tự do của chúng tôi”.

Lời ca hào hùng và thổn thức của ca khúc “Triệu con tim” không phải là những lời duy nhất vang lên trong buổi biểu tình. Những giai điệu quen thuộc như “Trả lại cho dân”, “Dậy mà đi”... cũng được bà con hào hứng hát vang.
 
Cất lên tiếng nói trách nhiệm của người dân - Ảnh: FB Ngo Viet Huong
Cất lên tiếng nói trách nhiệm của người dân - Ảnh: FB Ngo Viet Huong

Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” (***) của cô giáo Trần Thị Lam và một số bài thơ khác được sáng tác trong thời gian gần đây đối với hiện tình của đất nước đã thay lời chúng tôi nói lên lý do, vì sao chúng tôi cùng nhau tụ họp trước Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Czech để trao kiến nghị cho chính quyền.

Ghi chú:

(*) “People are cheaper in Germany,” I said. “In the concentration camps they figured out that a young Jew in good condition is worm sixteen hundred twenty marks. They hire him out to German industry as a slave laborer for six marks a day. It costs the camp sixty pfennigs a day to feed him. Amortization of clothing comes to ten more. Average longevity: nine months. That brings the profit to something over fourteen hundred marks. Then there's what they call the rational processing of the remains: gold teeth and fillings, hair, personal apparel, money and valuables, minus two marks for the cost of cremation. The net profit comes to about sixteen hundred twenty marks. Allowing for children, the sick, and the aged, whom it costs approximately six marks to gas and cremate, it still averages out to twelve hundred marks”.

(**) Bài hát”Triệu con tim” được nhóm Văn Lang đăng ký đồng ca trong buổi quyên góp “Hướng về Biển đảo quê hương và chủ quyền của Tổ quốc” được tổ chức vào đêm 30-4 tại Praha, nhưng bị từ chối với lý do “có những ca từ phản ánh về thực tế không đúng với thực tế, tạo ra sự đối nghịch và mang tính kích động chia rẽ”.

(***) Bài thơ được đưa lên mạng Facebook ngày 25-4 đã tạo nên cơn sốt với rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Theo tin của báo “Đời sống Pháp luật”, Công an P38 - Phòng an ninh văn hóa - bảo vệ chính trị Hà Tĩnh xác nhận đã gặp cô giáo Lam và nhắc nhở “không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội”.

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu…

Ngô Thúy Vân, từ Praha - Ngày 10-5-2016


 
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn