(NCTG) “Ngày đầu tựu trường nhưng tôi không thấy trống giong cờ mở, không thấy trẻ em xếp hàng tuyên thệ dưới cờ, hô khẩu hiệu xin hứa trên bục danh dự. Trong lớp không khẩu hiệu chính trị, không ảnh lãnh tụ đảng phái. Tất cả chỉ là các giáo cụ trực quan và hình ảnh vui mắt nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các thầy trò”.
Phụ huynh cùng con trong ngày tựu trường
Mấy ngày gần đây tôi được nghe và đọc rất nhiều ý kiến, bài viết về chủ đề giáo dục ở Viêt Nam. Các quan điểm đa dạng, mang nhiều tầm vóc, từ vi mô tới vĩ mô, và đều toát lên tinh thần trách nhiệm, mong được đóng góp chút tâm sức cho sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà, vì tương lai con em chúng ta.
Nhân đây, cũng xin được có chia sẻ về thực tế giáo dục tiểu học tại Úc, đất nước nơi tôi đang sinh sống. Trong phạm vi một bài viết nhỏ, chỉ xin đề cập tới những trải nghiệm thực tiễn mà chính tôi đã chứng kiến và trải qua, để độc giả và bạn hữu tham khảo và cùng suy ngẫm.
Ở Úc chương trình giáo dục theo bậc 12 năm, nhưng các em có một năm để rèn luyện và tập thói quen chuẩn bị bước chân vào hành trình dài này. Năm học đó như bên ta vẫn hay gọi là lớp vỡ lòng.
Năm nay khởi đầu chặng đường học vấn, con trai tôi bắt đầu làm quen với lớp vỡ lòng. Ngay những ngày đầu tiên đưa cháu đến trường, tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Ngày đầu hội nhập
Ngạc nhiên đầu tiên là ngày đầu tựu trường nhưng tôi không thấy trống giong cờ mở, không thấy trẻ em xếp hàng tuyên thệ dưới cờ, hô khẩu hiệu xin hứa trên bục danh dự. Đơn giản, các cô giáo ai phụ trách lớp nào đứng trước cửa lớp đó tươi cười chờ đợi. Các phụ huynh tíu tít dắt con ra bảng danh sách dán trước cửa lớp, tìm tên con em mình, rồi lại tíu tít vào lớp tự tìm bàn ghế, nơi đã ghi sẵn tên từng cháu trên từng vị trí để ổn định chỗ ngối.
Bố mẹ túm tụm ngồi bên các con đang e dè, ngượng nghịu, âu yếm vỗ về các cô cậu trò tí hon. Trong lớp không khẩu hiệu chính trị, không ảnh lãnh tụ đảng phái. Tất cả chỉ là các giáo cụ trực quan và hình ảnh vui mắt nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của các thầy trò.
Vì là vỡ lòng nên khắp nơi trong lớp thấy đầy các bộ đồ chơi, cái bầy ngoài bàn, cái xếp trong hộp các tông đặt quanh tường lớp. Các trò vừa vào lớp là xà vào đồ chơi, em thì chơi, em thì vẽ, em thì được một trong hai cô giáo phụ trách lớp đưa ra góc lớp ngồi đọc truyện cho nghe.
Tóm lại, mọi chuyện diễn ra đều quá bình yên, cảm giác các em đến chỉ để vui chơi, không để học. Các em mạnh dạn thì hòa vào nhau chơi chung. Các em nhút nhát thì ngồi yên vị bên bàn, bố mẹ ngồi cạnh vỗ về, động viên.
Tất cả đều quá yên ả và bình lặng. Không có gì là nghiêm trọng, là sức ép học hành đối với trò, là lo toan của bố mẹ khi nhận ra con đang bắt đầu bước vào một chặng đường mới cam go, chặng đường của phấn đấu và nỗ lực hết mình vì kiên thức và học vấn.
Hoàn toàn không có những hoạt động ồn ào nhằm tạo dấu ấn trong lòng những ai tham dự cái ngày gọi là “ngày đầu tiên tiên đi học” như tôi đã từng được chứng kiến và tạo cảm xúc bởi người lớn ở quê nhà dạo ấy truyền cho.
Tất cả quá đỗi nhẹ nhàng, giản dị, thư giãn, cho đến khi điều bất ngờ tiếp theo đến với tôi.
Kỳ kiểm tra chất lượng đầu đời
Ngồi với con chừng nửa tiếng cho con an tâm và quen với lớp, các vị phụ huynh lần lượt chia tay con để ra về cho cô giáo làm quen với các trò. Và điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra đúng vào lúc này, khi tôi tưởng nhiệm vụ của mình dẫn con đến trường để... chơi đã xong.
Trước khi chia tay với cô giáo, cô đã không quên dặn từng phụ huynh trong đó có tôi: “Trong tháng đầu tiên các trò sẽ được nghỉ học vào các thứ Tư hàng tuần để tránh học nhiều căng thẳng.
Tuy nhiên các phụ huynh sẽ đưa con em mình đến trường kiểm tra chất lượng đầu năm vào những ngày nghỉ này. Ngoài cửa lớp có bảng danh sách các em, mời các phụ huynh điền vào cột trống theo chỉ dẫn, chọn xem ngày thứ Tư nào thuận tiện cho mình thì đăng ký đưa con tới trường”.
Tôi ngỡ ngàng khi nghe thông tin này. Con trai lớn sang Úc khi cháu đã vào lớp một nên tôi không hề có khái niệm kiểm tra chất lượng đầu vào đối với trẻ vỡ lòng. Vậy là, lại có kiểm tra sao, nghiêm trọng thế cơ à, tôi băn khoăn suy nghĩ.
Tôi chủ động chọn cho con trường làng, chả lớp chọn trường chuyên như ở Việt Nam, cũng chỉ cốt con không bị áp lực học hành ít nhất trong bậc tiểu học. Vậy mà, vừa ngày đầu tới lớp vỡ lòng đã “nghe tin sét đánh ngang tai” - yêu cầu dắt con đi kiểm tra chất lượng.
Test trình độ học vấn của các em nhỏ lơ ngơ như tờ giấy trắng tại một nước có nền giáo dục tiên tiến, được coi là không mắc bệnh thành tích và bằng cấp này sao? Với một người vốn không ưa điểm số và thi cử như tôi, trong lòng bỗng cảm thấy ngột ngạt.
Chọn xong ngày cho con đi kiểm tra chất lượng, tôi trở về nhà và không khỏi thắc mắc, tò mò, ngóng đợi cái ngày nọ.
Và ngày ấy đã đến. Tôi cùng con đến sớm trước giờ hẹn cả 15 phút, sẵn sàng lâm trận. Mặt mẹ chắc còn nghiêm trọng hơn con trai trong khi chờ chiến đấu. Rồi cô giáo xuất hiện, đọc tên con trai tôi.
Cứ tưởng sẽ ngồi ngoài thấp thỏm đợi chờ, để con một mình vào đương đầu với cuộc chiến học vấn, nào ngờ cô nhỏ nhẹ mời cả hai mẹ con vào. Tuy bất ngờ nhưng tôi cảm thấy yên tâm cho con vì dù sao cuộc chiến đầu tiên này, con có mình kề cận, sẻ chia ít nhất về mặt tinh thần.
Cùng con vào trận
Lớp học rộng 50-60m2, giờ chỉ có mình cô giáo và hai mẹ con ngồi trước bàn đối diện nhau khiến tim tôi bỗng đập lên chộn rộn. Hóa ra mỗi học trò được kiểm tra riêng biệt trong vòng một tiếng chứ không phải tất cả các em kiểm tra cùng nhau như tôi đã tưởng.
Tim tôi bỗng đập hối hả. Cảm giác như áp lực lúc kiểm tra thi cử từng khiến tôi choáng váng một thời cắp sách thuở nào dường như sống dậy trong tôi. Tuy nhiên nhìn sang con trai, thấy cu cậu hoàn toàn vô tư, hớn hở, tôi tự trách mình mắc chứng hoang tưởng, cứ sợ hãi không đâu, tự để chứng bệnh sợ thi cử, khiếp điểm số năm xưa tái phát.
Cô giáo cất giọng niềm nở phá tan bầu không khí yên tĩnh của lớp học rộng chỉ có ba người ngồi, kéo tôi trở về với thực tại: “Như cô đã biết, hôm nay tôi mời cô đưa cháu đến đây để kiểm tra trình độ nhận thức, kiến thức hiểu biết hiện thời của cháu.
Việc các phụ huynh cũng có mặt tại buổi kiểm tra này là một yếu tố vô cùng quan trọng, giúp cả hai chúng ta hiểu rõ không chỉ là trình độ mà cả tầm nhận thức và khả năng đặc biệt của từng em. Để chúng ta có thể cùng nhau hợp tác, giúp đỡ cháu học tốt cả ở nhà lẫn ở trường, giúp các cháu học tập đúng khả năng và phát huy những thiên hướng đặc biệt của mình nếu có từ sớm.
Vậy cô cứ ngồi theo dõi và lắng nghe những trao đổi của hai thầy trò chúng tôi. Nhưng đừng tham gia ý kiến. Hãy để cháu tự trả lời các câu hỏi bằng chính kiến thức cháu có.
Với những gì cô nhận thấy, bao gồm cả những điểm mạnh hay yếu của con, cô sẽ tìm được cách tốt nhất để giúp cháu học tập tiến bộ và hỗ trợ nhà trường trong quá trình giáo dục, dạy dỗ con em mình”.
Nhận biết màu sắc
Và buổi kiểm tra bắt đầu.
Các câu hỏi được cô lần lượt đưa ra từ dễ đến khó dần, từ đơn giản tới phức tạp hơn và rất toàn diện, bao gồm cả kiến thức về mầu sắc, kiến thức về chữ, về đọc hiểu, về số, khái niệm cơ bản về toán và cuối cùng mỗi phần luôn là những câu hỏi mang tính logic, đòi hỏi phải vận dụng trí thông minh để trả lời.
Đầu tiên cô kiểm tra con trai tôi về nhận biết màu sắc. Cô đặt lên bàn mấy con gấu nhựa đủ các màu sắc sặc sỡ, chia nửa cho cô, nửa cho con tôi, và yêu cầu con tôi nhận diện màu sắc, gọi tên các màu. Sau đó cô xếp một hàng các chú gấu cùng màu rồi yêu cầu con tôi xếp giống thế về màu và số lượng.
Rồi bài bắt đầu khó dần lên. Cô yêu cầu con tôi copy cô, lúc thì xếp nhiều dẫy gấu mỗi dẫy một màu, lúc thì nhiều dẫy gấu trộn chung nhiều màu, cuối cùng là dẫy gấu xếp pha trộn các màu theo một quy luật nhất định kiểu hai con mầu trắng, ba con mầu đỏ, một con mầu nâu, và cứ kéo dài theo trình tự ấy, v.v...
Điều này đòi hỏi các trò phải tập trung và quan sát tốt, có đầu óc phân tích quy luật mới xếp được đúng như hình mẫu ngày một đa dạng và nhiều chi tiết. Các hình que nhiều màu sắc cũng được cô sử dụng để kiểm tra óc quan sát của trẻ.
Chữ số và chữ cái
Tiếp theo, cô bắt đầu kiểm tra kiến thức xem con tôi đã biết những gì chữ số và chữ cái.
Theo chương trình ở mẫu giáo, sau khi các em học xong mẫu giáo lớn thông thường đều biết đếm từ 1 đến 10,và biết hết các chữ trong bảng chữ cái. Nhưng cũng có em giỏi hơn, biết đếm đến một trăm và biết ghép từ đơn giản nhiều khi do chơi nhiều những trò chơi ghép chữ và nhớ được.
Vì vậy cô giáo bắt đầu kiểm tra kiến thức của con tôi bằng cách đặt lên bàn 10 chữ số từ 0 đến 9. Cô yêu cầu trò đọc hết số, rồi đưa 3, 4 số, trộn nháo nhào sau đó yêu cầu trò xếp theo trình tự từ nhỏ tới lớn.
Cô cũng đưa những tấm cát có các chấm như các hình đô-mi-nô và cát có viết các con số rồi yêu cầu con tôi xếp các cát thành từng cặp sao cho các số lượng chấm tương ứng với chữ số trong cát.
Để kiểm tra kiến thức về chữ cái cô đưa cho con trai tôi bảng chữ cái, yêu cầu đọc to xem thuộc được bao nhiêu chữ cái, rồi chỉ chữ cái theo những trình tự khác nhau - không theo thứ tự trong bảng chữ cái - xem con tôi có thật thuộc mặt chữ hay chỉ đọc vẹt theo kiểu bài hát A, B, C.
Kỹ năng đọc và nghe
Sau đó cô lại lấy những cuốn sách nhỏ, đọc truyện cho trò nghe. Trước hết cô hỏi con tôi: “Em có biết khi đọc các dòng trong sách người ta đọc chữ từ trái qua hay phải qua, từ trên xuống hay dưới lên?”.
Con tôi ngớ ra, không biết cách đọc thế nào là đúng. Khi ấy cô giáo nhìn tôi, nhắc tôi lưu ý điểm này. Cô dặn tôi khi về nhà đọc sách cho con phải dùng ngón tay chỉ vào từng từ để cho cháu có kiến thức cơ bản về cách đọc và đặc biết nhớ đọc sách cho con hàng ngày trước khi đi ngủ.
Rồi cô bắt đầu đọc truyện. Trước khi đọc vào nội dung truyện cô đọc tiêu đề truyện và hỏi trò khi nghe cô đọc tiêu đề này trò có biết nội dung truyện sẽ nói về gì không. Đây là cách để kiểm tra trí thông minh và khả năng phán đoán trước sự việc của trẻ.
Sau khi đọc xong truyện cô lại đặt những câu hỏi đơn giản về nội dung truyện để kiểm tra khả năng nghe hiểu của trò. Dựa vào đó cô sẽ dự đoán được sự phát triển trí tuệ và khả năng nhận thức của trò, cũng như sớm phát hiện những trẻ có vấn đề trí tuệ chậm phát triển, chậm hiểu để có thể có biện pháp giáo dục phù hợp với từng học trò.
Khích lệ không ngừng
Trong suốt quá trình kiểm tra, mỗi lần con trai tôi trả lời đúng câu hỏi cô đều không ngại ngần thưởng cho học trò của mình những lời khen ngợi không ngớt: “Wow, em đã biết điều này rồi sao?!”. “Ôi, em thật giỏi!”. “Chà, em quả là xuất sắc!”.
Mỗi khi con trai tôi ngập ngừng hoặc trả lời sai cô đều không quên động viên: “Không sao cả. Em sẽ được cô dạy về điều này ở lớp!”. “Chẳng có điều gì khủng khiếp ở đây. Rồi nhất định em sẽ làm được”.
Và cô cũng không quên nhắc tôi ghi nhớ hoặc chụp ảnh lại các câu trả lời của con để hiểu trình độ con và tiện hỗ trợ nhà trường những vấn đề con trai còn yếu.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một bài toán logic cô ra cho con trai tôi thực hiện. Cô đưa cho cậu học trò nhỏ ba cây nến, các cây nến đều đốt dở, độ dài ngắn còn lại khác nhau. Cô yêu cầu trò xếp ba cây nến theo thứ tự từ nhỏ tới lớn. Con trai tôi sau và giây suy nghĩ đã làm được đúng yêu cầu của cô.
Sau đó cô đưa một cây nến thứ tư với độ dài khác cả ba cây nến trước và bài tập đưa ra là: “Hãy đặt cây nến thứ tư này vào cùng hàng với ba cây nến kia sao cho dãy nến vẫn đảm bảo bốn cây nến này đều đứng theo thứ tự từ nhỏ đến lớn”.
Nghe xong đầu bài cô giao cũng thấy hơi ớn lạnh, vì điều tôi lo là con mình không hiểu được yêu cầu bài. Nó giống như toán đố chứ không giống những câu hỏi về con số đơn thuần. Lần này cậu trò nhỏ có vẻ suy nghĩ có vẻ mông lung lắm. Cô nhìn trò giọng đầy khích lệ:
- Em có thể không làm đúng cũng không sao, vì mấy tuần kiểm tra vừa qua chưa có bạn nào làm đúng được bài tập này cả.
Con trai tôi ngước lên nhìn cô, rồi cuối cùng quả quyết đặt cây nến trên tay vào vị trí tạo cho cả hàng nến xếp đuôi nhau thành hình tịnh tiến đi lên. Nhìn kết quả con làm được, tôi sung sướng vô bờ, bởi tôi biết con đã hiểu đề bài và lời động viên của cô giúp con thêm tự tin.
Kết quả là con đã làm được và làm đúng. Cô giáo reo lên hạnh phúc như chính cô là người giải được bài toán này: “Em thật xuất sắc! Em là người đầu tiên làm đúng bài toán này trong lớp cho tới thời điểm này. Mẹ em chắc chắn đang rất tự hào về em!”.
Ngồi nghe cuộc sát hạch trình độ giữa cô giáo và con trai mà tôi như vỡ ra bao điều về cả cô và trò.
Cảm nhận được cách thức cô giáo truyền đạt cho con mình, cảm ơn sự quan tâm và lắng nghe của cô dành cho con, thấu hiểu trình độ của con mình, những gì mình đã làm được, chưa làm được cho con và tiếp tục cần làm gì để trợ giúp cả thầy và trò trong chặng đường học tập tiếp theo.
Thấy trong lòng tràn đầy niềm lạc quan và tin tưởng vào nền giáo dục mà con trai đang được hưởng. Quên đi hết mọi lo lắng và căng thẳng trước buổi kiểm tra. Cảm thấy yêu cả hai cô trò biết bao!
*
Tôi sẽ nhớ một giờ kiểm tra chất lượng này suốt đời, vì nó giúp tôi hiểu hơn các thầy cô đã đầu tư biết bao sức lực và trí tuệ để có được buổi kiểm tra chất lượng trong vòng một tiếng nhưng vô cùng toàn diện, giúp cả các thầy cô và cha mẹ thấu hiểu về trình độ, khả năng của con em mình.
Bài viết nhỏ trên đây được viết lại từ kinh nghiệm thực tế của chính tôi và con trai mình. Nó chỉ ghi lại thực tiễn sinh động về một nền giáo dục không chỉ gồm nững “lý thuyết mầu xám” ở đất nước nơi tôi đang sinh sống.
Nhưng thiết nghĩ nó cũng có những thông tin hữu ích để chúng ta học hỏi. Trước hết nó giúp chúng ta hiểu vai trò đầu tầu của người thầy nói riêng và những nhà giáo dục nói chung trong tiến trình giáo dục con trẻ, ngay từ những ngày đầu còn non nớt mới tới trường.
Ngay từ giai đoạn khởi đầu, các nhà giáo dục đã cần đầu tư thời gian và tâm sức để vạch ra kế hoạch và phương hướng giáo dục cụ thể, khoa học, phù hợp với lứa tuổi học trò nhằm đạt tới mục đích giáo dục hiệu quả vì tương lai con em chúng ta.
Với tư cách là giáo viên, là nhà giáo dục, được trả lương để đặt vào vị trí của người làm giáo dục, các nhà sư phạm và các thầy cô phải là người trước hết nghĩ ra cách thức và phương pháp giáo dục tốt nhất, phù hợp nhất với học trò, vì lợi ích của học trò, đồng thời xứng đáng với đồng lương của họ được hưởng và trách nhiệm của họ được trao.
Cũng chính các thầy chứ không ai khác phải tìm được cách tốt nhất để hướng dẫn học trò cùng phụ huynh học sinh hỗ trợ họ trong việc hoàn thành trọng trách giáo dục được giao phó của mình. Chứ không thể như nhà văn Trang Hạ từng viết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là một nạn nhân” của thực trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Khi chúng ta làm việc ở lĩnh vực nào, nhận nhiệm vụ và hưởng quyền lợi trong ngành nghề ấy, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước nhất trong vai trò của mình được giao, và người có chức vụ cao nhất trong hệ thống ấy phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất, bởi “quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ”.
Thêm nữa, chúng ta luôn nói “trẻ em như búp trên cành”, vậy tại sao lại luôn đặt gánh nặng kiến thức quá tải lên vai các em, buộc các em phải tải nặng trong đầu suốt từ thuở ấu thơ?
Hãy tìm cách trao kiến thức cho các em một cách phù hợp nhất với khả năng của từng em, và gợi mở, phát triển những mầm tài năng khi mới bộc lộ. Điều này hiệu quả hơn nhiều khi tìm kiếm những điều phi thường vốn chỉ có ở thiểu số học sinh, rồi hô hào, áp dụng đại trà vào cho cả một tập thể.
Hay việc buộc tất cả học sinh lớp Một đều cần phải đạt chung một trình độ, đạt tới một điểm số tối thiểu nhất định mới được lên lớp ở các lớp trình độ tiểu học cũng là một sự áp đặt thiếu khoa học, thể hiện bệnh thành tích nặng nề.
Điều đó tạo nên áp lực không phải chỉ với các em mà với cả các thầy cô và các bậc phụ huynh khi cứ phải thúc ép con em mình giảm chơi, tăng học, trong khi tuổi của các em là tuổi vui chơi, thông qua vui chơi để tìm hiểu thiên nhiên và cuộc sống.
Đơn cử thêm một chi tiết nữa về việc nền giáo dục nước nhà luôn đề ra khẩu hiệu mà không để tâm tới thực tiễn có phù hợp với trẻ hay không. Đó là việc các thầy cô ở các lớp tiểu học luôn đề cao khẩu hiệu “nét chữ là nét người”.
Khẩu hiệu này đã ăn vào nếp nghĩ với tư duy của các nhà giáo dục và rồi ăn sâu vào đầu óc các phụ huynh học trò nhỏ về việc rèn chữ đẹp. Bởi vậy cả thầy và trò cùng các phụ huynh cứ bò ra lo luyện chữ cho con em mình.
Thử hỏi, người chữ xấu đâu có nhất thiết là không có nếp sống tốt và ngược lại, liệu những người viết chữ đẹp đã hẳn có nếp người đáng trọng?
Hơn nữa việc rèn dũa nên nếp người không thể chỉ kéo dài vài năm có được mà đòi hỏi quá trình lâu dài, trong khi đó việc rèn chữ chỉ diễn trong một hai năm đầu tiểu học, rồi dừng. Vậy có đủ để tạo nên một nếp người?
Trong khi tại Úc nơi chúng tôi đang sinh sống, khi tôi phàn nàn với cô giáo về việc con trai lớn của tôi chữ xấu quá, cô đã hỏi tôi: “Vậy khi các cháu viết, chị có đọc và hiểu được cháu viết gì không?”.
Khi tôi trả lời “tôi hiểu cả, nhưng nhìn không đẹp mắt”, cô nói: “Vậy là đạt yêu cầu về chữ viết. Vì chữ viết là để viết, để đọc và hiểu nghĩa, không phải để ngắm như một tác phẩm nghệ thuật”.
Chỉ với cách giải thích giản dị ấy, cô đã như gỡ giúp tôi một mối lo âu tâm lý không cần thiết, và giảm cho con trai một gánh nặng phấn đấu nhọc nhằn nhằm thỏa mãn khát vọng thành tích của người lớn.
Kết thúc bài viết, tôi tin tưởng rằng với nền giáo dục tiên tiến cùng những định hướng giáo dục khởi điểm rất khoa học và đầy tính nhân văn như tôi được chứng kiến và con trai tôi đang được đón nhận, tôi hoàn toàn yên tâm gửi gắm con trai mình vào tay các thầy cô giáo.
Và tôi cũng tin các trò nhỏ sẽ có một khởi đầu lạc quan để tự tin, vững bước trong hành trình tiếp thu học vấn và tri thức của mình.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...