Chuyện nước Mỹ (4): HỌC KHU SYOSSET VÀ CẬU HỌC SINH TRUNG HỌC JOSH LAFAZAN

Thứ sáu - 04/04/2014 23:39

(NCTG) “Một học sinh lớp 12, 18 tuổi, trẻ măng, công khai thách thức sếp bự của các thầy cô giáo của mình. Trò này ở Việt Nam chắc chưa bao giờ có!”.


Học sinh tại khu Old Westbury - Ảnh: newsday.com


Về mặt hành chính, bản đồ liên bang Hoa Kỳ được chia ra thành các tiểu bang (state), rồi dưới tiểu bang là các quận, huyện, hạt (county). Cấp dưới của countytown, chả biết dịch là gì, thôi thì tạm gọi là phường, xã. Chữ “city” mà tiếng Việt hay dịch là thành phố thực ra rất áng chừng. Có những city lớn như New York City bao liền 5 quận. Và cũng có Garden City thực ra chỉ là một town (phường) nhỏ trong quận Nassau.

Nhưng về giáo dục, nước Mỹ có một bản đồ hoàn toàn khác. Các tiểu bang được phân chia thành những học khu. New York City là học khu lớn nhất nước Mỹ, phức tạp nhất nước Mỹ nên cũng to đầu bướng bỉnh nhất nước Mỹ. Chính quyền thành phố New York với 5 quận (Manhattan, Queens, Brooklyn, Staten Island và Bronx) hợp chung quy một mối quản lý trở thành học khu lớn nhất cả nước.

Các học khu còn lại, thường được phân chia theo phường, xã (town), nhưng không lệ thuộc vào bản đồ hành chính chung. Ví dụ theo bản đồ hành chính, nhà mình thuộc về Old Westbury, nhưng theo bản đồ học khu, mình thuộc Westbury. Mình đi bầu thị trưởng Old Westbury nhưng con trai mình sẽ học theo học khu Westbury. Mỗi học khu có ngân sách riêng, quỹ riêng, quản lý riêng, gần như không phụ thuộc vào ai.

Chuyện phân chia này đẻ ra rất nhiều hệ lụy. Nó lý giải vì sao hai khu phố cạnh nhau, sát bên nhau như Garden City và Hempstead, mà bọn trẻ lại đi học ở những trường khác nhau, không chơi với nhau và khác nhau nhiều thế. Người ở Garden City phải trả thuế trường cho học khu Garden City, đắt hơn nhiều nhà hàng xóm Hempstead.

Học khu tốt làm tăng giá nhà đất. Bạn cứ tưởng tượng thế này, hai dãy nhà hai bên trên cùng một con phố, kiểu giống hệt nhau, xây bằng cùng một nhà đầu tư, trong cùng một thời gian, cùng trong phường Westbury hàng xóm của mình. Nhưng nhà dãy bên trái thuộc về học khu Westbury, bên kia là Jericho, học khu được coi là tốt nhất tiểu bang New York, có giá chênh nhau 200 ngàn đô!

Tất nhiên đâu cũng có những ngoại lệ. Nếu nhà bạn ở trong học khu yếu kém, muốn cho con đi học trường tốt hơn thì chịu khó trả tiền học cho học khu khác, hoặc cho một trường tư nào đấy, thay vì trả thuế cao, thì trả học phí cao vậy.

Dân châu Á thường ngại con cái mình học chung với dân gốc Phi và gốc Mỹ - La Tinh, nên thường mua nhà ở khu trắng, không phải do phân biệt chủng tộc. Dân gốc Nam Mỹ, người Việt hay gọi chung là Xì (từ chữ Spanish vì hầu hết họ nói tiếng Tây Ban Nha). Về mặt sinh học, dân Xì hình như lớn nhanh hơn. Ở tuổi 13, 14, con gái ngực to mông nở. Người ta vẫn nói gái Xì rực rỡ nhất ở tuổi 16, rồi sau đấy là “down hill” tàn tạ. Sinh lý phát triển sớm, nên trẻ cũng có nhu cầu yêu sớm. Có lẽ vì thế ở nhiều nước Nam Mỹ, luật pháp cho phép kết hôn từ 14 tuổi.

Cũng ở tuổi ấy, con gái châu Á 13, 14 tuổi thường vẫn “lép kẹp”. Bố mẹ châu Á vẫn muốn con mình tập trung vào việc học, quá sớm để yêu đương. Kết cục là con gái Xì nhìn đám bạn châu Á như “một lũ chíp hôi”, không biết yêu, không thèm chơi. Như thế tâm lý trẻ con lớn lên cũng có nhiều ảnh hưởng. Mà có “chíp hôi” nào tự ti muốn a dua học yêu khi cơ thể chưa lớn kịp cũng sẽ ảnh hưởng. Trẻ con thường không thích những đứa khác mình. Tốt nhất là tránh ra, cho con đi học trường khác cho lành.

Trẻ gốc Phi lớn nhanh không kém dân Xì. Dân trắng có vẻ chậm rãi hơn một chút, gần với dân Á hơn. Các bậc phụ huynh cũng coi trọng việc học hơn, nên dân Á ở New York thường hay đan xen sống chung với họ. Nhưng ngay cả trong đám trắng, việc học cũng khác nhau. Dân Do thái gần hơn với dân Việt, Hàn, Nhật và Tàu, vì họ đặt nặng việc học không kém gì gốc đạo Khổng. Học khu nào có nhiều dân Do Thái đều là những học khu có tiếng tăm, như Jericho, Syosset hay Great Neck ở quận Nassau mình ở.

Giống như một công ty kinh doanh niêm yết trên thị trường, Ban điều hành công ty hoạt động dưới sự giám sát của “Hội đồng Cổ đông” do các cổ đông bầu nên. Các “cổ đông” ở học khu là những người dân sống trong địa bàn học khu, gọi là là Hội đồng Học khu (school board) để giám sát hoạt động của Ban điều hành Học khu (school district administration).

Cứ hai năm một lần, dân lại đi bầu Hội đồng Học khu. Bầu nhiều quá, nhiều dân chán chả muốn đi. Nhiều school board trống chỗ, thế là các ông bà quản lý điều hành hoành hành muốn làm gì thì làm. Tổng điều hành Học khu Syosset tự từ từ tăng lương cho mình lên hơn nửa triệu một năm, góp phần làm thuế tăng cao, khi dân nhận ra thì khá muộn rồi.


Josh Lafazan, vì sao trẻ tuổi - Ảnh: Danielle Finkelstein (newsday.com)

Thời thế sinh anh hùng. Năm 2012, một ngôi sao hiện lên trên bầu trời Mỹ của mình. Josh Lafazan, một học sinh trường trung học Syosset công khai phản đối mức lương 540 ngàn một năm của Tổng điều hành học khu Carole Hankin, gọi đó là sự phí phạm ghê gớm tiền thuế của dân, tự ứng cử vào Hội đồng Học khu và trúng cử với 82% phiếu bầu. Một học sinh lớp 12, 18 tuổi, trẻ măng, công khai thách thức sếp bự của các thầy cô giáo của mình. Trò này ở Việt Nam chắc chưa bao giờ có!

Syosset là học khu khá tiếng tăm ở quận Nassau, Long Island. Trường học ở Long Island nổi tiếng toàn tiểu bang New York. Ở Hà Nội, những trường công lập trong trung tâm thành phố thường có tiếng tăm hơn. Nhưng ở New York thì ngược lại. Khi còn trẻ, ham chơi, người ta ở trung tâm đi chơi cho gần. Nhưng khi kết hôn, chuẩn bị có con cái, nhiều người chuyển nhà từ Manhattan ra Long Island vì trường học tốt.

Học khu Syosset được coi là chỉ thua kém học khu Jericho bên cạnh một chút thôi, nên giá nhà cao, thuế trường cao, ngân sách cao. Mấy năm trời ít người quan tâm, không thành viên mới, ít họp hành, dân Syosset chểnh mảng theo dõi, Carole Hankin với sự ủng hộ của cựu chủ tịch Hội đồng Học khu, làm hợp đồng, tự nâng lương cho mình và cho bộ sậu cao ngất ngư, gấp đôi gấp ba mức lương của các học khu khác. Châm biếm ở chỗ, trong khi lương của mình tăng đều đến hơn nửa triệu một năm, nhưng với lý do tiết kiệm chi phí cho học khu, Carole tuyên bố đóng băng, không tăng lương cho toàn giáo viên học khu trong hai năm liền. Tất nhiên nhiều người ấm ức.

Thế là mình để tâm theo dõi cuộc chiến của anh chàng lớp trưởng Josh.

Nhờ có Josh Lafazan, mình biết tuổi trẻ cũng có thể làm được nhiều việc khác ngoài việc ăn, chơi, học và đi thi, thậm chí có thể làm chính trị. Mười bảy tuổi, sau khi thấy cầu thủ thần tượng mình yêu thích bị bắt vì lái xe khi say xỉn, Josh lập ra tổ chức phi lợi nhuận Saferide Syosset. Theo ý Josh, học sinh giấu bố mẹ uống rượu hay thậm chí sử dụng ma túy, thường sau đó cố tỏ ra bình thường, cố lái xe về như không có gì xảy ra, do đó gây tai nạn dễ dàng.

Chương trình của Josh, dành cho học sinh trung học Syosset, các thứ Sáu và thứ Bẩy hàng tuần, từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, nếu ai không cảm thấy muốn lái xe, có thể vì quá chén hay vì bất kỳ lý do gì, có thể gọi điện cho Josh - các tình nguyện viên làm việc theo cặp trong “tổ chức” của cậu sẽ lái xe đến đón họ và đưa về tận nhà. Phương châm là “miễn phí, không hỏi, không thắc mắc, không phán xét”. Kết quả là trong năm học 2011- 2012, không có học sinh Syosset nào dính dáng đến các vụ tai nạn xe hơi do quá chén.

Và Josh rắp tâm ứng cử vào Hội đồng Học khu.

Và Ban điều hành Học khu, đứng đầu là Carole Hankin, sớm nhận ra “nguy cơ” tiềm ẩn. Khi chánh án Tòa án quận Nassau Kathleen Rice tổ chức buổi nói chuyện về chương trình “lái xe khi say xỉn” của mình tại trường trung học Syosset, Josh đề nghị được tham gia thuyết trình với tư cách là người thành lập Safe Ride Syosset. Văn phòng của Rice đồng ý, nhưng Ban điều hành Học khu không cho, với lý do “chính sách của học khu không cho các tổ chức bên ngoài vào trường”.

Nhưng Josh sớm chỉ ra rằng không phải lúc nào học khu cũng nhất quán về chính sách này. Trong trường có rất nhiều quảng cáo gây quỹ của các tổ chức phi lợi nhuận khác, nhưng họ không cho phép tổ chức của cậu. Cậu phát biểu “đây là ví dụ hoàn hảo để mọi người thấy Ban điều hành Học khu đặt lợi ích chính trị lên trên việc đảm bảo an toàn cho học sinh”. Tất nhiên, Carole Hankin không muốn Josh tranh thủ kiếm thêm phiếu.

Trận chiến bắt đầu nhen nhóm.

Josh không ngần ngại chỉ trích cả Hội đồng Học khu cũ, tuyên bố tất cả những ai bỏ phiếu tán thành với hợp đồng lao động của Carole Hankin năm 2011, cho phép bà hưởng mức lương ngất ngư hiện tại tới hết năm 2016, là “không xứng đáng là đại diện của cư dân Syosset”. Xa hơn thế, Josh chỉ trích chính sách “phát biểu trước công chúng”, không cho phép người dân hỏi những câu hỏi không có trong chương trình nghị sự mỗi khi họp hội đồng. “Nếu các quý vị có thắc mắc, quý vị có quyền đòi hỏi câu trả lời. Những người đại diện do dân bầu ra, tất nhiên phải làm việc cho dân, không được phép từ chối trả lời vì bất cứ lý do gì”.

Đồng thời Josh cho rằng Hội đồng Học khu cần hoạt động một cách minh bạch hơn, cởi mở, gần dân hơn, giống như học khu Jericho bên cạnh, rất chịu khó lắng nghe ý kiến của cư dân. Josh đưa ra thêm một số dự án với hy vọng thu lợi nhuận. Rốt cuộc thì “việc của Hội đồng Học khu là làm sao có được chất lượng giáo dục tốt nhất với chi phí thấp nhất”.
 
Cũng giống như bầu cử tổng thống, Josh cũng có cả một Ban vận động tranh cử gồm các bạn của cậu. Họ in tờ rơi và đi phát cho từng học sinh, từng nhà trong các khu dân cư trực thuộc. Họ lập website, liên lạc với tờ báo địa phương và Josh đưa ra các phát biểu. Dân Syosset đang ngán thuế trường cao, nhiều người tỏ ý ủng hộ Josh. Cậu có vẻ đang thắng thế.

