(NCTG) “Với sự bề thế, uy nghi về tổng thể và tinh tế, kiêu sa trong từng chi tiết nhỏ, Nhà Quốc hội Hungary - Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO - đã vượt quá khuôn khổ thông thường của một trung tâm hành chính và chính trị, để trở thành biểu tượng vinh quang của dân tộc Hungary, vốn đã từng phải chịu không ít khổ đau trong quá khứ...”.
Nhà Quốc hội Hungary nhìn từ trên xuống
“Tổ quốc chưa có ngôi nhà cho mình” - năm 1846, Vörösmarty Mihály, một trong những thi sĩ lớn nhất của nền thi ca Hungary đã thốt lên một cách cay đắng như thế. Bởi lẽ, trong nhiều thế kỷ, con cháu của Đại vương công lập quốc Árpád không hề có một nơi chốn riêng nào cho mình trong quá trình lập pháp.
Lý do là vì, bản thân những người con ưu tú đó của Vương quốc Hungary đương thời - giới quý tộc, tăng lữ, trí thức thành thị... - chính là “đất nước” và mỗi lần họ đi đâu, họp hành gì, ra luật làm sao... thì nơi họ tụ họp, làm việc - nhiều khi chính là tư gia của một ai đó - chính là “tổ quốc”, theo cách hiểu đương thời.
Tuy nhiên, nửa cuối thế kỷ 19, nhu cầu có một tòa nhà xứng đáng cho một quốc gia có gần một ngàn năm lịch sử oai hùng và khổ đau - đất nước Hungary - đã ngày một gia tăng, song hành với sự phát triển của đất nước và sự lớn mạnh của một xã hội thị dân, gồm giới văn nghệ sĩ, trí thức và tư sản thành thị.
Năm 1880, hơn ba thập niên sau cuộc chiến 1848-1849 với Áo, Quốc hội độc lập của Hungary ra đạo luật về việc xây dựng một tòa nhà lập pháp cố định - khi đó, Hungary là thành viên của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung và đang có những bước phát triển rất rực rỡ về văn hóa, giáo dục, kinh tế và kiến trúc.
Trong ba năm 1881-1883, đã có 19 dự án được gửi đến cho Ban tuyển lựa, với sự góp mặt của những kiến trúc sư lừng danh nhất của nước Hung đương thời. Trong đó, có hai “kỳ phùng địch thủ” là Steindl Imre và Hauszmann Alajos, những tên tuổi mà các công trình chính của họ đã tạo dựng diện mạo thủ đô Budapest.
Rốt cục, dự án của Steindl Imre đã được lựa chọn. Cho dù vị kiến trúc sư lừng danh không chờ được tới ngày đứa con tinh thần của mình hoàn tất, nhưng ông đã để lại một đại công trình mang dấu ấn của trường phái Tân Gothic, và xứng đáng đứng vào hàng những kiệt tác kiến trúc Châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Được xây dựng ròng rã trong vòng gần hai chục năm (1885-1904), nhưng đáng nhớ là vào mùa hè năm 1896, tức tám năm trước khi khánh thành, Tòa nhà Quốc hội Hung đã là nơi chứng kiến một sự kiện trọng đại: phiên họp đầu tiên của Nghị viện Vương quốc Hungary, nhân kỷ niệm một một ngàn năm chinh phục đất nước (kỷ niệm thiên kỷ).
Ngày nay, du khách tới thăm Budapest không thể bỏ qua công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng nhất này của Hungary, nằm sừng sững bên bờ Pest của dòng sông Danube, với quy mô và kích thước hết sức bề thế: chiều dài 268m, rộng 123m và cao 96m, diện tích cơ bản gần 18 ngàn m2, với 27 cửa ra vào và hơn 200 phòng chính.
Là tòa nhà nghị viện lớn thứ nhì Châu Âu và thứ ba trên thế giới, Nhà Quốc hội Hungary còn đặc biệt ở chỗ nó được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu trong nước, ngoại trừ 8 cây cột đá cẩm thạch được mang tới từ Thụy Điển. Được biết, có vỏn vẹn 12 cây cột được làm, trong đó 4 cột còn lại được dùng tại Nhà Quốc hội Anh Quốc, London.
Những con số thống kê được ghi lại cho biết, trong vòng 17 năm liền, luôn có trung bình một ngàn công nhân làm việc tại công trình này. 40 triệu viên gạch, 40 ký vàng đã được sử dụng. Tổng cộng, có tới 242 pho tượng, vô số tranh tường và các họa phẩm xuất sắc đã hiện diện trong và ngoài tòa nhà để tôn vinh “ngôi nhà của quốc dân Hungary”.
Vương miện của vị vua lập quốc Hungary trong Nhà Quốc hội
Không chỉ là nơi hội họp của các vị dân biểu, Nhà Quốc hội Hungary còn là nơi lưu giữ những báu vật của đất nước Hungary có lịch sử 1.100 năm tuổi. Đó là chiếc “vương miện thiêng liêng” của vị vua lập quốc István Đệ nhất (1000-1038), người sau này được cả hai giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo phong Thánh.
Bên cạnh đó, còn có thể thấy ở đây những đồ vật truyền thống mang tính biểu tượng được dùng trong lễ đăng quang của các vị vua Hungary. Giới lãnh đạo ngoại quốc, khi công du hay thăm thú Hungary, luôn được mời vào Nhà Quốc hội để chiêm ngưỡng những vật bảo quốc nói trên, đồng thời, là dịp để họ có thêm ý niệm về nền văn hóa, lịch sử nước này.
Tọa lạc trên quảng trường chính mang tên vị anh hùng dân tộc Kossuth Lajos, nơi diễn ra những sự kiện và lễ kỷ niệm trọng thể nhất của đất nước Hungary, không chỉ ban ngày, mà vào ban đêm, Nhà Quốc hội vẫn rực rỡ và lộng lẫy trong ánh đèn vàng mà du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn nhất trong những chuyến du thuyền trên dòng Danube xanh.
Với sự bề thế, uy nghi về tổng thể và tinh tế, kiêu sa trong từng chi tiết nhỏ, Nhà Quốc hội Hungary - Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO - đã vượt quá khuôn khổ thông thường của một trung tâm hành chính và chính trị, để trở thành biểu tượng vinh quang của dân tộc Hungary, vốn đã từng phải chịu không ít khổ đau trong quá khứ...
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...