Ông già Noel, hình tượng nổi tiếng của xứ sở Phần Lan - Ảnh: Internet
Lễ Giáng sinh ở Phần Lan kéo dài trong ba ngày từ 24-12 đến 26-12, trong đó quan trọng nhất là đêm 24-12. Tuy nhiên, mùa Giáng sinh có thể nói bắt đầu từ đầu tháng 12 với việc chuẩn bị không chỉ ở các gia đình mà ở các công sở, cơ quan cũng như trường học. Đây là thời gian các cơ quan, trường học, hội đoàn tổ chức các buổi liên hoan (gọi là
pikku joulu - Giáng sinh bé, trong tiếng Phần Lan ) trước lễ đón Giáng sinh theo truyền thống ở gia đình.
Riêng với cộng đồng người Phần Lan gốc Thụy Điển, sự bắt đầu của mùa Giáng sinh còn được đánh dấu bằng lễ hội Lucia – một lễ hội truyền thống lâu đời có nguồn gốc từ Thụy Điển. Theo truyền thống của lễ hội này, cứ vào ngày 13-12 hàng năm, một thiếu nữ Phần Lan gốc Thụy Điển được tờ báo tiếng Thụy Điển lớn nhất ở Phần Lan là “Hufvudstadsbladet” chọn làm trinh nữ Lucia mặc váy trắng và đội vương miện gắn nhiều ngọn nến sẽ dẫn đầu một đoàn diễu hành gồm các thiếu nữ đến làm lễ tại nhà thờ lớn ở Helsinki.
Những ngày tiếp theo, trinh nữ Lucia tham dự nhiều buổi mít tinh ở nơi công cộng, đi đến các trường học, bệnh viện để mang “ánh sáng” và hy vọng đến cho mọi người. Vào dịp này hình ảnh của thiếu nữ được chọn là trinh nữ Lucia xuất hiện ở rất nhiều nơi trên các quảng trường cũng như trên báo chí và truyền hình của Phần Lan. Tục lễ thánh Nicolas đến trao quà vào những chiếc ủng để bên cửa sổ cho trẻ em đêm mồng 5-12 ở một số nước như Hungary, Romania, Ba Lan và Slovenia không được biết đến ở Phần Lan.
Theo truyền thống của người Phần Lan, cùng với việc dọn dẹp và trang trí nhà cửa, tắm sauna là việc làm gần như bắt buộc đối với mọi người trước ngày Giáng sinh giống như phong tục tắm nước lá mùi trước Tết Nguyên đán của người Việt. Việc dùng cây thông Noel trong nhà chỉ mới được dùng ở Phần Lan vào những năm 30 của thế kỷ 19. Bữa ăn tối trước đêm Noel và việc thắp nến trước mộ những người đã khuất thường diễn ra vào ngày 24 cũng là hai nét đặc trưng trong những ngày lễ Noel của Phần Lan.
Bữa ăn tối trước đêm Noel là bữa ăn quan trọng nhất của các gia đình trong năm với những món truyền thống như
kinkku (thịt chân giò lọc xương bó chặt, được nướng chín trong lò), cá hồi tươi, cá trích Baltic muối chua, khoai tây đánh nhuyễn, cháo yến mạch, gọi là
puuro trong tiếng Phần Lan và một số loại rau làm
salat. Người ta còn làm nhiều loại bánh quy có vị cay, với nhiều hình dáng khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc bánh có hình một ngôi nhà được làm rất công phu.
Về đồ uống, mặc dù ngày nay có nhiều loại bia, rượu khác nhau, nhưng trong những ngày lễ Giáng sinh của người Phần Lan vẫn không thiếu được
glögy – một loại “rượu” nhẹ được làm từ rượu đỏ cho thêm đường và một số loại thảo mộc có vị cay.
Nhưng thời điểm hồi hộp và thú vị nhất trong đêm Noel là lúc Ông già Noel (tiếng Phần Lan gọi là
Joulupukki)
xuất hiện trong bộ trang phục màu đỏ rực, bộ râu dài trắng toát với một
túi quà trên vai để chia cho trẻ nhỏ và cả người lớn. Theo truyền thống
Phần Lan sau bữa cơm tối đêm Giáng sinh, trẻ em đội những chiếc mũ đỏ
hình chóp trên đỉnh có gắn quả chuông quây quần bên phòng khách của gia
đình để chờ đón Joulupukki. Những chiếc mũ đỏ của trẻ em mô phỏng những
chiếc mũ của những người lùn (gọi là tontu trong tiếng Phần Lan) giúp
việc cho Joulupukki.
Hình ảnh Joulupukki “ngoại lai” với trang phục và diện mạo như
ngày nay trong đêm Giáng sinh chỉ mới xuất hiện ở Phần Lan vào những năm
1950 của thế kỷ trước. Còn trước đó, Joulupukki của Phần Lan có bộ râu
màu xám, mặc áo choàng lông, vai mang theo một túi quà và một túi roi.
Ông chỉ phát quà cho những trẻ em ngoan ngoãn, còn những trẻ em hư không
được phát quà và có khi còn bị phạt roi.
Ông già Noel tản bộ ở đối diện Nhà thờ chánh tòa Helsinki - Ảnh: Internet
Theo truyền thống có từ thế kỷ thứ 13, đúng 12 giờ trưa Ngày Giáng sinh (25-12), từ ban công nhà thờ cổ nhất của Phần Lan ở Turku (thủ đô của Phần Lan từ 1809-1812, cách Helsinki 150km về phía Tây Nam), vị giám mục Turku đọc thông điệp của Giáo hội Phần Lan cầu chúc giáo dân và tất cả mọi người một mùa Giáng sinh vui vẻ và an lành trước sự tham dự của hàng chục ngàn người. Tiếp theo đó là những tiếng chuông của nhà thờ Turku vang lên từ cả trong các tivi của mọi gia đình Phần Lan báo hiệu khởi đầu các hoạt động của kỳ lễ Giáng sinh (kể từ năm 1983 đến nay nghi lễ này được đài phát thanh và truyền hình Phần Lan truyền trực tiếp trong cả nước).
Trong ngày này mọi người thường ở nhà nghỉ ngơi và đọc những cuốn sách mà Joulupukki vừa “tặng”. Sách là món quà ngày càng trở nên phổ biến dành cho người lớn trong lễ Giáng sinh ở Phần Lan. Sang ngày 26-12, ngày lễ Thánh Stephen, người ta mới đi thăm bạn bè và họ hàng hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Vào đúng ngày nghỉ lễ Giáng sinh, nhận được thư của một người bạn từ một nhà xuất bản ở Việt Nam hỏi về một cuốn sách cho trẻ em, tôi vào mạng của thư viện khu thủ đô (gồm Helsinki, Espoo, Vantaa) để xem thì thấy cuốn sách có 206 bản nhưng các thư viện chỉ còn 21 bản, còn 195 bản khác đang được độc giả mượn về để đọc.
Mùa Giáng sinh còn là thời gian làm việc bận rộn nhất trong năm của các nhân viên bưu điện ở Phần Lan. Việc gửi bưu thiếp vào dịp lễ Noel ở Phần Lan bắt đầu phổ biến từ những năm cuối thế kỷ 19. Ngày nay, mặc dù là quốc gia dẫn đầu về sử dụng mobile phone và internet, nhưng truyền thống gửi bưu thiếp Noel vẫn không hề thay đổi ở Phần Lan. Theo ước tính, vào mỗi dịp Noel trong những năm gần đây, buu điện của đất nước 5,2 triệu dân này nhận và phát khoảng 50 triệu bưu thiếp Noel.
Mùa Giáng sinh năm nay, Itella (công ty bưu chính Phần Lan) tuyển thêm sáu trăm nhân viên làm việc cho các cơ sở bưu điện trong cả nước. Để khuyến khích việc gửi bưu thiếp vào dịp Giáng sinh, Itella hạ giá cho những người gửi nhiều bưu thiếp cùng một lúc cho đến trước ngày 15-12. Nghị viện Phần Lan cho biết: mùa Giáng sinh năm nay, hai trăm nghị sĩ của Quốc hội Phần Lan đã gửi đi 200.000 thiệp chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2015, trong đó có người gửi tới 6.000 bưu thiếp. Việc dùng bưu thiếp màu đỏ được biết chỉ mới phổ biến ở Phần Lan từ những năm 1920.
Điều thú vị là tên gọi của Ông già Noel - Joulupukki trong tiếng Phần Lan được ghép lại từ hai từ gần như không có liên hệ gì với nhau về ý nghĩa (
joulu – ngày lễ giữa mùa đông, và
pukki - con dê) nhưng lại bắt nguồn từ trong lịch sử của ngày lễ Noel ở nước này. Cho đến những năm đầu thế kỷ 19, joulu ở Phần Lan vẫn còn khác nhau đối với hai tầng lớp khác nhau trong xã hội. Với tầng lớp thị dân và những người giàu có, joulu là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm; còn với những người nghèo ở các vùng quê joulu không có gì khác biệt nhiều so với các nghi lễ tôn giáo khác trong năm ngoài việc được ăn, uống nhiều hơn.
Vào ngày lễ joulu ở các vùng quê có những người đàn ông trẻ mặc áo choàng lông lộn trái, đeo mặt nạ bằng vỏ bạch dương có gắn hai sừng dê đi lang thang từ nhà này sang nhà khác để xin đồ ăn, đồ uống và làm trò đùa tinh nghịch mua vui cho phụ nữ, trẻ con. Những người đàn ông trẻ với mặt nạ sừng dê cùng với những trò đùa nghịch ngợm ấy đã trở nên rất quen thuộc và thu hút sự chú ý của mọi người trong ngày lễ joulu. Từ đó, người ta đã ghép hai từ joulu và pukki lại thành joulupukki để chỉ những người mang quà đến các gia đình trong ngày lễ joulu ở Phần Lan.
Theo truyền thuyết của nước này, Phần Lan là quê hương của Joulupukki - Santa Claus. Nơi ở và làm việc của ông và những người giúp việc ở Rovaniemi là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở phía Bắc Phần Lan ngày nay. Tại điểm đường Bắc cực đi qua này có làng Santa Claus và một bưu điện. Bưu điện riêng của Santa mỗi năm nhận khoảng 700.000 bức thư, phần lớn là của trẻ em, từ khắp nơi trên thế giới gửi đến. Nếu bạn viết cho Santa Claus, hãy gửi đến địa chỉ: Santa Claus, Arctic Circle, 96930 Rovaniemi, Finland.
Ngoài việc được đến thăm ngôi làng của Santa Claus, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cực quang thường xuất hiện trên bầu trời Rovaniemi vào mùa Giáng sinh. Còn nếu chưa có dịp đến thăm Santa Claus, bạn hãy thử làm quen với ông và làng của ông ở các website này: http://www.visitrovaniemi.fi; www.santatelevision.com; www.joulupukki.fi; www.santaclauslive.com; http://www.santagreeting.net.