Rồi kênh truyền hình địa phương Long Island thấy cậu chàng trẻ tuổi đẹp trai bèn nhảy vào đưa tin. Chẳng mấy khi có học sinh lớp 12 làm chính trị. Tin đến tai đài Fox, cậu được mời trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Fox Business Network. Chững chạc và rõ ràng trả lời từng câu hỏi phỏng vấn của người dẫn chương trình kỳ cựu, cậu trưởng lớp 12 Josh Lafazan thành sao. Dân Syosset theo dõi sát sao hành trình của cậu, nhận ra sự có lý trong chiến dịch tranh cử của cậu.

Josh thực sự trở thành “nguy cơ” đối với Ban điều hành Học khu.

Trước ngày bầu cử một ngày, các gia đình trong địa bàn học khu Syosset đồng loạt nhận được điện thoại từ máy tự động: “Jeffrey Lafazan bất hợp pháp lấy cắp danh sách tên và địa chỉ của người dân khi không ai cho phép và bỏ chạy”. Tin này cũng được lặp đi lăp lại từ hệ thống loa trường vốn chỉ dùng trong trường hợp cảnh báo nguy hiểm.

Jeffrey là cha của Josh. Việc này khá xôn xao. Thông tin cá nhân bị phát tán có thể đưa đến nhiều bất lợi.  Nhiều người tỏ ra thắc mắc vì sao những thông tin nội bộ như thế lại được phát trên loa phóng thanh thường chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, như khi có khủng bố trường học, vì sao phải gọi điện đến từng nhà gấp gáp như có ai đang chuẩn bị nổ súng vào con cái họ.

Phát biểu trên truyền hình, Josh tuyên bố đây là bẫy của Ban điều hành Học khu nhằm chống lại cậu. Bản thân Jeffrey Lafazan giải thích ông muốn có một bản copy của danh sách những người xin phép vắng mặt trong ngày bầu cử, bản danh sách này là hoàn toàn công khai. Ông đã gọi điện trước để yêu cầu một bản phô tô. “Tôi đến, bà ấy mời tôi vào phòng, rồi đưa cho tôi bản danh sách, và nói “của ông đây”. Tất nhiên tôi hiểu là bản copy của tôi, nên tôi cầm về”. Ban điều hành Học khu thậm chí còn gọi cảnh sát, báo cáo sự việc. Josh khẳng định “đây là chiến thuật bôi nhọ rõ ràng, một hành động cố vớt vát vào phút chót”.


Cùng bạn bè sau chiến thắng (ngày 16-5-2012) - Ảnh: David Pokress

Ngày 15-5-2012, một tháng trước khi chính thức tốt nghiệp phổ thông trung học, Josh Lafazan giành được ghế Hội đồng Giáo dục Học khu với 82% tổng số phiếu bầu. Hành động cuối cùng của Carole Hankin khiến người dân tức giận dồn phiếu cho cậu. Josh Lafazan trở thành một trong những quan chức chính quyền trẻ nhất do dân bầu ra trong lịch sử New York. Josh quyết định theo học trường Đại học Cộng đồng Nassau Community College gần nhà để vừa học vừa đảm bảo công việc Hội đồng.

Cuộc chiến giờ mới chính thức bắt đầu. Là thành viên Hội đồng Học khu, Josh bắt đầu tìm cách thực hiện những cải cách đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Hơn một năm sau khi trúng cử, tháng 7-2013, TS. Carole Hankin tuyên bố chính thức nghỉ hưu, cho dù hợp đồng của bà với học khu Syosset đến năm 2016 mới hết hạn. Tên người thay thế là TS. Thomas Rogers, với mức lương 279 ngàn đô mỗi năm, nhỉnh hơn chỉ một nửa so với lương người tiền nhiệm.

Trước Josh, Long Island đã có năm thành viên Hội đồng Học khu trúng cử ở tuổi 18. Người đầu tiên, Thomas DiNapoli, mở màn cho phong trào này, hiện là Tổng kiểm soát Tài chính tiểu bang New York, người đứng đầu về mặt tài chính của tiểu bang.

Mình sẽ tiếp tục theo dõi sự nghiệp chính trị của anh chàng này. Biết đâu…

Phan Ngọc Linh, từ Long Island, New York


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn