Những bài học về truyền cảm hứng: ĐÚNG NHƯNG KHÔNG THỂ TÙY TIỆN!

Thứ tư - 26/08/2015 01:32

(NCTG) “Đó không phải những trò đùa để mà có thể tùy tiện áp dụng, đặc biệt là áp dụng đối với trẻ em”.

Trang sách gặp nhiều phản ứng - Ảnh: Internet

Trang sách gặp nhiều phản ứng - Ảnh: Internet

Trên bàn làm việc của tôi vẫn còn giữ các phần mũi tên gãy. Phần thân còn lại có ghi ba nỗi sợ mà qua phần thử thách bẻ gãy mũi tên thì tôi được-cho-là đã “loại bỏ” được.

Tôi giữ chúng như là một kỷ niệm và một lời nhắc trong tâm trí rằng nếu có quyết tâm đối diện với thử thách và thực sự hành động tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn. Đây là phần thực hành trong bài học đi xuyên qua sự sợ hãi ở một lớp học truyền cảm hứng mà tôi tham dự gần đây. Mũi tên nhọn đầu đặt lên yết hầu được dùng trong phép ẩn dụ cho bài học vượt qua nỗi sợ hãi đó.

Việc thực hành bài học trên có vẻ không khác với việc cho trẻ em đi trên những mảnh thủy tinh để rèn sự dũng cảm như trong một trang sách mà tôi được biết sáng nay.

Không! Khác nhiều chứ!

Cái khác đầu tiên là đối tượng và phạm vi thực hiện. Chúng tôi dù sao cũng là người lớn, biết chịu trách nhiệm và biết rõ đúng sai cũng như nếu thấy cần dừng sẽ dừng. Trước khi chúng tôi được phép thực hành phép ẩn dụ đó, tất cả phải ký vào văn bản Miễn trừ trách nhiệm cho đơn vị tổ chức trong bất kỳ sai sót nào xảy ra kể cả việc đầu mũi tên đâm xuyên cổ họng hoặc tai nạn nào đó.

Còn ở bài học đi trên thủy tinh như trong sách đã xuất bản (ở hình) được thực hiện với các em nhỏ. Ở tuổi đó, chúng sẽ chỉ biết nghe lời cô. Có thể nếu không dám nhưng lại sợ cô nên sẽ liều. Thêm nữa, chúng tôi học trong phạm vi một lớp học và tài liệu không in ấn phát ra bên ngoài nên mọi hướng dẫn của giáo viên rất cụ thể. Việc chọn mũi tên và thực hiện có sự giám sát, kiểm nghiệm (pre-test).
 
Một bài học về truyền cảm hứng được áp dụng với người đã trưởng thành, nhằm giúp người tham gia vượt qua nỗi sợ hãi
Một bài học về truyền cảm hứng được áp dụng với người đã trưởng thành, nhằm giúp người tham gia vượt qua nỗi sợ hãi

Còn với vụ dẫm lên thủy tinh, tôi không rõ người viết sách có hình dung được sách của họ sẽ đi tới những đâu, đối tượng sẽ áp dụng là những ai. Người viết sách liệu có quan tâm tới việc kiểm soát tình huống? Họ không đưa ra hướng dẫn cụ thể cũng như không cảnh báo nguy cơ tai nạn. Người viết sách cũng không biết ai, đối tượng nào sẽ thực hành theo cách mà họ viết.

Nói thể để thấy họ thực sự vô trách nhiệm. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự vô trách nhiệm nếu các con bị sứt chân tay và chưa kể tới những “sang chấn” tâm lý khi có gì đó xảy ra?

Trong khóa học, chúng tôi cũng được trải nghiệm phần thực hành đốt tiền để xem đồng tiền làm chủ mình hay mình làm chủ đồng tiền (xin phép không mô tả cụ thể ra đây). Tôi là người đi đầu hàng. Tôi đã không đốt tiền khi đi qua cây nến. Nhiều người sau tôi “chấp nhận” bị coi là hèn và nhất quyết không đốt.

Bài thực hành kết thúc. Không khí khán phòng nóng lên ở phần hỏi đáp. Có bạn trẻ nói nếu đến lượt sẽ đốt vì anh ta muốn thử cảm giác đốt tờ tiền để nhìn màu lửa xanh bén lên kèm theo mùi khói cháy. Có người căng thẳng nói vào micro là muốn lên đấm vào mặt người hướng dẫn vì đã đặt mọi người bên bờ vực của sự vi phạm pháp luật (đốt tiền thật). Thực tế, bài học rút ra là bạn phải biết trân quý đồng tiền.

Tôi không biết biết có phải người viết sách cũng từng là một trong số các học viên ở những lớp trước của khóa học mà chúng tôi tham gia không? Nhiều người, sau những khóa học ấy đã khởi nghiệp và mang ra ngoài xã hội để áp dụng với nhiều biến thể khác. Họ có thể đổi hình thức như cho học viên ngã từ độ cao 5 mét xuống hoặc như cách đi trên mảnh thủy tinh để chứng tỏ lòng dũng cảm của mình.
 
Đi chân trần trên thảm thủy tinh không phải là trò đùa để có thể áp dụng tùy tiện với trẻ em - Ảnh minh họa
Đi chân trần trên thảm thủy tinh không phải là trò đùa để có thể áp dụng tùy tiện với trẻ em - Ảnh minh họa

Nếu bạn từng tham gia một lớp học truyền cảm hứng nào đó, bạn cũng nhận ra vài tác dụng nhất định. Lũ người lớn chúng tôi ai cũng vui mừng khi mình bẻ gẫy được mũi tên đó không phải bằng tay. Chúng tôi cổ vũ những người bạn khi họ chưa bẻ được. Có người khá run và phải làm đi làm lại vài ba lần. Tất nhiên, ai sau năm lần bảy lượt thì cũng làm gãy được mũi tên vì thầy giáo đã kiểm định và thử độ an toàn của chúng.

Còn nhiều câu chuyện tôi nghe hoặc những bài thực hành về cách truyền cảm hứng mà tôi đã trải qua... Nhưng tôi muốn nói, đó cũng không phải những trò đùa để mà có thể tùy tiện áp dụng, đặc biệt là áp dụng đối với trẻ em.

Minh Đỗ, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn