(NCTG) Ít dân nhất ở Đông Âu và đứng thứ tư ở châu Âu, Cộng hòa Montenegro là một quốc gia độc lập rất mới mẻ trên bản đồ thế giới hiện đại: cho dù đã tồn tại trên cương vị một xứ sở độc lập từ cuối thời Trung cổ cho đến mốc 1918, nhưng sau đó nước này luôn là một phần của Nam Tư, hoặc Liên bang Serbia và Montenegro.
Vịnh Perast, Cộng hòa Montenergo
Chỉ đến cuối tháng 5-2006, Montenegro mới tuyên bố độc lập trên cơ sở một cuộc trưng cầu dân ý, để rồi một tháng sau đó được Liên Hiệp Quốc công nhận như thành viên thứ 195 của tổ chức này. Hiện tại, quốc gia vùng Đông Nam Âu này là ứng viên chính thức của Liên hiệp Châu Âu, kể từ cuối năm 2010.
Cái tên Montenegro có nghĩa là “ngọn núi đen”, hay “xứ sở của những rặng núi đen”, hoặc “rừng đen” theo một cách lý giải khác. Nằm ở phía Đông Nam biển Adriatic, nước này có bờ biển dài chừng 250 cây số, và điểm sâu nhất của Adriatic (1.280m) cũng nằm trước bờ biển Montenegro.
Lãnh thổ Montenergo chủ yếu là đồi núi với độ cao từ 800m đến 2.400m, và chỉ có dải đồng bằng hẹp hiếm hoi chạy dọc theo bờ biển khúc khuỷu. Vị trí của Montenegro trên bán đảo Balkan và biển Adriatic, cùng sự đa dạng của cơ sở địa chất, khí hậu và đất đai đã khiến quốc gia này trở thành khu vực quan trọng về sự đa dạng sinh học của Châu Âu và thế giới.
Số lượng các loài và giống sinh, thực vật phân bổ trên 1 km² diện tích của Montenegro là 0,837, là chỉ số cao nhất trong tất cả các nước Châu Âu. Với dân số chưa đầy 700 ngàn cư dân, kể từ khi tuyên bố độc lập, Montenegro dần dần thoát khỏi sự chi phối của Serbia trong kinh tế, và chuyển sang dùng đồng tiền chung Euro.
Du lịch là một trong ba ngành kinh tế chủ chốt mang lại doanh thu cho ngân sách nước này, bên cạnh sản xuất nhôm và nông nghiệp. Ngày nay, tới thăm Montenegro, du khách có thể tìm thấy một điểm đến với những nét cảnh quan vô cùng hoang sơ và hấp dẫn, như thể thời gian đang ngừng trôi tại mảnh đất này...
Du ngoạn tới vùng vịnh Kotor là một phần không thể thiếu được trong các hành trình tới Montenegro, quốc gia có diện tích nhỏ nhất trong số các nước thuộc Liên bang Nam Tư một thời. Kotor là một vịnh nhỏ quanh co ở bờ Tây Nam của biển Adriatic, đồng thời nó là một vịnh hẹp ở cực Nam Châu Âu, với chỗ hẹp nhất chỉ vỏn vẹn 300m.
Được coi như một trong những miền quê đẹp nhất của Montenegro, khu vực xung quanh vịnh Kotor đã là nơi định cư của con người từ thời Cổ đại. Hiện tại, khu vực này còn khá nhiều thị trấn từ thời Trung cổ được bảo tồn rất tốt, cùng với cảnh quan môi trường tự nhiên xung quanh được sách vở du lịch ca ngợi là có vẻ đẹp hết sức ấn tượng và “đẹp như tranh”.
Trong những chặng dừng chân ấy, không thể bỏ qua thị trấn Perast và khu phố cổ, thành cổ của Kotor, nơi mà nhiều du khách sau khi trở về đã mô tả là có vẻ đẹp “ngột thở”, và không bút nào có thể mô tả được. Họa chăng, trong đời, cần phải một lần đặt chân tới đó, mục kích và chiêm ngưỡng cảnh quan “thiên đường hạ giới” tại những nơi này.
Ngay trên đường tới hai địa danh kể trên, bước chân người lữ khách đã bị níu lại bởi phong cảnh thần tiên và hết sức hữu tình. Một bên là những rặng núi đá vun vút cao, nơi rậm rì cây cỏ xanh tươi, nơi trơ trụi nhuốm màu hoang dã. Bên kia là biển xanh uốn lượn vòng vèo, khúc khuỷu, như tựa lưng vào đất liền, tạo thành thế “rồng cuộn hổ nằm”.
Perast, tuy được gọi là thành phố với vỏn vẹn chưa đầy bốn trăm cư dân, nhưng trong con mắt du khách cần gọi nơi đây là một thị trấn, hay nói đúng hơn, một làng chài. Điểm đặc biệt là khi vừa đặt chân tới trước tấm biển báo hiệu bạn đang chuẩn bị vào Perast, bạn phải bỏ lại xe hơi, và chỉ có thể đi bộ, xe đạp hoặc xe buýt chạy điện loại nhỏ vào đó.
Làng chài ấy, chỉ gồm một con đường đi dạo ven bờ biển và một vài con phố nhỏ khác. Nhưng điều khiến du khách phải sửng sốt là họ có thể thấy ở đây những tòa nhà nối tiếp nhau với kiến trúc thời Phục hưng và Baroque, tạo nên một bầu không khí như thể chúng ta đang đi ngược thời gian về những thế kỷ thời Trung cổ, cách đây bốn năm trăm năm.
Đã từng có lịch sử lừng lẫy, Perast nằm dưới quyền thống trị của Cộng hòa Venice (Ý) trong khoảng thời gian từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18 và được biết đến như một cường quốc về hàng hải. Di sản này có thể thấy rõ trong rất nhiều kiến trúc Baroque, mà rực rỡ nguy nga nhất là cung điện Bujovic, xây cuối thể kỷ 17, nay là Bảo tàng Thành phố.
Đây là nơi lưu giữ những báu vật liên quan tới lịch sử thành phố biển này, trong đó có những nhật kỳ hải hành, mô hình chiến thuyền, vũ khí và trang phục dân tộc. Đặc biệt đáng giá là quân kỳ của hải quân Nga do chính Nga hoàng Peter Đại đế trao tặng một thuyền trưởng là cư dân địa phương, đã có công lao lớn trong trận chiến với quân Thụy Điển năm 1714.
Tương truyền, chính Peter Đại đế cũng từng “học nghề” hàng hải ở Perast, nơi mà từ thế kỷ 16 đã lừng danh là một hải cảng có nhiều xưởng đóng thuyền và học viện hàng hải có tiếng. Trong hai thế kỷ 17 và 18, Perast đạt đến thời hoàng kim của nó, với nhiều công trình kiến trúc như cung điện, đền chùa đa phần theo trường phái Baroque, giờ vẫn còn được gìn giữ.
Tuy nhiên, hấp dẫn nhất đối với du khách đến từ khắp nơi, vẫn là cảnh quan tuyệt vời của phần biển Adriatic đoạn chảy qua Perast. Làn nước trong vắt và xanh biếc như ngọc, phản chiếu bầu trời và những làn mây, cùng những rặng núi xa mờ tạo nên một bức tranh phong cảnh hiếm thấy đối với cả những người đã có dịp thăm viếng nhiều thắng cảnh trên thế giới.
Góp phần tạo nên sự ngoạn mục và “độc nhất vô nhị” của cảnh quan Perast, phải kể đến hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi, cũng là chặng dừng dân “truyền thống” của du khách tới thăm làng chài này. Đi bằng du thuyền, chúng ta có thể cập bến viếng thăm một trong hai hòn đảo ấy, có tên “Đức Mẹ trên núi đá”, được làm bởi bàn tay con người từ thế kỷ 15.
Theo một truyền thuyết, đảo được dựng lên bởi những người thủy thủ đã giữ lời thề trong một vụ đắm tàu, sau khi tìm thấy bức tranh thánh Đức Mẹ Madonna và hài nhi trên những tảng đá ở biển vào ngày 22-7-1452. Trở về yên lành sau những chuyến đi, mỗi người lại tự đặt tại nơi này một hòn đá và với thời gian, một hòn đảo nhân tạo dần dần được tạo dựng.
Tục ném đá xuống biển vẫn còn kéo dài tới ngày nay: hàng năm, vào ngày 22-7, khi hoàng hôn lên, người dân địa phương đi trên tàu lại ném đá xuống biển nhằm mở rộng bề mặt của đảo. Tập tục và sự kiện này được gọi bằng cái tên FAŠINADE.
Trên hòn đảo này, có một nhà thờ theo dòng Công giáo La Mã cũng mang tên “Đức Mẹ trên núi đá”, công trình kiến trúc lớn nhất của đảo. Ngôi giáo đường này còn lưu giữ 68 họa phẩm của danh họa địa phương Tripo Kokolja, họa sĩ nổi tiếng sáng tác theo trường phái Baroque thế kỷ 17. Bức tranh quan trọng nhất của ông dài mười mét, mang tên “Cái chết của Trinh Nữ”.
Ngoài ra, nhà thờ còn có những bức tranh của các họa sĩ Ý, và một tranh thánh (khoảng năm 1452) của “Đức Mẹ trên núi đá”, bởi một danh họa ở vùng Kotor. Đồng thời, nơi đây cũng còn là một bảo tàng với vài ngàn cổ vật quý báu, được giới thủy thủ mang từ khắp nơi trên thế giới về tặng để tri ân Đức Mẹ đã đưa họ thoát khỏi những cơn sóng dữ ngoài đại dương.
Hòn đảo thứ hai bên bờ vịnh ở Perast, chỉ có thể chiêm ngưỡng được khi đi du thuyền vòng quanh. Đây là một hòn đảo tự nhiên mang tên Thánh George, nơi tọa lạc một tu viện cổ từ thế kỷ 12 của dòng tu Benedictine nay vẫn hoạt động, cùng một nghĩa trang cũ là nơi yên nghỉ của giới quý tộc ở Perast và các khu vực lân cận trong vùng vịnh Kotor. (*)
*
Tuy nhiên, vịnh Kotor được đưa vào danh sách Di sản Thế giới với tên gọi “khu vực cảnh quan văn hóa lịch sử Kotor” không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của đất trời tại đây. Nó còn thu hút du khách bởi nhiều di sản kiến trúc, tôn giáo và lịch sử nổi tiếng, là những thị trấn cổ kính trong vùng, mà đáng kể nhất là thành phố cổ Kotor, cách Perast chừng 12 cây số.
Có thể coi Kotor là một đô thị nhỏ mang mọi dáng dấp điển hình của vùng Địa Trung Hải, với phần phố cổ và thành cổ được bao bọc bởi bức tường thành đồ sộ gợi nhớ tới hình ảnh Dubrovnik, “viên ngọc bích của biển Adriatic”. Nằm ở điểm phía Đông vịnh Kotor, thành phố cảng này được bao bọc, chở che bởi những rặng núi ở độ cao 1.000-1.700m.
Từng có hơn ba trăm năm nằm dưới sự quản lý của Cộng hòa Venice dưới thời Trung cổ, cổ thành Kotor tới nay vẫn gìn giữ được hầu như nguyên vẹn những kiến trúc đặc thù của nền nghệ thuật Venice. Đi dạo trong khu phổ cổ chằng chịt những ngõ, ngách, nhà thờ, cung điện, quảng trường... du khách hoàn toàn có cảm giác được chìm vào “thời gian đã mất”.
Một thống kê cho thấy, chỉ nội trong một diện tích nhỏ của cổ thành Kotor, được bao bọc bởi bức tường thành thời Trung cổ dài tổng cộng 4,5km, đã có tới sáu mươi di tích đáng kể - những cửa ô, pháo đài, chùa chiền, tu viện, cung điện cũng như nhiều công trình kiến trúc công cộng, có “tuổi đời” thông thường là vài trăm năm và hơn thế nữa!
Trung tâm của khu phố cổ Kotor là nơi tọa lạc nhà thờ chánh tòa mang tên Thánh Tryphon, một trong hai tòa giáo đường Công giáo La Mã tại Montenegro. Là tòa nhà lớn nhất tại Kotor, nhà thờ này được xây từ giữa thế kỷ 12, và được coi là một kiệt tác kiến trúc theo trường phái La Mã, lâu đời và đáng nể phục tại loạt đô thị dọc bờ biển Adriatic.
Ngày nay, nhà thờ chánh tòa Thánh Tryphon là điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất trong khu phố cổ, đồng thời là biểu tượng của thành phố Kotor. Đã bị hư hại nghiêm trọng sau hai cơn động đất vào năm 1667 và 1979, nhưng ngôi cổ tự này đã được tái thiết, và vẫn giữ nguyên vẻ trầm mặc với vô vàn cổ vật, hình bóng của hơn tám thế kỷ tồn tại.
Đối với những ai ham mê dã ngoại, có thể từ cổ thành Kotor leo lên pháo đài Thánh John ở độ cao 280m. Vượt qua những khúc quanh hết sức khúc khuỷu gợi nhớ Vạn Lý Trường Thành đoạn chạy qua cửa quan Bát Đạt Lĩnh gần Bắc Kinh, ở Kotor du khách còn có dịp chiêm ngưỡng hàng chục pháo đài “trơ gan cùng tuế nguyệt” dọc con đường.
Con đường mòn hiểm trở dẫn lên tới “đỉnh trời” ở đây được chia thành ba khu vực: “tương đối an toàn”, “khá mạo hiểm” và “nguy hiểm”. Tuy nhiên, nhiều lữ khách khi lên tới nơi, đã chia sẻ lại rằng, ngoài những trải nghiệm thú vị dọc đường đi, thì cảnh quan bao quát của cả vịnh Kotor - cũng như cổ thành Kotor - nhìn từ trên cao đủ để họ cảm thấy sự gắng sức không là vô ích!
Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, khi đưa vùng vịnh Kotor vào danh sách Di sản Thế giới, đã coi đây là một khu vực cảnh quan, văn hóa - lịch sử, đáp ứng nhiều tiêu chí văn hóa được đề ra, như vừa chứng tỏ tài năng sáng tạo của con người, vừa thể hiện những giá trị giao lưu của văn hóa nhân loại.
(*) Khoảng cách từ Budapest tới Perast là chừng 800km, tương đương 10 giờ xe hơi.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...